Học Vấn và Học Phí

Không chỉ riêng người Việt, mà sắc dân nào sinh sống tại Hoa Kỳ cũng ý thức được nhu cầu học vấn của con; họ quan niệm mua cho con cái xe đẹp là việc có ưu tiên thấp hơn việc mua cho chúng một văn bằng cao; quan niệm đó được diễn dịch bằng câu “cho con cây cần câu, một đời sau no ấm”. Việc không cậu thạc sĩ nào đói, không cô bác sĩ nào túng không hề là bí mật đối với bất cứ ai.Ai cũng muốn cho con học đại học, nhưng mua cho con mảnh bằng cử nhân, thạc sĩ, hay dược sĩ, bác sĩ không giản dị như mua cho chúng chiếc Mercedes hay Lexus; ngoài ra đối với đa số gia đình có lợi tức trung bình, thì học phí quá cao đang là cái giá quá đắt của học vấn, và là vấn đề nhức đầu của mọi người.
Học phí lại mỗi năm mỗi tăng; một vài con số điển hình về học phí – gồm tiền học, tiền nội trú và phí tổn cho niên học 2011-2012 ở một vài trường đại học danh tiếng được liệt kê như sau:
Columbia University – TBD – 2010-2011 cost was $56,684
Dartmouth College – 5.9% increase – $55,365
Cornell University – 4.5% increase – $54,645
University of Pennsylvania – 3.9% increase – $53,976
Brown University – 3.5% increase – $53,136
Yale University – 5.8% increase – $52,700
Harvard University – 3.8% increase – $52,650
Princeton University – 1% increase – $49,069
Giá học phí này cao nhất Hoa Kỳ, và chắc chắn cao hơn khả năng nuôi con ăn học của nhiều gia đình Việt Nam với lợi tức không cao hơn $50,000/năm.
Những con số này giải thích niềm hãnh diện của tiến sĩ James Muyskens, Viện trưởng Viện Đại học Queens College – một bộ phận của hệ thống City University của thành phố New York; Muyskens hãnh diện vì chỉ với học phí $5,730 mỗi năm, ông vẫn đạt được cho Queens College thành tích trường giỏi nhất tiểu bang về toàn khoa, giỏi nhất về khoa văn hóa tổng quát, giỏi hơn cả 8 trường Ivy League, và đặc biệt là chi tiết: sinh quán của trên 50% sinh viên Queens College không phải là Hoa Kỳ.
Chào đời tại các quốc gia khác, sinh viên thường không nói tiếng Anh trong gia đình, do đó khả năng của họ hiểu và thấm nhập môn học thường thấp hơn những người bạn học của họ sinh trưởng tại Hoa Kỳ.
Trong nỗ lực khuyến khích sinh viên nghèo và giỏi, Tổng thống Obama đang phối hợp 2 yếu tố học vấn và học phí vào với nhau thành một bản đánh giá các trường đại học trong bảng ưu tiên trợ giúp tài chánh cho sinh viên (financial aid). Quỹ financial aid $150 tỉ của Liên Bang năm nay sẽ được phân phối theo giá trị phối hợp giữa học vấn và học phí cho các trường đại học toàn quốc. Trường nào dạy giỏi, học phí nhẹ sẽ có ưu tiên hơn trong danh sách nhận financial aid. Nhận xét về chính sách cấp financial aid này, ký giả Ariel Kaminer viết trên tờ The New York Times, “Nếu ngân sách này được thông qua, thì lối khuyến học của chính phủ không chỉ đánh giá lại các trường đại học, mà còn là một vấn đề sinh, tử nữa”.
“Sinh tử” vì “dạy giỏi” chỉ còn là một trong 2 yếu tố để đánh giá trường đại học; yếu tố thứ nhì là “dạy rẻ”. Trường nào vừa giỏi, vừa rẻ là trường có ưu tiên cao hơn để nhận trợ cấp của chính phủ.
Giáo sư Kinh tế Judith Scott-Clayton, trường Sư Phạm Columbia University’s Teachers College, nhận xét, “Nghe thì hay lắm, người nào cũng muốn nghe đánh giá đúng các trường đại học, nhưng những tiêu chuẩn để đánh giá lại hết sức phức tạp; khó lắm”.
Cô giáo sư trẻ Judith Scott-Clayton có lý; lối đánh giá các trường đại học của tổng thống chỉ nặng hơn những lối đánh giá khác $150 tỉ. Tờ U.S. News and World Report, cũng có bản đánh giá “best value” hằng năm, được độc giả giàu rất tín nhiệm, và để độc giả nghèo bùi ngùi thương con, rồi tự trách mình không đủ tiền gửi con đi học trường dạy giỏi.
Không chỉ riêng tờ US NEWS and WORLD REPORT mới có bản đánh giá các trường đại học, tạp chí Princeton Review của trường Princeton, tờ Forbes Magazine, tờ The Wall Street Journal, và những tờ The Alumni Factor, Kiplinger’s Personal Finance and Payscale cũng có những bản đánh giá riêng của họ, và cũng được độc giả tín nhiệm.
Tuy nhiên, ngân sách trợ giúp đại học của Obama không chỉ đánh giá suông mà còn khuyến khích các trường “dạy giỏi” đạt thêm tiêu chuẩn “học phí thấp” nữa.
Tổng trưởng Giáo dục Arne Duncan minh định là chính phủ không có ý giới thiệu những trường xuất sắc. “Chúng tôi quan tâm về điều kiện sinh viên nhập học, về tỉ lệ sinh viên được nhận Pell grants (trợ cấp học phí), chúng tôi còn quan tâm đến học phí, học bổng, và tiền cho sinh viên vay. Những quan tâm “nhập học” đặt trên ngưỡng cổng vào đại học; họ tốt nghiệp như thế nào cũng rất quan trọng đối với chúng tôi, tôi muốn nói đến tỉ lệ tốt nghiệp, tỉ lệ được tuyển dụng vào sinh hoạt kinh tế, kỹ nghệ, doanh thương ngoài xã hội, và tỉ lệ cựu sinh viên hài lòng với ngôi trường cũ của họ”.
Nhận định về những nỗ lực của chính phủ để nâng đỡ sinh viên nghèo, và khả năng của các trường đại học đào tạo nhân lực cung cấp cho mọi sinh hoạt kinh tế, xã hội của Hoa Kỳ, bà Carolyn Hosby, giáo sư dạy Stanford, tỏ ra không lạc quan.
“Không dễ tạo ra một hệ thống đánh giá các trường đại học như vậy được,” bà Hosby nói. “Chính phủ chỉ đặt nặng những giá trị xã hội, như mở cửa đại học cho thật nhiều sinh viên nghèo, mà không quan tâm đến giá trị sư phạm của trường. Chính phủ sẽ hy sinh phẩm chất kiến thức, để đánh đổi lấy số lượng đông đảo sinh viên tốt nghiệp”.
Là một giáo sư, bà Hosby muốn duy trì quan điểm cho là chỉ có thể đánh giá trường đại học căn cứ trên yếu tố “dạy giỏi”; tuy nhiên trong cương vị tổng thống, ông Obama có nhu cầu đặt thêm yếu tố “dạy rẻ” cũng rất đúng, và đáng được ca ngợi như một thành tích công bằng xã hội trên địa hạt đại học.
Một tiêu chuẩn thường được đem ra để đánh giá sự thành công của trường đại học là số lương doanh nghiệp trả cho những tân khoa mới tốt nghiệp; theo thống kê năm ngoái thì 81,673 sinh viên mới tốt nghiệp được trả $60,000, trong lúc có đến 185,565 cô cậu tân khoa chỉ lãnh dưới $40,000.
Sự chênh lệch lương bổng, do yếu tố tốt nghiệp từ trường nào, ít hơn yếu tố tốt nghiệp ngành nghề gì. Gia đình Việt Nam chúng ta thường khuyến khích con theo y học. Theo mạng Medscape của ngành y khoa thì vị bác sĩ lãnh lương thấp nhất hiện nay là $156,000, và cao nhất là $471,253.
Nhiều người Mỹ mở trương mục học phí đại học cho con ngay vào ngày đứa bé sơ sinh cất tiếng khóc chào đời, mặc dù chưa cô, cậu nào biết những khó khăn đại học mai phục chờ chúng.
Thi sĩ Hoài Trung, một cậu cử nhân mới toanh không học đại học bằng trương mục học phí, mà trả học phí bằng mồ hôi của mẹ. Cậu ca tụng bàn tay mẹ cậu nuôi cậu ăn học.
Dưới đây là 4 trong 28 câu thơ Hoài Trung viết trong bài BÀN TAY MẸ:
Cảm ơn Mẹ, nghề tay chân
Ngày ngày phục vụ công dân,
Chiều chiều dạy con thật thà,
Chuyên tâm phục vụ nước nhà.


Mẹ cậu cử Trung là một cô thợ nail; ngày ngày cặm cụi giũa móng tay cho bá tánh, cắt củm dành dụm từng đồng tiền típ, mua được cho Hoài Trung một cây cần câu, bảo đảm một đời no ấm cho con.
Toàn bộ 8 trường Ivy, không trường nào nhận đồng tiền mồ hôi của cô đóng học phí cho con; họ chê “ít quá”, nhưng Hoài Trung vẫn ra đại học, và đang phục vụ nước nhà –cả 2 nước Việt Nam và Hoa Kỳ– tuân lời mẹ dạy.

Nguyễn đạt Thịnh