Tiểu thuyết gia Colleen McCullough qua đời trưa 29/1/2015 (giờ địa phương) tại một bệnh viện ở Norfolk Island, ngoài khơi Australia, hưởng thọ 77 tuổi.
Nhà xuất bản Harper Collins đưa tin, nhà văn Colleen McCullough qua đời vì sức khỏe tuổi già. Những năm gần đây, thị lực của McCullough giảm sút và chứng viêm khớp khiến tay chân bà tê liệt. Tuy nhiên, tiểu thuyết gia vẫn tiếp tục sáng tác.
Colleen McCullough sinh năm 1937, ở Wellington, Tây New South Wales và trải qua những năm đầu đời chủ yếu ở Sydney. Mơ ước thời niên thiếu của bà là trở thành bác sĩ. Trước khi theo học ngành y ở Đại học Sydney, bà từng kiếm sống bằng việc viết báo và làm việc ở thư viện. Sau đó, trong hơn 10 năm nghiên cứu và giảng dạy tại Đại học Yale, Mỹ, bà viết hai tác phẩm đầu tay. Một trong hai là The Thorn Birds (Tiếng chim hót trong bụi mận gai) ra mắt năm 1977.
Cuốn sách ngay sau đó bán chạy toàn cầu và được dựng thành loạt phim truyền hình ngắn tập được xem nhiều nhất mọi thời đại. Thành công của các tiểu thuyết giúp bà từ bỏ nghề nghiên cứu khoa học và theo đuổi nghiệp văn chương.
Cuối thập niên 1970, bà định cư trên hòn đảo biệt lập Norfolk ngoài khơi Thái Bình Dương và lấy chồng là dân bản địa ở đây khi đã 46 tuổi.
Tiếng chim hót trong bụi mận gai là cuốn tiểu thuyết nổi tiếng nhất của Colleen McCullough, đã được bán ra hơn 30 triệu bản toàn cầu, đưa nữ văn sĩ thành một trong những tác giả đầu tiên của Australia thành công trên văn đàn thế giới. Cuốn sách kinh điển kể về tình yêu của cô gái Meggie và vị cha xứ Ralph. Những yếu tố hiện thực trong nếp sống rất Australia (từ cách ăn mặc cho đến cách xén lông cừu của con người) hòa lẫn nhuần nhị với chất lãng mạn của chuyện tình khiến tác phẩm rực rỡ phi thường. Nhiều danh mục xếp Tiếng chim hót trong bụi mận gai ngang hàng với Cuốn theo chiều gió của Mỹ. Năm 2003, tiểu thuyết được đánh giá đứng thứ 64 trong cuộc khảo sát The Big Read của BBC.
Không chỉ có cuốn sách lừng danh này, Colleen McCullough còn có nhiều tác phẩm khác: Morgan's Run, The Touch, The Song of Troy, Angel Puss… Tổng cộng, bà viết 25 tác phẩm trong suốt sự nghiệp của mình.
Shona Martyn - giám đốc Nhà xuất bản HarperCollins (Australia) - chia sẻ nỗi buồn trước tin tác giả mất: “Chúng tôi sẽ nhớ bà ấy rất nhiều... Thế giới sẽ trở nên thiếu màu sắc khi mất Col”. Shona Martyn cho biết thêm Colleen McCullough vẫn thường đưa bản thảo tác phẩm mới mỗi khi người của nhà xuất bản đến đảo thăm bà. Tác phẩm gần đây nhất của bà là Bittersweet được xuất bản vào năm 2013.
“Hãy an nghỉ Colleen McCullough. Tôi không thể nghĩ ai có tuổi thơ khốn khổ nhưng lại có một cuộc đời rực sáng với những thành tích huy hoàng như thế” - Richard Glover, một người dẫn chương trình của Đài truyền hình Australia bày tỏ. Còn nhà văn Tara Moss viết: “Thật buồn khi biết tin Colleen McCullough qua đời. Bà là người nhiệt tình, hài hước, rất ủng hộ những nhà văn khác. Hãy yên nghỉ”.
Hai diễn viên Rachel Ward và Richard Chamberlain trong bộ phim The Thorn Birds (1983).
Giới thiệu :
Nếu anh là cha Ralph
Em sẽ là Meggie bé bỏng
Bằng con tim với niềm ước vọng
Giành lại anh từ tay đức chúa trời
Có một loài chim như thế anh ơi!
Không chịu sống một cuộc đời tẻ nhạt
Mà phải sống với niềm khao khát
Dù phải lao mình vào bụi mận gai…
Meggie đã có một cuộc đời kiêu hãnh trong giông bão của tình yêu, và cuối cùng người phụ nữ đó cũng đã phải trả giá bằng những trái đắng trong cuộc đời. Nhưng Meggie không bao giờ hối hận, "Chính ta đã xếp đặt số phận của ta như thế, ta không đổ lỗi cho ai và ta cũng ko hề tiếc nuối về một phút giây nào trong quá khứ...".
Tiếng chim hót trong bụi mận gai là câu chuyện tình giữa Meggie Cleary và vị cha xứ Ralph de Bricassart. Meggie cố quên đi tình cảm của mình bằng cách kết hôn với Luke O'Neill - một người làm công cho gia đình cô, nhưng chẳng bao lâu sau cô và cha Ralph lại đoàn tụ, cuộc tình của họ đã gây ra nhiều bi kịch...
Có một truyền thuyết về con chim chỉ hót một lần trong đời, nhưng hót hay nhất thế gian. Có lần nó rời tổ bay đi tìm bụi mận gai và tìm cho bằng được mới thôi. Giữa đám cành gai góc, nó cất tiếng hát bài ca của mình và lao ngực vào chiếc gai dài nhất, nhọn nhất. Vượt lên trên nỗi đau khổ khôn tả, nó vừa hót vừa lịm dần đi, và tiếng ca hân hoan ấy đáng cho cả sơn ca và họa mi phải ghen tị. Bài ca duy nhất có một không hai, bài ca phải đổi bằng tính mạng mới có được. Nhưng cả thế gian lặng đi lắng nghe, và chính thượng đế trên Thiên đình cũng mỉm cười. Bởi vì tất cả những gì tốt đẹp nhất chỉ có thể có được khi ta chịu trả giá bằng nỗi đau khổ vĩ đại... Ít ra là truyền thuyết nói như vậy".
"Con chim mang chiếc gai của bụi mận cắm vào ngực tuân theo qui luật bất di bất dịch của thiên nhiên; bản thân nó không biết sức mạnh nào đã buộc nó lao vào mũi nhọn và chết mà vẫn hót. Lúc mũi gai xuyên qua tim nó, nó không nghĩ đến cái chết sắp đến, nó chỉ hót, hót cho đến lúc mất tiếng đứt hơi. Nhưng chúng ta, khi lao ngực vào bụi mận gai, chúng ta biết, chúng ta hiểu. Tuy thế ta vẫn lao ngực vào bụi mận gai. Sẽ mãi mãi như thế!".
... Có một truyền thuyết về người con gái chỉ yêu một lần duy nhất trong đời, nhưng nàng yêu bằng một tình yêu mãnh liệt nhất thế gian. Có lần nàng quyết bỏ đi tìm tình yêu đích thực của đời mình, qua bao cạm bẫy và ngang trái của đời thường, người con gái vẫn quyết lao vào ngọn lửa tình yêu mặc dù biết có thể mình sẽ bị thiêu trụi trong đó. Vượt lên trên mọi nỗi đau khổ khôn tả, nàng đã chiến thắng cả đức Chúa Trời để giành lại người mình yêu. Một tình yêu duy nhất nhưng cả thế gian phải lặng đi để chiêm ngưỡng, và chính thượng đế trên thiên đình cũng phải ghen tị BỞI VÌ TẤT CẢ NHỮNG GÌ TỐT ĐẸP NHẤT CHỈ CÓ THỂ CÓ ĐƯỢC KHI TA CHỊU TRẢ GIÁ BẰNG NỖI ĐAU KHỔ VĨ ĐẠI... Người con gái đó chính là Meggie, nhân vật nữ chính trong tiểu thuyết Tiếng chim hót trong bụi mận gai, dám đoạt tình yêu vĩ đại từ tay Chúa. Và ngày nay có bao nhiêu người con gái dám yêu hết mình, dám đi đến cùng của thử thách để giành lại cho mình một tình yêu đích thực...?!
Có một niềm tin rằng, trong đời của con người, người ta chỉ thực sự yêu hết mình một lần duy nhất, cháy hết mình một lần duy nhất đến tận giọt nến cuối cùng, cho một tình yêu duy nhất, mà cái na ná như thế thì gặp nhiều trong cuộc đời nhưng nó chỉ có một. Đó chính là bài hát duy nhất trong đời của con chim lao đầu vào bụi mận gai. Nó không biết tại sao, sức mạnh gì buộc nó lao ngực vào chiếc gai dài nhất, nhọn nhất, và cũng không hiểu được tại sao nó có thể chết mà vẫn hót cái bài ca mà cả thế gian lặng đi lắng nghe. Nhưng con người, chúng ta biết, chúng ta hiểu. Chúng ta biết tình yêu không phải chỉ là vị ngọt, nó có cả vị mặn của nước mắt, vị cay của ghen tuông, vị chua của hiểu nhầm, vị chát của "cái tôi", và vị đắng của chia ly mà rất nhiều khi, cái vị ngọt ngào của hạnh phúc trong cả cuộc yêu người ta chỉ nếm được một lần. Nhưng cái gì tốt đẹp nhất chỉ có thể có nếu chúng ta chịu trả giá bằng nỗi đau khổ vĩ đại. Bởi vậy nên ta vẫn cứ lao ngực vào bụi mận gai - sẽ vẫn vắt kiệt sức mình vì tình yêu, dù biết nó có thể vô cùng đau đớn - để được nếm giọt mật ngọt tình yêu - quà tặng vĩ đại của cuộc sống, hay đơn giản chỉ để biết rằng mình-đã-từng-yêu. Đó chính là bài ca đẹp nhất của cuộc đời con người mà "khiến cả thượng đế trên Thiên đình cũng mỉm cười."
Bởi thế nên Meggie vẫn yêu Ralph, bắt đầu hoài thai bằng tình yêu thơ ngây trong sáng của cô bé con, rồi trăn trở lớn lên thành sự khao khát chiếm hữu của người đàn bà, và mãi mãi khôn nguôi với yêu và hận của người phụ nữ. Cả cuộc đời, chỉ một tình yêu duy nhất. Dù đau đớn đến đâu, chạy đến đâu, vùng vẫy đến đâu, rồi lại quay lại với tình yêu khắc khoải đấy. Dù biết rằng mình sẽ không bao giờ có được hoàn toàn người đàn ông ấy, cả trái tim lẫn con người, đấu tranh và giằng xé, để rồi lại thấy mình tiếp tục yêu. Chấp nhận cái tình yêu đến trọn đời với con người luôn ngoài tầm tay với đó.
Ralph chẳng có tội vì là một thầy tu. Ralph tội nghiệp vì sự ngu ngốc của mình, (mà cũng là sự ngu ngốc của loài người?!) - vì đã đặt lên trên tình yêu những điều khác nữa, vì đã không dám lao ngực vào đến tận cùng của chiếc gai, để dù chết cũng đã từng hạnh phúc, trọn vẹn. Mà loài người, không phải trong tiểu thuyết, hình như cũng vậy mà thôi, rõ rệt hơn trong hình ảnh đàn ông thì phải. Con người, hay đàn ông, thường có cái ước mơ trở thành một-cái-gì-đó-vĩ-đại, còn tình yêu (và phụ nữ) dù quan trọng đến đâu cũng chỉ đứng thứ nhì. Nhưng dù sao vẫn thấy yêu quý Ralph, cũng như những người phụ nữ cuối cùng vẫn luôn yêu những người đàn ông dù họ chỉ đặt mình ở vị trí thứ hai - ta yêu họ vì chính sai lầm (theo ý nghĩ của ta) của họ. Ralph đã yêu với tình yêu của một con người bình thường bị chi phối bởi nhiều thứ vô hình khác trên thế giới bình thường hơn là tình yêu. Ông cũng đã từng dám vượt qua ranh giới để nếm vị ngọt của tình yêu, để biết được cái cảm giác thức dậy vào buổi sáng bên cạnh một người phụ nữ, ấm áp và đầy phước lành, để biết được cái cuộc đời trần tục mà thiêng liêng, và cũng để suốt đời đau khổ trong cái lồng tự tạo của mình vì đã không đủ dũng cảm bước xa hơn nữa.
Cuốn tiểu thuyết xây dựng như truyện sử biên gia đình, tác giả tập trung vào những xung đột tâm lý - đạo đức nhiều hơn là những vấn đề giai cấp - xã hội. Các nhân vật tuy vẫn chịu ảnh hưởng của hoàn cảnh, nhưng chủ yếu là ứng xử theo tính cách riêng của mình nhiều hơn. Trong số nhiều nhân vật, nổi bật hơn cả là ba nhân vật - Fiona, Meggie - con gái bà và cha đạo Ralph de Bricassart. Meggie có thể coi là nhân vật trung tâm của tác phẩm. Trong tiểu thuyết có nhiều tuyến tình tiết, nhiều môtíp, đề tài, song tất cả đều phục vụ câu chuyện chính: mối tình lớn lao trong sáng của Meggie và cha de Bricassart.
Trong tác phẩm qui mô lớn này, những xung đột tâm lý - tinh thần của các nhân vật quyện chặt với sự miêu tả tỉ mỉ toàn cảnh lịch sử, địa lý, thiên nhiên. Thiên nhiên bao la, dữ dội nhưng có cái đẹp hoang sơ riêng của nó như hiện ra trước mắt đọc giả. Giá trị nhận thức của tác phẩm do đó càng thêm đầy đủ. Mối quan hệ giữa thiên nhiên và con người ở đây mang tính chất chung sống hài hoà, thiên nhiên chưa bị uy hiếp đến nguy cơ huỷ diệt.
Tính hiện thực và tính lãng mạn trong tác phẩm này hoà lẫn với nhau tới mức nhuần nhị. Sự miêu tả tỉ mỉ bằng hình thức của bản thân đời sống, cả từ cách ăn mặc, lời ăn tiếng nói của nhân vật, cho đến cách xén lông cừu, nếp sống hàng ngày... lối kể chuyện thong thả theo trình tự thời gian khiến cho tác phẩm gần với loại tiểu thuyết hiện thực thế kỷ 19. Nhưng những tính cách phi thường rực rỡ biểu hiện trong những biến cố đột ngột, đầy hấp dẫn tạo nên màu sắc lãng mạn rất rõ nét. Một tác phẩm văn học Mỹ thời nay, xa lạ với những cảnh hung bạo, với "sex", với "phản nhân vật" đưa bạn đọc trở về với những vấn đề "nhà", "cội nguồn", "cha và con" mà lại được ham chuộng đến như thế ở phương Tây thì đó chứng tỏ những vấn đề muôn thuở của nhân loại bao giờ cũng làm rung động lòng người ở bất cứ nơi nào trên hành tinh chúng ta.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét