Tu học để biết cách sống và để biết cách chết đều quan trọng như nhau. Ai ở đời này cũng phải có chút kinh nghiệm gì đó để mà đối diện cái chết mà ở đây ta gọi là kinh nghiệm cận tử, vốn được nói đến nhiều trong Phật giáo.
Mỗi người đều có một hạnh nghiệp riêng. Đời sống của chúng ta phần lớn tuỳ thuộc vào các tiền nghiệp. Chính ta định đoạt đời mình chứ không phải ai khác. Chúng ta luôn hành động theo ý mình thích bằng cả hai khuynh hướng thiện ác và nói vậy có nghĩa là chính ý muốn ở mỗi người tốt xấu ra sao đó, sẽ quyết định hành trình sắp tới của mình.
Nói một cách rốt ráo thì biết cách chết hợp đạo còn quan trọng hơn là biết sống hợp đạo.
Dòng luân hồi dài thăm thẳm, chưa Niết Bàn thì chúng ta cứ liên tục mở ra những hành trình mới, đi lên hoặc đi xuống. Và một người Phật tử dĩ nhiên chỉ huân tập thiện nghiệp với ý hướng biến mình ngày một tốt hơn. Trong bài giảng này, nói về kinh nghiệm cận tử, tôi đặc biệt nhấn mạnh về hai vấn đề:
-Nghiệp lý
-Từ tâm
Nghĩa là người tu học phải luôn biết tự điều chỉnh Tam nghiệp cho chính mình và chỉ nhìn về người khác bằng tâm thái từ mẫn. Chúng ta phải luôn nhớ rằng cái gọi là sự sống luôn gắn liền với cái chết. Chính cái chết là một nửa của đời sống và cũng là điểm kết thúc của đời sống. Ai cũng phải chết một ngày nào đó nhưng nó không thật sự đáng sợ như người ta vẫn nghĩ . Nếu ta sống thanh thản thì sẽ có được cái chết thanh thản . Sống trong âu lo chắc chắn sẽ chết trong âu lo. Đây là điều phải biết khi bắt đầu nói về kinh nghiệm cận tử. Theo tôi được biết thì trên thế giới này có biết bao nhiêu là chuyên ngành trường phái về khoa học , triết lý , tôn giáo , văn hoá nhưng có lẽ chỉ có Phật giáo là dạy người ta biết cách chết nào cho đúng.
Người Miến Điện có câu ngạn ngữ rằng: “ Cái quan tài chỉ đẹp khi ta có một đời sống đẹp“. Cho nên các Phật tử Miến Điện thường không nói thầy tôi chết mà lại nói thầy tôi về trời, gần giống chữ Quy Tiên trong tiếng Việt.
Ta học Phật đều biết rằng một người dù ra sao đi nữa nếu lúc ra đi lại nặng lòng với những tư tưởng bất thiện thì điều đó có nghĩa là công phu tu học của người này vẫn còn có chỗ khiếm khuyết và từ đó chuyện sanh về lạc cảnh rất mong manh. Trong giây phút cận tử chúng ta không có thời gian để làm chuyện sám hối.
Tôi bây giờ già rồi và đã có dịp chứng kiến cái chết của rất nhiều tăng ni cư sĩ mãi đến tận lúc chết vẫn không có được cái kinh nghiệm cận tử đúng mức. Tôi nghĩ trong những trường hợp đó việc sa đọa gần như là đương nhiên. Và không phải ai trong số họ cũng có thể được giúp đỡ hay cứu độ. Người học A-Tỳ-Đàm biết rằng trong 4 cảnh giới sa đọa chỉ có ngạ quỷ là có cơ hôi lớn nhất. Với 3 loài còn lại thì gần như bất khả. Tôi từng kể cho quý vị nghe về một người đàn tín của tôi phải bị mang kiếp thú trong vài tháng sau đó cũng chỉ thoát được bằng nghiệp riêng của mình , không thể bằng sự gia trì của người khác. Lát nữa tôi sẽ kể cho quý vị nghe về câu chuyện của mẹ tôi và việc tôi đã giúp đỡ bà như thế nào . Nhưng bây giờ tôi muốn nói sâu hơn về kinh nghiệm cận tử mà quý vị nên biết .
Trong giây phút cận tử ta giống hệt như người chết đuối luôn quơ quào để nắm bắt bất cứ cái gì trong tầm tay. Người cận tử cũng vậy thường có khuynh hướng chạy theo cái gì mà lúc bình sinh gắn bó với mình nhất, thường là tình thân và tài sản. Tâm lý xả ly không phải muốn là có . Người học đạo phải biết rằng một khi ta đã có lòng thương thích người hay vật gì đó thì rất khó mà buông bỏ . Bởi đây chính là khuynh hướng của phàm phu. Một người muốn đi xa , muốn lên cao thì phải biết buông tay chứ.
Tất cả những quan hệ thân thương dù trong đạo hay ngoài đời cũng chỉ là sự gặp gỡ ngắn hạn trong đời này mà thôi. Dầu khó cách mấy ta cũng ráng mà tập luyện thói quen lìa bỏ. Ai ở đời này cũng phải đi theo nghiệp của riêng mình. Cái chết là cánh cửa mở ra một hành trình mới, mỗi người phải từ đó ra đi một mình và chuyện tay xách nách mang chỉ khiến ta chìm xuống mà thôi. Trong kinh Phật dạy mười pháp Thường Niệm ( anussati) có nghĩa là những gì ta phải thường xuyên tâm niệm (anu+sati). Người cận tử phải có khả năng tự xét xem hạnh thí xả ( cāga), giới hạnh và Chỉ Quán của mình xem có đủ là chỗ dựa lúc này hay không.
Trong A-Tỳ-Đàm có nói đến bốn thứ nghiệp trong đời sống của chúng sinh là:
* Trọng Nghiệp ( Garukamma): Các nghiệp thiện ác lớn lao
* Thường Nghiệp (Ācinnakamma): Các nghiệp thiện ác được ta lập đi lập lại nhiều lần trong đời.
* Khinh Thiểu Nghiệp (Katattakamma): Những nghiệp thiện ác ít oi trong đời sống.
* Cận Tử Nghiệp ( Āsannakamma): Những nghiệp thiện ác được thực hiện ngay trước giờ mệnh chung.
Thông thường thì Thường Nghiệp và Cận Tử Nghiệp sẽ đóng vai trò quyết định việc tái sinh của người cận tử.
Sayadaw Uttamasāra
Dịch Giả: Tỳ Kheo Giác Nguyên
Nguồn: FB
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét