Người đàn ông hạnh phúc nhất thế giới phát triển 'phần mềm lạc quan'

Nhà sư Matthieu Ricard đã quyết định rời tu viện ở Nepal để đi khắp thế giới truyền bá sự lạc quan và chủ nghĩa vị tha.
Người đàn ông được gọi với cái tên "hạnh phúc nhất thế giới" không sở hữu nhà đẹp hay xe xịn, chẳng hề kiếm được hàng triệu USD mỗi năm, ông chỉ là một nhà sư dành ba tháng mỗi khi đông về trên một tu viện tí hon ở Nepal mà không hề cần lò sưởi hay bất cứ thứ gì. Mặc dù vậy, ông Matthieu Ricard vẫn mang bên mình một chiếc túi vải đơn giản đựng laptop và một chiếc điện thoại thông minh.

Rất nhiều người tin rằng việc thoát khỏi công nghệ là chìa khóa dẫn tới hạnh phúc, tuy nhiên, nhà sư 69 tuổi người Pháp - trước đây từng là một nhà nghiên cứu sinh học phân tử lại dành một thập kỷ qua tận hưởng cuộc sống an vui mà không cần tránh xa các thiết bị ấy.
Ông chia sẻ: "Tôi dùng điện thoại bởi có một lần, tôi từng lái xe mất ba ngày và cưỡi ngựa một ngày ở Tây Tạng để rồi nhận ra người tôi cần gặp không có ở nhà". Bên cạnh đó, ông thường sạc đầy pin phòng trường hợp nơi sinh sống cô lập với thế giới bên ngoài này bị quân nổi loạn theo chủ nghĩa Mao Trạch Đông tấn công.



Ông từng xấu hổ vì bị báo Anh gọi với cái tên "người đàn ông hạnh phúc nhất" và coi đó là "sự tâng bốc thái quá"
Các nhà nghiên cứu thần kinh đã thực hiện thí nghiệm vào những năm 1990 và phát hiện ra rằng trong khi thực hiện các động tác thiền, não của ông Ricard cho thấy mức độ kích thích ở các vùng não có liên quan tới cảm xúc yêu đời và những "xung lực" chưa từng được tìm ra trước ra.
Đại học Winconsin tiết lộ rằng thiền trong thời gian dài sẽ tác động tới khả năng của não bộ, giúp tăng cường chức năng "giúp người khác hạnh phúc" của cơ quan này. Với thời gian thiền tổng cộng lên tới hơn 60.000 giờ, nhà sư từng cho ra mắt cuốn sách với tên gọi Happiness (Hạnh phúc) là người thiền lâu năm đầu tiên tham gia nghiên cứu này.



Ông có mối quan hệ thân thiết với Dalai Lama

Hiện nay, ông đã rời khỏi đỉnh núi để đi vòng quanh thế giới phát biểu về cuốn sách liên quan tới tính lạc quan và chủ nghĩa vị tha, đồng thời tham gia phát triển một phần mềm dạy thiền. Điểm dừng chân cuối cùng trong chuyến đi này chính là Argentina, nơi diễn ra 17 buổi phỏng vấn trong hai ngày. Thời gian còn lại, ông dành thời gian hoạt động trong một tổ chức phi chính phủ tại tu viện ở Nepal được duy trì nhờ lợi nhuận xuất bản sách cũng như phí thuyết trình của ông.
Cha ông, Jean-Francois Revel từng là nhà triết học lỗi lạc, và chính điều đó phần nào ảnh hưởng tới việc ông có bản năng của một nhà khoa học và quyết định theo học về Phật giáo những năm 1960 cùng thời điểm hoàn thành bằng Tiến sĩ tại Học viện Pasteur, Paris (Pháp).
Ông lựa chọn nghiên cứu về thiền để củng cố niềm tin của mình rằng chủ nghĩa vị tha sẽ giúp con người hoàn thiện bản thân theo cách tốt hơn, từ đó giúp xã hội và cộng đồng trở nên tươi đẹp hơn.
Không chỉ góp mặt ở các buổi thuyết trình khắp thế giới mới đây, ông còn tham gia hàng loạt những sự kiện như TED Talk hay Diễn đàn Kinh tế Thế giới. Ở bất cứ nơi đâu, ông cũng đều nhìn thấy sự tích cực và lạc quan dù trong tình huống tệ hại nhất. Ông đưa ra lời khuyên rằng mọi người chỉ cần 20 phút mỗi ngày trong bốn tuần tập thiền để thấy được sự thay đổi về não bộ cũng như hệ miễn dịch của cơ thể, từ đó, "bất cứ ai cũng có khả năng trở thành người hạnh phúc nhất thế giới nếu biết cách tìm điều đó ở đúng chỗ".

Nguồn: The Guardian/ depplus.vn/MASK

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét