Dạy bé hiểu về lòng biết ơn

Biết ơn người khác là một trong những phẩm chất của con người trưởng thành. Hãy dạy bé nhà bạn hiểu về lòng biết ơn ngay từ nhỏ với những phương pháp dưới đây nhé!

1. Không nên làm tất cả thay cho trẻ

Đầu tiên, các bậc cha mẹ nên hiểu rằng không phải cứ làm cho con tất cả mọi việc là tốt và việc can thiệp quá nhiều vào đời sống riêng, chăm sóc con thái quá nhiều khi lại hại con và làm giảm tình cảm gia đình.
Nếu cứ chăm chăm bảo vệ, tìm cách bao bọc con thì dần dần trẻ sẽ nghĩ đó là điều đương nhiên, là trách nhiệm của cha mẹ. Từ đó, trẻ sẽ không hiểu được sự hy sinh cha mẹ dành cho mình, không có lòng biết ơn công lao của cha mẹ. Mặt khác, trẻ còn có thói quen ỷ lại, không có khả năng sống tự lập.

2. Không cho trẻ “độc quyền” hưởng thứ tốt nhất


Từ nhỏ luôn được cha mẹ yêu chiều, dành cho những thức ăn ngon nhất trong bữa ăn sẽ làm trẻ cho rằng mình nghiễm nhiên có đặc quyền hưởng những thứ ngon nhất, tốt nhất, đẹp nhất.
Trẻ sẽ không hiểu đó là tình yêu thương, là sự nhường nhịn và lớn lên chỉ biết yêu cầu, đòi hỏi từ người khác. Rất có thể trẻ còn không để ý đến cảm xúc của người khác, không biết chăm sóc cho cha mẹ và người thân.

3. Không để cho trẻ “cứ đòi là được”


Dù yêu con, thương con đến mấy thì các bậc phụ huynh cũng nên xem xét kỹ những yêu cầu của con trẻ, nếu thấy hợp lý thì đáp ứng, còn không thì phải kiên quyết từ chối và giải thích cho trẻ hiểu vì sao yêu cầu đó không hợp lý.
Không nên để cho trẻ có thói quen đòi trăng là được trăng, đòi sao là được sao. Hãy tạo cho trẻ cơ hội để hiểu rằng mọi thứ trên đời không phải tự nhiên mà có nên trẻ cần nỗ lực cố gắng mới có được thứ mình muốn.  

4. Chia sẻ khó khăn với trẻ

Tùy theo từng độ tuổi và giai đoạn phát triển của trẻ mà bạn có cách “tâm sự”, chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống, công việc của chính bạn và gia đình với con mình.




Đừng nghĩ trẻ nhỏ không thể hiểu được những điều đó, chúng hiểu và cảm nhận được, chỉ là chưa hiểu tường tận và chưa biết cách ứng xử thích hợp mà thôi. Hãy để trẻ dần dần hiểu rằng cuộc sống không dễ dàng mà luôn có thách thức và áp lực.
Trong thực tế, nhiều bậc cha mẹ thường giấu con những khó khăn của bản thân, của gia đình. Họ luôn muốn con sống trong một thế giới “vô trùng”, một thế giới chỉ có nụ cười và niềm vui.
Cách làm đó tuy xuất phát từ lòng yêu con vô bờ bến nhưng không phải là phương pháp dạy con hiệu quả. Thay vào đó, hãy coi và tôn trọng con như một người bạn để có thể chia sẻ không chỉ niềm vui, hạnh phúc mà còn chia sẻ cả sự khó khăn và những nỗi buồn. Như thế trẻ sẽ dần trưởng thành với thời gian, có suy nghĩ chín chắn và trở thành một con người tích cực, biết phấn đấu và có lòng biết ơn.

5. Làm gương cho con cái noi theo


Nói năng lễ phép, cử chỉ đúng mực, dành món ăn ngon nhất cho người cao tuổi trong gia đình ăn trước; dịp lễ tết tặng quà cho ông bà, bố mẹ; thường xuyên gọi điện thăm hỏi bố mẹ, ông bà nếu ở xa… là những ví dụ điển hình và trực quan mà bạn có thể thực hiển con mình có thể học theo.
Trẻ con chịu ảnh hưởng đầu tiên và sâu sắc nhất từ bố mẹ của mình, vì vậy cách bạn tỏ lòng biết ơn với những người xung quanh là phương pháp hiệu quả hơn nhiều khi bạn chỉ rao giảng lý thuyết suông với trẻ.

6. Tạo cơ hội cho trẻ tỏ lòng biết ơn

Khi trẻ muốn giúp bạn một việc gì đấy, nhất định không được nói: “Con học bài/đọc sách là được rồi”. Bởi các bậc cha mẹ thường coi học tốt và ngoan ngoãn là trách nhiệm lớn nhất của con cái lúc còn nhỏ nên câu cửa miệng luôn là nhắc con học bài, làm bài, chăm chỉ…
Làm như vậy sẽ khiến con trẻ bị áp lực về việc học và “thui chột” sự bày tỏ lòng biết ơn đối với bố mẹ. Chẳng lẽ biết ơn bố mẹ, ông bà và những người khác chỉ có cách là học tốt thôi sao? Hãy tạo cơ hội cho trẻ thể hiện lòng biết ơn là lời khuyên từ các chuyên gia tâm lý.


Theo Trí Thức Trẻ