BIẾT CÁCH SỐNG CÔ ĐƠN THEO ĐẠO PHẬT

Bạn có thấy cô đơn không? Cô đơn là một trạng thái mà tất cả chúng ta đều có kinh nghiệm. Cô đơn tự nó chẳng có gì là sai cả. Ví dụ như, tiếng Đức có một chữ ghép hai chữ “wald” (rừng) với “einsamkeit” (cô đơn hay cô độc). Nhưng cô đơn hay cô độc không có nghĩa xấu ở trong đó, và “waldeinsamkeit” không có nghĩa là buồn thảm hay đáng sợ. Đúng ra “waldeinsamkeit” là nói đến cảm giác hòa nhập với thiên nhiên, như khi đi bộ một mình trong rừng. Thật yên tĩnh và an bình.

Bằng sự hiểu biết những cảm giác tự nhiên của ta khi sống một mình trong thế giới này, và phản ứng của chúng ta như thế nào, ta có thể nhận ra được cách đối phó với sự cô đơn. Có những nguồn tuyệt diệu giúp chúng ta nhận diện và đối phó với những triệu chứng tiêu cực của sự cô đơn – rút từ trí tuệ để lại từ cả thời xưa lẫn thời nay.
Đôi khi ta cảm thấy thật cô đơn, muốn chết đi được – nhưng ta có thể nào chết vì cô đơn không? Không hẳn là như thế, nhưng những nghiên cứu gần đây đã cho thấy cảm giác hoàn toàn cô đơn có thể thực sự làm hại sức khỏe của bạn. Nó có thể làm tăng tỷ lệ chết sớm cho bạn đến 14%... bằng cách làm giảm bớt khả năng của não trong việc học hỏi, ghi nhớ, và đưa ra những quyết định… làm giảm bớt khả năng miễn nhiễm, khiến dễ bị các chứng viêm… làm cứng mạch máu, dẫn đến bệnh cao huyết áp, và rồi tiết ra hóa chất thần kinh phòng vệ “chiến đấu hay chạy trốn” tạo nên trạng thái bị áp lực (stress) nguy hại.
Ở đây, ta thấy cảm giác có một kẽ hở tiêu cực cả trên phương diện thể chất lẫn tinh thần. Khi chúng ta cảm thấy hoàn toàn một mình cô đơn trong thế giới này, cái cảm giác bị cô lập, xa lánh đời, và trầm cảm triền miên không chỉ ở trong tâm, mà còn biểu hiện nơi thân chúng ta qua những hóa chất thần kinh gây cảm giác lo âu, áp lực, làm tăng thêm sự trầm cảm, v.v.. Qua vòng lẩn quẩn xấu ác này, ta có thể thấy thể chất và tinh thần chúng ta hòa quyện với nhau và làm duyên tác động lẫn cho nhau. Và như vậy, điều may mắn là những cảm giác an ổn và hài lòng cũng tạo nên những kẽ hở tích cực, làm tăng thêm sự an khang lành mạnh tự nhiên sẵn có nơi chúng ta.
Một cánh cửa khác để nhìn vào sự cô đơn là cấu trúc xã hội của chúng ta. Trong hai thập niên qua, các nhà nghiên cứu khoa học thần kinh đã phát giác ra rằng chúng ta được sinh ra với não bộ đã có sẵn những đường truyền dẫn hướng đến sự nối kết với người khác. Đúng ra là con người đã biết hợp quần với nhau kể từ thời Đồ Đá (Stone Age). Tuy nhiên sự chú trọng vào cá nhân chủ nghĩa có thể tạo nên những đau khổ sâu xa khi con người trở nên xa cách, tách rời, không kết nối với nhau, với gia đình và xã hội. Ngoài ra, khi người ta cố tìm cách che lấp và khuây khỏa sự cô đơn của mình, họ thường bám víu vào những lạc thú, những mục tiêu phù du, chỉ đưa đến những điều bất toại và phiền não nhiều hơn.
Một giải pháp đơn giản là tu tập sự tỉnh giác (mindfulness). Tỉnh giác có nghĩa là ý thức tất cả những gì đang đến trong hiện tại.. với một thái độ tò mò và tử tế…rộng mở đến giòng ý thức mà chúng ta đang bơi trong đó … mà không có những ý tưởng phán đoán hay bàn rộng gì thêm. Một cách tập sơ khởi thông thường là trụ sự thấy biết của mình trên hơi thở. Tâm trí chúng ta có thể tản mác đến cả vạn hướng, nhưng thân chúng ta và hơi thở lúc nào cũng hiện diện ở đây, ngay trong lúc này. Chúng ta luôn có thể ngừng lại, thở, và mỉm cười.
Khi không có sự tỉnh giác, chúng ta thường phản ứng theo thói quen. Khi có ý thức tỉnh giác, ta có thể quán chiếu và đáp trả lại qua trí phân biệt, nhận thức những điều lợi hại như thế nào trong bất cứ mọi tình huống. Nhà tâm lý học Viktor E Frankl đã nói rất rõ điều đó khi ông viết rằng, “Giữa sự kích thích và phản ứng có một khoảng trống. Trong khoảng trống đó chúng ta có năng lực để chọn lựa cách phản ứng. Sự phản ứng của chúng ta hàm chứa mức độ lớn mạnh và tự do của chúng ta như thế nào.”
Với nhu cầu lớn lao và một giải pháp hiệu nghiệm như thế, không lạ gì mà sự thực tập tỉnh giác đã nhanh chóng trở thành một phong trào sức khỏe lớn mạnh nhất từ khi yoga được du nhập. Thực ra, sự tu tập tỉnh giác bắt nguồn từ đạo Phật, được gọi là Vipassana, hay Thiền Minh Sát Tuệ. Dựa trên giáo lý phong phú của đạo Phật, chúng ta còn học hỏi thêm được nhiều điều hướng dẫn khác để đối phó với sự cô đơn.
Có một vài lần, Đức Phật đã dạy điều mà ngài gọi là “cách biết sống một mình”. Dù cho bạn có sống chung với ai đó, hay sống một mình, “biết sống một mình” ở đây có nghĩa là biết cách làm chủ cuộc đời của bạn. Kinh nghiệm đến nóng lạnh như thế nào, chỉ có tự bạn mới biết cho mình được. Chỉ có mình mới làm chủ được chính tâm mình, không ai khác có thể làm được.
Hơn thế nữa, bạn không bị níu kéo bởi quá khứ, cũng không lo lắng gì cho tương lai. Bạn hoàn toàn an trú trong giây phút hiện tại – giây phút duy nhất để chúng ta có thể sống thực. Nếu bạn ngừng lại để ôn lại điều gì đã xẩy ra, hay duyệt lại những gì bạn đang dự tính làm, đó là một lựa chọn có ý thức, được diễn ra khi tâm vẫn còn trụ nơi những gì đang có trước mắt. Tôi đoan chắc rằng đây là một cách sống một mình tuyệt diệu.
Chúng ta là một sinh vật có khả năng tự biết mình. Nếu không biết quý cái khả năng thiên phú đã có sẵn sâu xa này nơi con người chúng ta, ta sẽ dễ trở nên quá chìm đắm và chú mục vào cái “ta” của mình. Thế rồi ta sẽ xử sự như một nữ danh ca, một ngôi sao trong cuốn phim bộ do mình bầy ra, trong đó tất cả thế giới đều xoay quanh cái Tôi-Tôi-Tôi. Hoặc giả, khi nói đến sự cô đơn, ta có thể cảm thấy rằng mình là người bị lựa ra để hứng chịu hình phạt của cảm giác cô đơn. Để đối phó lại sự cô đơn như thế, ta cần dùng đến khả năng tự thấy biết kỳ diệu của con người để nhận ra rằng, chính chúng ta là người đang quay vòng vòng trong chuồng, và rồi thấy thế giới bên ngoài thật chóng mặt. Nhưng nếu từ từ chậm lại, ta sẽ nhận ra rằng cánh cửa chuồng này đã mở sẵn từ lúc nào, và ta có thể bước ra ngoài tự do, tự tại.
Như vậy, tất cả những điều này có liên quan gì đến việc có một người yêu trong đời không? Điều đó thì, để có một người đem thêm giá trị đến cho cuộc đời tôi, và để cho tôi là một người tốt đối với họ – tôi cần có sự vững chãi và thoải mái trong sự hiện hữu của chính mình. Nếu không, sự hiện diện của tôi không thể là một điều gì có giá trị đích thực trong cuộc đời của người khác, cũng như họ cũng không thực sự có ý nghĩa gì đối với tôi. Tuy nhiên, khi một người đang đi trên con đường giác ngộ gặp một bạn đồng hành, người ấy sẽ không thể đi sai đường được. Cả hai đều giúp sức cho nhau, nuôi dưỡng, và tạo không gian lớn rộng thêm trong cuộc đời của người kia. Và rồi sự hiểu biết càng ngày càng sâu xa, cho người ấy có khả năng cho đi và đón nhận tình yêu.


Theo Gary Gach (A Better Way to Be Alone – Loneliness from Buddhist’s Perspective)


Diệu Huyền dịch

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét