Mùa xuân trong đạo Phật

 Trong tập tục cổ truyền của người Đông phương cũng như Việt Nam chúng ta, Tết Nguyên đán tức ngày đầu năm được chọn theo âm lịch, thường vào khoảng tháng 2, tức là khi mùa xuân đã bắt đầu nẩy mầm trong khí trời còn lạnh của mùa đông. Vì thế, nói đến Tết là nói đến mùa xuân, với rất nhiều ý nghĩa của nó.

 Xuân đến thể hiện cho sự đổi mới của thiên nhiên vạn vật sau một giấc ngủ dài mùa đông, cây cỏ đang khô cằn héo úa trở nên đẹp đẽ xinh tươi, muôn mầu muôn sắc nở rộ tràn đầy sức sống. Trong khí xuân tưng bừng đó, con người cũng phấn khởi và hi vọng cho một năm mới tốt đẹp hơn. Từ bao thế kỷ nay, đi chùa lễ Phật, cầu an, cầu phước trong những ngày đầu năm đã trở thành một thông lệ không thể thiếu trong lễ Tết của Việt Nam. Đạo Phật đã đi vào lòng nếp sống văn hóa của dân tộc, như trong câu thơ của cố hòa thượng Mãn Giác:
 Mái chùa che chở hồn dân tộc
 Nếp sống muôn đời của tổ tiên


NGHI LỄ TRONG NGÀY TẾT 

 Nói đến những nghi lễ trong ngày Tết, phải nói đến lễ cúng giao thừa trước tiên. Giao thừa là gì? Giao là giao lại, thừa là tiếp nhận, tức là giao lại cái cũ, tiếp nhận cái mới. Ngày cuối năm được gọi là ngày giao thừa, đưa năm cũ đi, đón năm mới đến, hay là “tống cựu nghinh tân”. Giờ phút quan trọng nhất là vào lúc nửa đêm, đúng thời điểm của hai ngày giao nhau. Thường thường tối hôm đó người ta đã làm cơm cúng mời ông bà, tổ tiên về ăn Tết với con cháu. Đến nửa đêm lại làm một mâm cúng giao thừa, rồi cho pháo nổ xua tan những tà ma, ác khí có thể xâm hại vào nhà. Nhưng có nhiều người cũng đến chùa dự lễ giao thừa cho long trọng hơn, nhất là ở hải ngoại, đời sống bận rộn ít có thì giờ sửa soạn Tết theo đúng lễ nghi tập tục cho gia đình, nên người ta đến chùa vừa được hưởng không khí đặc biệt ngày Tết, vừa vun trồng cội gốc tâm linh. Trong đêm khuya, để tâm hồn lắng đọng theo tiếng chuông mõ và những lời kinh, cảm thấy nhẹ nhàng như vừa trút được những gánh nặng tội chướng ưu phiền cho tan theo làn khói hương thanh tịnh. Dường như trong không khí thơm mùi trầm của chùa, người ta cảm nhận được một cái gì thiêng liêng trong giây phút giao hòa của trời và đất, của sự vận hành trong vũ trụ .

 Gần đến giờ giao thừa, các Phật tử đã ngồi theo thứ tự nơi chánh điện. Sau ba hồi trống Bát Nhã, các tôn đức tăng ni bắt đầu tề tựu vào rồi an vị. Giờ giao thừa vừa điểm, một tràng pháo nổ rộn rã ngoài sân, và lễ Giao thừa bắt đầu được cử hành. Sau khi dâng hương cúng Phật, tụng kinh cầu an cho các Phật tử và cho thế giới hòa bình, an lạc, có thể có một thời thuyết pháp và chúc Tết giữa Hòa thượng trụ trì với chư tôn đức tăng ni và Phật tử.

 Không chỉ ở Việt Nam, mà các nước khác ở Á Châu như Nhật Bản, Trung Quốc cũng có phong tục đi lễ chùa trong ngày Tết. Ở Nhật Bản, đêm giao thừa dân chúng chen vai thích cánh đi vào những đền chùa cầu nguyện cho niềm mơ ước của một năm mới, trong hồi chuông trầm hùng đổ dồn 108 lần vào đúng lúc nửa đêm.

 Ngoài ra, người Việt Nam cũng có thói quen hái lộc đầu xuân. Chùa là nơi chốn thanh tịnh, không chỉ ở trong điện thờ Phật, mà còn nơi khuôn viên, với cảnh sắc xanh tươi phối hợp hài hòa đầy ý nghĩa. Ngày Tết thỉnh một nhánh lá, một cành hoa về nhà, người ta tin tưởng được phúc lộc từ chùa đem về. Ngày nay để cây cối khỏi bị tổn thất, các chùa thường để sẵn bao lì xì và trái cây như cam, quít cho Phật tử đến thỉnh về. 


Ý NGHĨA PHẬT DI LẶC

 Ngày mồng một Tết cũng có một ý nghĩa đặc biệt trong đạo Phật. Đó là ngày lễ vía Đức Phật Di Lặc. Vì thế mồng một Tết đến chùa lễ Phật, không chỉ cầu an cầu phước mà còn nên phát tâm nguyện noi theo những hạnh nguyện của ngài để một ngày kia cũng được giác ngộ, xa lìa phiền não.

 Trong kinh Phật, Di Lặc là vị Bồ Tát được Đức Phật thọ ký sẽ thành một vị Phật tương lai thị hiện nơi chốn Ta Bà để đem ánh sáng Phật đạo soi sáng, khi chúng sanh đã đến thời sa đọa tới mức tận cùng và thế gian không còn ai biết đến Phật pháp. Nhưng thời điểm tương lai ấy cũng là điều cho chúng ta suy nghĩ. Nếu tâm Phật có sẵn trong tâm chúng sanh, thì Di Lặc có thể xuất hiện bất cứ lúc nào. Người Trung Hoa tin rằng ngài đã hóa thân thị hiện như một vị hòa thượng được gọi là Bố Đại trong khoảng thế kỷ thứ 10 đời Ngũ đại, có hình tướng mập mạp, vui vẻ, luôn luôn đeo một bao bố trên lưng và hay chơi với trẻ con. Nhiều câu chuyện kỳ diệu đã xẩy đến với vị hòa thượng này, và đến khi ngài thị tịch đã để lại một bài kệ nhận là Di Lặc. Vì vậy những tôn tượng của Di Lặc chúng ta thờ ngày nay đều làm theo hình ảnh của một vị sư mập mạp bụng phệ, có vẻ mặt tươi cười mặc dù có sáu đứa trẻ leo lên nghịch phá trên thân mình. Sáu đứa trẻ tượng trưng cho sáu căn mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý lúc nào cũng quấy nhiễu, lôi cuốn chúng ta theo những trần cảnh trước mắt. Nhưng Đức Phật Di Lặc vẫn vui vẻ tươi cười, an nhiên bất động vì ngài đã điều phục được sáu căn ấy, chuyển “lục tặc” chướng ngại thành “lục thông ” thấu suốt vô ngại.

 Trong tiếng Phạn, Di Lặc được gọi là Metteya, dịch ra tiếng Hán là Từ Thị, mang ý nghĩa tâm từ trong đó. Tâm từ là một trong “tứ vô lượng tâm”, tức TỪ BI HỶ XẢ. Từ là tình thương bao la tự nhiên , Bi là thông cảm và chia xẻ cái khổ của người, Hỷ là vui với với cái vui của người, Xả là không chấp trước không nắm giữ. Bốn tâm này như giòng suối mát ngọt ngào làm trôi đi những chướng ngại, đau buồn, sân hận, đem lại sự an vui cho mọi người. Trong những ngày đầu năm người ta thường kiêng cữ , giữ gìn lời ăn tiếng nói, tránh gây gổ giận dữ, đó cũng là một cách để thực hành Tứ Vô Lượng Tâm. Nếu có thể thực hành được như vậy suốt trong năm, thì dù có không cầu Phật, phước cũng vẫn tự đến. Ngày lễ vía Đức Phật Di Lặc nhằm vào ngày đầu năm phải chăng đã nhắc nhở chúng ta noi theo hạnh của ngài thực hiện từ bi hỷ xả trong cuộc đời, như vậy mọi nghiệp chướng sẽ hóa giải, phiền não chuyển hóa thành Bồ Đề, tâm thân được an lạc, tràn đầy niềm hạnh phúc.


XUÂN TRONG Ý THIỀN

 Vạn vật vô thường, thế giới đổi thay, vũ trụ và con người vận hành không ngừng trong từng sát na theo một vòng luân hồi vô thủy vô chung. Xuân đến, xuân đi, rồi xuân lại về. Không có mùa xuân nào là mùa xuân đầu tiên, cũng không có mùa xuân nào là mùa xuân cuối cùng. Trong cái sinh diệt không ngừng ấy, có một cái gì bất sinh bất diệt, một mầm sống vẫn tiếp nối vô cùng vô tận. Mầm sống ấy tiềm tàng trong pháp giới bao la; trong thế giới này tất cả đều do nhân duyên khởi, và những gì theo duyên hợp mà thành cũng theo duyên hoại mà tan, nhưng ở nơi gốc rễ của những hợp tan ấy là một nền tảng không hoại diệt, không thay đổi, kiên cố thường hằng, mênh mông bao trùm khắp các nhân duyên sinh diệt. Mùa xuân tượng trưng cho sự sống tiềm tàng đầy năng lực. Nhận ra cái không sinh diệt nơi chính mình là thấy được bộ mặt thật của Chúa Xuân, và đó cũng là mùa xuân bất tận của Di Lặc, tràn đầy niềm vui và hi vọng trong tương lai.

 Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông, sơ tổ phái thiền Trúc Lâm Việt Nam, đã nhận diện được mùa xuân ấy, nên làm bài thơ như sau:
 Thuở bé chưa từng biết sắc không
 Xuân về hoa nở rộn trong lòng
 Chúa xuân nay bị ta khám phá
 Chiếu trải vườn Thiền ngắm cánh hồng.

 Hoa nở rồi tàn, việc đến rồi đi, cuộc đời trôi qua như nước chẩy mây bay, như giấc mộng thoáng qua, nhưng trong giấc mộng đời ấy thiền giả thấy cáiï thường ngay nơi cái vô thường, thấy cái không sinh diệt ngay nơi sinh diệt, nên ung dung tự tại trước sự sinh tử của chính mình. Thiền sư Mãn Giác trước khi thị tịch đã có mấy câu thơ rằng:

 Xuân đi trăm hoa tàn
 Xuân đến trăm hoa nở
 Việc trước mắt đi qua
 Trên đầu già đến rồi
 Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết
 Đêm qua sân trước một cành mai.

Cành mai miên viễn nở mãi trong đất tâm vô biên, mặc cho mọi biến thiên tiếp nối trong dòng thời gian trôi chẩy không ngừng. Mong rằng một ngày nào đó chúng ta sẽ thấy được cành mai của mùa xuân bất tận ấy.


Lưu Ly

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét