Đầu năm, người ta nghĩ nhiều đến đi lễ chùa, phần lớn là để cầu an, cầu lộc... số ít đến đây để tìm chút thư thái cho tâm hồn, thắp nén nhang thơm thể hiện tấm lòng thành kính tới tổ tiên, dòng tộc.
Hoà cùng dòng người đi lễ đầu xuân, nhất là lúc tiết trời se lạnh, lất phất làn mưa phùn như cảm nhận thấy đất trời đang giao hoà. Con người dường như cũng trở nên cởi mở hơn ở chốn linh thiêng, những người dù mới gặp lần đầu cũng sẵn sàng trao nhau nụ cười trìu mến.
Tiếng chuông chùa ngân vang giữa hơi sương sớm, khói nhang, hoa, lễ... tạo nên không khí yên bình, làm mỗi người khi đến chốn cung nghiêm này thấy tâm hồn thanh tịnh lạ kỳ! Có lẽ cũng vì thế, mỗi dịp đầu năm, mọi nẻo đường đều hướng về cõi Phật.
Lễ hội vốn là nét văn hóa đặc sắc, thể hiện khát vọng về một cuộc sống hạnh phúc và trường tồn. Thế nhưng, cứ mỗi độ xuân về, dù có hòa mình vào không khí lễ Tết hay còn nhiều vướng bận, người dân vẫn không quên lên chùa thắp nhang, cầu cho mình sức khỏe bình an, may mắn và hạnh phúc. Cũng chính vì thế, tục lễ chùa đầu năm đã trở thành nét đẹp văn hóa trong mỗi con người Việt Nam.
...
Với quan niệm đi lễ chùa trước tiên phải đến những chùa gần, chị Nguyễn Thị Kim Oanh (TP Hoà Bình) cho biết: Việc đầu tiên gia đình tôi làm trong năm mới là đi lễ chùa. Đúng ngày mồng 3 Tết hàng năm, cả gia đình lên chùa Hoà Bình (TP Hoà Bình) cầu phúc, lộc, bình an... Mong một năm mới thuận buồm xuôi gió. Bên cạnh đó, lễ chùa đầu năm còn là một nét văn hóa độc đáo của người Việt. Tôi muốn các con tôi biết được điều này, giúp chúng biết thêm nét văn hóa truyền thống của dân tộc, bổ sung thêm kiến thức lịch sử. Song, quan trọng nhất là mỗi người tìm được chút thư thái cho tâm hồn sau một năm làm việc bận rộn.
Những ngày đầu năm, cùng với gia đình, Ngô Minh Hằng (Lạc Sơn) lại có dịp trở lại chùa Tiên (Lạc Thuỷ). Hằng chia sẻ: Lối lên chùa khá chật hẹp khiến hàng trăm người phải chen vai nhau để vào nhưng khuôn mặt ai cũng vui khi bước chân đến cõi Phật. Năm nào tôi cũng chỉ cầu mong một điều, mong cho mọi người xung quanh mình bình an, mạnh khoẻ, hạnh phúc. Có lẽ ai đi lễ chùa cũng không chỉ cầu an cho riêng mình, đó là nét văn hoá, nhân văn đáng được trân trọng. Khoe tấm quẻ vừa rút được, Hằng nói: quẻ không được tốt. Nhưng đến được cửa chùa ngày Tết, lòng cũng đã thanh thản và nhẹ nhàng rồi! Có lẽ ở chốn tôn nghiêm này, ai cũng dễ trải lòng mình như thế!
Đi lễ đầu xuân không chỉ để thỏa cõi tâm linh, còn là dịp để du ngoạn thưởng lãm cảnh đẹp, nét thanh tịnh chốn linh thiêng trong tiết xuân. Đi lễ đầu xuân đã trở thành hơi thở của cuộc sống, là thói quen, nét đẹp của nền văn hóa, là nơi thể hiện ước mơ ngàn đời của mỗi người, cầu mong mưa thuận, gió hòa, cầu mong một cuộc sống hạnh phúc, an vui, thái bình.
Hải Yến
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét