Tôi về Mỹ, ông chồng càm ràm:
- Thế là bà… “há miệng mắc quai” nhá!” “Xôi chùa ngọt miệng” có khác!Bà chép miệng thở ra:
- Thôi thì lỡ… hứa rồi. Nhà mình hai phòng bỏ trống cũng uổng. Bề gì mỗi tháng nó nộp cho ông ba trăm đồng để ông rủng rỉnh có tiền tiêu vặt. Thằng này tôi thấy nó hiền ông à.
Tuấn qua đây lúc nó 17 tuổi, đang học junior tương đương với lớp 11 ở Việt nam. Nó đi học trường Fairmont là trường tư bằng xe bus và ăn cơm… ngón, còn gọi là cơm… chỉ ở khu người Việt. Nó ít bạn, học nhiều hơn chơi, ăn ở sạch sẽ, tỏ ra biết điều, không sử dụng đồ đạc và bếp núc trong nhà. Ngoài thì giờ học và chơi tennis, nó quanh quẩn trong phòng chơi game, nghe nhạc, xem phim. Cũng may, nó là đứa du học sinh ngoan. Nhà có hai vợ chồng già, có Tuấn cũng yên tâm nhất là mỗi khi đi đâu xa, nhờ Tuấn coi nhà và tưới dùm mấy chậu kiểng cũng đỡ.
Học xong lớp 12, ba má Tuấn qua Mỹ tìm cách cho Tuấn về Irvine học đại học cộng đồng gần chú để chú chăm sóc nó. Được năm thứ nhất, bà Liên qua Mỹ, năn nỉ vợ chồng tôi cho nó ở trọ tiếp. Bà nói nó quen thức ăn Việt nam ở khu người Việt. Lý do chính là nó không thích ở với chú, bị chú kềm kẹp mất tự do, bị bà thím khó tính “đì” nên nó bất mãn. Nó rất thích ở nhà tôi. Tôi nghe thấy tội nghiệp. Tôi nghĩ thằng con mình mấy năm trước đi học xa nhà, cũng phải “share” phòng. Con mình may mắn đều gặp quý nhân giúp đỡ. Thôi thì người khác giúp con mình, mình giúp nó nhưng tôi ra điều kiện không được dắt bạn gái về nhà. Tôi bắt nó hứa trước mặt tôi và má nó. Dù sao, lý do chính vẫn là mỗi lần về Việt nam, đúng như ông chồng nói tôi cứ bị “xôi chùa ngọt miệng”cho nên “há miệng mắc quai” hoài mà vẫn không …chừa!
Xa Tuấn hơn một năm thấy chàng ta trổ mã, cao lớn, râu mọc lún phún, nói chuyện tỏ ra sành đời, thỉnh thoảng vỏ chai bia vất tùm lum ngoài vườn, tàn thuốc lá rơi vãi đầy sân sau. Nó chuyển về đại học Fullerton, đi học bằng chiếc xe mới toanh má nó mới tậu cho. Con nhà “đại gia” du học Mỹ có khác. Má nó nói mua xe mới để đi học an toàn. Mới ở có vài tháng, một ngày đẹp trời, nó dẫn một cô bạn gái về nhà, giới thiệu bạn học cùng lớp. Cái thằng xí trai, có cái môi thâm xì, nước da xám xịt, hàm răng cái chìa ra, cái thụt vô thế mà có cô bạn gái xinh ra phết.
Tôi để ý canh me con nhỏ bằng… đôi giày. Hôm nào có đôi giày ở sân vườn là biết có “Em đến thăm anh một chiều mưa”. Lâu ngày, đôi giày của “em” “…để quên đường về” càng ngày càng xuất hiện đều đặn làm tôi và ông chồng “bốn mắt nhìn nhau…trào máu họng.” Ông cằn nhằn:
- Nó hứa hẹn với bà thế nào mà bây giờ dắt gái về nhà? Con nhỏ…khôn lắm. Nó sợ mình biết nên xách đôi giày lên phòng. Nó ở lại hằng đêm bà biết không? Năm giờ sáng, con nhỏ “dù” về sớm. Mình còn ngủ đâu có thấy! Sáng nay, tình cờ tôi dậy kiếm viên thuốc, nó từ phòng thằng Tuấn đi ra. Nó còn cười chào tôi làm tôi... mắc cỡ. Tôi mắc cỡ dùm nó đó bà. Bà coi chuyện ngược đời chưa?
Bà nhỏ nhẹ:
- Tôi không thấy nhưng tôi biết. Từ từ ông để tôi lựa lời nói thằng Tuấn. Nó biết tôi không chấp nhận cái chuyện cho bạn gái ngủ đêm. Ban ngày thì …ô-kê cho tụi nó học hành với nhau. Tôi sẽ nói chuyện với nó. Má nó giao nó cho tôi. Nó hứa phải giữ lời.
Ông ngồi nhìn ra vườn. Cửa vườn mở. “Đôi trẻ” tung tăng đi học về, vai trĩu nặng chiếc ba lô đầy sách vở. Thằng Tuấn tay xách hai túi “to go” thức ăn, con nhỏ xách hai ly nước. Hai đứa đùa giỡn trông thật hồn nhiên, vô tư và hạnh phúc. Chúng như đôi chim non ríu ra ríu rít thật là dễ thương, không biết hai ông bà đang giương cung sắp… bắn vào chiếc tổ ấm của… đôi uyên ương. Thấy hai đứa, ông bỏ lên lầu còn thòng thêm một câu:
- Ông bà xưa nói “Tối lửa tắt đèn, nhà ngói cũng như nhà tranh”. Đêm với chả ngày! Tranh, ngói, ngày, đêm cũng… “xêm xêm”. Vấn đề là nó hứa với bà. Nguyên tắc nhà này không có chứa…phụ nữ. Con cái nhà ai mới nứt mắt ra mà tự do thế không biết! Con gái mình đâu có vậy!
- Xưa rồi ông ơi. Nó không phải “nứt mắt ra” như ông nói đâu! Con cái sinh ra và lớn lên ở xứ Mỹ này, đúng 18 tuổi, nó có đủ thứ…quyền nhất là quyền tự do sống cuộc đời của nó. Con gái ông là trường hợp đặc biệt vì nó lớn lên ở Việt nam. Nó qua Mỹ năm 18 tuổi. 18 năm ông “gò”, ông “uốn” con ông theo kiểu Việt nam thì được. Qua đến xứ này, ông dạy con kiểu đó, nó “bứt” ra mấy hồi. Thôi, không bàn nữa. Nó vô nhà rồi kìa.
Con nhỏ vào nhà. Nó “chuyên trị” cái quần “sọt”, vải “jean” te tua, ngắn ngủn, bao đủ cái mông cong vòng và cái áo hai dây lòi bộ ngực to như hai trái cam sành. Đôi khi nó không mặc áo lót lộ ra hai núm vú dưới làn áo mỏng như hai nút áo. Nó đi núng na núng nính theo từng bước chân tung tăng như con chim sáo. Mùa hè, trông nó “mát trời ông địa”. Lần nào gặp ông bà, nó cũng khoanh tay cúi đầu chào lễ phép. Ông vắng nhà, chỉ có bà dưới bếp, nó xà rà hỏi han gợi chuyện, khi thì khen con chó “Sugar”dễ thương, khi thì chậu hoa ngọc lan mới nở thơm quá, khi thì bác mới cắt tóc trông thật là trẻ, khi thì giúp bà tắm chó khi không có ông ở nhà. Nó biết ông “gờm” nên gặp ông, nó chào xong rồi đi một mạch lên phòng. Ông nhìn theo, lắc đầu, “xì” một tiếng rồi bắt đầu “comment” bằng những lời lẽ văn chương ví von, hay ho nhất mà ký ức ông còn nhớ được.
- Con nhỏ này “giả nai” đó bà. Không “giả nai” thì “giả mù sa mưa”. Không “giả mù sa mưa” thì là “cáo già đội lốt nai tơ”. Nó “khôn lỏi”. Đâu phải cứ khoanh tay cúi đầu chào là con nhà lành. Con gái có cặp mắt lá dăm dài có đuôi, đưa đẩy như thế làm gì thằng Tuấn không mê mệt. “Gái phải hơi trai như thài lài phải cứt chó”. Con nhỏ bám thằng Tuấn vì thằng này cha mẹ giàu có tiền. Rồi bà coi nó “bắt địa” thằng nhỏ tới …bến đò Thủ Thiêm luôn.
Bà bênh nó:
- Ông sao có thành kiến quá! Còn làm thầy tướng nữa. Con cái gốc Việt, sinh ra và lớn lên ở xứ Mỹ biết khoanh tay cúi đầu chào lễ phép như vậy…hiếm lắm ông à.Gia đình nó chắc cũng đàng hoàng. Con nhỏ phải được giáo dục trong một môi trường và văn hóa Việt nam mới biết chào người lớn theo “truyền thống” khoanh tay, cúi đầu như nó.Tuy sống theo kiểu Mỹ nhưng nó cũng có những tính cách dễ thương như lễ phép, quan tâm đến người già. Ông nói ác coi chừng mang khẩu nghiệp đó nha.
- Nhờ nó đi Tây ninh bỏ dấu…nặng nên bà cho nó ở đây với thằng Tuấn chớ gì. Cả tháng nay tui chưa thấy bà nói gì về chuyện con nhỏ. Tui không ham ba trăm bạc của nó đâu bà ơi! Chuyện khoanh tay cúi đầu chào đứa nào làm chả được. Con nhỏ đóng tuồng giỏi. Môi trường, văn hóa Việt nam hả? Con nhà lành không có cái kiểu sống Mỹ và ăn mặc như nó.
- Ông khó và cổ lổ sĩ quá! May là con ông lấy chồng, cưới vợ đàng hoàng nếu không hai đứa ở vậy làm trai già, gái già vì ảnh hưởng cái khó tánh như ông. Thôi dẹp. Nói nữa thành gây lộn.
Ở xứ Mỹ, con cái Mỹ gốc Việt, nếu biết chút tiếng Việt, được cha mẹ dạy dỗ, nó sẽ nói “Chào bác, bác khỏe không” là quý lắm rồi. Có đứa khi gặp: “Hi! Bác”. Khi về: “Bye! Bác”. Ngôn ngữ chào hỏi các bậc trưởng thượng ngang hàng với bố mẹ chúng, đối với con cái sinh ra ở Mỹ, ít nói tiếng Việt ở nhà, có khi hiếm hoi và đơn giản có thế nhưng không phải vì vậy mà nó vô lễ với người lớn. Tiếng Việt của chúng nó “nghèo” quá! Ngược lại, con bé này nó khôn khéo, biết xã giao, tỏ ra từng trải, hiểu đời và khôn lanh hơn thằng Tuấn “gà tồ” nhà ta nhiều. Nói cho cùng đâu phải lỗi của nó. Lỗi thằng Tuấn. Bà chưa biết phải nói gì với thằng Tuấn.
Bà ngắm kỹ con bé. Nó trông tròn trịa, tươi mát, da thịt trắng trẻo, nét mặt thanh tú, xinh xắn, nói tiếng Việt rành sáu câu. Bà cứ thắc mắc về gốc gác “tiểu thơ con cái nhà ai”mà đến ở với bạn trai, có lối sống như con gái Mỹ? Bố mẹ nó thuộc thành phần nào, có bao giờ tìm hiểu về con gái mình sống ở đâu, ở với ai, học hành thế nào? Văn hóa Mỹ khác với văn hóa Việt nam trong cách sống của giới trẻ và cách suy nghĩ của các bậc làm cha mẹ. Con cái các gia đình còn giữ được nề nếp Việt nam, sau 18 tuổi, chúng vẫn ở với cha mẹ để học tiếp lên đại học trừ phi phải dọn đi vì học trường xa. Các bậc cha mẹ cũng muốn con cái đi học gần nhà và ở gần mình càng…lâu càng tốt để chăm sóc và kiểm soát chúng theo kiểu “áo mặc không qua khỏi đầu”. Cách suy nghĩ này đã gây nhiều mâu thuẫn và rạn nứt trong quan hệ giữa cha mẹ và con cái.
Vài năm trước đây, trong cộng đồng người Việt có trường hợp cậu con trai sống bên cạnh bà mẹ bệnh hoạn, bị bà kềm kẹp về chuyện học hành, cậu bị ẩn ức sinh ra bệnh trầm cảm, căng thẳng thần kinh. Trong lúc nóng giận, cậu vô tình bóp cổ mẹ.Cậu bị kết tội giết người. Cái chết này một thời đã gây dư luận tranh cãi về những xung đột trong gia đình Viêt nam và sự khác biệt giữa hai nền văn hóa Mỹ -Việt.
Trái lại, văn hóa Mỹ tạo cho con cái có tinh thần tự lập. Sau 18 tuổi, chúng thích bay nhảy, thường tìm cách đi học xa hoặc thuê phòng ở riêng với bạn gái hoặc bạn trai, vừa học vừa đi làm tự kiếm sống nhưng nếu…kẹt về tài chánh thì lại về cầu cứu bố mẹ. Bố mẹ Mỹ cũng quen với “truyền thống” “moving” và tinh thần tự lập nên họ không “ôm ấp” con cái như bố mẹ Việt. Khi chúng muốn “tung cánh chim… đừng về tổ ấm” nữa, họ xem đó là chuyện bình thường. Có các bậc cha mẹ Mỹ còn muốn cho con cái… mau đến tuổi 18 để chúng có trách nhiệm, ra đời, học kinh nghiệm cho biết mùi đời.
Con cái gốc Việt sinh ra và lớn lên ở Mỹ sau này cũng ảnh hưởng lối sống theo Mỹ làm cho bố mẹ Việt nam nhức đầu không ít. Giữa hai nền giáo dục tự do, cởi mở, thực tiễn của Mỹ và nền giáo dục Á đông gò bó, khép kín, bảo thủ, cấm đoán với những nguyên tắc khắt khe như “nam nữ thọ thọ bất thân (sau này được sửa lại cho hợp với thời đại mới “nam nữ thọ thọ…sướng thân!), không phải là vấn đề đúng sai nữa mà các bậc cha mẹ Việt nam, đa số chọn phương pháp dung hòa, dựa trên tình thương yêu và hiểu biết để giữ chân con cái gần với mình càng lâu càng tốt nhất là sau khi chúng sắp lên đại học, cầm chắc thời gian sống gần với con không còn bao xa.
Dung, bạn gái của Tuấn là trường hợp điển hình. Do nhu cầu về tâm, sinh lý, chúng gặp nhau, yêu nhau, kết làm “boy friend”, “girl friend”, sống chung với nhau. “So far so good”. Đến đâu hay đến đó. Chúng không ký hợp đồng hôn nhân hay hứa hẹn yêu thương suốt đời hoặc có những ràng buộc gì về xã hội hay pháp lý. Chúng được giáo dục kỹ thời còn học trung học các phương pháp để đừng có “baby” và ngăn ngừa bệnh tật trong quan hệ nam nữ.
Nền giáo dục thực dụng ở xứ Mỹ này có điểm lợi là cung cấp tất cả kiến thức cho giới trẻ để chúng làm hành trang ra đời khác hẳn với văn hóa Á đông. Giới trẻ thời “teen” như ông bà ngày xưa chỉ âm thầm tìm hiểu qua sách vở, phim ảnh hay bạn bè các vấn đề nhạy cảm như giới tính, bầu bì, bệnh hoạn… hoặc các vấn đề cấm kỵ khác.
Cái thời của cụ Khổng “nam nữ thọ thọ bất thân” đã lạc hậu lắm rồi. Anh chàng Lục Vân Tiên của cụ Nguyễn Đình Chiểu ngây ngô, hoảng hốt khua tay bảo với nàng Kiều Nguyệt Nga “ Khoan khoan ngồi đó chớ ra.Nàng là phận gái ta là phận trai” trở thành một huyền thoại ở xứ Mỹ này. Chữ “trinh” bây giờ được các con, các cháu ca bài “xưa” quá rồi “Diễm”ơi!. Cô dâu nào còn trinh tiết về nhà chồng được xem như “quê một cục” và đếm trên đầu ngón tay. Chúng đều trải qua “trial marriage” trước khi đi đến quyết định kết hôn. Vậy mà tỷ lệ ly dị vẫn là một con số đáng làm cho các bậc cha mẹ và các nhà xã hội học suy nghĩ.
Từ khi có bạn gái, thằng Tuấn càng ngày càng ốm o gầy mòn. Mắt nó trũng sâu, thâm quầng. Khuôn mặt hốc hác, hai gò má nhô lên làm khuôn mặt nó dài ra như mặt ngựa. Da dẻ xám xịt như người mắc bệnh sốt rét. Trái lại, con nhỏ càng ngày càng nõn nà, tươi mát, đầy sức sống. Dạo này, thời tiết chuyển mùa. Trời sắp sang thu. Có những ngày Cali trời trở gió, thằng Tuấn hắt hơi sổ mũi, sụt xà sụt xịt xin bà thuốc uống hoài. Một hôm, quần áo của nó còn sót lại vài cái quần lót nhỏ xí có hai sợi dây mỏng te, vài chiếc vớ màu trong máy sấy, bà gom lại đưa cho Tuấn bảo:
- Tuấn, đồ này của bạn gái con, không phải của bác.
Thằng này miệng mồm lanh chanh chối bai bải:
- Không phải của bạn gái con đâu bác? Của ai…
Bà nổi nóng, sẵn dịp “tới luôn bác tài”, bà vô đề luôn:
- Nhà có hai người đàn bà, không phải của bạn gái con chớ của ai? Bác không có cái loại…dây này. Bác nói cho con biết cả mấy tháng nay bạn gái con đến đây cả ngày cả đêm. Hồi mới dọn về con hứa gì với bác? Bác chỉ cho một mình con ở trọ thôi. Con cho bạn gái về, ăn ở dầm dề. Đồ đạc nhà bếp như dao, kéo, đũa, muỗng, ly, tách… lạc mất hoài, bác cứ phải đi tìm. Hỏi con thì ra con lấy xài rồi cất trong phòng. Có cái mất luôn. Bác trai đổ rác thấy ly bể, chén bể rồi đũa quăng trong thùng rác. Chén dĩa ăn xong để qua đêm, sáng sớm, bác trai phải rửa… Đồ ăn thức uống trong tủ lạnh mới mua, con ăn uống tự do không cần hỏi qua bác một tiếng. Đi sớm về khuya, đèn nhà bếp không tắt, cửa vườn không đóng. Thôi nha, con ở một mình thì được, còn muốn có bạn gái ở chung thì tìm nơi khác. Hai bác không muốn nhà bác có người lạ…
Thằng nhỏ đứng lặng im một hồi và bất ngờ trước một tràng… đại liên bắn xối xả vào nó. Bấy lâu nay, bà chưa nỡ nói thẳng với nó. Nói xong bà thấy hả hê nhưng nghĩ lại cũng tội nghiệp. Nó lớn rồi cũng phải có bạn gái. Đã xem nó như con cháu trong nhà thì tiếc gì ba cái chuyện ăn uống trong tủ lạnh nhưng từ khi có bạn gái nó đâm ra hư đốn. Hai đứa sống tự nhiên, thoải mái vượt qua giới hạn giữa chủ nhà và người thuê phòng. Đã đến lúc có thể hết “duyên” ở trọ rồi.
Lần vừa rồi bà Liên qua Mỹ nói với tôi vật giá ở Mỹ leo thang, học phí tăng nên tháng nào cũng gửi thêm cho nó cả ngàn xài thêm. Bà kể một tháng tính ra tiền học, ăn ở, chi tiêu lặt vặt cho thằng công tử đi du học này sương sương cũng cỡ ba ngàn đô gần bằng lương kỹ sư mới ra trường ở Mỹ. Tôi nghe mà bàng hoàng, ngao ngán. Ở Việt nam bây giờ có nhiều người giàu quá!
Tôi nghiệm thấy bà con ở Việt nam giàu như ông bà Liên đều có chung cách sống giống nhau. Họ tìm cách cho con đi du học Mỹ từ lúc còn học trung học vì đi học trong lúc này xin visa Mỹ dễ hơn. Họ đi Mỹ như đi chợ. Vừa có tiền, vừa có thời gian, mỗi lần nhớ con, họ có thể đi Mỹ chơi thăm con bất cứ lúc nào. Họ mua nhà ở xứ Mỹ trả bằng tiền mặt. Họ đi du lịch khắp xứ Mỹ. Họ biết nhiều về xứ Mỹ nhiều hơn người Việt sống ở đây quanh năm ngày tháng chỉ biết cày để trả nợ “bill”. Họ khoái mua hàng hiệu ở Mỹ vì rẻ và bảo đảm hơn ở Việt nam. Họ xài hàng Mỹ chính hiệu con nai, chê hàng Mỹ “made in China”. Họ nói chuyện toàn là tiền đô- la Mỹ. Họ tiêu xài rộng rãi như tầng lớp trung lưu Mỹ trong khi bà con Việt nam lao động mình ở xứ Mỹ này cày chết bỏ, quanh năm ngày tháng quay quắt vì cơm, áo, gạo, tiền.
Đối với ba má thằng Tuấn, chuyện chuyển tiền hàng tháng vài ngàn đô-la cho Tuấn không phải là vấn đề. Thằng con biết bố mẹ có tiền nên sống tha hồ vung vít. Bây giờ nó đang kéo thêm cái “rờ-mọt” là em Dung nên hao tốn thêm chút đỉnh có là bao. Ba má nó đủ sức bao bọc. Hai đứa đi shopping quăng mấy hộp giày, bao, bì toàn là hàng hiệu để ngoài phòng. Lâu lâu vắng nhà vài hôm thì ra hai anh chị lái xe đi Las Vegas chơi bài. Cuối tuần, hai đứa ăn nhà hàng đem sushi và đủ các loại thức ăn thừa để cả mấy ngày trong tủ lạnh, bà phải vất đi. Phòng nó lúc nào cũng vang lên phim bộ Hàn quốc hoặc tiếng cười giòn giã của Dung. Không biết chúng học hành gì mà cứ thấy xem phim, nghe nhạc cả ngày.
Ông bà tắm cho con chó “Sugar”ở sân vườn. Ông nhìn lên phòng nó lắc đầu:
- Thôi kệ ông ơi.Tụi nó lớn rồi. Nó không phải là con ông. Ông xót xa và để ý làm gì cho bận tâm. Con “đại gia” nó phải ăn chơi, tiêu xài như một “thiếu gia” chớ! Ông có dịp…làm thơ cho bà nghe:
- Học gì mà học! Đêm với chả ngày! Đêm …bảy ngày… ba thì có! “Trời cho anh có hai tay. Tay nào ôm sách, tay nào… ôm em?” Học hành như nó chừng nào mới ra trường? Con cái đại gia du học có khác! Có biết đâu “Cơm cha, áo mẹ, công thầy. Lấy tiền bao gái có ngày… te tua”. Bà thấy thằng Tuấn càng ngày càng giống cái xác ve không?
-Chuyện của thằng Tuấn mà ông cũng có…thơ ? Cơm áo có cha mẹ nó lo. Công thầy có ba má nó đóng học phí. Ông hơi đâu mà lo nó …te tua. Nó gầy như xác ve đã có ba má nó “bơm” vitamin T cho nó ?.Ông không nghe nó kể ba má nó sắp mua nhà ở xứ Mỹ này à? Nhà “single house” còn ngon hơn cái “town house” của mình.
Chiều hôm đó, tôi nghe tiếng ói mửa ọc ọc trong phòng tắm. Về khuya, tôi nghe tiếng nôn ọe. Thằng Tuấn hỏi tôi mượn chai dầu gió xanh, nói Dung bị trúng gió. Tôi thấy tội nghiệp nên đưa chai dầu, dặn uống nước nhiều, nếu thấy sốt phải đi bác sĩ. Sáng sớm, trong khi cả nhà còn đang yên giấc, tiếng nôn ọe của Dung vang lên thật rõ, nhiều lần. Tôi thức dậy, nằm yên, lát sau mở hé cửa nhìn sang phòng bên kia thấy Dung đi ra đi vào trong buồng tắm. Cả mấy ngày con bé ở trong phòng. Thằng Tuấn đi đi về về mua thức ăn. Nó phóng lên cầu thang, nét mặt lo âu, hai con mắt sâu hoắm, quầng đen như người mất ngủ.
Vài ngày sau, Tuấn gặp riêng tôi dưới bếp, ấp úng mãi mới ngỏ lời:
- Bác ơi, con bị rớt cái bóp, mất mấy cái thẻ. Bác giúp con, cho con mượn ba ngàn. Con cần tiền lắm. Má con sẽ gửi sau cho con, con sẽ trả bác.
- Trời đất! Mất bóp ở đâu! Chuyện gì mà mượn tới…ba ngàn? Bác đâu có một lúc…ba ngàn. Con cần xài gì với số tiền lớn vậy?
- Con không dấu bác, em Dung có bầu. Mai con đi Las Vegas làm đám cưới gấp. Cuối tuần này tụi con “move”.Tụi con mượn tiền để đặt cọc thuê appartement và nhiều chuyện phải tính. Tuần tới ba má con qua coi nhà mới, con có tiền gửi trả bác. Con phải dọn liền vì không muốn Dung có bầu ở trong nhà bác sợ bác kiêng cữ. Con cám ơn bác cho tụi con ở từ bấy lâu nay. Bác cho con gửi lời cám ơn bác trai nữa. Con mang ơn bác nhiều lắm.
***
Sau đây là vài dòng tâm sự của các nhân vật trong câu chuyện. Trước hết là công tử du học:
Tôi là Tuấn. Đi Mỹ du học chỉ là cái cầu bắc qua cho tôi ở lại xứ Mỹ. Mục đích của ba má tôi là phải tìm cách cho tôi vô quốc tịch Mỹ bằng bất cứ giá nào. Cách thông dụng nhất là làm hôn thú giả với một đứa con gái có quốc tịch Mỹ.Khi có thẻ xanh tạm, hai năm sau có thẻ xanh chính thức trở thành thường trú nhân, năm năm sau vô quốc tịch Mỹ, lúc đó ra tòa làm lấy ly dị. Cả hai được tự do. Thời giá trên thị trường bây giờ khoảng từ bốn đến năm chục ngàn cho một “dịch vụ trọn gói”. Tiền bạc sẽ trả dần theo từng giai đoạn. Làm xong hôn thú, đưa trước mười ngàn. Có thẻ xanh tạm đưa thêm mười ngàn. Có thẻ xanh chính thức đưa tiếp mười ngàn nữa. Khi nào vô quốc tịch Mỹ đưa nốt số tiền còn lại.
Tôi gặp con nhỏ này trong lớp toán. Con nhỏ dốt toán. Tôi tuy xấu trai, lười học nhưng được cái thông minh nên môn nào cũng điểm A. Con nhỏ tới làm quen nhờ chỉ bài. Tôi để ý nó từ hồi học lớp này vì nó đẹp nhất trong số sinh viên Á châu. Nó là người Việt, qua Mỹ lúc 10 tuổi, cha mẹ ly dị, ở với mẹ và bà ngoại từ nhỏ nên nói tiếng Việt giỏi. Ba nó có vợ mới. Má nó làm “neo” đi làm từ sáng đến tối, có bạn trai nhưng chưa làm đám cưới. Bà ngoại nuôi nó từ nhỏ. Bà già rồi, đi nhà thờ cả ngày nên sau này nó ít gần với bà ngoại. Nó ghét cha vì cha bỏ mẹ, xa mẹ vì mẹ có bồ. Nó chỉ thương bà nhưng bà già rồi, bà gần Chúa hơn là gần nó. Nó kể nó mất trinh với một thằng bạn Mỹ năm lớp 12. Lên đại học bị “accident” với một thằng bạn Mỹ khác. Thằng này nhất định bắt nó phá thai. Nó theo đạo Công giáo nhưng không sợ mang tội. Nó phá thai rồi cắt đứt liên lạc với thằng này luôn.
Chơi với con nhỏ này tôi nói tiếng Việt suốt ngày và tôi cũng bị mất…trinh nhờ con nhỏ này. Tôi mê nó vì nó dịu dàng, xinh đẹp, chịu chơi, thẳng thắn, có nhiều kinh nghiệm sống, dạy tôi nếm đủ mùi đời ở cái xứ Mỹ văn minh và hưởng thụ mà tôi mơ ước. Tôi mang tiếng là con nhà giàu, học giỏi, bậc “trượng phu nam tử hán” (mấy chữ này tôi nghe trong phim Tàu ) được tiếng có tiền, lại đi du học ở Mỹ, tôi tiếc gì mà không bao nó ăn,ở, đi chơi, shopping. Tiền sách vở tôi cũng trả cho nó. Tiền túi để đổ xăng, tiêu vặt tôi cũng nhét cho nó vài trăm hàng tuần. Tất cả đã có nguồn tài chánh của ba má tôi ở Việt nam viện trợ dài dài. Nó gọi tôi là “công tử Bolsa”. Tóm lại, tôi là đứa hạnh phúc và may mắn có một đứa con gái “đồng hương” dạy tôi biết yêu đầu tiên. Tôi tự hào có một “partner” đủ “tiêu chuẩn” để vui chơi với bạn bè.Tôi hãnh diện có một người bạn học chia xẻ kiến thức với tôi trong môi trường văn hóa ở một đất nước văn minh và cuối cùng, tôi có một cô y tá chăm sóc sức khỏe tôi trong những lúc trái gió trở trời.
Tôi ở nhà trọ, rủ Dung về ở chung cho tiện việc ăn, ở, học hành và đi lại nhưng bà bác không bằng lòng. Chắc bả sợ chứa gái trong nhà …xui cũng như ra ngõ gặp gái …xui. Bác gái chủ nhà vui vẻ, xởi lởi, thoải mái. Ông chồng già khó tính, bảo thủ, mặt…hình sự như công an. Ba má tôi tính mua nhà ở Mỹ nhưng còn ngần ngại vì chưa biết nhờ ai đứng tên nhà. Ba nhờ ông chú bên nội nhưng không tin bà thím nên lừng chừng. Má nhờ dì Lan bên ngoại, dì ậm à ậm ừ.Tiền bạc trong trương mục của má đã sẵn sàng. Nếu chưa mua nhà, sớm muộn gì tôi cũng phải thuê “appartement” ở riêng vì con nhỏ đang có bầu. Tôi phân vân và rầu rĩ quá chừng. Tôi khuyên nó phá thai cho rồi nhưng nó nói còn chờ xét nghiệm cho chắc ăn. Nó nói vì thương tôi nên muốn giữ cái thai làm tôi cảm động.Tôi thương yêu, chết mê chết mệt con nhỏ này. Nó là mối tình đầu của tôi.
Tôi quen con nhỏ hơn năm nay rồi. Lúc đầu chỉ là tình bạn. Dần dà,thân mật, gần gũi, hai đứa sống với nhau như vợ chồng ở nhà bác Hai được mấy tháng nay thôi. Dung có bầu? Tôi sắp có con? Hai mươi hai tuổi còn trẻ quá, chưa gì đã dính vào đường vợ con? Tôi và Dung còn muốn tiếp tục việc học. Tôi yêu Dung nhưng không muốn có con trong lúc này. Bí quá, cần tiền, tôi gọi về Việt nam kể hết sự tình với má. Má mừng quá, dặn chờ Má qua giải quyết. Má sẽ qua Mỹ sớm nhất vì visa còn hạn. Có 4 việc má tính cho hai đứa: thứ nhất, tôi và Dung lên Las Vegas làm đám cưới gấp. Thứ hai, tôi lên mạng hoặc xem quảng cáo tìm một căn nhà vào khoảng ba trăm rưỡi cho đến bốn trăm ngàn. Thứ ba, má sẽ sòng phẳng chuyện tiền bạc cho Dung sau khi làm hôn thú. Thứ tư Dung phải giữ cái thai này. Kèm theo là số tiền chuyển mười ngàn để tôi tạm chi xài chờ má qua. Chỉ một cú phone của má làm cho tôi nhẹ người. Má tôi là bà tiên phất tay áo như trong chuyện cổ tích. Bao nhiêu những phiền muộn, khó khăn, các vấn đề nan giải sẽ được má… phất một cái êm đẹp theo chiều hướng thuận lợi cho cả Dung và tôi.
***
Người thứ hai tâm sự trong câu chuyện này là má thằng Tuấn.
Nghe tin thằng Tuấn có bồ tên Dung, ở nhà bà Hai hổm rày mà bả dấu tôi. Lần nào về Việt nam hỏi chuyện bồ bịch thằng Tuấn, bả đánh trống lãng, trả lời lòng vòng, nửa nạc nửa mỡ “ Trai, gái ở tuổi này không có bồ mới là chuyện lạ.Thằng Tuấn có bồ, có gì mà chị ngạc nhiên”. Bả kín tiếng hay bả học cái tính tôn trọng sự riệng tư của người Mỹ, không “đi guốc” vào đời tư của người khác? Tôi cũng không hỏi thêm. Bề gì tôi cũng biết chuyện con nhỏ đang có bầu.
Tôi cho thằng Tuấn đi du học là để tính cho nó học hành xong rồi lập nghiệp luôn ở xứ Mỹ này.Tôi đi du lịch nhiều. Cái gì Mỹ cũng nhất.Tôi mê Mỹ lắm.” Quê hương là chùm khế ngọt” của ai chớ không phải của tôi mặc dù tôi sinh ra và lớn lên ở xứ đất đai trước1975 rẻ như bèo. Thời chính sách mở cửa, đúng thời điểm giá đất tăng vùn vụt, tụi tư bản qua đầu tư, cái mảnh đất vườn ở Bình Dương tôi xẻ ra bán cho tụi tư bản Nhật cả trăm tỷ. Tôi giàu mau quá chừng. Ba thằng Tuấn giỏi nghề tiện. Xưởng tiện của ổng ở Bình chánh, hợp đồng vô như nước làm không kịp giao hàng. Hai vợ chồng tôi kiếm tiền xài không hết. Vợ chồng tôi chỉ có một đứa con trai là thằng Tuấn, kiếm tiền để cho nó xài chứ để cho ai? Nó là con cầu tự. Tôi cầu Chúa, cầu Phật, cầu bà Chúa Xứ, cầu Mẫu Mẹ, cầu Phật bà Quan Âm ở chùa Hương… Tôi sanh thằng Tuấn rồi… tịt luôn. Vì là con cầu tự nên nó học thông minh nhưng đau yếu quặt quẹo hoài.
Tôi qua Mỹ lần này gặp Dung để cho, đúng hơn là chung tiền sòng phẳng cho nó bốn chục ngàn đô-la theo hợp đồng làm hôn thú với thằng Tuấn. Tưởng là làm hôn thú giả nào ngờ tụi nó thương nhau nên giả mà thành thiệt. Trước sau gì nó cũng là dâu con, tôi đưa cho nó luôn một lần bốn chục ngàn đô.Tôi còn chứng tỏ cho nó biết tôi thương và tin dâu nên nhờ nó đứng tên cái nhà trong khi chờ thằng Tuấn có thẻ xanh. Chuyện đời “lộng giả thành chơn” như trường hợp thằng Tuấn và con Dung xưa nay thiệt hiếm. Thằng Tuấn có phước. Không cầu mà được. Con Dung đang có bầu. Đứa con dù trai hay gái là sợi dây nối kết vợ chồng với nhau. Có đứa con, việc cấp thẻ xanh cho thường trú nhân càng nhanh hơn. Con Dung không cần học hành để có bằng cấp. Cái bằng lớn nhất của nó là làm mẹ.Tôi nuôi nó. Nó ở nhà nuôi con.Thằng Tuấn học được tới đâu thì tới nhưng tôi muốn nó học đến nơi đến chốn. Con Dung đẻ xong, nếu nó muốn, tôi nuôi cháu cho nó đi học tiếp. Con nhỏ khôn lanh, xinh đẹp. Thằng Tuấn không xứng với con Dung chút nào.Ngược lại tôi có tiền. Có tiền, tôi có được hết mọi thứ: nhà, xe, quốc tịch Mỹ, con dâu đẹp, cháu nội tương lai…Thằng Tuấn có vợ Mỹ gốc Việt, con Mỹ gốc Việt, công dân Mỹ tương lai. Người Mỹ có “American dream”, ước mơ của họ là mua được cái nhà. Tôi có nhiều ước mơ. Ước mơ nào cũng mua bằng tiền cả.
Có một điều mà sau này dù có tiền tôi cũng không mua được. Khi tôi biết thì tất cả đã muộn màng.
***
Nhân vật thứ ba là Dung, nhân vật phụ mà là chính trong câu chuyện này:
Tên tôi là Dzung có chữ “z”.Tên Mỹ là Suzie.Tôi không có thì giờ nhiều để…sống chớ đừng nói chi là kể chuyện. Chuyện quá khứ tôi quên rồi nhưng nếu nhắc lại chuyện chồng cũ của tôi, thằng Tuấn thì tôi còn nhớ vài điều.Tôi đâu có yêu Tuấn. Tôi yêu tiền của nó thôi. Nó xấu trai, ngu ngơ, khờ khạo như con nít nhưng được cái nó hiền và…yêu tôi nên khi bỏ nó, tôi cũng tội nghiệp. Tôi chỉ sợ nó nổi khùng kiếm súng kè vào đầu tôi thì “tàn đời trong ngõ hẹp”( Câu này tôi nghe bà ngoại hay nói).
Ai bảo tôi có con với nó? Tôi có ngu không mà để có con? Đó chỉ là màn kịch cho má thằng Tuấn qua Mỹ sớm, mua nhà cho mau chớ bả cứ chần chờ mấy tháng nay rồi. Có cái thai bả mừng muốn chết. Tôi muốn gì mà chẳng được. Nói cho cùng thì không có ai ngoài tôi, con dâu tương lai để bả tin đứng tên mua nhà. Tôi chờ thủ tục nhà xong tôi phá thai cho rồi. May quá, tôi không có thai.
Hiện giờ tôi đang đứng tên cái nhà và đã làm xong thủ tục ly dị với thằng Tuấn. Còn chuyện làm hôn thú giả… tập hai, bả sẽ có dịp xài tiền, lo tiếp cho Tuấn. Bả giàu quá mà! Một cái nhà mà nhằm nhò gì! Tôi muốn nhắn bả một điều. Bả khoe bả có tiền mua được hết mọi thứ nhưng có một thứ bả không mua được cho con trai bả đó là …tình yêu của tôi.
Còn gì để kể nữa không? Chắc là không. Tôi mau quên chuyện cũ.Tôi không thích dây dưa.Tôi không “care” chuyện “bà Tám”. (Chữ này tôi nghe bà ngoại nói). Tôi không tin ai ngoài…tôi.
Với Tuấn, tôi muốn mượn một câu trong đoạn cuối phim “Cuốn theo chiều gió”. Khi ông chồng Buttler bỏ đi, bà vợ Scarlett tự an ủi “To morrow is another day”. Ngày mai là một ngày khác. Chắc chắn nó sẽ khác hơn ngày hôm qua. Có thể nó sẽ tốt đẹp hơn.
Tuấn, you hãy quên quá khứ đi!
***
Tính ra cũng gần một năm, từ ngày Tuấn và Dung dọn qua nhà mới, vợ chồng ông bà Hai không nhận tin tức gì của hai đứa. Má nó cũng biệt tăm. Một hôm ông bà Hai gặp chú thằng Tuấn tên Vinh ở khu Little Saigon. Hồi còn ở trọ nhà ông bà, mỗi khi đi chợ dưới khu người Việt, chú nó hay đến thăm Tuấn và rất quý vợ chồng ông bà Hai. Ông bà biết được kết thúc câu chuyện là do chú thằng Tuấn kể miên man cả tiếng đồng hồ ở bãi đậu xe.
Bà Hai nhớ hồi xưa khi con Dung còn mặn mà với thằng Tuấn, ông Hai có con mắt tinh đời. Ổng nhìn con Dung nói con Dung là “Cáo già đội lốt nai tơ” hoặc ổng nói một câu bà còn nhớ hoài “Con nhỏ đóng tuồng giỏi”.
Cuộc đời là một sân khấu thu nhỏ. Các diễn viên, mỗi người đóng một vai nhưng chắc không ai diễn xuất sắc như con Dung. Nó còn là đạo diễn, viết kịch bản và là diễn viên nữ chính “đóng tuồng giỏi”. Nếu không, làm sao nó “chớp” được bốn chục ngàn đô-la khỏe re? Nếu không, làm sao cái nhà đứng tên nó?
Diễn viên nam chính là thằng Tuấn. Cái thằng “công tử du học” ngây ngô hăm hở vô xứ Mỹ, gặp phải “ma nữ đa tình”. Thằng con cầu tự đáng thương và cũng là nạn nhân của vở bi kịch tình và tiền này
Vở kịch này có thật ở ngoài đời. Chỉ tiếc rằng nó chưa có một “happy ending”. Vở kịch nào có một “happy ending” hay còn gọi là kết thúc có hậu làm cho mọi người khi xem xong, cảm thấy cuộc đời này còn có nhiều điều lạc quan, đáng tin, đáng sống và mục đích để sống là đạt ba điều: cái Thật (Chân), cái Tốt, Lành (Thiện), và cái Đẹp (Mỹ).
Phải chi có Tình Yêu (viết hoa) của nhân vật nữ, kịch bản này sẽ khác đi.
Phùng Annie Kim
Tác giả sinh năm1949, định cư tại Mỹ theo diện HO năm 1991. Nghề nghiệp trước 75: dạy học. Công việc làm ở Mỹ: du lịch. Hiện đã hưu trí và là cư dân vùng Little Saigon, Westminster, California. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của bà năm 2013 là "Kock and Me / Vi trùng lao và Tôi." Sau đây là bài viết thứ bẩy của Bà.