Sự Sợ Hãi và Sân Si trong Tu Tập


Theo Vi Diệu Pháp thì tâm nào có tính chất chống đối, đẩy xa ra hay huỷ diệt đối tượng đều gọi là sân, vì vậy sợ hãi, tật đố, hối hận, buồn phiền v.v… đều ở trong nhóm thuộc tính (tâm sở) của tâm sân...

Sự Sợ hãi

Người hỏi: Thưa Thầy, khi sự sợ hãi lên đến đỉnh điểm con phải làm thế nào. Con thấy trong kinh khiếp đảm và sợ hãi đức Phật nói "trong khi ta đang đứng mà sợ hãi khởi lên, ta phải đứng cho hết sợ rồi mới đi". Con cũng có thực hành như vậy nhưng càng quan sát càng sợ, lúc đó chỉ muốn đi đến nơi có ánh sáng hoặc chỗ đông người, con kính xin Thầy chỉ dạy?

Thầy Viên Minh: Sợ hãi xuất phát từ tưởng tượng như sợ ma nhưng thực ra khi đó không thấy ma. Cho dù thấy thật như thấy cọp chẳng hạn thì cũng là do tưởng tượng nó giết mình nên mới sợ. Đôi khi có người không sợ cọp vào rừng đi với cọp không những không sợ mà cọp còn sợ lại nữa. Hồi thầy ra Bà Rịa xây dựng Viên Không Tăng và Viên Không Ni, có người cho Thầy con chó con. Một hôm thầy dẫn nó qua bên Ni, giữa đường có nhà nuôi một bầy chó, khi Thầy đi qua đó cả bầy chạy ra sủa, nhưng con chó con thầy dẫn theo vẫn đứng tỉnh bơ không hề sợ hãi khiến bầy chó lớn phải tự rút lui. Chính sợ hãi chiêu dụ sự ảnh hưởng của đối tượng.
Khi sợ hãi phát sinh nên quay lại cảm nhận trọn vẹn sự sợ hãi đó chứ không nên nghĩ đến đối tượng thì sợ hãi sẽ hết. Đó là nguyên lý rất phổ quát, không những sợ hãi mà bất kỳ tâm trạng nào như tham, sân, đố kỵ, kiêu mạn v.v... chỉ cần trở về trọn vẹn lắng nghe hay cảm nhận trạng thái đó thì nó sẽ tự lắng dịu ngay. Có lẽ do lắng nghe, cảm nhận chưa được trọn vẹn nên vẫn còn sợ đó thôi.
Đôi lúc người ta dùng mẹo ám thị để đỡ sợ hãi, như nắm ngón tay cái vào trong lòng bàn tay, đó cũng là cách mà Đông y dùng để làm dịu phế khí khiến giảm nhịp tim, vì khi sợ hãi phổi thường thở gấp và tim đập quá mạnh. Hoặc như anh tài xế xe khách dùng mẹo đưa cho người sợ say xe cầm một viên sỏi trong tay thì tự nhiên hết say xe. Như vậy sợ hãi phần nhiều là do tâm lý hơn là thực tế.
Một cách hữu hiệu khác là đối diện với sự sợ hãi đến tận cùng thì sẽ hết sợ. Hồi còn nhỏ thầy sợ nhất là ma và chó. Một tối nọ, thầy giáo tổ chức cắm trại ngoài bờ biển cách nhà thầy khoảng 3 cây số. Lần đầu tiên trong đời nghe sóng biển đánh ầm ầm nhưng trời tối không thấy gì hết đã sợ quá chừng, thế mà nửa đêm thầy giáo lại cho giải tán nên ban đêm về nhà phải đi qua một nghĩa địa trên cánh đồng hoang ở thôn quê, thấy những quả lân tinh bay lơ lửng tưởng ma sợ đến khiếp đảm nhưng phải cắn răng mà chạy một mách về nhà khi bạn bè đã rẽ qua đường khác hết. Sợ quá chạy thục mạng, lại nghe tiếng thình thịch như có ma rượt theo đàng sau. Về tới nhà toát mồ hôi lạnh. Nhưng từ đó không còn sợ ma nữa.

http://coinguonhanhphuc.blogspot.com.au/2017/09/tam-su-so-hai-y-hoc-trong-phat-giao.html#more

Sự Sợ Hãi và Sân Si trong Tu Tập

Người hỏi: Xin hỏi Thầy có phải sợ hãi là một loại tâm sân? Và làm sao tu để giác ngộ chứ không do động lực tham sân hay sợ hãi?

Thầy Viên Minh: Theo Vi Diệu Pháp thì tâm nào có tính chất chống đối, đẩy xa ra hay huỷ diệt đối tượng đều gọi là sân, vì vậy sợ hãi, tật đố, hối hận, buồn phiền v.v… đều ở trong nhóm thuộc tính (tâm sở) của tâm sân. Duy Thức thì xem sân và sợ hãi là hai tâm sở khác nhau. Sân ngược với tham vì tham có tính thu vào hay giành lấy đối tượng, như vậy sợ hãi không thể thuộc về tham. Có hai yếu tố gần giống với sợ hãi nhưng không phải thuộc sân đó là tàm và quý. Tàm là hổ thẹn với tội lỗi, quý là ghê sợ không dám làm tội lỗi. Hai tâm sở này có tính lương thiện trong khi sợ hãi có tính bất thiện.
Vì không phân biệt được giữa tàm quý (hiri-ottappa) với sợ hãi (uý: bhaya) nên không ít người vô tình vướng vào sợ hãi thay vì biết tàm quý trong tu tập, do đó chỉ khiến tăng trưởng tham sân si mà thôi. Khi thấy rõ tội do tư tưởng sai xấu đưa đến hành động hại mình hại người nên biết hổ thẹn mà chùn chân trước tội lỗi, khác xa với người đã làm tội do nhận thức và hành vi sai xấu, không biết tu sửa ngay tư tưởng và hành động đó mà chỉ cố tu sao để tránh được quả báo thôi, đó không phải là chuyển nghiệp mà chỉ là sợ hãi. Cũng vì lý do này mà trong khi tu chỉ mong huỷ diệt quả khổ khiến tâm sân càng tăng trưởng, rồi cứ loay hoay trong thủ xả mà không tìm được lối ra! Như vậy, tưởng đang tu nhưng thực ra đang bị sợ hãi, sân si dẫn dắt!
Thực ra, khám phá Sự Thật nơi chính mình và cuộc sống mới là tu chứ không phải tu vì động lực tham sân si hoặc sợ hãi. Như vậy, tu là thấy ra Sự Thật chứ không phải rèn luyện để đạt được lý tưởng nào. Thấy ra sự thật gì?
- Một là thấy ra được nhận thức ảo (sai sự thật) và hành vi xấu (hại mình hại người) để buông ảo trở về chân, tránh tình trạng thấy dây thành rắn, thấy cuốc hoá gà.
- Hai là thấy ra hiện tượng duyên khởi nơi thân tâm cảnh để tuy nghi ứng xử cho đúng tốt với tướng dụng của nó.
- Ba là thấy pháp vốn tự nhiên, như thị ngay nơi tự tánh chân đế thoát khỏi khái niệm tục đế hay pháp chế định do lý trí vẽ vời, thêm thắt.

http://coinguonhanhphuc.blogspot.com.au/2017/08/su-im-lang-su-so-hai-tron-ven-voi-hien.html#more

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét