Cái hồi kết này ai cũng nhìn thấy, vì ngoại Tám khó thấu trời, ngăn chặn hết thảy những thứ ngoại lai xâm nhập vô nhà. Con Lành hơi tiếc là anh Tom đẹp nhứt trong cái đám trai ngoại đã nguýt ngang. Bảy thằng con trai kia toàn người Việt, nhưng có thằng lỡ nhai kẹo cao su chóp chép, lỡ mặc cái áo thun nhì nhằng chữ Tây, lỡ nhuộm chòm tóc vàng, lỡ mua mấy chùm nho Mỹ làm quà… Ngoại Tám Lựu Đạn có lý lẽ riêng của mình, tại sao thằng ôn con đó không nhai kẹo dừa cho lành, sao nó hong mặc bà ba cho khỏe, để tóc đen thì có chết ai. Riêng có một anh thợ máy cả nhà rất ưng, sắp xuống mối thì ngoại phát hiện ra anh này hút gió toàn nhạc ngoại, nào là Bến Thượng Hải rồi thì My heart will go on. Khổ thân anh hôn phu hút gió trật bài.
Lụi hụi rồi Lành cũng sắp vào tuổi ế chồng. Vẫn đẹp xiêu cống vẹo cầu nhưng bạn bè trong xóm rủ nhau đi lấy chồng Đài Loan, Hàn Quốc hết trọi, mỗi Lành chờ một chú rể xịn Việt từ đầu đến đuôi. Nửa đêm nằm thở dài, thấy hai sườn hai đùi hai vành tai đều lạnh. Ngoại nằm bên vách, nghe vậy cũng rầu, nhưng ngoại mà không giữ gìn nề nếp nhà này thì ai giữ ?
Nhờ canh cửa khít rim mà tiếng tăm nhà ngoại Tám vang xa. Hôm đoàn kiểm tra tới xác minh xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa lịch sử anh hùng thuần Việt” (danh hiệu gì của nhà nước cũng kêu đinh đoong như vầy), họ cũng phục lăn khi mấy chục năm nay nhà ngoại Tám chỉ gội đầu bằng bồ kết với lá chanh, vách không treo lịch vì tụi nó hay in tiếng Anh tiếng Tàu, từ trước ra sau toàn đồ trong nước. Giữ được vậy, ngoài lòng yêu quê xứ còn phải có tinh thần cảnh giác cao. Có bữa ngoại Tám đi hốt thuốc nam, không cẩn thận là rước mảnh báo gói có bài về ông Obama vô nhà rồi. Anh cán bộ trong đoàn kiểm tra hít hà nói ngoại làm rất đúng.
Sau này, phát hiện ra anh khen lấy lòng ngoại vì si mê Lành. Cùng lúc, có anh Cườn hột soàn cũng tà tà lui tới. Cái chữ Cườn tối nghĩa này là hậu quả lối làm việc hơ hớt của cán bộ hộ tịch, viết sót chữ "g" nên cũng không thành “hùng mạnh” như chồng cô ca sỹ. Nhưng điều đó cũng không ngăn Cườn trở thành tỷ phú mắm cá linh. Thấy hai anh mặt mũi đều sáng sủa, thông minh, không yếu tố ngoại lai trên người, Lành thầm mừng. Cả hình xăm nhỏ trên gáy anh Cườn cũng mộc mạc: chăn trâu thổi sáo. Kinh nghiệm từ mấy cuộc tình đau thương trước, Lành dò hỏi rõ ràng loại nhạc hai anh thích có phải là Hoa sứ nhà nàng, Chuyện tình Lan và Điệp hay không; món ăn hai anh ưa có phải cá lòng tong kho quẹt và mắm chưng hột vịt hay không; tăm tre mà hai anh hay xỉa có phải là loại to bằng cây cột nhà thương hiệu trong nước hay không. Rốt cuộc, cả hai chàng chuẩn Việt từ đầu tới gót. Chữ gót này theo nghĩa đen, vì gót anh cán bộ đúng là bị nứt từa lưa, nhưng ảnh nói chỉ mài vô gốc cột thôi, nhất định không thoa Kechone (kem chống nẻ) nào hết.
Giờ thì còn mỗi một vấn đề, ấy là chọn người nào?
Sau nhiều đêm nằm đếm thấy mụ nội mà không ngủ được, ngoại nghĩ ra cách thách cưới cũ mèm. Không đòi cao sang, chỉ cần hôm ăn hỏi chuẩn bị cho mười hai mâm lễ trăm phần trăm đồ nội. Ngoại tự thấy vậy là công bằng, ai như ông vua xưa đưa ra yêu cầu thiên vị làm chi mà mấy ngàn năm rồi Sơn Tinh với Thủy Tinh vẫn đánh nhau tung tóe.
Bánh tự nướng, bột gạo nếp tự xay. Trái cây thì vô mua tận vườn, hái tận nhánh. Vải vóc chọn loại có in ở bìa “Sản xuất ở Việt Nam” dù cứng tay như bao bố. Khay trầu rượu cũng chọn gốm Cổ Chiên. Giờ chót, bên phía Cườn hột xoàn kịp phát hiện ra mấy tấm nhiễu đỏ phủ mâm toàn chữ Tàu, hú hồn hú vía. Hai nhà đàng trai đều chắc mẻm lần này ta sẽ đón được cô dâu hiền hậu, nết na.
Cuộc kén rể so kè ngang ngửa. Anh cán bộ bày ra mâm nhãn Bạc Liêu thì Cườn hột xoàn cũng có quýt hồng Lai Vung. Chủ khảo là ngoại Tám, da héo lưng còng nhưng có siêu năng lực liếc qua là biết hàng xứ nào. Lành dõi theo nụ cười mãn nguyện nở trên môi ngoại, thầm mừng trong bụng. Đến phần rượu, dù thề thốt là rượu thuê người nấu tại chỗ, nhưng Cườn hột xoàn vẫn không qua nổi ngoại Tám, “men Tàu nghen bây”. Trà vô hộp thiệt sang nhưng chỉ là bã trà phơi khô ướp hương hóa học China bán ở chợ Kim Biên hai ngàn một ống. Anh cán bộ cũng bật ngửa khi bị phát hiện ra đường làm bánh bông lan nhập của Lào, còn vú sữa được phun thuốc làm bóng trái cây xứ Thái.
Đến nước này, Lành chịu không nổi nữa, mếu máo kêu ngoại Tám nương tay. Lành nói gạo nhà mình đang ăn cũng từ lúa giống Tàu, lâu nay con không dám nói vì sợ ngoại thà nhịn đói. Mớ cá hôm bữa mua ở trang trại bác Hai Ốm, cũng là cá nuôi sẵn từ ở bển chở qua đổ vô ao giả bộ cá Việt vậy thôi. “Nói vậy cái cục đất dưới chân mình có chắc là của mình không con ?” ngoại hỏi, trong lúc thấy trời đất quay tròn.
Cuối năm Lành lấy chồng, chú rể là anh thợ máy năm nào, suốt từ đận đó đến giờ anh vẫn chờ Lành xách giỏ đi chợ ngang qua để hút gió bài “lý thương nhau”.
(Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư)
GIỚI THIỆU NHÀ VĂN NGUYỄN NGỌC TƯ
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư sinh năm 1976 tại xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau, là một nữ nhà văn trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam. Tác phẩm nổi tiếng nhất của cô là tác phẩm “Cánh đồng bất tận”.
Các tác phẩm tiêu biểu: Ngọn đèn không tắt (2000), Ông ngoại (2001), Biển người mênh mông (2003), Giao thừa (tập truyện ngắn, 2003, tái bản 2012), Nước chảy mây trôi (tập truyện ngắn và ký, 2004), Cái nhìn khắc khoải, Sống chậm thời @ (tản văn, 2006) - đồng tác giả với Lê Thiếu Nhơn, Sầu trên đỉnh Puvan (2007), Truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư (tập truyện ngắn, 2005), Cánh đồng bất tận (tập truyện ngắn, 2005), Tạp văn Nguyễn Ngọc Tư (tạp bút, 2005), Ngày mai của những ngày mai (tạp bút, 2007), Gió lẻ và 9 câu chuyện khác (tập truyện ngắn, 2008), Biển của mỗi người (tạp bút, 2008), Yêu người ngóng núi (tản văn, 2009), Khói trời lộng lẫy (tập truyện ngắn, 2010), Gáy người thì lạnh (tản văn, 2012), Bánh trái mùa xưa (2012), Sông (tiểu thuyết, 2012).
Với những tác phẩm của mình, cô đã đạt được nhiều giải thưởng: Năm 2000: Tác phẩm “Ngọn đèn không tắt” - Giải I trong Cuộc vận động sáng tác Văn học tuổi 20 lần I; Năm 2001: Tác phẩm “Ngọn đèn không tắt” - Giải B Hội nhà văn Việt Nam; Năm 2003: Một trong "Mười nhân vật trẻ xuất sắc tiêu biểu của năm 2002"; Năm 2006: Tác phẩm “Cánh đồng bất tận” - Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2006.