Cây phát sáng trong bóng tối có thể thay thế đèn đường trong tương lai

Các nhà khoa học tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), Mỹ đang phát triển một loại cây có thể phát sáng trong bóng tối nhờ enzym của một loại ruồi lửa. Công nghệ này được kỳ vọng sẽ thay thế đèn điện vào ban đêm.


Cây cải xoong phát sáng trong nghiên cứu của MIT. (Ảnh: RT)


Viện Công nghệ Massachusetts là nơi khởi nguồn của rất nhiều công nghệ đột phá. Mới đây, các nhà khoa học tại MIT vừa tạo ra một loại cây có thể phát sáng với tiềm năng thay thế đèn điện vào ban đêm.
Theo đó, luciferin (thành phần khiến đom đóm phát quang) và coenzyme A được bổ sung vào tiểu phân nano silica. Các nhà nghiên cứu chuyển hỗn hợp này thành dung dịch rồi truyền vào lá cây cải xoong. Từ đó, cây cải xoong có thể phát ra ánh sáng ở mức bằng một nửa microwatt LED. Ánh sáng này có thể duy trì trong 4 tiếng đồng hồ.
Các nhà khoa học kỳ vọng rằng công nghệ này có thể được áp dụng với những loài cây lớn hơn để chiếu sáng được diện tích rộng hơn.


Hình ảnh lá của cây cải phát sáng trong đêm. (Ảnh: Engineering)

Ngoài cải xoong, các nhà nghiên cứu Mỹ đã áp dụng công nghệ phát sáng tận dụng luciferin với rau chân vịt và cải xoăn. Bộ Năng lượng Mỹ là đơn vị tài trợ chi phí cho nghiên cứu cây phát sáng này.
Giáo sư Michael Strano tại MIT, người tham gia nghiên cứu, khẳng định ông tin tưởng việc các loại cây có thể phát sáng là khả thi. “Mục tiêu là tạo ra một loài cây có thể hoạt động như đèn bàn. Loại đèn mà bạn không phải cắm điện. Ánh sáng này được cấp năng lượng từ chính sự chuyển hóa năng lượng của cây”, ông Michael Strano phân tích.
Nhóm nghiên cứu gọi kỹ thuật của họ là “thực vật nanobionics” và họ cũng từng tạo ra loại cây có thể phát hiện chất nổ và truyền thông tin tới smartphone.
Trước đó Antony Evans, chủ của một doanh nghiệp công nghệ tại Mỹ, cùng nhà sinh học Omri Amirav-Drory và chuyên gia thực vật Kyle Tayler quyết tâm tạo ra một loại cây phát ra ánh sáng mạnh trong dự án mang tên Glowing Plant. Họ sử dụng luciferase, một loại protein có khả năng phá vỡ cấu trúc của nhiên liệu để tạo ánh sáng.


Việc cấy luciferase vào cây cối có thể khiến chúng phát quang. (Ảnh: Discovery)

“Quá trình phá vỡ cấu trúc nhiên liệu của luciferase rất hiệu quả vì nó không tạo ra nhiệt”, nhà sinh học Omri Amirav-Drory phát biểu.
Cấy luciferase vào thực vật là quá trình tương đối phức tạp. Do thực vật lấy năng lượng trong tế bào để phát sáng nên khả năng thích nghi của chúng sẽ giảm so với những cây khác.
Các nhà khoa học trên đảo Đài Loan từng cấy những hạt nano vàng – còn được gọi là đèn LED sinh học – vào những cây thủy sinh để chúng phát sáng trong nước. Họ cũng muốn những cây đó trở thành công cụ chiếu sáng đường phố, song vẫn còn phải vượt qua một số thách thức trước khi đạt được mong muốn.
Một nhóm nhà nghiên cứu của Đại học New York cũng tạo ra những cây phát quang, song cường độ ánh sáng của chúng khá yếu.

Tuệ Tâm (t/h)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét