Chưa, tôi chưa “tịch” đâu, chỉ mới “tịt” thôi, thấy hình như đang thiếu chút lửa, thế thôi, chẳng vì một lời khấn hứa nào hết. Dăm ba chuyện vặt cho xong một cuộc gọi, rồi thì bye nhau. Vói tay lên tắt ngọn đèn đầu giường, chợt nghe trong thâm u trí nhớ một câu chuyện cũ càng xa lắc… Đã quên mất là đọc từ hồi nào, chỉ nhớ chừng đó là câu truyện ngắn của một tác giả tiền chiến thì phải. Truyện kể một nhà nghệ sĩ trót dan díu với ả phù-dung, đem hết tuổi xanh đốt thành khói trắng để một đêm kia bỗng dung nghe lạt miệng, mất hẳn những cơn thèm thuốc thường nhật rồi thì cứ vậy mà đi. Chuyện chẳng có gì nhưng đoạn kết có chút chi tiết dễ khiến độc giả lạnh người và buộc phải chú ý. Một người quen đến thăm thấy ông nghệ sĩ đã chết, và một con rắn cứ rúc mãi vào mũi xác chết để tìm chút mùi vị thuốc phiện – mà chính nó cũng đã đâm nghiện khi vẫn đêm ngày lãng vãng trong gian nhà ám khói của một người hút. Nguồn cảm hứng mất đi, gã nghệ sĩ nhắm mắt. Và ông đi rồi, con rắn láng giềng nọ cũng không còn lý do để sống. Có ai đó từng nói, đời sống là một chiến trường, một hành trình bão táp. Sống là đam mê, vật lộn, giành giật, tranh thủ. Ngày nào, người nào không còn mấy thứ đó nữa, kể như là chết, ở nghĩa đen hay nghĩa bóng. Phật giáo hình như cũng có một cách nói gần giống vậy. Theo kinh điển Nam truyền, vì những ngu khờ nào đó mà người ta lao vào cái gọi là hành động, một tên gọi khác của đời sống, để có được những đam mê (nói ngắn gọn là thế). Một ngày tỉnh ra, không còn ngu khờ mông muội nữa, người ta chẳng thèm làm gì ráo. Cái ác hay điều thiện lúc này đều là cái gì đó rất trẻ con, không cần thiết nữa. Bậc thánh nhân xem chuyện tu hành ngày cũ là điều phải làm, nay hoàn nguyện rồi thì lòng thênh thang vô trước như kẻ đã qua sông ngó lui chiếc bè vừa bỏ lại. Rồi thì người đi không về. Cụ Lãn Ông từng có một mô tả hay nhất thế giới về cái khoản này: “Thiện diệc lãn vi hà huống ác, phú phi sở nguyện khởi ưu bần!’. Với câu nói đó, nếu ông là một thiền sư Tàu, hẳn đã nhận được y bát của Lục Tổ rồi cũng nên! Ai sống ở đời, với hoàn cảnh nào đi nữa,cũng khó mà chẳng đam mê ít nhất một thứ tục tằn thô lậu hay thanh cao tiêu sái. Phải có để mà sống đời. Đời như con nước, nhân sinh như con đò, làm gì không có những chỗ ghé. Lâu hay mau cũng là ghé. Kinh nói chỉ có vị La-hán mới là cái xác thuyền trên cạn chờ ngày biến mất khỏi trần gian. Kỳ dư thiên hạ đều là những con thuyền hì hục băng mình trên biển khổ ngó không thấy bờ, dò không chạm đáy.
Nhưng vấn đề hình như không phải chỉ có chừng đó. Tôi muốn nhắc lại một câu nói của tôn giả Ananda khi trả lời câu hỏi của vua Ba-tư-nặc rằng, trong đạo giải thoát có chỗ cho niềm đam mê nào chăng; và nếu có, thì niềm đam mê ấy với lý tưởng ly tham của nhà Phật, có chống trái nhau? Ngài Ananda đã cho vua một câu khẩu quyết: Phải có muốn mới có đi, đến rồi không còn muốn nữa. Ở đây, niềm đam mê là nguồn năng lượng, là động lực cho một cuộc vượt thoát – thay vì là cái bắt đầu
cho những quẩn quanh. Nó cứ như một dòng điện, một ngọn lửa khi có thể là điểm bắt đầu cho cả hai tình huống hủy diệt và hồi sinh. Nói theo Dịch Lý thì là lửa trong quan hệ tương sinh và lửa trong quan hệ tương khắc. Thiếu lửa, thế giới không còn là thế giới. Dù cũng chính những ngọn lửa xóa dấu thế giới!
“Em ơi, lửa tắt, bình khô rượu...Đời vắng em rồi say với ai”. Tôi muốn hiểu hai câu thơ đó của ông Vũ Hoàng Chương theo kiểu riêng của mình bằng cách xếp chúng thành một vòng tròn để hiểu nhiều hơn theo cách hiểu thường thức. Em đi rồi, như đời không còn lửa, gì rồi cũng hết theo. Lửa = Em = Lửa!
Cảm ơn thiên hạ vừa ném cho que diêm, hay cũng có thể là một mẩu nến vụn cũng được. Vì chỉ cần có được một trong hai món, cộng với thứ còn giữ được trên tay, tôi đã có thể tìm thấy lửa. Toại Khanh chẳng là một gã mọi đi tìm lửa trong rừng thẳm thời khuyết sử đấy sao? Lửa có cháy thì phải có tắt. Trách nhiệm tìm lửa hình như chẳng của riêng ai. Đời sống là một hành trình kiếm tìm, nhen lửa, với những đam mê khi tiên khi tục. Thành thánh thì thôi. Lúc bấy giờ lửa đã gặp nước. Hình như đó cũng là lý do chữ Diệt (滅) trong Hán ngữ lại thuộc bộ Thủy (水).
Nếu đêm nay phải viết một bài chính tả tiếng Tàu, tôi sẽ cố ý viết sai chữ Tịch (寂) trong Tịch Diệt (寂滅) thành Tịch (汐) bộ Thủy (水) thay vì bộ Miên (宀). Chữ Tịch đó sẽ thơ mộng hơn nhiều, nó không còn là sự yên lặng hiu hắt, mà sẽ là một con nước tối trên dòng sông đêm... Thệ giả như tư phù, bất xả trú dạ!
Toại Khanh
October 01, 2007
October 01, 2007
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét