Giữa lòng Sài Gòn hoa lệ có một trung tâm ngoại ngữ không biển hiệu, nằm lọt thỏm trong con hẻm sâu cách xa trung tâm thành phố hàng chục cây số nhưng vẫn là nơi chở ước mơ cho gần 3.000 bạn trẻ.
Đã 8 năm kể từ ngày lớp học tại khuôn viên chùa Lá bắt đầu những tiết giảng đầu tiên với 30 học viên co cụm trong khuôn viên ọp ẹp cho đến khi trở thành một trung tâm bồi dưỡng như ngày hôm nay.
Bao nhiêu lứa học viên đã tìm đến, bao nhiêu kiến thức được truyền dạy nhưng chưa khi nào…. nơi đây thu học phí.
Từ một lớp tiếng Anh ban đầu, hiện tại trung tâm đã mở rộng đến 70 lớp ở 6 ngoại ngữ.
Trung tâm không biển hiệu nhưng nức tiếng gần xa
Đến với trung tâm ngoại ngữ Thiện Nhơn tọa lạc tại khuôn viên chùa Lá (Gò Vấp, TP HCM), chúng tôi không khỏi bất ngờ khi những tưởng tượng trước đó của mình hầu như đều trái ngược.
Chùa không biển hiệu, trung tâm ngoại ngữ cũng không biển hiệu, địa chỉ chẳng dễ tìm,… điều này hoàn toàn trái ngược với hình dung về một cơ sở khang trang, tọa lạc ngay mặt phố. Thế nhưng suốt 8 năm qua, hàng ngàn lứa học viên đã xem đây là mái trường, là ngôi nhà thứ 2.
Suốt 8 năm nay, thầy Nhuận Tâm đem hết tâm huyết để duy trì trung tâm ngoại ngữ.
Đúng như tên gọi “chùa Lá”, chùa được thành lập từ năm 1995 với mái lá đơn sơ.
“Ý tưởng mở một lớp học đã được tôi nhen nhóm từ lâu nhưng mãi đến cuối năm 2009, tôi và tiến sĩ Lâm Quang Mỹ mới bắt tay nhau thực hiện. Sẵn mảnh đất tôi dùng tiền bán thư pháp và đá phong thủy mua được ở cạnh chùa, anh Mỹ mới hỗ trợ thêm kinh phí để xây dựng phòng học. Từ đó, trung tâm bắt đầu nhận học viên cho đến ngày hôm nay” – thầy Thích Nhuận Tâm, trụ trì chùa Lá cho hay.
Đa phần những người giảng dạy tại đây đều là giảng viên đại học hay giáo viên ngoại ngữ tại những cơ sở uy tín. “Lúc nào trung tâm cũng ổn định nguồn giáo viên nước ngoài từ 10 – 15 người. Đôi khi họ không phải là giáo viên mà chỉ là các bạn trao đổi sinh về đây cùng sinh hoạt và luyện giao tiếp với học viên” – thầy Nhuận Tâm cho hay.
Chương trình giảng dạy tại đây từ cơ bản đến nâng cao và ôn luyện các chứng chỉ quốc tế.
Trong cả thảy 70 lớp thì 1/3 trong số đó giáo viên tình nguyện không nhận tiền lương. Phần còn lại thầy Nhuận Tâm cố gắng xoay sở để chi trả cho giáo viên nhờ vào nghề viết thư pháp, bán đá phong thủy cùng sự ủng hộ của mạnh thường quân.
“Với những giáo viên nước ngoài không nhận tiền lương nhưng mình vẫn sẽ hỗ trợ ăn uống, nơi ở ngay tại chùa, thỉnh thoảng còn tổ chức tham quan để giới thiệu danh thắng Việt Nam. Họ đến với mình bằng cái tâm thì mình cũng phải cho đi bằng cái tình”.
Ở lớp ngoại ngữ chùa Lá: cả chữ và tình đều vô giá
Có một thực tế mà những người từng đến đây đều có thể cảm nhận được: Chùa không rộng rãi và khang trang. Mọi diện tích đều được ưu tiên cho dạy học.
Lối vào chùa được trưng dụng làm quầy ghi danh, 4 gian phòng lớn nhất là lớp học, thậm chí những khi số lượng học viên quá tải thì một góc chính điện cũng trở thành nơi luyện giao tiếp.
Ấy là chưa kể đến những khi mưa to, mái tôn dột nước thầy trò phải dồn vào một góc, lúc nước ngập phải kê gạch dọc theo lối đi.
Khó khăn là thế nhưng khi được chúng tôi đặt câu hỏi có bao giờ nản lòng, thầy Nhuận Tâm bật cười: “Nhiều lúc chẳng biết phải xoay sở làm sao: nào lịch học, nào cơ sở vật chất, chi phí trả cho giáo viên rồi liên hệ với những giáo viên nước ngoài… nhưng ngẫm lại thấy mình nhận về nhiều hơn số đó. Nhận về ở đây là cái nghĩa, cái tình”.
Với diện tích chật hẹp, cả khu chính điện cũng được trưng dụng để dạy học và luyện giao tiếp ngoại ngữ.
Ở trung tâm ngoại ngữ của chùa Lá còn có một điều đặc biệt: “Đi là để trở về”. Nhiều bạn trẻ ra trường đi làm và tình nguyện quay trở lại đây để giảng dạy, có bạn kiên quyết không nhận tiền lương dẫu kinh tế còn eo hẹp. Các tình nguyện viên còn rủ thêm bạn bè quốc tế tranh thủ kì nghỉ hè về giao lưu hay anh/chị Việt kiều lần nào về nước cũng ghé qua lớp giúp các học viên rèn kĩ năng giao tiếp…
“Tôi cứ nhớ mãi câu chuyện về một bạn học viên hứa dùng đồng lương đầu tiên tặng trung tâm như một món quà cám ơn. Ngày lãnh lương được 4 triệu đồng, trong khi xe hư em chẳng dám dùng tiền đó sửa mà nhờ bạn mang tiền ở nhà đến cho. Vào đến chùa, em trích 200.000 đồng trong lương mới nhận đưa tôi rồi nhắn nhủ: Thầy cầm giúp em để trang trải chi phí lớp học cho các em khóa sau” – thầy Nhuận Tâm bồi hồi nhớ lại.
Anh Chủng – nhân viên giáo vụ của trung tâm và cũng là cựu học viên tại đây.
Một trong những người gắn bó và dành nhiều tâm huyết cho trung tâm ngoại ngữ không thể không kể đến anh Chủng (28 tuổi) cựu học viên tại đây. Sau khi ra trường với tấm bằng đại học cộng thêm vốn ngoại ngữ vững vàng trong tay, anh Chủng “bén duyên” công việc hướng dẫn viên du lịch cùng mức lương mơ ước.
Thế nhưng, nhiều người không khỏi bất ngờ khi trong khoảng 2 năm nay, anh từ bỏ công việc “chu du” để trở về làm nhân viên giáo vụ cho trung tâm ngoại ngữ của chùa Lá.
“Cũng vì lí do cá nhân và trung tâm ngày càng đông học viên nhưng lại thiếu người quản lí, nên tôi quay về đây phụ giúp. Tất bật từ sáng đến tối, nhưng tôi cũng ráng tranh thủ theo học các khóa tiếng Nhật và Trung. Đến khi nào tìm được một bạn tâm huyết và muốn gắn bó lâu dài ở đây, tôi sẽ giao lại công việc. Lúc đó mình cũng sở hữu vốn ngoại ngữ nhất định rồi, có mất mát gì mà lo” – anh Chủng bật cười.
Sài Gòn là một trong những thành phố đắt đỏ nhất nước nhưng có một điều trái ngược ai cũng phải gật gù thừa nhận: “Miễn phí” đã dần trở thành một “đặc sản” nơi đây. Trà đá miễn phí, bánh mì miễn phí, sửa xe miễn phí… ngay cả bồi dưỡng kiến thức cũng có hẳn một trung tâm ngoại ngữ miễn phí.
“Trước đến nay, tôi chưa bao giờ nghĩ đến chuyện thu học phí, dù nhiều lúc thật sự khó khăn. Nhưng chỉ cần đâu đó nghe được câu nói từ một học trò thành danh: “Tôi từng học ở chùa Lá” là đủ để bao nhọc nhằn đi qua đều thật sự xứng đáng” – thầy Nhuận Tâm bộc bạch.
Hồng Ngọc / saostar.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét