Có khá nhiều người đang sống ở những thành phố đông đúc, bận rộn. Trong suốt cuộc đời mình, ngày càng có nhiều người bị cắt đứt mối liên hệ với thiên nhiên và đã thật sự bỏ lỡ thật nhiều những lợi ích sức khỏe mà thiên nhiên mang lại.
Nhiều nghiên cứu cho thấy cư dân thành phố có nhiều khả năng bị trầm cảm và các mối lo âu hơn những người dân sinh sống ở nơi gắn liền với thiên nhiên như khu vực thôn dã.
Điều này có thể dễ dàng nhận thấy ở một số người, khi họ trải nghiệm cảm giác đi bộ trong công viên, rừng cây, hoặc tham gia cắm trại, hay đơn giản chỉ là thoát khỏi thành phố để nghỉ ngơi và thư giãn. Hơn thế nữa, một nghiên cứu mới đây còn cho cho thấy tầm quan trọng của việc rời khỏi thành thị, hoà mình vào thiên nhiên đối với cả sức khỏe thể chất và tinh thần của chúng ta.
Việc hoà mình vào thiên nhiên có thể thay đổi não bộ theo hướng tốt cho sức khỏe chúng ta?
Gregory Bratman là sinh viên mới tốt nghiệp Chương trình liên ngành Emmett về Tài nguyên và Môi trường tại Đại học Stanford muốn tìm hiểu rõ vấn đề này. Các nhà nghiên cứu đã tiến hành một cuộc khảo sát, trong đó những người tham gia được lựa chọn ngẫu nhiên sẽ đi bộ 50 phút trong môi trường thiên nhiên và đô thị, sau đó điền vào các đánh giá tâm lý trước và sau khi đi bộ.
Nhóm nghiên cứu phát hiện rằng những người đi bộ qua những hàng cây, bãi cỏ xanh tươi trong khuôn viên đại học Stanford có sự cải thiện về chức năng nhận thức và tâm trạng so với những người đi bộ gần nơi giao thông đông đúc trong cùng khoảng thời gian.
Phải chăng việc đi bộ trong môi trường thiên nhiên ảnh hưởng đến xu thế lo lắng của con người?
Lo nghĩ là trạng thái lo lắng và căng thẳng liên tục về những chuyện thường ngày trong cuộc sống. Kiểu suy nghĩ này không hề có lợi cho sức khoẻ mà còn ảnh hưởng đến tinh thần của chúng ta. Trong nhiều trường hợp, xu hướng lo nghĩ này là sự tiên báo cho chứng trầm cảm. Và không có gì ngạc nhiên khi những người sống ở thành thị thường hay lo nghĩ nhiều hơn so với những người ở nông thôn.
Sự lo nghĩ có liên quan mạnh mẽ với việc tăng hoạt động ở khu vực vỏ não trước trán. Điều này đã làm dấy lên sự quan tâm của Bratman và các đồng nghiệp vì họ có thể đo lường được tác động này, đặc biệt là trước và sau khi tiếp xúc với thiên nhiên. Vì vậy, họ đã bắt đầu nghiên cứu thứ hai.
Họ chọn ra 38 cư dân khỏe mạnh ở thành phố và đề nghị những người này hoàn thành bảng câu hỏi nhằm xác định mức độ thường xuyên lo lắng. Sau đó các nhà nghiên cứu sẽ dùng máy quét não bộ để đo lượng máu lưu thông ở vỏ não trước trán của mỗi người.
Những tình nguyện viên được chia thành hai nhóm: nhóm đầu tiên đi bộ qua những công viên xanh tươi và yên tĩnh trong khuôn viên đại học, trong khi nhóm còn lại đi dọc các xa lộ ồn ào với nhiều làn đường và giao thông tắc nghẽn. Cả hai nhóm đều không được đi theo cặp hoặc nghe nhạc trong suốt cuộc khảo sát.
Ngay sau khi hoàn thành cuộc khảo sát, họ trở về phòng thí nghiệm và trả lời bảng câu hỏi giống nhau, rồi sau đó não họ được quét lần nữa.
Kết quả đúng như mong đợi – nhóm người đi dọc đường cao tốc vẫn tăng mức lưu lượng máu đến vỏ não trước trán và mức độ chán nản của họ không thay đổi. Mặt khác, nhóm đi bộ giữa thiên nhiên có sự cải thiện đáng kể về tinh thần. Họ không còn suy nghĩ quá nhiều về các vấn đề trong cuộc sống và lưu lượng máu qua vỏ não trước trán cũng thấp hơn.
Kết quả
Theo Bratman, những kết quả của nghiên cứu này “ủng hộ mạnh mẽ giả thuyết việc ra ngoài và hoà mình vào thiên nhiên” là phương pháp đơn giản và hiệu quả để cải thiện tâm trạng cho những người sống tại các thành phố.
Nếu bạn thấy bản thân mình thường xuyên căng thẳng và lo lắng, hoặc bạn chưa bị như vậy thì cũng nên ra ngoài một chuyến. Hãy bỏ ra một ít thời gian ngắn để ra ngoài mỗi ngày, dạo bước thư thái trong công viên hay tìm một nơi yên tĩnh để thư giãn. Mỗi tuần hãy cố gắng đi xa thành thị trong một thời gian ngắn. Hãy chụp một kiểu ảnh và để ý tâm trạng và suy nghĩ của bản thân, bạn sẽ có câu trả lời cho mọi vấn đề của mình! Thiên nhiên thật sự là điều rất tuyệt.
ST
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét