Mức độ phát triển tâm linh

Con đường là đạo, nhưng mình không nói đến tôn giáo, mà nói đến đạo như là con đường tâm linh, con đường của trái tim linh thiêng của mỗi người chúng ta.
Lầm lỗi số một của đại đa số người đọc kinh sách là đọc sách một hồi rồi kẹt luôn trong sách không ra được. Kẹt trong kinh sách, kẹt trong ngôn từ, kẹt trong lý luận… Đứng một chỗ cả trăm năm, không nhúc nhích được một bước, nhưng họ không biết điều đó. Không thể biết được điều đó.

Các bạn, nếu các bạn đọc một cuốn sách nấu ăn trong 50 năm, và không nấu lần nào, thế thì bạn có biết nấu ăn sau 50 năm?
Kinh sách chỉ là công thức nấu ăn, đọc xong thì phải tập nấu mới biết nấu.
Rất nhiều quý vị thích tranh cãi về thần học, Phật học với các từ to lớn ít người biết đến. Đó là cái tôi ngỗ nghịch.
Rất nhiều vị rất thích mang kinh sách ra để chỉ trích thiên hạ. Đó là lạm dụng. Kinh sách là để cho chính mình luyện tập, chẳng phải là cuốn hình luật và bạn chẳng là công an cho ai cả.
Có lẽ chúng ta đã không và sẽ không bao giờ thấy hai người phụ nữ cãi nhau về công thức nấu ăn. Một người nói ra một công thức, các bà khác sẽ thêm ý kiến: “Món này mà thêm vài múi tỏi thì cũng rất thơm”. “Em thấy có người đã dùng củ kiệu thay hành, và ăn rất ngon”. Nói chung là các bà thường cho thêm ý kiến để thay đổi một công thức, để có được nhiều công thức mới, làm cho cách nấu phong phú hơn.
Đạo cũng vậy. Đạo là sống. Sống là nghệ thuật cao độ. Nếu ta thêm gia vị để có nhiều cách sống khác nhau, thì nghệ thuật sống của ta sẽ thi vị hơn.
Nếu người ta không cãi nhau về công thức nấu ăn, thì không lý do gì người ta phải cãi nhau về kinh sách.
Nhưng thiên hạ không chỉ cãi nhau và đôi khi còn giết nhau vì kinh sách! Thật là điên rồ.
Cho nên chúng ta cần phải thực sự canh giữ tâm mình khi ta nói đến tôn giáo và kinh sách.
Nếu bạn đã thấy hai người cãi nhau hai câu trong Thánh kinh: Một là “Lấy mắt trả mắt, lấy răng trả răng”. Hai là: “Nếu kẻ thù của con tát con má này, hãy đưa thêm má kia cho họ’”. Câu nào là đúng, câu nào nên theo. Rất nhiều người cãi nhau sùi bọt mép về 2 câu này.
Nhưng nếu bạn đã thực tập yêu tất cả mọi người, thì tự nhiên là bạn biết câu nào đúng. Chẳng cần phải tranh cãi.
Sống là thực hành. Kiến thức tâm linh chỉ có thể có được qua thực hành khiêm tốn, thành thật, yêu người, tĩnh lặng. Không có cách nào khác.
Nếu bạn không thực hành 4 điều này mỗi ngày, thì bạn sẽ không biết gì về đời sống tâm linh cả. Và nếu bạn không thực hành 4 điều này mà lại đọc kinh sách thường xuyên, thì bạn đang là một cha/mẹ đẻ của cái mà người ta gọi là thời mạt pháp.
Hãy khiêm tốn, thành thật, yêu thương và tĩnh lặng với mọi người hôm nay.




Bằng chứng chắc chắn nhất để bạn biết bạn đã phát triển tâm linh đến đâu, đang ở đai trắng hay đai đen, là ở mức nhạy cảm trong liên hệ với người khác.
Nếu bạn nhạy bén với cảm xúc của người đối diện thì thường là người kia chưa kịp nói, bạn đã hiểu ý và nói ra đúng ý người kia. Đó là thầy tư duy tích cực, thầy sâu sắc về tâm linh.
Nếu người ta nói mà bạn hiểu được chỉ một chút xíu, và phần lớn là sai ý, đó là vì trái tim bạn chưa nhạy cảm. Thường là vì cái tôi của bạn còn nhiều và che mắt bạn.
Nếu người ta phải thét la mà bạn cứ như người điếc, thì bạn đang ở mức đai trắng.
Một trái tim đầy yêu thương, khiêm nhu, và tĩnh lặng, thì luôn luôn nhạy cảm với lời nói, cử chỉ và cảm xúc của người đối diện, và sẽ luôn làm họ cảm thấy ấm áp khi bạn ngồi cạnh.
Tất cả mọi kinh sách chỉ để hướng đến một điều—yêu người. Và nếu bạn biết yêu người, thì bạn sẽ rất nhạy cảm với người. Thiếu nhạy cảm là bạn chưa biết yêu người.
Cho nên hãy thường xuyên đo lường sự nhạy cảm của bạn trong giao tiếp với người khác và ứng xử nhân hậu nhờ sự nhạy cảm đó.
Người nhạy cảm với người khác thường thành công vì biết cách ứng xử và nói năng làm người ta ấm lòng.


Trần Đình Hoành

Nguồn: dotchuoinon.com