Không có đường tắt cho sự thành công, con đường học vấn cũng không thể nửa vời giả tạo

“Muốn có được học vấn thì nhất thiết phải khổ luyện, tiến từng bước một lên phía trước, không nên có tư tưởng nóng vội muốn nhanh chóng có được thành công trước mắt. Có được học vấn thực sự thì không thể nửa vời, giả tạo, không có con đường tắt nào cả, con phải ghi nhớ rõ điều này”.
Johann Heinrich Friedrich Karl Witte (1800-1883) là một học giả người Đức, ông được biết đến như là tiến sĩ trẻ nhất thế giới khi nhận bằng tiến sĩ tại trường Đại học Giessen tại Đức năm 13 tuổi. Sự thành công của Karl Witte là nhờ tâm huyết dạy dỗ của cha ông, một vị mục sư đáng kính.
Dưới đây là lá thư mà người cha mục sư ấy đã viết cho con trai mình với nội dung chủ yếu là bàn về vấn đề then chốt trong trường học. Nhưng cũng trong lá thư ấy, nó còn là lời dạy về những phẩm chất đạo đức cần có của một cuộc sống nhân sinh hạnh phúc, đạo lý làm người hay những phương pháp để đối nhân xử thế. Những lời dặn dò này thực sự là bài học cuộc sống đáng giá, nhất là với những bậc cha mẹ có con đang ở tuổi cắp sách tới trường, mời bạn đọc cùng chia sẻ.

Sự thành công của Karl Witte là nhờ tâm huyết dạy dỗ của cha ông, một vị mục sư đáng kính. (Ảnh: wikipedia.org)

***
Carl yêu quý!

Thư con viết nói rằng con đang nghiên cứu về Dante, điều này quả thật rất tốt. Nếu sau này con lựa chọn pháp học làm chuyên môn của mình, cha cũng sẽ ủng hộ con hết mình.
Cha suy nghĩ về sự bắt đầu tương lai của con từ sau khi con tốt nghiệp trường đại học Chicago. Lúc đó, cha từng nghĩ, nếu để con chuyên tâm nghiên cứu học vấn của một phương diện nào đó thì con có thể đạt được thành công nhanh chóng với phương diện đó. Nhưng qua sự cân nhắc của mình, cha không cho phép con làm như vậy, bởi vì nếu làm vậy thì con chỉ chú tâm vào một lĩnh vực chứ không có sự phát triển toàn diện. Cha quyết định để con tự chọn phương pháp học và không giúp con chọn chuyên ngành, ý của cha là muốn con học thêm nhiều kiến thức toàn diện hơn nữa. Năm đó, có một nhà số học vì thế mà vô cùng thất vọng, ông hỏi cha vì sao lại làm như vậy, cha liền nói với ông ấy rằng: “Nếu khi con 18 tuổi mà vẫn có hứng thú với số học thì tôi sẽ ủng hộ cháu tiếp tục học, bởi vì chuyên môn quyết định cả đời nên được đưa ra sau khi 18 tuổi”.
Tóm lại, cha rất hy vọng con có thể đi theo chuyên ngành mà con cảm thấy hứng thú, chỉ có như vậy con mới có thể có được niềm vui và hạnh phúc trong quá trình học tập.
Con nhất định phải coi trọng giáo dục trường học, cho dù hiện nay con đã có học vị thạc sĩ, bắt đầu có những đề tài nghiên cứu chuyên sâu của mình. Bởi vì một trong những con đường chúng ta bắt buộc phải tiếp nhận đó chính là giáo dục trường học. Con không học trung học, cuộc sống ở đại học cũng luôn có sự chỉ dẫn của cha, những kiến thức về nhân tình thế thái có thể nói là thiếu sót. Còn giáo dục trường học không chỉ dạy cho chúng ta những tri thức mà còn giúp con hiểu được môi trường xung quanh. Do vậy, bây giờ một mình con ở Italy, điều này có tác dụng lớn đối với việc bổ sung những kiến thức thiếu hụt đó.
Tuy nhiên, giáo dục trường học cũng có chỗ không đầy đủ của nó, đó chính là nó không có mối quan hệ lớn với những tín ngưỡng và hứng thú của chúng ta, điều đó sẽ khiến chúng ta thất vọng. Tuy nhiên, khi con cảm thấy giáo dục trường học không thể nhẫn nại được thì nhất định sự quyết tâm của con càng phải kiên trì hơn, không được vứt bỏ ngay lập tức. Bởi vì, tất cả kiến thức đều từ biến đổi về chất, dẫn tới lượng, cuối cùng sẽ thực hiện một bước nhảy vọt, đến lúc đó con sẽ phát hiện ra rằng, con đã đạt đến một cảnh giới mới.
Muốn có được học vấn thì nhất thiết phải khổ luyện, tiến từng bước một lên phía trước, không nên có tư tưởng nóng vội, muốn nhanh chóng có được thành công trước mắt. Có được học vấn thực sự thì không thể nửa vời, giả tạo, không có con đường tắt nào cả, con phải ghi nhớ rõ điều này.
Tác dụng thực sự của giáo dục chính quy còn lớn hơn rất nhiều so với con tưởng tượng, bỏ qua nó là một sự ngốc nghếch, do vậy, con nên dành thời gian ra để đi tiếp nhận những phương thức và phương pháp của giáo dục trong trường học, thậm chí có nhiều học giả thích việc nghiên cứu độc lập. Đương nhiên, giáo dục chính quy ở trường học chỉ có thể giúp con tích lũy kiến thức, nó không thể giúp con khai phá sức sáng tạo của mình. Vì vậy, muốn có được thành tích tốt thì cần xử lý tốt mối quan hệ giữa tiếp nhận kiến thức và nghiên cứu độc lập.
Hy vọng lớn nhất của cha đối với con chính là mong con trở thành một người giàu về trí tuệ, mục tiêu cuối cùng của việc học tập tri thức đó chính là có được trí tuệ. Tri thức có muôn hình vạn trạng, nhưng trí tuệ thì lại ít nhìn thấy. Kiến thức có thể trông thấy, nghe thấy, còn trí tuệ thì không thể nhìn thấy được, không thể cầm nắm được. Tri thức là những nhận thức của ta đối với sự tồn tại của sự vật bên ngoài, còn trí tuệ lại là những hiểu biết của chúng ta đối với bên trong của sự vật. Người có tri thức chưa chắc đã là người có trí tuệ nhưng còn người có trí tuệ thì nhất định là người có tri thức.
Phương pháp tìm kiếm trí tuệ có rất nhiều, con có thể làm giống như lịch sử là bái thầy tìm bạn, cũng có thể ngồi độc lập phấn đấu trong phòng, chìm mình trong bể sách, đó chính là cái mà mọi người hay nói đến “Đọc vạn quyển sách, đi muôn vạn dặm”. Điều quan trọng đó là, cuộc sống tại bất kỳ đâu, bất kỳ thời điểm nào cũng giúp chúng ta đạt được trí tuệ, có được sự khơi gợi trong vô hình. Do vậy, điều con nên làm đó là hãy mở rộng tấm lòng mình, toàn tâm toàn ý đi đón nhận và hít thở chúng, không nên từ bỏ bất kỳ phương thức học tập nào, bất luận là giáo dục trường học hay nghiên cứu độc lập.
Mùi vị của hạnh phúc chính là mùi vị của chân lý, hạnh phúc khó quên nhất trong cả cuộc đời chính là hạnh phúc của việc cảm nhận chân lý. Con trai à, bây giờ cha thực sự hy vọng con có thể cảm nhận được niềm hạnh phúc này.

Mùi vị của hạnh phúc chính là mùi vị của chân lý, hạnh phúc khó quên nhất trong cả cuộc đời chính là hạnh phúc của việc cảm nhận chân lý. (Ảnh: pinterest.com)

***
Con đường đến với chân lý của đời người giống như một dòng sông lớn, dưới sự tác động gấp gáp của dòng chảy tự thân, ở những nơi phía trước không có dòng nước chảy sẽ có những con đường mới mẻ không ngờ đến.
Và đời người giống như một chiếc thuyền trên sông, sóng gió sẽ không ngừng tát vào bạn từ mọi hướng, tuy nhiên mỗi cơn gió cũng tiếp thêm tốc độ cho con thuyền của bạn. Chỉ cần bạn điều khiển thuyền thật vững vàng thì cho dù có gặp mưa to gió lớn thế nào, nền giáo dục có biến động ra sao cũng không làm cho con thuyền đó của bạn chuyển hướng.
Hy vọng rằng bức thư của người cha ở trên sẽ khiến bạn ít nhiều suy ngẫm.

Hồng Ân

Nguồn: DKN.VN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét