Kính chào Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc,
Hôm trước qua bốn kỳ trao đổi cùng bác sĩ, tôi bắt đầu với nhà văn Nguyễn Hiến Lê và kết thúc với nhà văn Ngô Thế Vinh, thế là tròn một vòng tìm hiểu về vài nhân vật văn học mà bác sĩ có dịp quen thân và gần gũi và đã được Bác sĩ giải đáp rất tỏ tường. Nay thì xin trở lại trò chuyện thêm cùng bác sĩ về lãnh vực khác.
Có lần đọc được trên trang nhà của Bác sĩ, bác sĩ có giải thích về “Thiền Định Phật Giáo”: “Có hai hình thức trong Thiền định Phật giáo: Thiền chỉ (Samatha) và Thiền quán (Vipassana)”. Còn “Thiền đốn ngộ” là sao, thưa bác sĩ? Có phải “thiền đốn ngộ” là ”Chẳng lập văn tự, chỉ thẳng tâm người, thấy tánh thành Phật” không? Nếu đúng vậy thì tại sao “phải chỉ thẳng tâm người, và chẳng lập văn tự” vậy, thưa Bác sĩ?
Kính chúc bác sĩ thân tâm thường an lạc.
Kính thư
Hai Trầu
Đỗ Hồng Ngọc trả lời:
Kính thưa anh Hai Trầu,
Anh hỏi khó quá anh Hai à! Chỉ thẳng tâm người (trực chỉ chơn tâm) ấy là muốn khuyên ta đừng có “đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt” (TCS) nữa mà hãy “nương tựa vào chính mình”, quay lại quan sát chính mình. Nương tựa là “quy y” đó anh Hai à. Phật khuyên “hãy nương tựa chính mình” ấy là hãy quy y chính bản tâm mình đó, để chuyển hoá cái tâm nhảy nhót như khỉ như vượn (tâm viên ý mã) thành bản tâm thanh tịnh để có được an vui, hạnh phúc trong cuộc sống, như anh Hai có câu chúc “thân tâm thường an lạc” ở trên đó vậy.
Thấy được cái “bổn tâm”, ấy là thấy được Phật tánh, thành Phật, nên bảo “trực chỉ chơn tâm, kiến tánh thành Phật”. Vây thôi. Quay về đó mà… tu luyện, không nhứt thiết phải tìm lên núi cao rừng sâu. Trần Nhân Tông bảo “Cư trần lạc đạo thả tùy duyên/ Cơ tắc xan hề khốn tắc miên/ Gia trung hữu bảo hưu tầm mích…” là nói ta có thể ở trong đời mà vui cái đạo, nhờ sống biết “tùy duyên”. Trong nhà có của báu rồi đừng tìm kiếm đâu nữa cho mất công! Của báu không phải là vàng bạc ngọc ngà gì đâu. Của báu là cái tâm ta đó thôi.
Cho nên cũng gọi là tâm đạo, hay đạo tâm. Khoa học ngày nay cũng chứng minh cái “tâm” ta rất nhuyễn, rất uyển chuyển, có thể “uốn nắn” được. Từ cái tâm hung hăng, lúc nào cũng muốn “nhất thống giang hồ, muôn năm trường trị” có thể chuyển hóa thành cái tâm bồ tát, cái tâm an lạc, từ bi hỷ xả! Còn Tuệ trung Thượng sĩ, người cậu mà cũng là thầy của vua Trần Nhân Tông cũng nhắc phải: “phản quan tự kỷ”... anh Hai nhớ không?
Hán-Việt Từ điển của Đào Duy Anh giải thích: Đốn là “hốt nhiên”. Còn Phật học Từ điển của Đoàn Trung Còn (1963) thìĐốn có nghĩa là “Tức khắc, mau lẹ, không chần chờ. Đối với tiệm là lần lượt theo thứ bực, theo trình độ” (tr 576). Đốn ngộ là “Tỉnh ngộ tức khắc”.(tr 577). Vậy thì thiền đốn ngộ là thứ thiền hốt nhiên, tỉnh ngộ tức khắc, ngược với thiền tiệm ngộ là ngộ từ từ, dần dần, theo thứ bậc. Phương pháp trực tiếp, đốn ngộ này tương truyền trong 4 câu: “Giáo ngoại biệt truyền/ Bất lập văn tự/ Trực chỉ chơn tâm/Kiến tánh thành Phật”, nghĩa là không phải giải thích dài dòng, đọc sách tụng kinh mệt mỏi, văn tư tu phiền phức! Chuyện kể có người một hôm nghe tiếng ngói vỡ mà đại ngộ, có người nghe tiếng chim kêu, tiếng lá rơi mà đại ngộ!
Có câu chuyện: Một đệ tử theo thầy là một thiền sư đã lâu ngày không được dạy gì về thiền nên rất buồn bã. Một hôm, hai thầy trò dạo thuyền trên sông, đệ tử lựa lúc thầy vui bèn hỏi: Thưa thầy, thiền là gì ạ? Thầy chẳng nói chẳng rằng, thình lình lật úp chiếc thuyền. Đệ tử té xuống nước loi ngoi trối chết một lúc mới được thầy vớt lên và bảo: Thiền là vậy đó. Đây là một câu chuyện thiền rất có ý nghĩa!
Ta biết Thiền, tiếng Pali là Jhanas, Sanskrit là Dhyana, được dịch âm qua tiếng Hán là Chan, tiếng Nhật là Zen và tiếng Việt là Thiền… Đây là một “kỹ thuật” rất quan trọng trong Phật giáo. Các chùa chiền cũng thường được gọi là Cửa thiền.
Thiền đã có tự ngàn xưa, trước thời kỳ Phật giáo. Phật Thích Ca lúc bắt đầu đi tu đã đến học thiền với hai người thầy giỏi nhất thời đó. Trải qua 8 bậc thiền từ sắc đến vô sắc thấy vẫn không giải quyết rốt ráo được con đường giải thoát của mình nên Ngài đã đi tìm một con đường riêng. Và đó chính là “cửu thiền” - thiền thứ chín- còn gọi là “Diệt thọ tưởng định” (Chữ diệt ở đây không phải là tiêu diệt mà có nghĩa là không để sanh ra –Nirodha - mà thôi). Có hai thứ thiền trong Phật giáo là thiền chỉ (samatha) dẫn đến giải thoát tâm và thiền quán (vipassana) dẫn đến giải thoát tri kiến.
Ta thường nghe chuyện Huệ Năng và Thần Tú như để minh họa cho đốn ngộ và tiệm ngộ. Huệ Năng là một người gánh củi bán dạo, một hôm chỉ nghe lõm một câu trong kinh Kim Cang Bát Nhã: “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” mà ngộ tức khắc (đốn ngộ), trong khi đó, Thần Tú là một “trí thức” uyên bác mà lận đận mãi, về sau mới ngộ được (tiệm ngộ). Thực tế không có đốn không có tiệm gì cả! Muốn “đốn” cũng phải dày công nghiền ngẫm rồi mới đốn được. Newton nằm dưới gốc cây táo, thấy trái táo rụng, tìm ra được định luật sức hút của quả đất. Trước nay biết bao người cũng nằm dưới gốc táo, cũng thấy táo rụng, có ai nghĩ ra được gì đâu phải không? Huệ Năng sau khi “đốn ngộ”, cũng đã phải vào chùa giã gạo bửa củi nhiều năm, sau còn đi theo nhóm thợ săn lưu lạc giang hồ hằng mười lăm năm trời mới trở thành Lục Tổ của Thiền tông đó chứ!
Dịp này xin gởi tặng anh Hai và bạn đọc bài viết ngằn về lục tổ Huệ Năng với câu nói nổi tiếng của ngài: “Không nghĩ thiện, không nghĩ ác, cái gì là bổn lai diện mục của thượng tọa Huệ Minh?”:
“Không nghĩ thiện
Không nghĩ ác”
“Không nghĩ thiện không nghĩ ác” không phải là không có thiện không có ác. Có thiện có ác quá đi chứ! Nếu không sao bảo “Chư ác mạc tác / Chúng thiện phụng hành” (Chớ làm điều ác / Hãy làm điều thiện)?
Tưởng tượng đêm hôm đó, một đêm không trăng sao, thầy trò Huệ Năng lén lút ôm bọc y bát rời chùa, len lỏi giữa các rặng lau sậy, ra tận bờ sông… Khi đại chúng biết ông đã được truyền y bát trốn về phương Nam thì có đến vài trăm người rượt đuổi theo để đoạt lại, trong đó có thượng tọa Huệ Minh, vốn trước là một tướng quân, tánh tình thô bạo, dẫnđầu đi trước, đuổi kịp Huệ Năng. Huệ Năng đặt y bát lên tảng đá rồi núp vào đám sậy nói lớn: "Y bát là vật làm tin, hádùng sức mà đoạt được sao? "Huệ Minh đến, muốn lấy y bát mà chẳng nhúc nhích, bèn kêu: "Hành giả! Hành giả! Tôiđến vì Pháp, chẳng phải vì Y!"
Huệ Năng nói: “Ông đã vì Pháp mà đến, thì nên dứt bặt trần duyên, chớ sanh một niệm. Tôi sẽ vì ông mà thuyết”. Rồi nói: “Không nghĩ thiện, không nghĩ ác, đang khi ấy cái gì là bổn lai diện mục của thượng tọa Minh?”.
Huệ Minh ngay đó đại ngộ.
Thiệt ra Huệ Minh có định lấy y bát chi đâu. Muốn lấy thì đâu có khó gì với một ông tướng như vậy! Ngày nay còn dễ hơn nữa. Đầy dẫy ra đó. Mua đâu chẳng có. Sư phụ Hoàng Nhẫn cũng đã căn dặn: Sau này dẹp cái vụ truyền y bát hình thức đó đi cho đỡ rầy rà, tranh đoạt, giữa chốn thiền môn. Tâm truyền tâm thôi.
Thượng tọa Minh thực lòng khâm phục Huệ Năng từ lâu, đã muốn được học pháp, nghe pháp từ Huệ Năng giờ mới có dịp. Trong lúc rầm rập chân người, la ó vang trời, đèn đuốc sáng choang đó, giữa sự căng thẳng sống chết chỉ mành treo chuông đó, một câu nói “dứt bặt trần duyên / chớ sanh một niệm” của Huệ Năng đủ sức lay chuyển tận gốc rễ con người Huệ Minh. Đó chính là lúc bổn lai diện mục Huệ Minh có cơ hội để xuất hiện vằng vặc giữa trời quang! Huệ Minh chỉ cần nghe một câu là đủ. Cũng như xưa Huệ Năng nghe “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” là đủ. Học kinh, kệ của Phật, một câu một chữ qúy biết bao. Thực ra câu nói “Không nghĩ thiện / không nghĩ ác” chẳng qua là một… minh họa, làm cho rõ nghĩa thêm mà thôi, và nhất là phù hợp với hoàn cảnh căng thẳng đầy sát khí lúc đó.
“Dứt bặt trần duyên / Chớ sanh một niệm”. Ấy chính là “vô niệm”. Con đường phát hiện và hành thâm của Lục tổ Huệ Năng. Từ đó mà thấy biết “gió không động / phướn không động”. Con đường trực chỉ chân tâm đó vậy.
Tóm lại, “Không nghĩ thiện, không nghĩ ác” chỉ có nghĩa là không hai, là bất sinh bất diệt, bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm...!
“Đại gia” Duy Ma Cật nhờ đã trang bị pháp môn Bất nhị này đến tận răng mà thõng tay vào bất cứ chốn nào dù là thanh lâu, quán nhậu, karaoke ôm hay động xì ke ma túy… Vào đến chốn nào thì chốn đó trở thành đạo tràng trang nghiêm thanh tịnh.
Còn ta lơ mơ “ngẫu hứng lý qua cầu” dễ lọt… xuống sông!
Đỗ Hồng Ngọc
(Thấp thoáng lời Kinh, Nxb HNV, 2012)