Thiện tâm là điều mọi tôn giáo đều muốn khai triển. Đạo Khổng nói: “Nhân chi sơ tính bổn thiện”, con người sinh ra tính vốn thiện, chỉ vì hoàn cảnh mà tính thiện đó bị che lấp đi, nhưng vẫn còn tiềm tàng và sẽ bộc lộ ra khi nào có cơ hội. Đạo Phật nói nhiều đến Tứ Vô Lượng Tâm, tức là Từ Bi Hỷ Xả, bốn đức hạnh cao thượng nhất đưa con người đến chỗ giải thoát. Tuy nhiên, thiện tâm dường như ít khi có cơ hội phát triển trong xã hội vật chất hiện nay, cho nên những câu chuyện kể về thiện tâm con người bao giờ cũng là những câu chuyện đẹp, gợi cảm hứng và cho người ta niềm tin vào con người và cuộc sống.
Câu chuyện sau đây là một trong những câu chuyện đẹp về thiện tâm:
Một buổi chiều, có một thanh niên đang đi về nhà trên con đường quốc lộ hẹp dẫn vào một tỉnh lẻ miền trung tây nước Mỹ. Trong thời buổi kinh tế khó khăn này, công việc thật là khan hiếm, nhịp điệu trong tỉnh lẻ này cũng chậm chạp và chìm lắng như cái xe Pontiac cũ kỹ chàng thanh niên đang đi vậy. Xưởng làm việc trước đây của chàng đã đóng cửa, nhiều người đã bỏ xứ ra đi, nhưng chàng vẫn nhất định ở lại, không ngừng tìm kiếm công ăn việc làm. Mùa đông đang đến, cái lạnh bên ngoài lại càng làm thấm thía hơn bao giờ hết cái lạnh bên trong tâm hồn.
Con đường chàng thanh niên đang đi là một con đường vắng vẻ, chẳng có một bóng xe hay bóng người. Dân trong thành phố tiêu điều này đã bỏ đi gần hết , nhưng chàng vẫn còn đây, chỉ vì đây là quê hương chàng đã sinh ra và lớn lên, nơi có mồ mả ông bà cha mẹ, mọi thứ đều quen thuộc, từ những đường phố, cho đến những gốc cây ngọn cỏ, nhắm mắt chàng cũng vẫn đi được từ chỗ này sang chỗ khác, cho nên ngọn đèn xe Pontiac của chàng dù có bị hỏng rồi cũng vẫn không sao.
Trời bắt đầu tối, tuyết đang lất phất rơi, chàng thanh niên lo đi mau về nhà, suýt nữa không thấy có một bà già đang đứng bên vệ đường. Tuy nhiên, trong ánh sáng nhá nhem của buổi chiều tối, chàng cũng thấy được bà già này đang cần sự giúp đỡ. Chàng bèn đậu xe lại trước chiếc Mercedes của bà già và bước xuống trong tiếng nổ lọc xọc của chiếc xe Pontiac tàn tạ.
Bà già mặt đầy lo lắng sợ hãi, mặc dù chàng thanh niên đang nở một nụ cười với bà. Bà đã đứng đây cả tiếng đồng hồ, mà không có ai dừng lại cả. Người này không biết có làm hại gì bà không đây? Trông dáng anh này có vẻ nghèo nàn đói rách quá, không biết có an toàn không? Nhìn bà già đang đứng run rẩy trong giá lạnh, chàng thanh niên hiểu , sự lạnh giá ấy không phải do thời tiết đem lại, mà do sự sợ hãi trong tâm.
Chàng dịu dàng nói: “Bà yên tâm, tôi đến đây để giúp bà thôi. Sao bà không vào trong xe ngồi cho ấm? À, tôi xin tự giới thiệu, tên tôi là Bryan.”
Thật ra, vấn đề bà già đang gặp phải chỉ là một bánh xe xì lốp, nhưng đối với một bà già, đó cũng là điều ghê gớm lắm rồi. Bryan bò xuống dưới đất, tìm chỗ đội bánh xe lên. Chẳng bao lâu anh cũng thay được bánh xe, nhưng người anh cũng bị lấm bẩn, tay trầy trụa và đau. Trong khi anh đang xiết lại mấy con ốc, bà già hạ kính xe xuống, bắt đầu nói chuyện. Bà nói bà ở St Louis, chỉ đi ngang đây thì gặp chuyện không may, thật không biết nói sao cho xiết sự biết ơn anh đã dừng lại giúp đỡ. Bryan chỉ mỉm cười. Bà hỏi bà phải đền đáp cho anh bao nhiêu? Bất kỳ với giá nào bà cũng sẵn lòng trả cho anh. Trước khi anh đến, bà đã tưởng tượng sẵn trong đầu biết bao nhiêu điều khủng khiếp sẽ xẩy ra rồi.
Bryan chẳng bao giờ nghĩ đến tiền. Đây không phải là một công việc chàng làm để kiếm tiền. Chàng chỉ giúp đỡ khi thấy cần giúp đỡ, và trong đời chàng đã biết bao nhiêu lần chàng cũng được người ta giúp đỡ như vậy. Từ xưa đến giờ chàng vẫn sống như vậy, và chẳng bao giờ chàng nghĩ là phải sống khác đi cả. Chàng nói, nếu bà muốn trả ơn, thì xin bà giúp lại cho người khác nếu người ấy cần được giúp đỡ, và rồi nói thêm “lúc bấy giờ, hãy nhớ đến tôi..” Sau đó, chàng đợi cho bà già lái xe đi rồi mới lên xe về nhà.
Hôm đó là một ngày lạnh lẽo, chán chường, nhưng trong khi lái xe về nhà trong bóng tối chập choạng của hoàng hôn, Bryan lại cảm thấy vui trong lòng.
Trên chiếc Mercedes, bà già lái xe thêm vài dặm đường thì thấy có một quán café nhỏ bên đường. Bà muốn vào đó kiếm gì ăn cho đỡ lạnh trước khi tiếp tục nốt chặng đường đi về nhà. Quán ăn trông có vẻ lem luốc, sập sệ. Ở ngoài có hai trạm bơm xăng. Chiếc máy tính tiền trông như chiếc điện thoại cổ lỗ xĩ của một diễn viên hết thời - chẳng thấy reo gì cả. Cái quang cảnh nghèo nàn lạc hậu như thế này thật là không quen mắt đối với bà.
Một cô hầu bàn đến đưa cho bà chiếc khăn lau cho đỡ ướt tóc. Cô ta có nụ cười thật là tươi thắm, nụ cười tưởng như không phai nhòa đi được dù suốt một ngày nàng đã đứng để làm việc . Bà để ý thấy nàng đang có thai, bụng lớn cũng phải đến 8 tháng, nhưng thái độ vẫn tươi tắn, không để lộ ra những cảm giác khó chịu trong cơ thể. Bà già tự nhủ, cô gái này tuy chẳng có gì, nhưng tấm lòng thật đã mở rộng rất nhiều cho cả những người xa lạ.
Rồi bà nhớ đến Bryan…
Sau khi bà già ăn xong, đợi lúc cô hầu bàn đi đến quầy kiếm tiền thối lại tờ giấy 100 đô la, bà lẻn đi ra ngoài cửa. Khi cô hầu bàn quay trở lại, không thấy bà đâu cả, nàng đang thắc mắc không biết bà đi đâu, bỗng thấy có vài dòng chữ viết trên chiếc khăn ăn, ở dưới là bốn tờ giấy một trăm đô la. Đôi mắt nàng trào lệ khi đọc những chữ sau:
“Cô không nợ gì tôi đâu, chỉ vì tôi đã ở trong hoàn cảnh đó rồi. Có một người đã giúp đỡ tôi, như tôi đang giúp cô vậy. Nếu cô muốn trả ơn, hãy làm như sau: đừng để cho sợi dây xích tình thương này chấm dứt ở đây với cô.”
Cô hầu bàn sau đó lại tiếp tục với những việc công việc thường lệ trong quán như rửa chén, tiếp đãi khách ăn vv.. cho đến hết ngày. Tối hôm đó, khi trở về nhà leo lên giường ngủ, cô nghĩ đến số tiền và những dòng chữ bà già đã viết. Làm sao bà biết được đúng số tiền mà nàng với chồng đang cần nhỉ? Gần đến ngày có em bé ra đời, thật khó mà kiếm được một số tiền như vậy.
Nàng biết, chồng nàng đang rất lo lắng cho gia đình. Quay qua chồng đang ngủ yên bên cạnh, nàng nhẹ nhàng hôn lên má chồng, nói: “Rồi mọi việc sẽ tốt đẹp, Bryan ơi.”
Câu chuyện này có đủ Từ, Bi, Hỷ, Xả với hai người ở hai thế giới hoàn toàn khác biệt, nhưng vẫn có thể thông cảm được những nỗi niềm của nhau, để lòng từ bi được phát khởi và đem đến sự an lạc cho nhau. Cái quả mang đến, dù có không phải là số tiền nhận được đúng lúc đang cần, cũng là cái vui nhẹ nhàng trong tâm, cái vui đã làm được một việc lợi ích cho người khác và chia xẻ sự vui mừng của người đó.
Đức Phật nói: “Người được lợi ích nhiều nhất chính là người cho đi nhiều nhất”.
Ngọc Bảo
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét