Chữ “Đức” được mọi người nhắc đến thường xuyên trong cuộc sống, trong sự dạy dỗ con cái, khuyên răn con người sống cho phải đạo. Vậy thì chữ Đức này mang ý nghĩa gì? Cách đây 2600 năm, Lão Tử đã viết bộ Đạo Đức Kinh gồm có vào khoảng 5000 chữ, 81 chương. Tại sao một tác phẩm chỉ có mấy ngàn chữ trải qua thời gian dài như thế mà không hề suy giảm đi giá trị tư tưởng, ngược lại con người ngày hôm nay lại đang cố tìm hiểu cũng như diễn giải tư tưởng thâm sâu mong sao có thể áp dụng cho phù hợp với đời sống con người hiện đại.
Vậy thì chắc hẳn chữ Đức mang một ý nghĩa rất lớn, quan trọng trong đời sống con người. Trước hết chúng ta thử triết tự chữ Đức xem như thế nào?
Chữ Đức là kết hợp bởi ba bộ chữ, đó là chữ sách, chữ trực và chữ tâm. Bộ chữ sách có nghĩa bước đi, hành động, chữ trực nghĩa là ngay thẳng, chính trực và tâm có nghĩa là sự suy tưởng, ý nghĩ, tư duy. Vậy thì Đức là sống thực với chính mình, làm đúng với lương tâm mình. Tất nhiên muốn sống thực với chính mình, trước hết phải hiểu về chính mình. Hiểu về chính mình không phải là điều dễ. Trong Thiền có nói “Minh tâm kiến tính”, người có tâm sáng suốt thì mới nhìn thấy cái tánh của chính mình. Nho giáo chủ trương:”Tồn tâm dưỡng tính”, Đạo giáo nói:” Thắng nhân giả hữu lực, tự thắng giả cường.” cũng nhấn mạnh tinh thần tự chiến thắng bản thân khó khăn gấp ngàn lần việc chiến thắng người khác.
Trong kinh Dịch xem việc tu dưỡng “Đức” còn quan trọng hơn nuôi dưỡng hình hài, vì thế mới nói “Dữ thiên đồng đức” có nghĩa “Đức” có giá trị vai trò ngang bằng với trời.
Trang tử trong Nam Hoa Kinh có nói:” Đức sung ư nội, nhĩ nhân hóa ư ngoại, tự nhiên cảm hóa, bất đắc giáo ngôn giả dã.” Có nghĩa Đức mà đầy đủ bên trong thì tự nhiên ứng hiện ra ngoài, thiên hạ nhờ đó mà tự hóa, đâu cần phải dùng ngôn ngữ lời nói để giáo hóa.
Trong khi đó bên trời tây Rene Descartes một nhà toán học, nhà vật lý cũng còn là triết gia nổi tiếng vào thế kỷ thứ 17 đã nói một câu đã được ghi mãi mãi trong lịch sử tư tưởng nhân loại bằng tiếng La Tinh “Cogito ergo sum” (I think, therefore I am; Je pense, donc Je suis) có nghĩa “tôi có suy nghĩ do đó tôi hiện hữu”. Descartes đã nói một điều con người là sinh vật biết tư duy, có suy nghĩ, phân biệt phải trái, hiểu rõ sự hiện hữu kiếp nhân sinh, từ đó con người cần phải sống sao cho có ý nghĩa. Phải chăng câu nói của Descartes cũng không khác chi với chữ “Đức” trong tư tưởng Đông Phương.
Tu tập Thiền phối hợp với Khí Công và Dưỡng Sinh mục đích đầu tiên làm sao có giây phút tâm tư tĩnh lặng trong thế động từ đó mới hiểu rõ hơn về chính con người mình, có nghĩa biết rõ hơn về sự vận chuyển tuần hoàn trong thân thể cùng với vũ trụ, và tâm tư của chính mình. Cũng để trở về con người thật của chính mình, có nghĩa sống một cuộc sống trong sạch cao thượng “hợp đức trời”.
Do đó tư tưởng chữ “Đức” bao gồm tu đức, ý nghĩa dưỡng sinh, sống vui hợp với mệnh trời làm cho thế giới nội tâm thái hòa, bao dung, tha thứ, tạo quan hệ tốt hài hòa giữa người với người. Hơn thế nữa hiểu thấu đáo cái chân ngã hay Phật tánh là cái thường hằng, dòng sinh mệnh vô thủy vô chung, bất sanh, bất diệt, bất cấu, bất tịnh, và cái sắc thân hiện đang có là giả hợp của ngũ uẩn tất nhiên có ngày phải tan biến. Sau cùng đạt đến cảnh giới “Thiên nhân hợp nhất” không còn phân biệt ta và người, chủ thể và khách thể. Đó cũng chính là An Thư Diện Mục, Hiện Tại An Trụ và Thân Tâm Thanh Tịnh.
Tùng Sơn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét