Trong bài kỳ này, chúng ta sẽ tìm hiểu những việc cần làm khi chúng ta tiểu ra máu, mắt thường nhìn thấy hoặc tình cờ khi thử nước tiểu, dưới kính hiển vi thấy có nhiều hồng huyết cầu trong nước tiểu.
Thăm khám
Sau khi nghe bạn kể bệnh, và hỏi thêm những điều cần biết, bác sĩ sẽ thăm khám để tiếp tục tìm hiểu nguyên nhân khiến bạn chảy máu đường tiểu.
Bụng bạn sẽ được đặc biệt chú ý, bác sĩ khám kỹ, tìm xem có bướu lạ khiến ta nghĩ đến ung thư.
Ở đàn ông, nhất là nếu trên 50, bác sĩ cần khám thêm hậu môn, xem tuyến nhiếp hộ (prostate) có to hoặc bị ung thư. Ở phụ nữ, nhiều trường hợp cần khám âm đạo, xem máu thực sự từ đâu ra, từ cơ quan sinh dục (tử cung, âm đạo) hoặc đúng từ đường tiểu.
Trắc nghiệm và phim chụp
Trắc nghiệm đầu tiên cần làm là lấy nước tiểu thử, để xem bạn thực có chảy máu đường tiểu hay không. Nếu bạn có triệu chứng nhiễm trùng đường tiểu (tiểu rát buốt, mắc đi tiểu hoài, hoặc nóng sốt, đau vùng thận), bác sĩ có thể cấy trùng nước tiểu luôn, xem vi trùng nào đang làm loạn. Trường hợp này ta tạm yên tâm, chảy máu đường tiểu có thể chỉ là một trong các triệu chứng của nhiễm trùng đường tiểu.
Trường hợp tiểu ra máu không có nguyên nhân rõ rệt, nhất là ở người trên 50 tuổi (trên 50 tuổi dễ bị ung thư đường tiểu), người chảy máu nhiều mắt nhìn thấy (và thử nước tiểu quả thấy vô số hồng huyết cầu), chúng ta cần tìm hiểu kỹ lưỡng. Các phương cách sau hay được dùng để truy tìm nguyên nhân khiến tiểu ra máu:
1. Cat scan, siêu âm:
Phim Cat scan đường tiểu (CT urography) rất tốt để tìm hiểu nguyên nhân gây tiểu ra máu.
Siêu âm (ultrasound) không bằng phim Cat scan, song có thể dùng trong trường hợp chúng ta không thể chụp phim Cat scan (như đang mang thai, hoặc phản ứng với thuốc chích vào để chụp phim Cat scan).
2. Thử tế bào trong nước tiểu:
Lấy nước tiểu thử tìm tế bào lạ (urine cytology) để xem có tế bào ung thư hiện diện trong nước tiểu hay không.
3. Soi bọng đái:
Người lớn chúng ta ai tiểu ra máu không có nguyên nhân rõ rệt cũng nên soi bọng đái (cystoscopy).
Soi bọng đái cho chúng ta biết có sạn, bướu (bướu lành hoặc ung thư), lao, v.v. trong bọng đái. Bác sĩ chuyên khoa tiết niệu (urologist), trong lúc soi bọng đái, thấy chỗ nào bất thường, sẽ cắt chỗ mô bất thường đó đem thử nghiệm.
4. Sinh thiết thận (renal biopsy):
Thỉnh thoảng, có những trường hợp chúng ta nhờ đến bác sĩ chuyên khoa thận (nephrologist) đâm kim vào thận, lấy ra một chút mô thận để đem thử.
Không phải trường hợp tiểu ra máu nào cũng cần làm sinh thiết thận. Thường chúng ta làm sinh thiết thận khi người bệnh không những tiểu ra máu, trong nước tiểu còn có thêm chất đạm (protein), chức năng thận suy giảm theo thời gian, áp huyết có mòi tăng lên, khiến chúng ta nghĩ đến một bệnh trong thận gây các dấu chứng này. Nhiều loại bệnh thận gây tiểu ra máu.
Chữa trị
Sự chữa trị tiểu ra máu tùy vào nguyên nhân ta tìm ra. Không có thuốc nào uống hay chích giúp ngưng chảy máu.
Tiểu ra máu do nhiễm trùng đường tiểu chữa bằng trụ sinh. Tiểu ra máu do các nguyên nhân khác, như sạn, ung thư chẳng hạn, cách chữa tất nhiên phức tạp hơn nhiều.
Thỉnh thoảng có nên thử nước tiểu?
Vậy thỉnh thoảng có nên lấy nước tiểu đem thử, xem có máu trong nước tiểu? Đây là câu hỏi nhiều người chúng ta âu lo thắc mắc.
Việc thử nước tiểu tìm xem có máu trong nước tiểu không đạt các tiêu chuẩn về truy tìm ung thư như chụp phim vú để truy tìm ung thư vú, hoặc soi ruột già truy tìm ung thư ruột già, nên với người bình thường, chẳng có triệu chứng gì về đường tiểu, việc thỉnh thoảng lấy nước tiểu đem thử tìm máu trong nước tiểu hiện giờ không được đặt ra.
Nhiều cơ quan y tế chuyên về truy tìm phòng ngừa, như cơ quan United States Preventive Services Task Force on the Periodic Health Examination, không khuyên chúng ta thỉnh thoảng lấy nước tiểu thử tìm xem có máu trong nước tiểu.
Đời lắm chuyện thực. Tiểu ra máu cũng là một chuyện hay xảy ra khiến chúng ta buồn phiền, mất vui. Cũng may, tiểu ra máu thường do nguyên nhân lành, chữa không mấy khó.
Bác sĩ Nguyễn Văn Đức
8748 E. Valley Blvd., Ste H
Rosemead, CA 91770
Tel: (626) 288-3306
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét