Thư gởi bạn "Tịnh Phương"

Tịnh Phương em,

Có lẽ em trông thơ chị lắm phải không?
Hôm chị Trân đến thăm và đưa đĩa CD em gởi cho chị. Trân về rồi, chị cho đĩa vào máy để nghe lại giọng hát của em sau bao nhiêu năm xa cách. Nhìn hình, em vẫn đẹp, vẫn còn có một nét biểu lộ một sự bất cần đời và nhất là nét buồn xa xăm cố hữu.
Dĩ vãng "ngày đó chúng mình" lại kéo về choáng ngộp tâm tư nên chị vội viết thư này cho em. Một là để tạ tội cùng em vì từ lâu nay chị đã vắng thư, hai là để một lần cuối trút bỏ những kỷ niệm xa xưa vấn vương của hai chị em mình còn sót lại.
Em còn nhớ không? Ngày đầu tiên quen nhau của hai đứa mình cũng là ngày mà chị cảm thấy "ghét" em nhất. Cả hai đứa đều được tuyển chọn làm lính đi đầu dưới cờ của hai Bà Trưng, em mặc đồ lính là áo dài ba tà màu đen, hai tà phía trước cột chéo ngang bụng, đầu chít khăn mỏ quạ, đi bên phải của con voi chở bà Trưng Trắc, và chị đi bên trái. Em cứ liếc chị và nheo mắt làm hề khiến chị không thể nín cười, mà cười thì "Cô Bà Chằng Giám thị” đi gần đó lại lên tiếng tằng hắng, làm chị quê quá chừng! Lúc đó chị đã ước phải chi được làm lính hầu bà Trưng Nhị, theo sau con voi để không thấy cái" bản mặt dễ ghét" của em. Năm nào đoàn xe hoa diễn hành trong dịp lễ hai Bà Trưng cũng dài chừng 15, 20 xe đi nối đuôi nhau.

Giờ xa bạn muốn cho gần lại
Để gặp nhau nhắc mãi tuổi thơ
Ngày xưa đôi bạn như mơ
Giờ đây xa cách mịt mờ nhớ nhung
... (Hương Giang)

Vậy mà trên đời này người ta thường nói "ghét của nào trời trao của đó" quả thật không sai. Mỗi lần thấy em, chị nhìn chỗ khác nhưng em cứ lân la làm quen, nào mình cùng được tuyển làm lính, mình học cùng trường, nhà mình ở cùng xóm. Mà hễ nhìn em cười là chị không thể nào ghét em được!
Sau này khi quen thân nhau rồi em mới nói cho chị biết lúc đó em cũng bực bội không kém vì đoàn diễn hành chỉ có đi từ đầu phố đến cuối phố, mà phố có dài gì cho cam sao đi hoài không tới, em lại đi bộ không quen. Em đã ước ao là sau này người ta chọn em đóng vai một trong hai Bà Trưng thì được ngồi lưng voi, không làm lính nữa, không sợ mỏi chân.
Mình đã quen nhau từ đó, Me chị xưng “Me” và gọi em bằng "Tịnh Phương", tên ở nhà thường gọi, cũng là Pháp danh của em. Ở nhà Má em không gọi tên đi học của em là Tú Anh mà lại gọi theo Pháp danh do Sư Bà đặt nhỉ ? Còn Má em thì "Ước gì tao có thêm con nhỏ này làm con gái" và chị đã gọi bà bằng "Má" với tất cả lòng thương yêu của chị. Chị nghĩ, Bà phải là người đàn bà Việt Nam gương mẫu, vì ba em mất lúc bà còn quá trẻ nhưng bà nhất định không bước thêm bước nữa, vì bà sợ "người ta" sẽ không thương hay đối xử không tốt với em.
Một trưa chủ nhựt, chị tới khi Má vắng nhà, em rủ chị ra ngoài sau xem hoa và hái trái cây. Chị vốn mê ngắm hoa hồng và cây cảnh, nghe em nói vậy chị chịu liền. Nhưng vườn sau nhà em chỉ có mấy trái "tùm nụm" ở góc rào, mấy trái quốc chua lè, cây vú sữa với tàn cây rợp mát, dưới gốc cây có một cái xích đu. Nhưng nhìn gương mặt bí mật của em, chị theo em ra tuốt ngoài hàng rào rồi chui vào sau cây quốc với em.

Kể sao hết tình thương ngày ấy
Bạn với tôi đều thấy niềm vui
Nụ cười luôn thắm trên môi
Đi đâu hai đứa sóng đôi chuyện trò.
(Hương Giang)

Thế rồi em nhón chân tháo sợi dây kẽm cột hàng rào và gỡ hai miếng ván để trống lổ vừa cho một đứa chui qua. Em ra dấu bảo chị im lặng. Chị càng hồi hộp hơn nhưng cũng nghe lời em, bậm môi chui từ từ qua hàng rào. Rồi đứng thẳng người lên ngó chung quanh: Trời ơi! Chị đứng chết trân! Có lẽ mặt chị lúc đó không còn một hột máu... Chị muốn lên tiếng báo động cho em, vì khi nãy em dặn chị đừng lên tiếng nên hai môi chị vẫn còn mím chặc, không làm sao mở ra để lên tiếng được. Trước mặt chị là một Sư Cô, còn trẻ, mặc đồ lam đang hốt lá khô tấp vào một gốc cây. Thấy chị, Sư Cô đứng thẳng lên nhìn chị và mỉm cười. Nếu Sư Cô không có cái gương mặt hiền hòa với nụ cười đầy vẻ bao dung từ ái, chắc chị quỵ xuống xỉu tại chỗ rồi.
Ngay lúc đó chị giận em dễ sợ và tự trách sao chị nghe lời em quá vậy. Cũng may đây là vườn sau của chùa Sư Nữ, chớ nếu nhà người ta có chó hay chủ nhà hung dữ họ bắt trói thì ê mặt lắm!
Vừa lúc đó thì em cũng vừa chui lọt qua, em đứng thẳng người lên rồi chấp tay cúi đầu chào cô. Bị bắt tại trận mà em không lộ vẻ gì sợ sệt... thì chị nghĩ chắc là em chui rào kiểu này thường lắm đây, nhưng sao em không báo trước cho chị...? Báo hại chị run quá chừng. Chị cũng lật đật chấp tay chào cô.

Sao bằng vui sống êm đềm 
Thoát ngoài danh lợi một niềm thảnh thơi 
Cung đàn khúc hát dạo chơi 
Tùy duyên phận sống khắp nơi an bình. (T.Phước Thái)

Với giọng nói nhẹ nhàng đầy yêu thương, Sư Cô nhìn em rồi trách:
- Sao Tịnh Phương không dẫn bạn đi ngã trước lạy Phật rồi ra đây?
- Dạ con sợ đi ngã trước có đông người... với lại từ nhà con phải đi vòng xa quá.
Vẫn với giọng nói nhẹ nhàng dễ mến Cô bảo:
- Hai đứa vô lạy Phật đi rồi ra đây muốn ăn gì thì hái ăn. Cô thấy có mấy trái ổi chua trên cây ổi xá lị kìa, nhớ đừng ăn mận nhiều nặng bụng lắm nghe. Có chén muối ớt của mấy em hàng xóm ăn mận hồi nãy còn để lại trên băng đá đó.
Chúng tôi vừa quay đi thì Sư Cô dặn với theo:
- Nhớ ra nhà ngang chào Sư Bà, Sư Bà đi vắng cả tuần mới về vài hôm nay, Sư Bà có nhắc là sao mấy ngày nay không thấy Tịnh Phương qua đó.
Thì ra đây là vườn sau của ngôi chùa Sư Nữ mà em và Má thường hay đi chùa này đây, từ trước nay bị hàng rào cao khỏi đầu chắn ngang chị đâu có biết. Và bây giờ chị đã biết tại sao ở nhà gọi em là Tịnh Phương, em và Má đi qua chùa thường mà ở chùa người ta gọi em bằng Pháp danh riết rồi quen phải không?
Sau khi hai đứa vào lạy Phật xong, trở ra chị nhìn quanh không thấy dáng Sư Cô đâu cả, bây giờ chị mới lấy lại được sự bình tỉnh để nhìn ngắm chung quanh.
Vườn cây đẹp thật, lại sạch sẽ... Đây vài cây mận kia vài cây ổi, mấy cây cam sành với những trái lòng thòng ửng vàng đong đưa theo gió. Cây bưởi lá sum sê nhưng mít mới cao to như cây cổ thụ, chi chít trái trên thân và những cành vươn lên thật cao với trái hãy còn non. Nghe nói ở chùa hay lấy mít non luộc chấm chao hay kho mặn ăn với cơm ngon lắm mà chị chưa thử qua.
Dưới mỗi gốc cây, gạch được vây thành hình tròn hoặc hình vuông. Sư Cô hốt lá cây khô tấp vào đó để làm phân cho những cây hoa nho nhỏ đang được trồng lẫn với mấy gốc hồng. Khoảng trống cuối vườn, gần chỗ hai đứa mình chui qua có một chậu nước được kê trên cái bệ không cao lắm, mấy con chim đang đứng uống nước.

Ngày tháng ơi -xin đừng trôi vô nghĩa 
Bước chân ơi -xin đừng ngã giữa đường 
Bạn bè ơi - chân thành với niềm thương 
Ta sẽ góp - một bức tường chắn gió. (Minh Tuấn)

Thế rồi cái tuổi 13-15 hồn nhiên của tụi mình đã lùi dần theo từng bước chân xa trường, xa lớp, để lao vào đời tập làm người lớn. Me đã có lần nói, tuy em nhỏ tuổi hơn chị nhưng cách ứng xử của em có vẻ già dặn hơn. Nói thật là chị không tin, em lanh hơn chị thì có lanh, nhưng em nhỏ tuổi hơn chị mà (!) cho đến khi chị khám phá ra là em đã biết yêu trong khi chị hãy còn chưa nghĩ đến điều đó.
Người yêu của em là một anh chàng Phi công cương nghị, hào hùng nhưng thoáng nét bất cần đời và có vẻ hơi kiêu kiêu làm sao ấy. Chính vì người yêu của em theo đuổi nghiệp bay nên Má em, dù có thương em, đã hy sinh cả cuộc đời bà cho em, nhưng bà lại không đồng ý để em làm đám cưới với anh chàng phi công đó. Lẽ duy nhất là Bà sợ em sớm trở thành góa phụ!

Tình của mẹ nồng nàn sâu nặng
Dành cho con mẹ chẳng tiếc chi
Lời ru của mẹ thầm thì
Dắt dìu từng bước con đi vào đời
(Lãng Du Khách)

Mấy ngày em tuyệt thực để làm áp lực với Má, chị chui hàng rào, ngã chùa Sư Nữ để lén tiếp tế đồ ăn qua cửa sổ cho em khi biết Má không có ở nhà, cứ bánh ít, bánh tét và bánh mì thịt. Chị tiếp tế cho em còn nhiều hơn bữa ăn hàng ngày nữa vì sợ em đói, có hôm em thì thầm..."Em thèm tô bún bì".
Hàng ngày chị đến, thấy Má âu sầu chỉ ăn cơm qua loa. Chị biết bà khổ tâm lắm mới có được quyết định sau cùng là đồng ý cho hai đứa làm đám cưới.
Làm sứ giả của Má, vào phòng em để chị báo tin vui về quyết định của Bà, lòng chị lẫn lộn xót xa thương cảm, tội nghiệp cho Má em. Chị đã a tòng với em làm áp lực để Má phải đi đến quyết định trái ngược với lòng. Sau này khi thấy tụi em hạnh phúc bên nhau có lần Má nói với chị. "Mỗi lần thấy máy bay nào bay ngang, Má cũng vái cho nó đi về an toàn".
Em đi rồi, chị lo âu và hồi hộp từng ngày chờ tin em. Chị luôn cầu nguyện cho em và cho Má bình yên vượt qua biển Đông...
Rồi thì chuyện chị chờ mong đã đến, nhưng đến trong hai mối thương cảm xót xa khác nhau: Mặc dù đến được đất liền thì mừng nhưng em đã mất đi người Mẹ thân yêu!! Sau bao ngày chịu đựng cơn say sóng kéo dài trên con tàu bé bỏng lại cạn dầu chết máy ngoài biển khơi, nên Mẹ đã nhắm mắt xa em ngay khi vừa vào đến bệnh xá của đảo tị nạn. Ôi, còn cái đau đớn nào hơn!!

Nhớ, thương, yêu Mẹ rất nhiều... 
Bao nhiêu nước mắt, bấy nhiêu giọt tình! 
Bây giờ Mẹ đã lặng thinh... 
Bỏ con ở lại chỉ mình con thôi. 
Từ nay xa Mẹ thật rồi! 
Từ đây con sống mồ côi nơi này. (Ngọc Nghĩa)

Chị lo nhiều vì sợ em không chống chọi lại với khổ đau cùng cực, thân gái bơ vơ nơi xứ lạ quê người... Chị tưởng tượng nhiều quá, chị quên đi hiện tại là em đã trưởng thành đã có gia đình chớ không còn bé bỏng như ngày xưa. Chị ngờ nghệch quá phải không em?

Thế rồi thời gian cứ lặng lẽ trôi.

Khi nhận được postcard báo tin em đã ra trường sau bốn năm vừa học vừa làm, chị rất mừng và càng thương em hơn, vì chị biết rằng em đã cố gắng phấn đấu vùi đầu vào việc học để quên đi nỗi đau trong lòng.
Nhìn hình ảnh em cầm mảnh bằng và ôm bó hoa nước mắt chị lưng tròng vừa thương nhớ vừa mừng cho em. Cũng may là người bạn của chị bên đó đã đem bó hoa lại cho em đúng lúc. Thật an ủi cho chị khi đọc lời em viết sau bức hình: "Ngày em ra trường không thân nhân bạn bè chung vui, Má đã không nhìn thấy được cảnh này. Còn anh Tùng thì giờ này hãy còn trong lao tù, may mắn cho em là còn có chị. Nhận bó hoa của chị do người bạn đem lại, em ôm bó hoa mà tưởng như em ôm tất cả những người thân thương, này Má, này chị, này chồng. Ý nghĩ đó làm lòng em ấm lại và vơi bớt cô đơn".
Rồi ngày em mong chờ cũng đến, đó là ngày Tùng được ra tù và đã đoàn tụ với em. Khi đó thì anh chị và hai cháu cũng đã theo bước chân em mà lìa bỏ quê hương, bỏ lại sau lưng những đau thương và buồn khổ kể từ ngày quê hương mình thay đổi.
Thế nhưng sự hy sinh và mong chờ của em lại một lần nữa không được đền bù!
Sau hai năm đoàn tụ, em và Tùng đã ổn định được cuộc sống mới và đang chuẩn bị để "kiếm một đứa con cho vui cửa vui nhà". Ước mơ chưa thành thì một lần nữa, khổ đau cùng cực của kiếp người lại vây em: Tùng đã vĩnh viễn ra đi vì một chứng bịnh ngặt nghèo, hậu quả của những năm tháng tù đày nhiều lao khổ...

Đoạn đường đời sẽ hoang vắng mênh mông
Bởi người thương đã không còn chung lối
Nhớ thương ai những đêm trường mắt mỏi
Khi ân tình bổng xa tít mù khơi.
(Tùng Trần)

Chị hoàn toàn thông cảm với em, chị cũng đã từng gánh chịu những mất mát to lớn để lại những vết hằn không bao giờ phai. Chị nhớ ngày xưa khi gặp những cảnh trái lòng quá đau khổ mà chung quanh mình không còn ai để tâm sự thì chị thường đến chùa, một mình lặng lẽ đứng trước tượng Quán Thế Âm để tâm sự cùng Ngài.
Có khi chị đứng hàng giờ mà không mở miệng cầu xin hay van vái điều gì, chỉ đứng đó yên lặng nhìn cái dáng vẻ từ ái của Ngài mà thôi. Vậy mà khi chị quay gót đi thì chị cảm thấy nhẹ nhàng phần nào, không biết là chị có tưởng tượng quá hay không?
Nói thực, lúc đó chị chưa biết gì về Phật Pháp nhưng nhìn tượng Đức Quán Thế Âm chị có cái cảm tưởng Ngài rất gần gủi với chị và chị tha hồ trút bỏ những sầu khổ buồn phiền cho Ngài. Có lẽ hạt giống Phật đã được gieo từ đó, nên khi qua đến xứ lạ quê người chị gặp nhiều cơ may để đi sâu vào giáo lý Phật. Có đi sâu vào giáo lý Phật mới hiểu được những khổ đau của kiếp người do đâu mà có. Chính chúng ta đã dệt mộng, chúng ta đã mơ tưởng nhiều đến những điều tốt lành cho nên khi có điều trái lòng xảy đến thì chúng ta bị thất vọng ! Mà thường thì những đau khổ đều từ những nổi thất vọng mà ra. Chi bằng chúng ta hãy từ bỏ những ước muốn viễn vong, thôi không mơ tưởng những gì chưa chắc sẽ đến.

Cảnh đời là vô thường 
Ta sống vạn tình thương 
Đêm ngày luôn nhớ Phật 
Lòng ta thật an tường (T. Phước Thái)

Tịnh Phương em, chị nói ra điều đó để cho em thấy rằng chị hoàn toàn đồng ý về chuyện xuất gia của em, và chị hy vọng lá thư này sẽ đến kịp tới tay em trong những ngày trước khi em vào chùa cho Sư Cô xuống tóc! Theo chị biết thì có rất nhiều người sau một thời gian dài tìm hiểu về giáo lý Phật, họ muốn xuất gia như em nhưng nào có được đâu, vì còn bao nhiêu thứ ràng buộc. Còn em thì không có gì vướng bận, chỉ là vằn vặt của những ngày trước còn sót lại. Nhưng chị biết em thừa sức vượt qua như em đã từng nói: "Mình là lính của Hai Bà, không dễ gì mà khuất phục trước khó khăn". Hơn nữa em còn có Sư Cô. Theo như em nói, Sư Bà đã qua đời và vị Sư Cô trẻ, người mà ngày xưa đã bắt quả tang tụi mình chui qua hàng rào hái trái cây, bây giờ cũng đã vượt biên và đã lập một ngôi chùa nho nhỏ gần nơi em cư trú. Chị nghĩ em và Sư Cô đã có duyên từ trước. Tịnh Phương là Pháp danh do Sư Bà đặt cho em hồi em còn nhỏ, và Sư Cô có Pháp danh do Sư Bà đặt cũng bắt đầu bằng chữ "Tịnh".
Chị rất mong chị sẽ có mặt bên em trong ngày trọng đại, ngày em xuống tóc xuất gia.

Trò đùa mộng hóa dạo chơi 
Thế gian tuồng kịch khắp nơi trưng bày 
Tương rau đạm bạc qua ngày 
Sống trong vay mượn hòa hài thiên nhiên. (T. Phước Thái)

Nãy giờ nói nhiều quá mà chị quên hỏi em, em hát và thu đĩa vào lúc nào vậy? Chị còn nhớ hồi trước em hát rất hay và như em nói thì người quen có phòng thu âm, khuyến khích em thu một đĩa để dành. Nhưng sao trong đĩa không có bài "Lòng Mẹ" và bài "Đêm Đông"? Chị mê nghe em hát hai bài đó. Có lẽ em không muốn khơi lại nỗi buồn xa xứ và nhất là không muốn ứa lệ khi nhắc đến tiếng "Mẹ" chứ gì. Đó, chị lại mâu thuẩn rồi, muốn quên đi những ý tưởng viễn vong nhưng lại muốn nghe những bản nhạc cũ để khơi lại kỷ niệm xa xưa, cho hình ảnh cũ chứa đầy những cảnh trái lòng vây chặc lấy tâm tư mình. Trong kinh Phật nói: "Quá khứ đã qua còn tương lai chưa tới".
Đức Phật dạy rằng chúng ta không nên sống trong quá khứ, dù cho quá khứ là những ngày hạnh phúc vui vẻ hay những chuổi dài đau khổ làm cho tâm ta bất an. Cũng đừng mơ mộng một tương lai không thực tế. Thôi chị ngưng ở đây vì chị nghĩ rằng em đã quyết định xuất gia tức là em phải thông hiểu Phật pháp nhiều hơn chị phải không ?
Cuối thư chị cầu chúc cho em đạt thành ý nguyện trên con đường em đã vạch ra và sắp bước vào.

Thương em nhiều,
Chị.
Trương Kim Báu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét