Giọng nói dõng dạc, rắn rỏi, thỉnh thoảng điểm chút hài hước nhưng diễn giả có vóc dáng nhỏ nhắn, thanh mảnh, đôi mắt sáng. Ông mở đầu phần thuyết giảng nhanh chóng, gọn ghẽ, bằng một ngôn ngữ đời thường giản dị, dễ hiểu. Ông nói: “Những gì tôi trình bày chỉ có tính cách gợi ý. Phần thảo luận theo sau mới là chính và quan trọng vì nó đào sâu vào chủ đề.”
Lý thuyết Phật Giáo tin có luân hồi và nghiệp chi phối cuộc sống hiện tiền của chúng sinh. Muốn chuyển nghiệp thì phải đổi tính khí. Muốn đổi tính khí thì phải sáng suốt, ra khỏi vô minh (ra khỏi chính mình vốn là cái bóng to nhất trùm phủ đời người) mới thấy được cái cần đổi ở tự ngã để thay đổi. Chuyện này không dễ. Chẳng thế mà dân gian truyền miệng câu “Sông núi dễ dời, tánh khí khó đổi.” Nói sông núi dễ dời là so với tính khí con người chứ câu chuyện nương dâu biến thành biển mặn đâu phải lúc nào cũng thấy!Tôi chăm chú lắng nghe, ghi nhớ đại khái: tánh (hay tánh khí) một người gồm hai phần, di truyền (hay bẩm sinh) và tập thành (do giáo dục, môi trường, kinh nghiệm sống gom góp từ thực tế). Di truyền hay bẩm sinh cộng với duyên nghiệp tích lũy qua nhiều kiếp, nhiều thế hệ nên có khi cha mẹ hiền lành mà con cái hung dữ và ngược lại. Vì thế, dân gian có câu “Cha mẹ sinh con, Trời sinh tính.” Điều gì con người không giải thích được thì đổ cho ông Trời tuy cụ Nguyễn Du từng hạ bút viết rõ ràng, “Có Trời mà cũng có ta.”
Câu “Kiến Tánh Thành Phật” chỉ có bốn chữ nhưng thâu tóm trong chúng cả một quá trình tu tập vận dụng không ngơi nghỉ tất cả sức lực và trí lực, cả những trải nghiệm để lại hậu vị chua cay của một con người cho đến khi mở được tuệ giác, đồng thời với buông bỏ, thấy mình vượt qua cái “tôi” nhỏ nhoi và tan vào mênh mông đại ngã. Không vui. Không buồn. Không có. Không không. Không còn. Không mất. Không đầy. Không vơi. Không lớn. Không nhỏ. Không nhiều. Không ít. Không chìm. Không nổi. Trôi êm đềm trên trên một giòng sông trong trẻo, không gợn chút ưu phiền.
Con đường tu chừng như khó nhưng không khó vì nó không là con đường độc đạo. Không nhất thiết mọi người phải cùng đi một con đường mà nó rộng hẹp khác nhau, hệt như tấm áo chùng của các bậc giáo sĩ hay tăng lữ, nhiều màu sắc/kích cỡ/kiểu dáng cho hành giả chọn lựa, có không gian cho mọi cử động để ai cũng thoải mái chưa kể y phục đời thường cho cư sĩ tại gia, cho bậc tu hành khi nhập thế hành đạo.
“Kiến tánh” thì có gì khó? Xem ra ai cũng tự cho là “rất hiểu mình.” Cái “ngã” to tướng bên trong mỗi con người thường lên tiếng: tôi tử tế, tôi thông minh, tôi tài ba, tôi hay, tôi đúng, tôi hơn hẳn mọi người, tôi xứng đáng được xưng tụng… Tôi soi gương, cái gương bảo kiểu áo tôi mặc sang trọng nhất, kiểu tóc tôi chải đẹp nhất, dung nhan tôi có thanh lịch nhất…
Ai nói ngược lại những gì tôi thấy, Tôi nghĩ, hẳn là kẻ thù của tôi, không là bạn, thật đáng ghét. “Ai” ở xung quanh đâu chỉ có một nên cái ghét sẽ triền miên. Để chống lại, Tôi xây thành lũy, pháo đài, ngày càng kiên cố, giam mình vào trong để “tự sướng.” Không chỉ vậy, tôi đi tìm những tiếng nói đồng tình, thậm chí mua chuộc, tự cột vào mình thêm cái giả và cái giả ngày càng chồng chất, cái thật ngày càng xa.
Nên “kiến tánh” không dễ. Phật dạy: “Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành.” Câu nói ấy không ngoa ngôn, không dẫn dụ. Câu nói ấy là sự thật miên viễn, cất lên từ nhận thức đúng nhất để giải thích kiếp người; từ sự thể nhập toàn vẹn của tự ngã vào vô ngã, của hạt bụi nhỏ tan trong đất trời bao la; từ sự khiêm nhượng thấy mình bé lại cho tha nhân lớn lên.
Cái khó của con đường đi tới sự thật trong lời Phật dạy càng khó thêm khi nó được truyền thừa bằng ngôn từ kinh điển, trừu tượng và phức tạp nên khó nắm bắt, nhất là con người sống vội vã. Để làm chậm lại tốc độ cuộc sống hầu mọi người có chút thời gian suy tư, quán tưởng, như bát nước cần ngưng xao động để lắng cặn, chúng ta học Phật, bảo nhau ngồi thiền theo kiểu lý lịch trích ngang, quên rằng chúng ta không khởi hành ở cùng điểm xuất phát như Phật.
Phật ngồi thiền trong hang động hay dưới cội bồ đề khi Phật đã tỉnh thức mà buông bỏ hết, cái tâm sạch trơn. Là đất đã cày vỡ, được tưới tẩm cho mùa màng mới. Ngày nay chúng ta ngồi thiền giữa ngổn ngang vọng niệm, trì kéo do vật dục, có chỗ nào trong tâm để tu đức phát sinh hoa trái? Ráng sức cho lắm, tập chú quá độ mà không tới đâu sinh ra ảo giác, nôm na gọi là tẩu hỏa nhập ma.
Nhớ lại thuở bé, ban đầu cha mẹ dạy đếm từ 1 tới 10. Tiến bộ hơn một chút, cha mẹ dạy đếm ngược lại, từ 10 xuống 1. Không có đứa trẻ bình thường nào có khả năng đếm ngược khi chưa biết đếm xuôi. Học thiền cũng vậy, kinh nghiệm riêng của kẻ hèn này là bắt đầu từ gốc tới ngọn. Lúc tâm đã tịnh, ly nước đã trong trẻo, cái “thấy” sẽ dễ dàng hơn.
Nói đến kinh nghiệm riêng, tôi xin phép chia sẻ con đường tu thân giản dị nhất tôi đã đi được một khoảng ngắn. Tất nhiên mỗi người chúng ta đều có một cơ duyên bắt đầu khác nhau tùy thuộc cảnh ngộ nào tới với mình, mang theo nó bài học vỡ lòng.
Bước vào tu tập, chúng sinh được dạy buông xả trong khi bản năng sinh tồn thúc đẩy lòng tham: lấy vào càng nhiều càng tốt và ôm chặt những gì mình sở hữu. Cuộc chiến không đồng cân lượng này rất khó thắng nên dầu biết buông xả thì nhẹ thân nhưng mấy ai làm được? Dẫu thuộc lòng câu kệ “sắc tức thị không” nhưng cái sắc vẫn cầm chân con người vì sự hào nhoáng của nó, cái Không vẫn khó chấp nhận vì cảm giác không còn gì trong hai tay.
Bài học đời cho tôi dễ thực hành hơn nhiều: tình thương. Như trong Quốc Văn Giáo Khoa Thư, “Thương người như thể thương thân.” Trong quý vị độc giả, sẽ không ít vị kêu lên: ta và người, làm sao mà như thể được?
Thưa, được chứ, vì có một điểm chung: thân phận. Ai trong chúng ta không đi qua con đường sinh, lão, bệnh, tử? Ai trong chúng ta tránh được mất mát, đau thương, phiền não, lúc này lúc khác trong đời? Kẻ sang người hèn, kẻ cao người thấp, có thể có ưu tiên khi lọt lòng mẹ nhưng đường đời phải đi đến chung cuộc sẽ chẳng khác gì nhau, trong nỗi thống khổ và ngay cả trong niềm hạnh phúc, những thứ thoắt hiện, thoắt biến, khôn lường.
Định kiến “làm sao mà như thể được” là nguyên cớ đưa đến ngã mạn, coi rẻ người khác, tự cô lập mình trong ảo tưởng, cuộc sống thu gọn lại trong khung thời gian vật lý hạn hẹp, tay trắng lúc nào đâu có hay?
Thấy được ta trong người và người trong ta là bước đầu của buông xả, của cảm thông, của tình thương, của đem cho, của hòa nhập cái nhỏ vào cái lớn, của niềm vui nhân rộng lên, của buồn đau tan loãng đi, của sức mạnh tăng trưởng đến không ngờ. Như một ca từ của Trịnh Công Sơn: “Yêu em lòng chợt từ bi bất ngờ!” Từ tình thương đến buông xả chỉ là cái động của đôi cánh bướm.
Cách nay 2,500 năm, Đức Phật Thích Ca, hậu thân của Thái Tử Tất Đạt Đa, con trai vua Tịnh Phạn xứ Ca Tỳ La Vệ, khi xả thân đi tìm chân lý để khả dĩ có câu trả lời cho sự bí ẩn của sinh mệnh, đã thể hiện trọn vẹn các tiêu chí cao quý nhất mà mọi cuộc cách mạng chân chính trong lịch sử loài người, cho tới nay, vẫn mãi kêu đòi: công bằng xã hội, tự do tư duy, bác ái để hợp quần, độc lập trong bản thân, quyền phán xét và tự quyết cá nhân, quyền không bị hiếp đáp.
Cuộc cách mạng của Phật đổ mồ hôi, không đổ máu, xây dựng một triết lý nhân sinh tích cực, không xây dựng lãnh tụ, hướng tới sự hình thành một xã hội nhân bản lấy hạnh phúc của con người làm phương châm.
Cuộc cách mạng của Phật bắt đầu từ cuộc cách mạng nội tâm nơi mỗi con người dựa vào niềm tin và sức mạnh tự thân, không a dua lôi kéo đám đông, thuyết phục nhưng không mông mị, không dùng bạo lực mà cổ võ tri thức, chống lại mọi hình thức tế lễ mê tín chủ trương kêu cầu các thần lực vô hình ban phước, ban lộc…
Con người là vũ khí của chính mình để khám phá và khai phá, trong đó có cả những tầng nội tâm u ám để “kiến tánh,” nghĩa là nhìn thấu suốt bản lai diện mục và khiêm nhượng hoàn thiện nó. “Biết mình biết người, trăm trận trăm thắng.”
Trận thắng lớn nhất là làm chủ được một phần định mệnh bí ẩn của đời người trong khả năng mình. Không biết từ đâu đến trong cuộc đời này và sẽ đi về đâu sau cuộc đời này, tại sao sống, tại sao chết nhưng có lẽ mỗi chúng ta đều có thể trả lời đã chủ động dùng khoảng thời gian giữa hai cực bí ẩn kia như thế nào?
Hậu sinh tôn vinh Phật, đặt ngài lên tòa sen ngự trị Tam Bảo để Phật tử thờ lạy nhưng chỗ thật nhất của Phật là trong tâm mỗi chúng sinh. Phật là con đường đồng hành với những ai tìm kiếm điều Phật tìm kiếm 2,500 năm trước. Là hạt giống của từ bi và hoan lạc gieo rắc trong thinh không bao la, thời gian vô tận, nhờ cơn gió duyên nghiệp mà đậu lại đó đây, cũng do duyên nghiệp mà cho mùa màng hoa trái hay thui chột.
Sau cùng, “kiến tánh” dù không thành Phật thì cũng giúp mỗi người vì “biết” mình nên không trách người và sống an vui với bản thân.
Bùi Bích Hà
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét