NHÌN ĐỜI

Có những chuyện đời sẽ thú vị khi chúng ta cộng ghép vào đó những thêu dệt nhưng cũng có những thứ trên đời này sẽ thú vị khi chúng ta nhìn nó một cách đơn giản. Có những bức tranh khi thưởng thức bằng tâm hồn trẻ thơ, không suy nghĩ gì hết, chỉ đơn giản nhìn những mảng màu, những đường nét của họa sĩ mà ta cảm nhận được một mùa thu, một mùa đông hay một chiều mưa. Dù không hề thấy mưa, không hề thấy mây nhưng ta vẫn hiểu ý tác giả đang diễn tả một chiều mưa.

Có những cảnh đời, chúng ta nhìn ngắm bằng sự hồn nhiên, không can thiệp bằng kiến thức, bằng kinh nghiệm, bằng lý trí, thì thấy nó thú vị. Nhưng có những chuyện đời chúng ta phải quan sát bằng kiến thức, kinh nghiệm, suy tưởng, tưởng tượng. Một lá me bay trên đường, một cụm mây trắng trên trời xanh, một ráng chiều cuối ngày, nếu chúng ta gởi vào đó những hồi ức tưởng tiếc thì mới thấy cái vẻ đẹp của làn mây đó, ráng chiều đó.
Nói như vậy có nghĩa là chúng ta có ít nhất là hai cách nhìn về cuộc đời. 

Cách thứ nhất là nhìn một cách hồn nhiên không can thiệp bằng lý trí, kinh nghiệm, hay kiến thức. 
Cách nhìn thứ hai là trực quan, có sao thấy vậy không thêm bớt. Trong tinh thần Phật pháp, cái gọi là kinh nghiệm của phàm phu toàn là những kinh nghiệm do ảo tưởng, do phiền não. Cách nhìn thêu dệt là do ảo tưởng. Khi biết đạo rồi thì phải bỏ cách nhìn thêu dệt. Nghe một câu nói mà cộng ghép vào đó quá nhiều suy tưởng sẽ làm mình phiền não - hoặc vui thích đắm đuối, hoặc bất mãn hờn giận. 

(Trích bài giảng Kinh Trường Bộ, Sư Toại Khanh giảng, Nhị Tường ghi chép, lớp Kinh Tạng #Vietheravada)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét