Thể 'hành' trong thơ Việt Nam từ bài Tống Biệt Hành của Thâm Tâm

Kể từ năm 1940 khi nhà thơ Thâm Tâm sáng tác bài Tống Biệt Hành cho tới nay, 2013, chúng tôi chỉ sưu tầm được bốn năm bài thơ thể Hành khác, để chúng ta cùng thưởng ngoạn:



Chân Dung thi sĩ mệnh yểu Thâm Tâm (1917-1950) qua nét vẽ của Khuyết Danh. (Hình: Viên Linh cung cấp)

Ðưa người, ta không đưa qua sông,
Sao có tiếng sóng ở trong lòng?
Bóng chiều không thắm, không vàng vọt,
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?
Ðưa người, ta chỉ đưa người ấy
Một giã gia đình, một dửng dưng...
-Ly khách! Ly khách! Con đường nhỏ,
Chí lớn chưa về bàn tay không.


Thâm Tâm (1917-1950)
(Tống Biệt Hành, 1940, Thi Nhân Việt Nam, Hoài Thanh)

Ðôi ta lưu lạc phương Nam này
Trải mấy mùa qua, én nhạn bay
Xuân đến khắp trời hoa rượu nở
Mà ta với ngươi buồn vậy thay
Lòng đắng sá gì muôn hớp rượu
Mà không uống cạn mà không say
Lời thề buổi ấy cầu Tư Mã
Mà áo khinh cừu không ai may.


Nguyễn Bính (1918-1966)
(Hành Phương Nam, c.194..., Nguyễn Bính Thơ Và Ðời, NXB Văn Học)

Én nhạn về Nam xuân rồi đây
Chợt thèm ly rượu, chút mưa bay...
Gọi về trong đáy hồn lưu lạc
Những bước chân xưa lạc dấu giầy.
Bạn cũ hãy nương theo rét lạnh
Về đây cùng nhập một cơn say
Uống ly thứ nhất mừng tao ngộ
Cho tiếng cười lên vỡ tháng ngày.


Thanh Nam (1931-1985)
(Bài Hành Ðón Tuổi 40-Khởi Hành Xuân 72)

Biên cương biên cương chào biên cương
Chào núi cao rừng thẳm nhiễu nhương
Máu đã nuôi rừng xanh, xanh ngắt
Núi chập chùng như đáy mồ chôn
Gớm, gió Lào tanh mùi đất chết
Thổi lấp rừng già bạt núi non
Mùa khô tới theo chân thù địch
Ta về theo cho rậm chiến trường.


Phạm Ngọc Lư
(Biên Cương Hành, 1972)

Trường Sa! Trường Sa! Ðảo chuếnh choáng!
Thăm thẳm sầu vây trắng bốn bề.
Lính thú mươi người lạ sóng nước,
Ðêm nằm còn tưởng đảo trôi đi.
Mùa Ðông Bắc, gió miên man thổi
Khiến cả lòng ta cũng rách tưa.
Ta hỏi han hề, Hiu Quạnh lớn!
Mà Hiu Quạnh lớn vẫn làm ngơ.


Tô Thùy Yên
(Trường Sa Hành, 1974, trong Thơ Tuyển)

Anh hỏi thời gian sáng hoặc chiều
Lòng sương tuyết nhỏ có đìu hiu
Xa nhau ngàn dặm không tường mặt
Như bụi như tro lạnh ít nhiều?
Như thế năm năm rồi đấy nhỉ
Ðời ta thềm mục với sân rêu
Quê người cơm áo đau vô tận
Sống tưởng chừng như chỉ bấy nhiêu?


Viên Linh
(Nước Mặn, 1980, trong Thủy Mộ Quan)

Trên đây là 6 bài hành mà người viết bài này có được, và không tin rằng trong Thi Ca Việt Nam hơn nửa thế kỷ từ 1940 tới nay, lại chỉ có từng ấy bài thơ làm theo thể hành. Mà thể hành là như thế nào? Chủ đề này được nghĩ đến từ lâu, song tìm tòi định nghĩa trong các sách Văn Học Sử thì không thấy, mà tìm thể loại thơ tương tự cũng không được đầy đủ, nên đề tài cứ phải gác lại. Nay tạm thời ghi nhận “thể Hành” trong 6 bài, trong khi ấy, chúng tôi - cũng như các quí bạn đọc yêu thơ - mong sẽ tìm được thêm dăm bài nữa.




Ảnh chụp hiếm hoi mờ nhạt của tác giả bài Tống Biệt Hành, nhà thơ Thâm Tâm (1917-1950). (Hình: Viên Linh sưu tầm)

Nếu nói Hành là đi, như bộ hành, hành trình, có nhiều phần đúng, vì trong các bài thơ trên, bài nào cũng nói về sự đi, về việc di chuyển. Như “Ðưa Người” trong thơ Thâm Tâm: “Ðưa người, ta không đưa qua sông,” mà chỉ đưa trên “một con đường nhỏ,” nhưng vẫn là có kẻ đưa tiễn, vì có người ra đi. Nguyễn Bính nói đến sự “lưu lạc:” “Ðôi ta lưu lạc phương Nam này.” Nghĩa rằng ông không ở quê nhà khi làm bài thơ ấy, mà làm bài thơ ấy trên mảnh đất lưu cư. Quê ông ở Vụ Bản, Nam Ðịnh, vào Sài Gòn làm báo, cho nên sống lưu lạc, mà lòng thì không lúc nào không nghĩ đến gia đình, thân quyến: “Quê nhà xa lắc xa lơ đó / Trông lại tha hồ mây trắng bay/ Tâm giao mấy kẻ thì phương Bắc / Ly tán vì cơn gió bụi này.” Tâm sự Thanh Nam vào lúc Xuân về, trong “Bài Hành Ðón Tuổi 40,” tương tự như tâm sự Nguyễn Bính, cũng thì lưu lạc, cũng thì kẻ Bắc người Nam, ra đi đã 15 năm rồi, mà mộng lớn chưa thành: “Mười lăm năm đó từ phiêu bạt /Ðứa vợ con yên, đứa lạc loài...”

Tới Tô Thùy Yên và Phạm Ngọc Lư, hai bài thơ thể Hành hiếm hoi về cuộc chiến Việt Nam, một người thì đóng quân ngoài hòn đảo đang bị giặc đánh chiếm, một người thì cầm súng nơi biên giới Việt Lào đang giặc xâm nhập, những năm đầu thập niên '70. “Lính thú mươi người lạ sóng nước / Ðêm nằm còn tưởng đảo trôi đi.” Thể Hành trong hai câu thơ đó thật đắc địa. Người đã đi chinh chiến xa, mà chiến trường lại là một chiến trường trôi nổi bập bềnh, cả hai cùng đi, cùng di chuyển. Nơi Phạm Ngọc Lư một nhà thơ trẻ thuộc lớp sau cùng của Miền Nam trước 1975, anh chiến đấu trên mặt trận Cao Nguyên miền Trung, nơi gió Lào tanh tưởi, mùa khô xào xạc, giặc nước rình mò , rừng xanh thắm máu. Người đi ở đây là lính ra trận, người theo dõi nơi quê nhà là thiếu phụ chờ mong:

Em đâu, quê nhà chong mắt đợi 

Hồn theo mây trắng ra biên cương
Thôi em, yêu chi ta thêm tội 
Vô duyên xui rơi lược vỡ gương
Ngày về không hẹn ngày hôn lễ  
Hoặc ngày ta nhắm mắt tay buông.

Thể Hành như thế là thể thơ phân ly, nếu không ở đề tài, cũng ở lối thơ nói, hoặc người nói với người, hoặc người nói với rượu, tức là nói với mình, lối thơ trực tiếp hay gián tiếp nói về mình với đối tượng nào đó, vào lúc chia tay hay trong khi trôi nổi giữa cuộc đời. Loại thơ này thường là dài, hay rất dài, vì thi sĩ viết về mình hơn là viết về một người nào khác, mình đây là một khối tâm sự ngổn ngang, một cảnh sống chưa định. Bài Tống Biệt Hành của Thâm Tâm viết khi thi sĩ mới vừa qua tuổi 20, dài 22 câu. Bài Nguyễn Bính dài 40 câu. Bài Thanh Nam dài 50 câu. Bài Phạm Ngọc Lư dài 66 câu. Bài Tô Thùy Yên dài 64 câu. Bài Viên Linh dài 52 câu. Thể Hành còn cho thấy thi sĩ cảm về thời thế mình sống, và bài thơ phong phú âm điệu, có vẻ như là một khúc ca cảm khái và giãi bày không do dự.
Riêng bài hành trong thơ tôi làm sau khi nói chuyện với Thanh Nam, mỗi khi anh từ Seattle gọi điện thoại qua Virginia, anh thường mở đầu câu chuyện bằng một câu hỏi: “Bên ấy bây giờ mấy giờ rồi?” Và chúng tôi lại nói tới cuộc sống lưu vong:

"Anh hỏi thời gian sáng hoặc chiều
Lòng sương tuyết nhỏ có đìu hiu? 
Quê người cơm áo đau vô tận
Sống tưởng chừng như chỉ bấy nhiêu.” [21.8.13]

Viên Linh