32 TƯỚNG TỐT CỦA ĐỨC BỒ TÁT KIẾP CHÓT - 32 TƯỚNG TỐT CỦA BẬC ĐẠI NHÂN

32 TƯỚNG TỐT CỦA ĐỨC BỒ TÁT KIẾP CHÓT
Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác (Sammāsambodhisatta) chắc chắn sẽ trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác (Sammāsambuddha), khi Đức Bồ Tát ấy đản sinh ra đời có đầy đủ 32 tướng tốt chính của bậc Đại nhân và 80 tướng tốt phụ. Đó là quả tốt của thiện nghiệp mà Đức Bồ Tát ấy đã tạo và tích lũy từ vô số-vô số kiếp trong quá khứ, hoàn toàn không liên quan đến huyết thống cha mẹ hay dòng dõi.
Tướng tốt của bậc Đại nhân như thế nào?
Bậc Đại nhân là người đàn ông cao thượng (mahāpurisa) mà các tướng tốt đặc biệt ấy được biểu hiện ra bên ngoài thân hình, cho nên, gọi là tướng tốt của bậc Đại nhân(mahāpurisalakkhaṇā).
Khoa xem tướng tốt của bậc Đại nhân là một trong các bộ môn mà dòng dõi Bàlamôn trí thức thường dạy và học đầy đủ 32 tướng tốt của bậc Đại nhân, theo truyền thống từ đời này sang đời khác của dòng dõi Bàlamôn, nhưng họ hoàn toàn không biết rằng mỗi tướng tốt của bậc Đại nhân là quả của thiện nghiệp nào.
Trong kinh Lakkhaṇasutta, Đức Phật giảng dạy về 32 tướng tốt của bậc Đại nhân và thiện nghiệp cho quả tướng tốt của bậc Đại nhân được tóm lược như sau:
Một thuở nọ, Đức Thế Tôn ngự tại ngôi chùa Jetavana của ông Phú hộ Anathapinḍika, gần kinh thành Sāvatthi; tại nơi ấy Đức Thế Tôn gọi chư Tỳ-khưu mà dạy rằng:
- Này chư Tỳ-khưu, bậc Đại nhân (mahāpurisa) có đầy đủ 32 tướng tốt này, chỉ có hai con đường mà thôi, không có đường nào khác.
1- Nếu bậc Đại nhân sống tại gia, thì sẽ trở thành Đức Chuyển Luân Thánh Vương hành thiện pháp, Đức Pháp Vương trị vì toàn cõi đất nước, có 4 biển làm ranh giới, đều được bình yên vững chắc, và có đầy đủ 7 báu làLong xa báu, voi báu, ngựa báu, ngọc ma-ni báu, chánh cung Hoàng hậu báu, phú hộ báu, thừa tướng báu; Đức Chuyển Luân Thánh Vương có hơn 1.000 Hoàng tử anh hùng dũng cảm, có khả năng làm khuất phục mọi đội quân của kẻ thù. Đức Chuyển Luân Thánh Vương luôn luôn chiến thắng kẻ thù bằng thiện pháp, không sử dụng cực hình, khí giới; và trị vì trên toàn cõi đất nước có 4 biển làm ranh giới, không có kẻ thù chống đối, không có mọi cảnh tượng xấu xảy ra trên toàn cõi đất nước, mọi thần dân thiên hạ đều được sống trong cảnh thanh bình thịnh vượng.
2- Nếu bậc Đại nhân từ bỏ nhà đi xuất gia, thì sẽ trở thành Đức Arahán, Đức Phật Chánh Đẳng Giác, đoạn tuyệt mọi cảnh khổ tử sinh luân hồi trong tam giới.
- Này chư Tỳ-khưu, 32 tướng tốt của bậc Đại nhân là như thế nào, mà bậc Đại nhân có đầy đủ 32 tướng tốt ấy, chỉ có hai con đường mà thôi, không có con đường nào khác.
Nếu bậc Đại nhân sống tại gia, thì sẽ trở thành Đức Chuyển Luân Thánh Vương... hoặc nếu bậc Đại nhân từ bỏ nhà đi xuất gia, thì bậc Đại nhân ấy sẽ trở thành Đức Arahán, Đức Phật Chánh Đẳng Giác...
32 TƯỚNG TỐT CỦA BẬC ĐẠI NHÂN
Đức Phật thuyết giảng Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác kiếp chót và chắc chắn sẽ trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác, Đức Bồ Tát ấy, khi đản sinh ra đời đều có đầy đủ 32 tướng tốt của bậc Đại nhân như sau:
1) Hai bàn chân bằng phẳng, vững vàng đạp trên mặt đất...
2) Hai lòng bàn chân có dấu bánh xe, trục xe có một ngàn căm và đầy đủ các bộ phận.
3) Hai gót chân dài (bằng một phần tư bàn chân).
4) Ngón tay dài và tròn trịa, đều đặn, thon như hình búp măng.
5) Hai bàn tay, hai bàn chân mềm mại.
6) Năm ngón tay, trừ ngón tay cái ra, 4 ngón còn lại đều dài bằng nhau, khít vào nhau, và năm ngón chân dài bằng nhau, khít vào nhau, không có kẽ hở.
7) Hai mắt cá nằm cao cách bàn chân độ 2-3 lóng tay.
8) Đôi chân thon, phần trên lớn rồi nhỏ dần xuống dưới, tròn đẹp như đôi chân con sơn dương.
9) Khi đứng thẳng, không cúi người xuống, hai bàn tay có thể sờ đụng hai đầu gối.
10) Ngọc hành được giấu kín trong bao da.
11) Toàn thân có da màu vàng, óng ánh xinh đẹp như màu vàng ròng.
12) Làn da mịn màng, do làn da mịn màng, trơn nhẫy, nên bụi không thể bám vào thân hình.
13) Mỗi sợi lông mọc ở mỗi lỗ chân lông.
14) Lông có màu xanh và xoắn về bên phải, đầu lông hướng lên mặt.
15) Thân hình ngay ngắn như thân hình phạm thiên.
16) Bảy nơi trong thân hình có thịt đầy đặn là hai mu bàn tay, hai mu bàn chân, hai bả vai và cổ (không nhìn thấy gân và xương).
17) Thân hình trên dưới đầy đặn như thân hình phía trên của sư tử chúa.
18) Hai hốc bả vai có thịt đầy đặn (không thấy xương vai).
19) Chiều cao của thân bằng sải tay, và sải tay bằng chiều cao của thân (cũng như chiều cao của cây Nigrodha có chiều ngang bằng nhánh của cây ấy).
20) Cổ tròn trịa đầy đặn (khi nói không nổi gân cổ).
21) Bảy ngàn dây thần kinh rất tinh tế, tụ hội từ lưỡi đến cổ, tiếp nhận hương vị vật thực để nuôi dưỡng cơ thể.
22) Cái cằm giống cằm của sư tử chúa.
23) Đầy đủ 40 cái răngHàm trên 20 cái răng và hàm dưới 20 cái răng.
24) Hàm răng trên và dưới đều đặn, có màu trắng xinh đẹp.
25) Hai hàm răng sắp đều đặn và khít vào nhau, không có kẽ hở.
26) Bốn cái răng nhọn sạch sẽ, trắng đẹp.
27) Lưỡi lớn và dài, mềm mỏng, có màu đỏ hồng xinh đẹp; lưỡi lớn có thể trùm được cả mặt lên đến chân tóc, và lưỡi dài có thể le ra đến tận hai lỗ mũi, hai lỗ tai.
28) Giọng nói như giọng của phạm thiên, rõ ràng, trong trẻo, ngọt ngào như tiếng chim karavīka.
29) Đôi mắt xanh sẫm và trong sáng rất đẹp.
30) Đôi mắt tựa như đôi mắt con bê mới sinh.
31) Sợi lông uṇṇa mọc trên trán, ở khoảng giữa hai đầu lông mày, có màu trắng dài mềm mại, xoắn bên phải, đầu lông hướng lên trên đầu rất đẹp.
32) Cái đầu tròn và có vầng trán cao rộng đẹp, đi vòng từ vành tai bên phải sang vành tai bên trái.
Đó là 32 tướng tốt chính của bậc Đại nhân được biểu hiện đầy đủ trong thân hình của Thái tử Siddhattha, Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác kiếp chót chắc chắn sẽ trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác có danh hiệu Đức Phật Gotama.
Đức Phật dạy rằng:
- Này chư Tỳ-khưu, nhóm Đạo sĩ ngoại đạo có thể học hỏi ghi nhớ đầy đủ 32 tướng tốt của bậc Đại nhân này, nhưng nhóm Đạo sĩ ấy không thể biết rằng: “Mỗi tướng tốt của bậc Đại nhân là quả của thiện nghiệp nào”.
Thiện nghiệp cho quả 32 tướng tốt
32 tướng tốt chính của Đức Bồ Tát là quả của thiện nghiệp. Thiện nghiệp không những cho quả tướng tốt của bậc Đại nhân, mà còn cho quả rộng lớn, vô cùng phong phú đối với Đức Bồ Tát ấy và đối với mọi chúng sinh khác có liên quan đến Đức Bồ Tát ấy.
Trong bài kinh Lakkhaṇasutta, Đức Phật giảng giải thiện nghiệp nào cho quả các tướng tốt nào, và các quả liên quan đến thiện nghiệp ấy. 32 tướng tốt của bậc Đại nhân ra quả của những thiện nghiệp như sau:
1- Tướng tốt: Bàn chân bằng phẳng, vững vàng đạp trên mặt đất.
Tướng tốt này là quả của thiện nghiệp nào?
Thiện nghiệp trong kiếp quá khứ
Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác đã từng sinh làm người trải qua nhiều đời nhiều kiếp trong quá khứ:
Là người có quyết tâm cao độ trong mọi thiện pháp, không hề lay chuyển, khi thân hành thiện, khẩu nói điều thiện, ý nghĩ điều thiện. Khi làm phước bố thí, thọ trì ngũ giới, bát giới (uposathasīla) trong những ngày giới hằng tháng...; trong việc phụng dưỡng cha mẹ, hộ độ Samôn, Bàlamôn, trong sự cung kính những bậc Trưởng lão trong dòng họ và trong đời...
Sau khi mãn kiếp người, do thiện nghiệp ấy cho quả tái sinh làm thiên nam trong cõi trời dục giới, là một thiên nam có nhiều oai lực hơn tất cả các hàng chư thiên khác về 10 quả báu trong cõi trời ấy là: Tuổi thọ sống lâu, sắc đẹp, sự an lạc, danh thơm tiếng tốt, quyền lực cao nhất, sắc, hương, vị, xúc trong cõi trời ấy.
Khi mãn kiếp thiên nam, cũng do thiện nghiệp ấy cho quả tái sinh làm người.
Quả tốt trong kiếp hiện tại
Là Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác kiếp chót có được tướng tốt của bậc Đại nhân:
* Bàn chân bằng phẳng, vững vàng đạp trên mặt đất, chạm toàn bàn chân (gót chân, giữa bàn chân, đầu ngón chân) bằng phẳng đầy đặn tiếp xúc cùng một lúc với mặt đất.
Đức Bồ Tát có tướng tốt này.
Nếu Đức Bồ Tát ấy sống tại gia, thì sẽ trở thành Đức Chuyển Luân Thánh Vương, là Đức Pháp Vương trị vì thần dân thiên hạ trên toàn cõi đất nước, có 4 biển làm ranh giới...
Khi đã là Đức Chuyển Luân Thánh Vương, thiện nghiệp ấy cho quả đặc biệt là:
Mọi kẻ thù đều chịu hàng phục theo Đức Chuyển Luân Thánh Vương.
Nếu Đức Bồ Tát ấy từ bỏ nhà đi xuất gia, thì sẽ trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác.
Khi đã là Đức Phật Chánh Đẳng Giác, thiện nghiệp ấy cho quả đặc biệt là:
Không còn kẻ thù bên trong là phiền não: tham, sân, si..., và không có kẻ thù bên ngoài như: Samôn, Bàlamôn, chư thiên, Ma vương, phạm thiên, hay bất cứ một ai... trong đời này có thể gây tai hại cho Đức Phật được.
2- Tướng tốt: Hai lòng bàn chân có dấu bánh xe, trục xe có một ngàn căm và đầy đủ các bộ phận.
Tướng tốt này là quả của thiện nghiệp nào?
Thiện nghiệp trong kiếp quá khứ
Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác đã từng sinh làm người trải qua nhiều đời, nhiều kiếp trong quá khứ:
Là người có thiện tâm trong sạch giúp đỡ nhiều người, đem lại sự an lạc cho nhiều người; làm giảm được sự sợ hãi kinh hồn cho nhiều người, trông nom bảo vệ mọi người một cách hợp pháp. Đặc biệt, khi làm phước bố thí là chính, thì thường có kèm theo những thứ phụ khác v.v...
Sau khi mãn kiếp người, do thiện nghiệp ấy cho quả tái sinh làm thiên nam trong cõi trời dục giới... Khi mãn kiếp thiên nam, do thiện nghiệp ấy cho quả tái sinh làm người.
Quả tốt trong kiếp hiện tại
Là Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác kiếp chót có được tướng tốt của bậc Đại nhân:
* Hai lòng bàn chân có dấu bánh xe, trục xe có một ngàn căm và đầy đủ các bộ phận.
Đức Bồ Tát có tướng tốt này.
Nếu Đức Bồ Tát ấy sống tại gia, thì sẽ trở thành Đức Chuyển Luân Thánh Vương, là Đức Pháp Vương trị vì thần dân thiên hạ trên toàn cõi đất nước, có 4 biển làm ranh giới...
Khi đã là Đức Chuyển Luân Thánh Vương thiện nghiệp ấy cho quả đặc biệt là:
Có bộ hạ tùy tùng đông đảo đó là các quan cận thần, các tướng lĩnh, các quân lính, các Hoàng tử anh hùng dũng cảm, các hàng Bàlamôn, cư sĩ, toàn thể thần dân thiên hạ tất cả đều một lòng trung thành với Đức Chuyển Luân Thánh Vương.
Nếu Đức Bồ Tát ấy từ bỏ nhà đi xuất gia, thì sẽ trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác.
Khi đã là Đức Phật Chánh Đẳng Giác, thiện nghiệp ấy cho quả đặc biệt là:
Các hàng đệ tử đông đảo, đó là chư Tỳ-khưu, chư Tỳ-khưu ni, cận sự nam, cận sự nữ, nhân loại, chư thiên, Long vương, chư phạm thiên v.v... có đức tin trong sạch nơi Đức Phật.
3- Tướng tốt: Hai gót chân dài (bằng một phần tư bàn chân).
4- Tướng tốt: Ngón tay dài và tròn trịa, đầy đặn, thon như hình búp măng.
5- Tướng tốt: Thân hình ngay ngắn như thân hình phạm thiên.
Ba tướng tốt này là quả của thiện nghiệp nào?
Thiện nghiệp trong kiếp quá khứ
Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác đã từng sinh làm người trải qua nhiều đời, nhiều kiếp trong quá khứ:
Là người không sát sanh, tránh xa sự sát sanh, bỏ gậy gộc, bỏ khí giới, có tâm hổ thẹn tội lỗi, tâm bi thương xót chúng sinh, mong tìm sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an lạc đến tất cả chúng sinh.
Sau khi mãn kiếp người, do thiện nghiệp ấy cho quả tái sinh làm thiên nam trong cõi trời dục giới... Khi mãn kiếp thiên nam, do thiện nghiệp ấy cho quả tái sinh làm người.
Quả tốt trong kiếp hiện tại
Là Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác kiếp chót có được 3 tướng tốt của bậc Đại nhân:
- Hai gót chân dài (bằng một phần tư bàn chân).
Ngón tay dài và tròn, đầy đặn, thon như hình búp măng.
Thân hình ngay ngắn như thân hình phạm thiên.
- Đức Bồ Tát có 3 tướng tốt này.
Nếu Đức Bồ Tát ấy sống tại gia, thì sẽ trở thành Đức Chuyển Luân Thánh Vương, là Đức Pháp Vương trị vì thần dân thiên hạ trên toàn cõi đất nước có 4 biển làm ranh giới...
Khi đã là Đức Chuyển Luân Thánh Vương thiện nghiệp ấy cho quả đặc biệt là:
Có tuổi thọ sống lâu, giữ gìn tuổi thọ sống lâu, mà kẻ thù nào cũng không thể sát hại Đức Chuyển Luân Thánh Vương được.
Nếu Đức Bồ Tát ấy từ bỏ nhà đi xuất gia, thì sẽ trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác.
Khi đã là Đức Phật Chánh Đẳng Giác, thiện nghiệp ấy cho quả đặc biệt là:
Có tuổi thọ sống lâu, giữ gìn tuổi thọ sống lâu, mà kẻ thù nào dù là Samôn, Bàlamôn, chư thiên, Ma vương hoặc bất cứ một ai trong đời... đều không thể sát hại Đức Phật Chánh Đẳng Giác được.
6- Tướng tốt: Bảy nơi trong thân hình có thịt đầy đặn là hai mu bàn tay, hai mu bàn chân, hai bả vai và cổ (không nhìn thấy gân và xương).
Tướng tốt này là quả của thiện nghiệp nào?
Thiện nghiệp trong kiếp quá khứ
Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác đã từng sinh làm người trải qua nhiều đời, nhiều kiếp trong quá khứ:
Là người làm phước bố thí vật thực gồm các món ăn toàn là những món ăn cao lương mỹ vị, các thức uống ngon lành bổ dưỡng...
Sau khi mãn kiếp người, do thiện nghiệp ấy cho quả tái sinh làm thiên nam trong cõi trời dục giới... Khi mãn kiếp thiên nam, do thiện nghiệp ấy cho quả tái sinh làm người.
Quả tốt trong kiếp hiện tại
Là Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác kiếp chót có được 1 tướng tốt của bậc Đại nhân:
Bảy nơi trong thân hình có thịt đầy đặn là hai mu bàn tay, hai mu bàn chân, cổ và hai bả vai (không nhìn thấy gân và xương).
Đức Bồ Tát có tướng tốt này.
Nếu Đức Bồ Tát ấy sống tại gia, thì sẽ trở thành Đức Chuyển Luân Thánh Vương, là Đức Pháp Vương trị vì thần dân thiên hạ trên toàn cõi đất nước có 4 biển làm ranh giới...
Khi đã là Đức Chuyển Luân Thánh Vương, thiện nghiệp ấy cho quả đặc biệt là:
Thường được thọ thực toàn những món cao lương mỹ vị, các thức uống ngon lành bổ dưỡng.
Nếu Đức Bồ Tát ấy từ bỏ nhà đi xuất gia, thì sẽ trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác.
Khi đã là Đức Phật Chánh Đẳng Giác, thiện nghiệp ấy cho quả đặc biệt là:
Thường được thọ thực toàn những món cao lương mỹ vị, các thức uống ngon lành bổ dưỡng.
7- Tướng tốt: Hai bàn tay, hai bàn chân mềm mại.
8- Tướng tốt: Năm ngón tay, trừ ngón tay cái ra, bốn ngón còn lại đều dài bằng nhau, khít vào nhau, và năm ngón chân dài bằng nhau, khít vào nhau, không có kẽ hở.
Hai tướng tốt này là quả của thiện nghiệp nào?
Thiện nghiệp trong kiếp quá khứ
Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác đã từng sinh làm người trải qua nhiều đời, nhiều kiếp trong quá khứ, thường hành 4 pháp tế độ:
- Bố thí đến chúng sinh nào cần sự bố thí.
- Nói lời dịu ngọt dễ nghe, khuyên răn họ tránh xa ác pháp, cố gắng hành thiện pháp.
- Hành động đem lại sự lợi ích đến cho họ.
- Hòa mình cùng sống chung với họ, vui cùng vui, khổ cùng khổ.
Sau khi mãn kiếp người, do thiện nghiệp ấy cho quả tái sinh làm thiên nam trong cõi trời dục giới... Khi mãn kiếp thiên nam, do thiện nghiệp ấy cho quả tái sinh làm người.
Quả tốt trong kiếp hiện tại
Là Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác kiếp chót có được 2 tướng tốt của bậc Đại nhân:
- Hai bàn tay, hai bàn chân mềm mại.
- Năm ngón tay trừ ngón tay cái ra, 4 ngón còn lại đều dài bằng nhau, khít vào nhau, và năm ngón chân dài bằng nhau, khít vào nhau, không có kẽ hở.
Đức Bồ Tát có 2 tướng tốt này.
Nếu Đức Bồ Tát ấy sống tại gia, thì sẽ trở thành Đức Chuyển Luân Thánh Vương, là Đức Pháp Vương trị vì thần dân thiên hạ trên toàn cõi đất nước có 4 biển làm ranh giới...
Khi đã là Đức Chuyển Luân Thánh Vương, thiện nghiệp ấy cho quả đặc biệt là:
Các bộ hạ tùy tùng một lòng trung thành với Đức Chuyển Luân Thánh Vương; các bộ hạ tùy tùng đó là các quan cận thần, các tướng lĩnh, các quân lính, các Hoàng tử, các hàng Bàlamôn, gia chủ, toàn thể thần dân thiên hạ..., luôn tuân theo lệnh của Đức vua, làm cho Đức vua rất hài lòng.
Nếu Đức Bồ Tát ấy từ bỏ nhà đi xuất gia, thì sẽ trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác.
Khi đã là Đức Phật Chánh Đẳng Giác, thiện nghiệp ấy cho quả đặc biệt là:
Các hàng đệ tử đều có đức tin trong sạch nơi Đức Phật. Các hàng đệ tử đó là Tỳ-khưu, Tỳ-khưu ni, cận sự nam, cận sự nữ, nhân loại, Long vương, chư thiên, chư phạm thiên đều trở thành bậc thiện trí, có đức tin trong sạch nơi Đức Phật, lắng nghe chánh pháp và hành theo chánh pháp của Đức Phật.
9- Tướng tốt: Hai mắt cá nằm cao cách bàn chân độ 2-3 lóng tay.
10- Tướng tốt: Lông có màu xanh và xoắn về bên phải, đầu lông hướng lên mặt...
Hai tướng tốt này là quả của thiện nghiệp nào?
Thiện nghiệp trong kiếp quá khứ
Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác đã từng sinh làm người trải qua nhiều đời, nhiều kiếp trong quá khứ:
Là người thường hay nói lời có ý nghĩa sâu sắc, hợp với thiện pháp, hướng dẫn dạy bảo cho mọi người làm mọi phước thiện, là người có thiện tâm trong sáng, có tâm từ mong đem lại sự lợi ích, sự an lạc đến cho tất cả chúng sinh, và đặc biệt là người thường kính trọng chánh pháp, cúng dường chánh pháp.
Sau khi mãn kiếp người, do thiện nghiệp ấy cho quả tái sinh làm thiên nam trong cõi trời dục giới... Khi mãn kiếp thiên nam, do thiện nghiệp ấy cho quả tái sinh làm người.
Quả tốt trong kiếp hiện tại
Là Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác kiếp chót có được 2 tướng tốt của bậc Đại nhân:
- Hai mắt cá nằm cao cách bàn chân độ 2-3 lóng tay.
- Lông có màu xanh và xoắn bên phải, đầu lông hướng lên mặt...
Đức Bồ Tát có 2 tướng tốt này.
Nếu Đức Bồ Tát ấy sống tại gia thì sẽ trở thành Đức Chuyển Luân Thánh Vương là Đức Pháp Vương trị vì thần dân thiên hạ trên toàn cõi đất nước có 4 biển làm ranh giới...
Khi đã là Đức Chuyển Luân Thánh Vương, thiện nghiệp ấy cho quả đặc biệt là:
Đức vua là người vĩ đại nhất, người cao thượng nhất, người đứng đầu cao cả nhất trong thần dân thiên hạ...
Nếu Đức Bồ Tát ấy từ bỏ nhà đi xuất gia, thì sẽ trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác.
Khi đã là Đức Phật Chánh Đẳng Giác, thiện nghiệp ấy cho quả đặc biệt là:
Đức Phật là Bậc vĩ đại nhất, Bậc cao thượng nhất, Bậc cao cả nhất trong toàn cõi thế giới chúng sinh.
11- Tướng tốt: Đôi chân thon, phần trên lớn rồi nhỏ dần xuống dưới, tròn đẹp như đôi chân con sơn dương.
Tướng tốt này là quả của thiện nghiệp nào?
Thiện nghiệp trong quá khứ
Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác đã từng sinh làm người trải qua nhiều đời, nhiều kiếp trong quá khứ:
Là người có thiện tâm, thiện chí giảng dạy các môn học, hoặc hướng dẫn nghề nghiệp... bằng cách suy nghĩ rằng: “Làm cách nào, với phương pháp nào giúp cho mọi người, dễ hiểu, dễ biết, nhanh chóng thành đạt... mà không phải chịu vất vả khổ cực lâu ngày”.
Sau khi mãn kiếp người, do thiện nghiệp ấy cho quả tái sinh làm thiên nam trong cõi trời dục giới... Khi mãn kiếp thiên nam, do thiện nghiệp ấy cho quả tái sinh làm người.
Quả tốt trong kiếp hiện tại
Là Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác kiếp chót có được tướng tốt của bậc Đại nhân.
Đôi chân thon, phần trên lớn rồi nhỏ dần xuống dưới, tròn đẹp như đôi chân con sơn dương.
Đức Bồ Tát có tướng tốt này.
Nếu Đức Bồ Tát ấy sống tại gia, thì sẽ trở thành Đức Chuyển Luân Thánh Vương, là Đức Pháp Vương trị vì thần dân thiên hạ trên toàn cõi đất nước có 4 biển làm ranh giới...
Khi đã là Đức Chuyển Luân Thánh Vương, thiện nghiệp ấy cho quả đặc biệt là:
Có long xa sang trọng xứng đáng với địa vị Đức Chuyển Luân Thánh Vương, có đội quân hùng mạnh là bộ hạ tùy tùng của Đức vua, và những thứ đồ dùng xứng đáng với địa vị của Đức vua được phát sinh như ý.
Nếu Đức Bồ Tát ấy từ bỏ nhà đi xuất gia, thì sẽ trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác.
Khi đã là Đức Phật Chánh Đẳng Giác, thiện nghiệp ấy cho quả đặc biệt là:
Có những thứ vật dụng thích hợp với Samôn, có các hàng đệ tử là những bậc Thánh Tối thượng Thanh Văn, bậc Thánh Đại Thanh Văn, bậc Thánh Thanh Văn đệ tử của Đức Phật Chánh Đẳng Giác, và những đồ dùng của Samôn được phát sinh như ý.
12- Tướng tốt: Làn da mịn màng, do làn da mịn màng, trơn nhẫy, nên bụi không thể bám vào thân hình.
Tướng tốt này là quả của thiện nghiệp nào?
Thiện nghiệp trong kiếp quá khứ
Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác đã từng sinh làm người trải qua nhiều đời, nhiều kiếp trong quá khứ:
Là người thường đến gần gũi, thân cận các bậc Samôn, Bàlamôn, và bạch hỏi rằng:
Kính bạch Ngài.
Thế nào là thiện nghiệp?
Thế nào là bất thiện nghiệp?
Thế nào là có tội?
Thế nào là vô tội?
Nghiệp nào nên làm?
Nghiệp nào không nên làm?
Nghiệp nào đã tạo rồi cho quả xấu, chịu đau khổ lâu dài?
Nghiệp nào đã tạo rồi sẽ cho quả tốt, hưởng an lạc lâu dài?...
Sau khi mãn kiếp người, do thiện nghiệp ấy cho quả tái sinh làm thiên nam trong cõi trời dục giới... Khi mãn kiếp thiên nam, do thiện nghiệp ấy cho quả tái sinh làm người.
Quả tốt trong kiếp hiện tại
Là Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác kiếp chót có được tướng tốt của bậc Đại nhân:
Làn da mịn màng, do làn da mịn màng, trơn nhẫy, nên bụi không thể bám vào thân hình.
Đức Bồ Tát có tướng tốt này.
Nếu Đức Bồ Tát ấy sống tại gia, thì sẽ trở thành Đức Chuyển Luân Thánh Vương, là Đức Pháp Vương trị vì thần dân thiên hạ trên toàn cõi đất nước có 4 biển làm ranh giới...
Khi đã là Đức Chuyển Luân Thánh Vương, thiện nghiệp ấy cho quả đặc biệt là:
Đức Chuyển Luân Thánh Vương là người có trí tuệ bậc nhất trong đời, mà những người tại gia không một ai có trí tuệ sánh được với Đức vua.
Nếu Đức Bồ Tát ấy từ bỏ nhà đi xuất gia, thì sẽ trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác.
Khi đã là Đức Phật Chánh Đẳng Giác, thiện nghiệp ấy cho quả đặc biệt là:
Đức Phật có trí tuệ ưu việt, trí tuệ rộng rãi, trí tuệ nhanh nhẹn, trí tuệ sắc bén, trí tuệ diệt đoạn tuyệt mọi phiền não... trong tất cả mọi chúng sinh, không một ai có trí tuệ sánh được với Đức Phật.
13- Tướng tốt: Toàn thân có da màu vàng, óng ánh xinh đẹp như màu vàng ròng.
Tướng tốt này là quả của thiện nghiệp nào?
Thiện nghiệp trong kiếp quá khứ
Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác đã từng sinh làm người trải qua nhiều đời, nhiều kiếp trong quá khứ:
Là người không có tính sân hận, nóng nảy, không có tức giận, dù khi người khác đến chọc tức, có tâm nhẫn nại không nổi giận, không bực tức, không buồn bực, không tỏ nỗi bất bình hiện rõ ra bên ngoài; còn là người thường làm phước bố thí đồ mặc bằng những thứ vải rất tốt đẹp, mịn màng như lụa, thứ vải dệt bằng lông thú..., những tấm vải để lót nằm cũng rất tốt đẹp và mịn màng.
Sau khi mãn kiếp người, do thiện nghiệp ấy cho quả tái sinh làm thiên nam trong cõi trời dục giới... Khi mãn kiếp thiên nam, do thiện nghiệp ấy cho quả tái sinh làm người.
Quả tốt trong kiếp hiện tại
Là Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác kiếp chót có được tướng tốt của bậc Đại nhân:
Toàn thân da có màu vàng, óng ánh xinh đẹp như màu vàng ròng.
Đức Bồ Tát có tướng tốt này.
Nếu Đức Bồ Tát ấy sống tại gia, thì sẽ trở thành Đức Chuyển Luân Thánh Vương, là Đức Pháp Vương trị vì thần dân thiên hạ trên toàn cõi đất nước có 4 biển làm ranh giới...
Khi đã là Đức Chuyển Luân Thánh Vương, thiện nghiệp ấy cho quả đặc biệt là:
Có những đồ trang phục bằng những thứ vải rất tốt, quý giá mịn màng như lụa, lông thú... và những đồ lót nằm cũng bằng những thứ vải quý giá, rất tốt đẹp mịn màng.
Nếu Đức Bồ Tát ấy từ bỏ nhà đi xuất gia, thì sẽ trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác.
Khi đã là Đức Phật Chánh Đẳng Giác, thiện nghiệp ấy cho quả đặc biệt là:
Có những tấm y bằng những thứ vải rất tốt, quý giá mịn màng như lụa, v.v... Và những đồ lót nằm cũng bằng những thứ vải quý giá, rất tốt đẹp mịn màng.
14- Tướng tốt: Ngọc hành được giấu kín trong bao da.
Tướng tốt này là quả của thiện nghiệp nào?
Thiện nghiệp trong kiếp quá khứ
Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác đã từng sinh làm người trải qua nhiều đời, nhiều kiếp trong quá khứ:
Là người thường hay đi tìm kiếm những người thất lạc lâu ngày đem trở về gặp lại người thân yêu như: tìm đứa con thất lạc đem trở về gặp lại cha mẹ, hoặc đi tìm người cha, hoặc mẹ thất lạc đem trở về gặp lại đứa con, đem em gặp lại anh, hoặc đem anh gặp lại em, đem em gặp lại chị, hoặc đem chị gặp lại em, v.v... Khi những người thân yêu gặp lại với nhau, họ vô cùng vui mừng sung sướng, Đức Bồ Tát cũng vui mừng sung sướng cùng với niềm vui của họ.
Sau khi mãn kiếp người, do thiện nghiệp ấy cho quả tái sinh làm thiên nam trong cõi trời dục giới... Khi mãn kiếp thiên nam, do thiện nghiệp ấy cho quả tái sinh làm người.
Quả tốt trong kiếp hiện tại:
Là Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác kiếp chót có được tướng tốt của bậc Đại nhân:
Ngọc hành được giấu kín trong bao da.
Đức Bồ Tát có tướng tốt này.
Nếu Đức Bồ Tát ấy sống tại gia, thì sẽ trở thành Đức Chuyển Luân Thánh Vương, là Đức Pháp Vương trị vì thần dân thiên hạ trên toàn cõi đất nước có 4 biển làm ranh giới...
Khi đã là Đức Chuyển Luân Thánh Vương, thiện nghiệp ấy cho quả đặc biệt là:
Có hơn một ngàn Hoàng tử đều là những người anh hùng dũng cảm, có nhiều oai lực chiến thắng mọi kẻ thù.
Nếu Đức Bồ Tát ấy từ bỏ nhà đi xuất gia, thì sẽ trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác.
Khi đã là Đức Phật Chánh Đẳng Giác, thiện nghiệp ấy cho quả đặc biệt là:
Có rất nhiều đệ tử là bậc Thánh Thanh Văn dũng cảm, có nhiều oai lực chiến thắng tuyệt đối mọi kẻ thù phiền não Ma vương, diệt đoạn tuyệt mọi phiền não tham ái.
15- Tướng tốt: Chiều cao của thân bằng sải tay, sải tay bằng chiều cao của thân; cũng như chiều cao của cây Nigrodha có chiều ngang bằng cành của cây ấy.
16- Tướng tốt: Khi đứng thẳng, không cúi người xuống, hai bàn tay có thể sờ đụng hai đầu gối.
Hai tướng tốt này là quả của thiện nghiệp nào?
Thiện nghiệp trong kiếp quá khứ
Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác đã từng sinh làm người trải qua nhiều đời, nhiều kiếp trong quá khứ:
Là người biết rõ những nhu cầu thiết yếu của người nên tế độ, biết rõ người này xứng đáng được tế độ vật này, người kia xứng đáng được tế độ vật kia. Khi biết rõ như vậy, rồi tế độ người ấy đúng theo nhu cầu thiết yếu của từng người.
Sau khi mãn kiếp người, do thiện nghiệp ấy cho quả tái sinh làm thiên nam trong cõi trời dục giới... Khi mãn kiếp thiên nam, do thiện nghiệp ấy cho quả tái sinh làm người.
Quả tốt trong kiếp hiện tại:
Là Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác kiếp chót có được 2 tướng tốt của bậc Đại nhân:
Chiều cao của thân bằng sải tay, sải tay bằng chiều cao của thân; cũng như chiều cao của cây Nigrodha có chiều ngang bằng cành của cây ấy.
Khi đứng thẳng, không cúi người xuống, hai bàn tay có thể sờ đụng hai đầu gối.
Đức Bồ Tát có tướng tốt này.
Nếu Đức Bồ Tát ấy sống tại gia, thì sẽ trở thành Đức Chuyển Luân Thánh Vương, là Đức Pháp Vương trị vì thần dân thiên hạ trên toàn cõi đất nước có 4 biển làm ranh giới...
Khi đã là Đức Chuyển Luân Thánh Vương thiện nghiệp ấy cho quả đặc biệt là:
Có nhiều của cải tài sản, có nhiều châu báu, vàng bạc, mọi thứ của cải đồ dùng đều rất đáng hài lòng, các kho đầy của cải, lúa gạo.
Nếu Đức Bồ Tát ấy từ bỏ nhà đi xuất gia, thì sẽ trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác.
Khi đã là Đức Phật Chánh Đẳng Giác, thiện nghiệp ấy cho quả đặc biệt là:
Có nhiều tài sản quý báu, đó là đức tin, giới, hổ thẹn với tội lỗi, ghê sợ tội lỗi, nghe nhiều hiểu rộng, bố thí, trí tuệ; đặc biệt hơn nữa là của báu Siêu tam giới 4 Thánh Đạo - 4 Thánh Quả và Niết Bàn, đó cũng gọi là của báu.
17- Tướng tốt: Cổ tròn trịa đầy đặn (khi nói không nổi gân cổ).
18- Tướng tốt: Hai hốc bả vai có thịt đầy đặn (không nhìn thấy xương vai).
19- Tướng tốt: Thân hình trên dưới đầy đặn như thân hình phía trên của sư tử chúa.
Ba tướng tốt này là quả của thiện nghiệp nào?
Thiện nghiệp trong kiếp quá khứ
Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác đã từng sinh làm người trải qua nhiều đời, nhiều kiếp trong quá khứ:
Là người có thiện tâm trong sạch mong tìm sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an lạc, sự giải thoát khỏi mọi ràng buộc cho phần đông chúng sinh. Với thiện tâm suy nghĩ rằng: “Làm thế nào giúp cho những người ấy phát triển đức tin trong sạch, phát triển giới trong sạch, phát triển sự hiểu biết nghe nhiều hiểu rộng, phát triển mọi thiện pháp, phát triển sự bố thí, phát triển trí tuệ. Đời sống của họ được phát triển của cải, lúa gạo ruộng vườn, gia súc; phát triển con cháu, bà con dòng họ, bạn bè v.v...”
Sau khi mãn kiếp người, do thiện nghiệp ấy cho quả tái sinh làm thiên nam trong cõi trời dục giới... Khi mãn kiếp thiên nam, do thiện nghiệp ấy cho quả tái sinh làm người.
Quả tốt trong kiếp hiện tại
Là Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác kiếp chót có được 3 tướng tốt của bậc Đại nhân:
- Cổ tròn trịa đầy đặn (khi nói không nổi gân cổ).
- Hai hốc bả vai có thịt đầy đặn (không nhìn thấy xương vai).
- Thân hình trên dưới đầy đặn như thân hình phía trên của sư tử chúa.
Đức Bồ Tát có 3 tướng tốt này.
Nếu Đức Bồ Tát ấy sống tại gia, thì sẽ trở thành Đức Chuyển Luân Thánh Vương, là Đức Pháp Vương trị vì thần dân thiên hạ trên toàn cõi đất nước có 4 biển làm ranh giới...
Khi đã là Đức Chuyển Luân Thánh Vương, thiện nghiệp ấy cho quả đặc biệt là:
Không bị suy thoái mọi thiện pháp và cũng không bị suy thoái của cải tài sản, đàn gia súc; không bị suy thoái con cháu bà con, bạn bè...
Nếu Đức Bồ Tát ấy từ bỏ nhà đi xuất gia, thì sẽ trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác.
Khi đã là Đức Phật Chánh Đẳng Giác, thiện nghiệp ấy cho quả đặc biệt là:
Không bị suy thoái đức tin, giới, sự hiểu biết, nghe nhiều hiểu rộng, sự bố thí, trí tuệ v.v...
20- Tướng tốt: Bảy ngàn dây thần kinh rất tinh tế, tụ hội từ lưỡi đến cổ, tiếp nhận hương vị vật thực để nuôi dưỡng cơ thể.
Tướng tốt này là quả của thiện nghiệp nào?
Thiện nghiệp trong kiếp quá khứ
Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác đã từng sinh làm người trải qua nhiều đời, nhiều kiếp trong quá khứ:
Là người không làm khổ tất cả chúng sinh bằng chân tay hoặc bằng gậy gộc, bằng khí giới...
Sau khi mãn kiếp người, do thiện nghiệp ấy cho quả tái sinh làm thiên nam trong cõi trời dục giới... Khi mãn kiếp thiên nam, do thiện nghiệp ấy cho quả tái sinh làm người
Quả tốt trong kiếp hiện tại
Là Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác kiếp chót có được tướng tốt của bậc Đại nhân:
Bảy ngàn dây thần kinh rất tinh tế, tụ hội từ lưỡi đến cổ, tiếp nhận hương vị vật thực để nuôi dưỡng cơ thể.
Đức Bồ Tát có tướng tốt này.
Nếu Đức Bồ Tát ấy sống tại gia, thì sẽ trở thành Đức Chuyển Luân Thánh Vương, là Đức Pháp Vương trị vì thần dân thiên hạ trên toàn cõi đất nước có 4 biển làm ranh giới...
Khi đã là Đức Chuyển Luân Thánh Vương, thiện nghiệp ấy cho quả đặc biệt là:
Ít bệnh hoạn đau ốm, ít vất vả; có đầy đủ chất ấm trong cơ thể giúp cho sự tiêu hóa vật thực dễ dàng; cơ thể không nóng quá, cũng không lạnh quá.
- Nếu Đức Bồ Tát ấy từ bỏ nhà đi xuất gia, thì sẽ trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác.
Khi đã là Đức Phật Chánh Đẳng Giác, thiện nghiệp ấy cho quả đặc biệt là:
Ít bệnh hoạn ốm đau, ít vất vả; có đầy đủ chất ấm trong cơ thể giúp cho sự tiêu hóa vật thực dễ dàng; cơ thể không nóng quá, cũng không lạnh quá.
21- Tướng tốt: Đôi mắt xanh sẫm và trong sáng rất đẹp.
22- Tướng tốt: Đôi mắt tựa như đôi mắt con bê mới sinh.
Hai tướng tốt này là quả của thiện nghiệp nào?
Thiện nghiệp trong kiếp quá khứ
Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác đã từng sinh làm người trải qua nhiều đời, nhiều kiếp trong quá khứ:
Là người không trợn mắt nhìn, là người có tâm chánh trực, có thói quen tự nhiên nhìn thẳng mọi người với tâm từ, bằng đôi mắt dịu hiền đáng yêu mến...
Sau khi mãn kiếp người, do thiện nghiệp ấy cho quả tái sinh làm thiên nam trong cõi trời dục giới... Khi mãn kiếp thiên nam, do thiện nghiệp ấy cho quả tái sinh làm người.
Quả tốt trong kiếp hiện tại
Là Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác kiếp chót có được 2 tướng tốt của bậc Đại nhân:
- Đôi mắt xanh sẫm và trong sáng rất đẹp.
- Đôi mắt tựa như đôi mắt con bê mới sinh.
Đức Bồ Tát có 2 tướng tốt này.
Nếu Đức Bồ Tát ấy sống tại gia, thì sẽ trở thành Đức Chuyển Luân Thánh Vương, là Đức Pháp Vương trị vì thần dân thiên hạ trên toàn cõi đất nước có 4 biển làm ranh giới...
Khi đã là Đức Chuyển Luân Thánh Vương, thiện nghiệp ấy cho quả đặc biệt là:
Tất cả mọi người đều kính yêu Đức Chuyển Luân Thánh Vương, Ngài là nơi hài lòng kính yêu của các hoàng tử, các quan, các tướng lĩnh, các quân lính, các nhóm Bàlamôn, phú hộ,... Tất cả thần dân thiên hạ đều kính yêu Đức Chuyển Luân Thánh Vương và chỉ có một lòng trung thành tuyệt đối với Người.
Nếu Đức Bồ Tát ấy từ bỏ nhà đi xuất gia, thì sẽ trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác.
Khi đã là Đức Phật Chánh Đẳng Giác, thiện nghiệp ấy cho quả đặc biệt là:
Phần đông chúng sinh đều kính trọng Đức Phật, Đức Phật là nơi nương nhờ duy nhất của chư Tỳ-khưu, chư Tỳ-khưu ni, các cận sự nam, cận sự nữ, nhân loại, chư thiên, Long vương, chư phạm thiên. Tất cả các hàng đệ tử có đức tin trong sạch nơi Đức Phật, luôn luôn kính yêu Đức Phật.
23- Tướng tốt: Cái đầu tròn, và có vầng trán cao, rộng, đẹp, đi vòng từ vành tai bên phải sang vành tai bên trái.
Tướng tốt này là quả của thiện nghiệp nào?
Thiện nghiệp trong kiếp quá khứ
Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác đã từng sinh làm người trải qua nhiều đời, nhiều kiếp trong quá khứ:
Là người đứng đầu mọi người trong mọi thiện pháp, là người dẫn đầu mọi người trong các thiện pháp như thân hành việc thiện, khẩu nói điều thiện, ý nghĩ điều thiện; việc làm phước bố thí, thọ trì ngũ giới, bát giới (uposathasila), phụng dưỡng cha mẹ, hộ độ Samôn, Bàlamôn, kính trọng các bậc Trưởng lão trong dòng họ, trong đời.
Sau khi mãn kiếp người, do thiện nghiệp ấy cho quả tái sinh làm thiên nam trong cõi trời dục giới... Khi mãn kiếp thiên nam, do thiện nghiệp ấy cho quả tái sinh làm người.
Quả tốt trong kiếp hiện tại
Là Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác kiếp chót có được tướng tốt của bậc Đại nhân:
Cái đầu tròn, và có vầng trán cao rộng đẹp, đi vòng từ vành tai bên phải sang vành tai bên trái.
Đức Bồ Tát có tướng tốt này.
Nếu Đức Bồ Tát ấy sống tại gia, thì sẽ trở thành Đức Chuyển Luân Thánh Vương, là Đức Pháp Vương trị vì thần dân thiên hạ trên toàn cõi đất nước có 4 biển làm ranh giới...
Khi đã là Đức Chuyển Luân Thánh Vương, thiện nghiệp ấy cho quả đặc biệt là:
Mọi người tin theo Đức Chuyển Luân Thánh Vương. Ngài là người đứng đầu cao cả nhất trong các Hoàng tử, các quan, các tướng lĩnh, các quân lính, các nhóm Samôn, Bàlamôn, phú hộ, v.v...Tất cả thần dân thiên hạ đều tin theo Đức Chuyển Luân Thánh Vương và chỉ có một lòng trung thành tuyệt đối theo Người.
Nếu Đức Bồ Tát ấy từ bỏ nhà đi xuất gia, thì sẽ trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác.
Khi đã là Đức Phật Chánh Đẳng Giác, thiện nghiệp ấy cho quả đặc biệt là:
Phần đông chúng sinh có đức tin theo Đức Phật, Đức Phật là nơi nương nhờ duy nhất của chư Tỳ-khưu, chư Tỳ-khưu ni, các cận sự nam, cận sự nữ, nhân loại, chư thiên, Long vương, chư phạm thiên... Tất cả các hàng đệ tử có đức tin trong sạch nơi Đức Phật, chỉ có nhất tâm tin theo Đức Phật mà thôi.
24- Tướng tốt: Mỗi sợi lông mọc ở mỗi lỗ chân lông.
25- Tướng tốt: Sợi lông uṇṇa mọc trên trán, ở khoảng giữa hai đầu lông mày, có màu trắng, dài mềm mại xoắn bên phải, đầu lông hướng lên phía trên đầu rất đẹp.
Hai tướng tốt này là quả của thiện nghiệp nào?
Thiện nghiệp trong kiếp quá khứ
Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác đã từng sinh làm người trải qua nhiều đời, nhiều kiếp trong quá khứ:
Là người không nói dối, tránh xa sự nói dối, không nói lời lừa dối mọi người; chỉ nói lời chân thật, mỗi lời nói có chứng cứ, đem lại sự lợi ích.
Sau khi mãn kiếp người, do thiện nghiệp ấy cho quả tái sinh làm thiên nam trong cõi trời dục giới... Khi mãn kiếp thiên nam, do thiện nghiệp ấy cho quả tái sinh làm người.
Quả tốt trong kiếp hiện tại
Là Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác kiếp chót có được 2 tướng tốt của bậc Đại nhân:
- Mỗi sợi lông mọc ở mỗi lỗ chân lông.
- Sợi lông uṇṇa mọc trên trán, ở khoảng giữa hai đầu lông mày, có màu trắng, dài mềm mại xoắn bên phải, đầu lông hướng lên phía trên đầu rất đẹp.
Đức Bồ Tát có 2 tướng tốt này.
Nếu Đức Bồ Tát ấy sống tại gia, thì sẽ trở thành Đức Chuyển Luân Thánh Vương, là Đức Pháp Vương trị vì thần dân thiên hạ trên toàn cõi đất nước có 4 biển làm ranh giới...
Khi đã là Đức Chuyển Luân Thánh Vương, thiện nghiệp ấy cho quả đặc biệt là:
Mọi người có đức tin theo lời truyền dạy của Đức Chuyển Luân Thánh Vương, và tuyệt đối tuân theo lệnh của Người. Chánh cung Hoàng hậu, các Hoàng tử, các Công chúa, các quan, các tướng lĩnh, quân lính, nhóm Bàlamôn, phú hộ cho đến toàn thể thần dân thiên hạ một lòng tin nơi Đức Chuyển Luân Thánh Vương và tuyệt đối tuân theo lệnh của Người.
Nếu Đức Bồ Tát ấy từ bỏ nhà đi xuất gia, thì sẽ trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác.
Khi đã là Đức Phật Chánh Đẳng Giác, thiện nghiệp ấy cho quả đặc biệt là:
Các hàng Thanh Văn đệ tử lắng nghe theo lời giáo huấn của Đức Phật, phát sinh đức tin trong sạch và thực hành theo lời dạy của Ngài. Các hàng Thanh Văn đệ tử đó là chư Tỳ-khưu, chư Tỳ-khưu ni, cận sự nam, cận sự nữ, nhân loại, chư thiên, Long vương, chư phạm thiên đều có đức tin trong sạch nơi Đức Phật và thực hành theo lời dạy của Ngài.
26- Tướng tốt: Đầy đủ 40 cái răng: Hàm trên 20 cái răng và hàm dưới 20 cái răng.
27- Tướng tốt: Hai hàm răng sắp đều đặn và khít vào nhau, không có kẽ hở.
Hai tướng tốt này là quả của thiện nghiệp nào?
Thiện nghiệp trong kiếp quá khứ:
Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác đã từng sinh làm người trải qua nhiều đời, nhiều kiếp trong quá khứ:
Là người không nói lời đâm thọc chia rẽ, tránh xa lời nói đâm thọc chia rẽ; chỉ nói lời làm cho mọi người đoàn kết, tin tưởng nhau, thương yêu nhau; ca tụng tình đoàn kết thương yêu nhau, hoan hỷ khi mọi người đoàn kết gắn bó với nhau.
Sau khi mãn kiếp người, do thiện nghiệp ấy cho quả tái sinh làm thiên nam trong cõi trời dục giới... Khi mãn kiếp thiên nam, do thiện nghiệp ấy cho quả tái sinh làm người.
Quả tốt trong kiếp hiện tại
Là Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác kiếp chót có được 2 tướng tốt của bậc Đại nhân:
- Đầy đủ 40 cái răng: Hàm trên 20 cái răng và hàm dưới 20 cái răng.
- Hai hàm răng sắp đều đặn và khít vào nhau, không có kẽ hở.
Đức Bồ Tát có 2 tướng tốt này.
Nếu Đức Bồ Tát ấy sống tại gia, thì sẽ trở thành Đức Chuyển Luân Thánh Vương, là Đức Pháp Vương trị vì thần dân thiên hạ trên toàn cõi đất nước có 4 biển làm ranh giới...
Khi đã là Đức Chuyển Luân Thánh Vương, thiện nghiệp ấy cho quả đặc biệt là:
Các bộ hạ tùy tùng của Đức Chuyển Luân Thánh Vương không bị chia rẽ, đoàn kết gắn bó với nhau: Các bộ hạ tùy tùng đó là các Hoàng tử, các quan, các tướng lĩnh, các quân lính, các nhóm Bàlamôn, phú hộ, toàn thể thần dân thiên hạ trong nước đều đoàn kết gắn bó với nhau, chỉ một lòng trung thành tuyệt đối với Đức Chuyển Luân Thánh Vương mà thôi.
Nếu Đức Bồ Tát ấy từ bỏ nhà đi xuất gia, thì sẽ trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác.
Khi đã là Đức Phật Chánh Đẳng Giác, thiện nghiệp ấy cho quả đặc biệt là:
Các hàng Thanh Văn đệ tử của Đức Phật không bị chia rẽ, đoàn kết gắn bó với nhau. Các hàng Thanh Văn đệ tử đó là: Chư Tỳ-khưu, chư Tỳ-khưu ni, cận sự nam, cận sự nữ, nhân loại, chư thiên, Long vương, chư phạm thiên đều đoàn kết gắn bó với nhau, chỉ có đức tin trong sạch nơi Đức Phật mà thôi, một lòng lo phụng sự Tam Bảo, duy trì chánh pháp của Đức Phật.
28- Tướng tốt: Lưỡi lớn và dài, mềm mỏng, có màu đỏ hồng xinh đẹp. Lưõi lớn có thể trùm được cả mặt, lên đến chân tóc, và lưỡi dài có thể le ra đến tận hai lỗ mũi, hai lỗ tai.
29- Tướng tốt: Giọng nói như giọng phạm thiên, rõ ràng, trong trẻo, ngọt ngào như tiếng chim karavīka.
Hai tướng tốt này là quả của thiện nghiệp nào?
Thiện nghiệp trong kiếp quá khứ
Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác đã từng sinh làm người trải qua nhiều đời, nhiều kiếp trong quá khứ:
Là người không nói lời thô tục, chửi rủa mắng nhiếc, tránh xa lời thô tục, chửi rủa mắng nhiếc; chỉ nói lời không có lỗi, nghe êm tai, làm hài lòng người nghe.
Sau khi mãn kiếp người, do thiện nghiệp ấy cho quả tái sinh làm thiên nam trong cõi trời dục giới... Khi mãn kiếp thiên nam, do thiện nghiệp ấy cho quả tái sinh làm người.
Quả tốt trong kiếp hiện tại:
Là Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác kiếp chót có được 2 tướng tốt của bậc Đại nhân:
- Lưỡi lớn và dài, mềm mỏng, có màu đỏ hồng xinh đẹp. Lưỡi lớn có thể trùm được cả mặt, lên đến chân tóc, và lưỡi dài có thể le ra đến tận hai lỗ mũi, hai lỗ tai.
- Giọng nói như giọng phạm thiên, rõ ràng, trong trẻo, ngọt ngào như tiếng chim karavīka.
Đức Bồ Tát có 2 tướng tốt này.
Nếu Đức Bồ Tát ấy sống tại gia, thì sẽ trở thành Đức Chuyển Luân Thánh Vương, là Đức Pháp Vương trị vì thần dân thiên hạ trên toàn cõi đất nước có 4 biển làm ranh giới...
Khi đã là Đức Chuyển Luân Thánh Vương, thiện nghiệp ấy cho quả đặc biệt là:
Lời nói của Đức Chuyển Luân Thánh Vương được phần đông mọi người tin theo. Phần đông mọi người đó là các Hoàng tử, các quan, các tướng lĩnh, các quân lính, các nhóm Bàlamôn, phú hộ, toàn thể thần dân thiên hạ đều tuyệt đối tin theo lời của Đức Chuyển Luân Thánh Vương.
Nếu Đức Bồ Tát ấy từ bỏ nhà đi xuất gia, thì sẽ trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác.
Khi đã là Đức Phật Chánh Đẳng Giác, thiện nghiệp ấy cho quả đặc biệt là:
Lời giáo huấn của Đức Phật được tất cả các hàng Thanh Văn đệ tử tin theo. Các hàng Thanh Văn đệ tử đó là: Chư Tỳ-khưu, chư Tỳ-khưu ni, cận sự nam, cận sự nữ, nhân loại, chư thiên, Long vương, chư phạm thiên tin theo lời giáo huấn của Đức Phật.
30- Tướng tốt: Cái cằm giống như cằm sư tử chúa.
Tướng tốt này là quả của thiện nghiệp nào?
Thiện nghiệp trong kiếp quá khứ
Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác đã từng sinh làm người trải qua nhiều đời, nhiều kiếp trong quá khứ:
Là người không nói lời vô ích, tránh xa sự nói lời vô ích; chỉ nói lời có ích hợp thời, lời chân thật, có ý nghiã sâu sắc, hợp với pháp, hợp với luật, có chứng cớ rõ ràng, đem lại sự lợi ích thật sự.
Sau khi mãn kiếp người, do thiện nghiệp ấy cho quả tái sinh làm thiên nam trong cõi trời dục giới... Khi mãn kiếp thiên nam, do thiện nghiệp ấy cho quả tái sinh làm người
Quả tốt trong kiếp hiện tại
Là Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác kiếp chót có được tướng tốt của bậc Đại nhân:
Cái cằm giống như cằm sư tử chúa.
Đức Bồ Tát có tướng tốt này.
Nếu Đức Bồ Tát ấy sống tại gia, thì sẽ trở thành Đức Chuyển Luân Thánh Vương, là Đức Pháp Vương trị vì thần dân thiên hạ trên toàn cõi đất nước có 4 biển làm ranh giới...
Khi đã là Đức Chuyển Luân Thánh Vương, thiện nghiệp ấy cho quả đặc biệt là:
Không có một kẻ thù nào có thể gây tai hại đến Đức Chuyển Luân Thánh Vương được.
Nếu Đức Bồ Tát ấy từ bỏ nhà đi xuất gia, thì sẽ trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác.
Khi đã là Đức Phật Chánh Đẳng Giác, thiện nghiệp ấy cho quả đặc biệt là:
Không có kẻ thù bên trong là phiền não, tham, sân, si... Không có kẻ thù bên ngoài là Samôn, Bàlamôn, chư thiên, Ma vương, phạm thiên hoặc không một ai trong đời có thể gây tai hại đến Đức Phật Chánh Đẳng Giác được.
31- Tướng tốt: Hàm răng trên và dưới đều đặn, có màu trắng xinh đẹp.
32- Tướng tốt: Bốn cái răng nhọn sạch sẽ, trắng đẹp.
Hai tướng tốt này là quả của thiện nghiệp nào?
Thiện nghiệp trong kiếp quá khứ
Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác đã từng sinh làm người trải qua nhiều đời, nhiều kiếp trong quá khứ:
Là người không sống theo tà mạng, chỉ sống theo chánh mạng mà thôi. Tránh xa mọi cách lừa đảo như cân gian, đồ giả, đong thiếu, lừa dối, tráo trở; tránh xa sự trộm cắp, cướp của giết người...
Sau khi mãn kiếp người, do thiện nghiệp ấy cho quả tái sinh làm thiên nam trong cõi trời dục giới... Khi mãn kiếp thiên nam, do thiện nghiệp ấy cho quả tái sinh làm người
Quả tốt trong kiếp hiện tại
Là Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác kiếp chót có được 2 tướng tốt của bậc Đại nhân:
- Hàm răng trên và dưới đều đặn, có màu trắng xinh đẹp.
- Bốn cái răng nhọn sạch sẽ, trắng đẹp.
Đức Bồ Tát có 2 tướng tốt này.
- Nếu Đức Bồ Tát ấy sống tại gia, thì sẽ trở thành Đức Chuyển Luân Thánh Vương, là Đức Pháp Vương trị vì thần dân thiên hạ trên toàn cõi đất nước có 4 biển làm ranh giới...
Có đầy đủ thất báu là Long xa báu, voi báu, ngựa báu, ngọc báu, người nữ báu (chánh cung Hoàng hậu báu), phú hộ báu và thừa tướng báu, có hơn một ngàn Hoàng tử đều là những người anh hùng dũng cảm có khả năng dẹp tan mọi đội quân của kẻ thù.
Đức Chuyển Luân Thánh Vương có khả năng thắng mọi kẻ thù bằng thiện pháp, không dùng đến quyền lực hình phạt, không dùng đến khí giới, trị vì trên toàn cõi đất nước. Toàn thể thần dân thiên hạ sống trong cảnh thanh bình thịnh vượng, không có chiến tranh, không có trộm cắp, cướp của giết người...
Khi đã là Đức Chuyển Luân Thánh Vương, thiện nghiệp ấy cho quả đặc biệt là:
Bộ hạ tùy tùng của Đức Chuyển Luân Thánh Vương đều có thiện tâm trong sạch, không bị ô nhiễm bởi phiền não, thân tâm được an lạc. Bộ hạ tùy tùng đó là chánh cung Hoàng hậu, các Hoàng tử, các Công chúa, các quan cận thần, các tướng lĩnh, các nhóm Bàlamôn, dân chúng trong thành, ngoại thành, toàn dân trên toàn cõi đất nước đều có thiện tâm trong sạch, không bị ô nhiễm bởi phiền não, thân tâm thường được an lạc.
- Nếu Đức Bồ Tát ấy từ bỏ nhà đi xuất gia, thì sẽ trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác.
Khi đã là Đức Phật Chánh Đẳng Giác, thiện nghiệp ấy cho quả đặc biệt là:
Các hàng Thanh Văn đệ tử của Đức Phật Chánh Đẳng Giác đều có thiện tâm trong sạch, không bị ô nhiễm bởi phiền não, bởi vì, bậc Thánh Thanh Văn đệ tử đã diệt đoạn tuyệt được phiền não, tham ái. Các hàng Thanh Văn đệ tử đó là chư Tỳ-khưu, chư Tỳ-khưu ni, các hàng cận sự nam, cận sự nữ, chư thiên, chư phạm thiên là những bậc Thánh. Dù những hàng Thanh Văn đệ tử còn phàm chưa phải bậc Thánh Nhân, nhưng họ cũng có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, có giới trong sạch, có thiện pháp phát triển và tăng trưởng, có thiện tâm trong sáng. Như vậy, các hàng Thanh Văn đệ tử này của Đức Phật Chánh Đẳng Giác xem như trong sạch, không bị phiền não làm ô nhiễm.



Trích: Nền Tảng Phật Giáo - Quyển 1 Tam Bảo

Soạn giả: Tỳ-khưu Hộ Pháp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét