Núi non vùng nông thôn Shinano vĩnh viễn gắn liền với tên ông. Nó cũng như vùng núi non Bắc phương trong “Con đường hẹp đi về nội tâm” là xứ sở của Basho.
Issa, cưu mang một đời bất hạnh, lang thang, tang tóc bao phủ, hình ảnh bà mẹ ghẻ đáng ghê sợ mãi ám ảnh như Tấm Cám, truyện cổ Việt Nam.
Chính cái nghịch cảnh ấy đã tạo nên một Issa tràn đầy yêu thương, yêu thương không chỉ con người với con người mà cả cỏ cây, sỏi đá, muôn thú.
Đọc Issa làm tôi nhớ Bùi Giáng trong vần thơ:
Xin yêu mãi và yêu nhau mãi
Trần gian ơi cánh bướm cánh chuồn chuồn
Con kiến bé cùng hoa thơm cỏ dại
Con vi trùng cùng sâu bọ cũng yêu luôn
(Bùi Giáng)
Với Issa:
Hãy bay đi, bươm bướm ơi!
Bụi nhân gian ta nghe nặng chĩu
Trên thân xác ta rồi!
(Fly, butterfly!
I feel the dust of this world
Weighting my body!)
Con chuồn chuồn
Con kiến bé cũng yêu luôn
Nên thơ của Issa nằm trong lòng trẻ thơ và người lớn.
Tâm tình hiến dâng trong hơn hai mươi ngàn bài thơ Haiku, hàng trăm đoản ca cùng nhiều dòng văn hài và văn xuôi
Dưới bóng những tàng cây
Ta với bướm chung ở
Nghiệp quả cũng là đây
(Under shady trees
Sharing space with a butterfly
This, too, is karma )
Chính những bất hạnh như vậy đã tạo nên một đóa sen thi ca, tạo nên “Một Tách Trà” đạo vị mà sắc hương ôm ấp dưỡng nuôi cõi lòng nhân thế.
Năm 1880, tên Issa được biết đến trong nhóm thi sĩ Hài cú, những kẻ theo truyền thống Basho một nẻo Thiền, chân thật…
Issa ảnh hưởng nhiều qua phong thái của Basho đặc biệt trong Mono no aware wa sabi - Mono no aware, một cảm nhận làm tăng vẻ đẹp trực nhận trong khoảnh khắc và sabi, một loại tâm linh đơn độc.
Đặc biệt khi Issa chạm gặp giáo lý nhà Phật cùng thi ca cổ điển - từ tên Yataro với một tên mới Issa và sống đời sống ẩn dật mười năm - rảo bước chân mãi phía Nam đền các đảo phía Đông, phía Tây đất trời Phù Tang – ông đã lên đường theo thế giới của mình, đi tìm chính mình, để thấy duy chỉ có giây phút hiện hữu là chân thật.
Lời thơ:
Chỉ đang sống đấy thôi!
Diệu kỳ thay dưới bóng
Hoa anh đào nở rồi!
(Just being alive!
Miraculous to be in
Cherry blossom shadows!)
Vẻ đẹp của hoa anh đào chỉ là một cái cớ, sâu bên dưới mang ẩn ý tượng trưng nhiều về đặc tính ngắn ngủi của hoa là bóng dáng tối thượng của thể thơ Mono no Aware, vẻ đẹp sâu sắc nhất thời!
Hoa nở rồi hoa tàn
Đời chúng ta cũng thế
Cô đơn đã hiện diện, Issa đã nói thế - Cô đơn ngay giây phút đầu tiên của hạt mầm ấy - chết và sống có mặt trong từng bước chân đi của thi sĩ:
Đơn côi vốn đã
Gieo vào mầm hạt
Vần hoa triêu nhan
(Loneliness already
Planted with each seed in
Morning glory bed.)
Issa là bậc thầy làm lộ ra chiều sâu lắng của những cái tầm thường, đặc biệt âm điệu luôn luôn truyền cảm hơn ngôn từ.
Lời thơ:
Nặng ướt sương xuân
Dường như đều không
giản đơn tất cả
(Simply for all this
As if there were nothing else
Heavy wet spring frost)
Tất cả cho giản đơn, và để đạt đến giản đơn nọ ắt đã trầm mình trọn vẹn trong mọi phức tạp của dòng đời - của thăng trầm, của hợp và tan, của nụ cười và nước mắt, nỗi buồn và niềm vui - Để phát hiện ra sự phù phiếm của niềm vui và chiều sâu thẳm của nỗi buồn.
Hợp tan, đến rồi đi, khi đứa con thân yêu rời xa Issa:
Đây là thế giới mù sương
Và như thế … ôi và như thế
Chỉ là thế giới mù sương
(This world of dew
Is only the world of dew
And yet .. oh and yet…)
Đơn côi, một mình trong góc vườn trẻ dại. Lời thơ:
Se sẻ bé của tôi
Giờ bé mất mẹ rồi
Xuống đây chơi với tôi.
(My little sparrow
You too now are motherless
Come play with me)
Hết rồi ngôn ngữ để diễn đạt, chỉ còn lặng yên và lặng
yên. Con chim sẻ kia cũng buồn không nói, trên cảnh gió đong đưa.
Có thung lũng sâu, ắt có núi cao .. Có những đêm trường tối mới có bình minh rực rỡ.
Tràn trề ướt Phật ngày xuân
Nước trà thì ngọt
Nước mắt càng ngọt hơn
(Sweet tea and more sweet tears
Flow wetly over Buddha
Through the whole spring day)
Nên Issa chợt dừng lại sau nhiều năm tháng chạy đua với tình, tiền, danh. Lời thơ:
Ôi ánh trăng sáng ngời!
Ta hoang phí cuộc đời
Đi rong dưới trăng ngà
Bốn mươi chin năm qua
(O moonlit blossom
I’ve squandered forty nine years
Walking beneath you)
Một đời hệ lụy nên tất cả những gì kề cận thân yêu rất chóng tàn, nào cha nào mẹ, nào vợ nào con, tất cả đã đến với và đã rời xa như đóm lửa mùa đông.
Nước mắt nhân loại tràn đầy bốn đại dương nhưng nhân loại không nói nên lời – Issa đã nói lên dùm qua thân phận mình, đồng thời đốt lên một ánh lửa trong đêm tăm tối mịt mùng.
Lời thơ:
Tạ ơn quà tặng thinh không
Tuyết rơi cả đến
Chỗ nằm trải lên
(Gratitude for gifts
Even snow on my bespread
A gift from the Pure Land)
Lời thơ:
Đi tìm khắp cả nhân gian
Tìm đâu cho thấy giọt sương vẹn toàn
Dẫu tìm trên cánh sen hồng
(Searching all this world
There is no perfect dewdrop
Even on the lotus)
Dù sao cõi đất cõi trời vô ngôn nọ lại cần một gạch nối để đất trời có dịp giao hội, có dịp biện bầy, gạch nối nọ là Con người.
Haiku được hình thành qua con người, nên cái đương nhiên có những trạng thái cảm xúc rất người - từ đó Haiku được chia thành bốn thể loại được gọi là SABI, WABI, AWARE và YUGEN.
Sabi là trạng thái cô đơn trong sự thực hiện trọn vẹn nhất của con người hay sự vật:
Trên cành cây khô
Một con quạ đậu
Trong buổi chiều Thu
Wabi là sự nhận thức đột nhiên về quy luật trong những sự vật bình thường hàng ngày:
Trên cánh cổng gỗ sài
nằm thay cho chốt cửa
con ốc sên này
Aware là sự mẫn thức pha chút hoài cảm về những gì đã qua…
Dòng suối ẩn mình
Trong cỏ
Của mùa Thu đang qua
Và Yugen là sự cảm nhậtn và thể hiện về cái ẩn dấu không nắm bát được của tự nhiên:
Bể sẫm tối
Tiếng nhạn
Phơn phớt trắng
Là vô ngôn, ẩn ngữ, sâu lắng, mênh mông…
Hành Khất Thế Kỷ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét