Làm Thế Nào Để Phát Triển Trực Giác?

Trực giác là khi ta biết điều gì đó mà không biết chính xác tại sao mình lại biết. Đó là sự hiểu biết không bắt nguồn từ suy nghĩ có ý thức hoặc lý luận, mà là từ một nơi “sâu thẳm” ta khó có thể chia sẻ với ai. Các nhà tâm lý học xác định trực giác là một “quá trình liên hệ vô thức.” Về cơ bản, đó là sự nhận thức cực nhanh diễn ra bên dưới bề mặt của ý thức.
Chỉ một phần nhỏ của não là thật sự dành cho hành vi có ý thức, như lý luận và ra quyết định. Phần não còn lại hoạt động âm thầm ở phía sau: nhận ra các xu hướng và mối liên kết nằm ngoài khả năng nhận biết có ý thức. Khi ta bất chợt nảy ra một ý tưởng hay quan niệm thì có nghĩa là não đang nhận ra một xu hướng, mặc dù ta không thể giải thích đầy đủ xu hướng đó là gì và tại sao mình lại biết.



Thường trực giác của ta là sự kết hợp giữa một ý tưởng với một cảm giác trên cơ thể: giống như một cảm giác bản năng, cảm giác ngứa ngáy trên da, hoặc một sự thay đổi trong nhịp tim hay nhịp thở. Những thay đổi về thể chất thường là điều thu hút sự chú ý của ta khi ta “chợt hiểu ra” điều gì đó, đồng thời cũng là thứ có thể khiến một ý tưởng trở nên nổi bật và quan trọng với ta.
Theo nghiên cứu tâm lý, trực giác của ta có thể là một chỉ dẫn rất quan trọng cho một số lựa chọn và cả cách ta sống cuộc đời mình. Khi xảy ra những trường hợp sau, trực giác có thể đặc biệt hữu ích trong việc giúp ta ra quyết định:
  • Sự quá tải thông tin: Ta có quá nhiều thông tin phải tiếp thu một cách có ý thức trong một hoàn cảnh cụ thể.
  • Áp lực thời gian: Ta không có đủ thời gian để hợp lý hóa một vấn đề trước khi cần hành động.
  • Tín hiệu môi trường: Một tín hiệu từ môi trường xung quanh tác động lên bộ não của ta theo một cách khác lạ. (“nhận thức tình huống”) 
Sự thật đơn giản là ta không thể kỳ vọng bản thân có khả năng hợp lý hóa một cách có ý thức mọi lựa chọn trong cuộc sống. Đôi khi bạn chỉ cần nghe theo trực giác của mình và mạo hiểm, đặc biệt là nếu bạn có cảm giác mạnh mẽ về nó. 
Trên thực tế, một nghiên cứu tại Đại học Leeds được công bố trên tạp chí British Journal of Psychology đã trích dẫn một số ví dụ tuyệt vời về cách trực giác có thể là một “người chỉ dẫn” đáng tin cậy trong những tình huống nhất định. Trong một ví dụ, một tay đua Công thức 1 đang đua xe thì bỗng dưng có cảm giác thôi thúc phải thắng gấp khi đến gần một ngã rẽ. Anh không biết tại sao, nhưng kết quả là anh đã tránh được vụ đâm xe ở đường đua trước mặt. Theo Giáo sư Hodgkinson, người đứng đầu của nghiên cứu này: 
"Tay đua này không thể giải thích tại sao anh cảm thấy mình nên dừng lại, nhưng thôi thúc đó mạnh hơn nhiều so với mong muốn giành chiến thắng trong cuộc đua. Sau đó anh trải qua các cuộc phân tích pháp y của các nhà tâm lý học. Trong quá trình này, anh được cho xem một đoạn phim để hồi tưởng lại sự kiện. Khi ngẫm lại, anh nhận ra rằng đám đông, mà bình thường lẽ ra đã cổ vũ anh chạy tiếp, lại không nhìn anh mà đang bất động nhìn sang hướng khác. Đó là tín hiệu. Anh đã không xử lý thông tin này một cách có ý thức, nhưng anh biết có điều gì đó không ổn và thắng xe kịp thời.” 
Trong trường hợp này, tín hiệu môi trường đã kích hoạt trực giác của tay đua để anh lái chậm lại. Anh không biết chính xác tại sao, nhưng anh “cảm thấy” mình buộc phải làm vậy. 
Một nghiên cứu gần đây được công bố trên British Medical Journal cho thấy các bác sĩ đôi khi cũng có thể sử dụng trực giác để giúp đưa ra quyết định trong chữa trị. Trong một số trường hợp, nghiên cứu phát hiện ra rằng “trực giác” của các bác sĩ có giá trị chẩn đoán thậm chí còn cao hơn hầu hết các triệu chứng và dấu hiệu, đặc biệt là khi họ cảm thấy có điều gì đó “không ổn” với một bệnh nhân, dù kết quả kiểm tra cho thấy điều ngược lại. 
Tương tự, tuy không kịch tính như những ví dụ trên, trực giác của ta cũng có thể là điều đáng để ta tin tưởng và nghe theo trong cuộc sống hàng ngày. Dưới đây là những lời khuyên hữu ích giúp bạn sử dụng trực giác hiệu quả trong cuộc sống.

 
Có Kinh Nghiệm 

Trực giác của ta mạnh mẽ và đáng tin cậy nhất khi nó liên quan đến điều ta có rất nhiều kinh nghiệm.
Trong cả hai ví dụ trên, những người nghe theo trực giác đều từng tiếp xúc nhiều với những tình huống đặc biệt như vậy. Tay đua Công thức 1 đã quen với việc tham gia nhiều cuộc đua; còn các bác sĩ đã quen với việc chữa trị cho nhiều bệnh nhân. Cả hai đều ý thức sâu sắc về tay nghề của họ, vượt xa cách một người bình thường trải nghiệm những tình huống này.
Theo nguyên tắc chung, càng có nhiều kinh nghiệm về một tình huống, bạn sẽ càng dễ nghe theo trực giác của mình. Mặt khác, hãy cân nhắc kỹ trước khi tin vào “trực giác” về những thứ bạn không biết là gì hoặc có ít kinh nghiệm về nó.
 
Nâng Cao Nhận Thức 

Nhận thức của ta càng tốt thì ta càng dễ “nghe” được những gì trực giác mách bảo.
Như đã đề cập trước đó, trực giác thường đi kèm với cảm giác trên cơ thể, vì vậy việc hòa hợp với cơ thể có thể rất quan trọng trong việc đánh giá tâm trí đang giải thích tình huống như thế nào. Các bài tập như thiền hít thở và yoga có thể giúp nâng cao nhận thức về cơ thể và từ đó cải thiện trực giác của ta.
Tâm trí ta không chỉ giới hạn trong hoạt động của bộ não, mà là toàn bộ hoạt động của hệ thần kinh nói chung. Đây là lý do tại sao rất nhiều cảm xúc có liên quan đến cảm giác của các bộ phận trên cơ thể. Vì vậy, để hiểu được các quá trình trong cơ thể của bạn, điều quan trọng là bạn phải quan sát cơ thể và chú ý khi nó “lên tiếng”. 

Luyện Tập Trực Giác Theo Những Cách Đơn Giản Và Vô Hại 

Giống như tất cả các kỹ năng khác, ta cần phải luyện tập để có trực giác nhạy bén. Điều đó không có nghĩa là bạn nên bắt đầu luyện tập bằng việc tham gia thị trường chứng khoán hay đầu tư – có những cách đơn giản và vô hại giúp cải thiện trực giác của bạn.
Một hoạt động nhỏ mà tôi hay làm là tập đoán nhiệt độ của môi trường quanh mình (rồi kiểm tra lại nhiệt kế). Việc này không gây ra hậu quả nào, vì vậy là một cách an toàn để rèn giũa trực giác của tôi. Những bài tập nhỏ như thế giúp tôi suy ngẫm về cảm giác của mình, rồi đoán xem những cảm giác đó đang mách bảo tôi điều gì. Sau đó tôi xét xem trực giác của mình là đúng hay sai, và điều chỉnh lại vào lần luyện tập tiếp theo.
Những bài tập nhỏ khác mà bạn có thể thực hiện để kiểm tra trực giác là đoán tốc độ bạn đang lái xe trước khi nhìn vào đồng hồ đo tốc độ, hoặc đoán trước những gì bạn bè sẽ nói với bạn trước khi bạn nói với họ điều gì đó. 
Hãy sáng tạo. Mỗi ngày bạn có rất nhiều cơ hội đơn giản và dễ dàng để kiểm tra trực giác của mình. 
 
Viết Không Suy Nghĩ
 
Viết không suy nghĩ là một kỹ thuật phổ biến được sử dụng để “truy cập” vào vô thức để khám phá ra những hiểu biết mới. Mục tiêu của bài tập này là viết xuống bất cứ điều gì chợt nảy ra trong tâm trí mà không ngẫm nghĩ về nó hoặc chỉnh sửa nó.
Bạn không cần phải viết những câu hoàn chỉnh hay viết đúng ngữ pháp. Những suy nghĩ và ý tưởng của bạn thậm chí không cần phải có ý nghĩa. Bạn chỉ cần viết và tiếp tục viết. Bạn càng ít để ý đến những gì mình đang viết thì càng tốt – bởi vì điều này có nghĩa là bạn đang tiếp cận luồng thông tin đến với mình một cách tự do và tự nhiên.
Qua luyện tập và thời gian, viết không suy nghĩ có thể cho ta một số kết quả đáng ngạc nhiên. Khi để cho phần vô thức hoạt động theo cách của nó, ta thường có thể khám phá ra những ý tưởng và cách suy nghĩ mà trước đây ta chưa biết. Bài tập này cũng giúp tư duy của ta vượt khỏi giới hạn của logic và lý trí thuần túy, ở đó trực giác hoạt động mạnh nhất.
Hãy bắt đầu bằng cách viết không ngừng trong 5 đến 10 phút. Lúc bắt đầu, bạn có thể viết một cách có ý thức, nhưng cuối cùng bạn sẽ quen với việc viết một cách vô thức. 
 
Tin Tưởng Bản Thân
 
Trực giác đòi hỏi ta phải tin tưởng vào bản thân ở một mức độ nhất định. Nếu nghi ngờ những cảm nhận của mình, bạn sẽ không bao giờ phản hồi lại nó hoặc kiểm tra nó.
Hãy tin rằng tâm trí của bạn có khả năng đưa ra những phán đoán trực giác chính xác, bởi vì nó thật sự có thể – dù bạn vẫn cần đầu tư thời gian, nỗ lực và luyện tập trước khi làm được điều đó. 
Các nguyên tắc trong bài này là một điểm khởi đầu tuyệt vời cho việc khám phá và cải thiện trực giác của bạn. Hãy thử nghiệm một số đề xuất và cho bản thân một cơ hội để phát triển trực giác. 


****** Tác giả: Steven Handel – Biên tập bởi Tâm lý học ứng dụng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét