Tiếng thở dài & Đêm có tiếng thở dài

Các nhà tâm lý học ở Sydney, Úc phát hiện ra một điều thú vị trong tiếng thở dài của phụ nữ và đàn ông và ý nghĩa của chúng hoàn toàn khác nhau. Trắc nghiệm tâm lý này được thực hiện trên 500 bao gồm người cả nam lẫn nữ ngoài 30 tuổi với cùng một câu hỏi:
“Bạn đã có gia đình chưa?” và kết quả là: Nếu người phụ nữ thở dài nghĩa là họ vẫn chưa có chồng, còn đàn ông, vị nào thở dài có nghĩa đã lấy vợ!



“Đêm có tiếng thở dài, đêm có tiếng ngậm ngùi,”
Khu phố yên nằm, Đôi bàn chân mỏi, Trên lối về mưa bay.”


(Tùng Giang – Tôi Với Trời Bơ Vơ)

Đã chắc gì, tiếng thở ấy là thứ âm thanh mà bạn nghe được về đêm! Tiếng ấy, có thể là tiếng phì phào thở hắt ra ngoài, nhưng chắc không là tiếng thở hắt, một lần rồi đi đứt! Thật ra thì, có thở hắt ra hay hít dưỡng khí vào đã không nhiều mà lại là thở hắt, thì thôi chắc bạn và tôi, ta sẽ hết cả chuyện để phiếm, và để bàn. Bàn chuyện phiếm, nay chỉ nên nói về ba tiếng thở ngắn thở dài mang dấu ấn đề tài “Tôi với trời bơ vơ”, mà thôi.
Kể cũng lạ, một đằng người nghệ sĩ vừa nghe có “tiếng thở dài”, lại thêm đôi câu hát:

“Đêm anh hát một mình,
Ru em giấc mộng lành.
Xin những yên bình,
cho loài chim nhỏ,
Cao vút trời thênh thang.”


(Tùng Giang – bđd)

Thôi thì, nay đêm nghe “tiếng thở dài” của ai đó cũng chỉ để “ru em giấc mộng lành” hay để có ước vọng lớn, cũng xin bạn và tôi, ta ngưng ngay những thở dài lai rai đến thở hắt hiu kẻo buồn chết đi được. Vâng. Nay, bần đạo chẳng muốn nghe tiếng thở nào dù dài hay ngắn, nhưng chỉ muốn nhắn bầu bạn qua câu hát:

“Anh ru em ngủ
không bằng những lời buồn anh đã viết
Anh ru em ngủ
Này lời ru tha thiết rộn ràng…”

(Tùng Giang – bđd)

Thật ra thì, chẳng biết: lời ru của bầu bạn có là “lời ru tha thiết” để bạn và tôi, ta “còn yêu thương loài người” nữa không thôi! Duy, có điều chắc là: giòng chảy chữ nghĩa mà bần viết ở đây chỉ là “lời ru em ngủ” để mình ngon giấc, thôi.
Hơn nữa, sở dĩ bần đạo thốt lên điều này, vì nhiều bạn và nhiều cái tôi, đôi lúc vẫn thương bần đạo nên mới có ý kiến phản hồi rằng: “Chuyện phiếm của bạn là thứ mà cả tôi lẫn bà xã vẫn để đầu giường để ru… cho dễ ngủ, đấy nhé!”. Ấy chết! Chuyện phiếm của bần đạo, lại chỉ để ru bầu bạn cho dễ ngủ thôi sao?
Vâng. Chính đó là “phát giác kinh khủng” mà bần đạo thỉnh thoảng vẫn nghe/biết. Thế nhưng, (lại chữ “nhưng” rất to đùng gì nữa đây!) giả như có phát giác nào khủng khiếp vốn lôi cuốn mọi người vào chốn ngủ vùi đầy chữ “nhưng” như truyện kể ở dưới để lấy hứng mà luận bàn về những dấu hiệu hoặc ám hiệu trong đời người để suy nghĩ cũng rất nên, như sau:

“2 giờ sáng, có tiếng chuông điện thoại reo trong phòng ngủ của cặp vợ chồng nọ.
Người chồng (C) nhấc điện thoại, người vợ (V) nằm im.
C: Hello… Hello?
Chồng cúp điện thoại, đinh ngủ tiếp nhưng chị vợ đằng hắng:
V: Ai thế?
C: Không biết. Chẳng thấy nói gì cả. Cúp máy.
V: Sao lại cúp máy?
C: Chắc gọi lộn số.
V: Tại sao lại có người gọi lộn số vào giờ này nhỉ?
C: Người ta gọi lộn số giờ nào mà chẳng được.
V: Thế sao lại chọn số của mình mà gọi lộn chứ?
C: Tôi không nghĩ là người ta chọn số của mình mà gọi lộn. Người ta chỉ gọi lộn...
V: Chắc đây là ám hiệu quá.
C: Ám hiệu gì? Ai đưa ám hiệu?
V: Thì "bạn" của ông chứ ai vào đây nữa.
C: Thằng cha đó đâu có phải là bạn tôi đâu mà bà nói vậy.
V: "Thằng cha" đó không phải là bạn ông?
C: Đúng thế.
V: Thế mà ông nói là không nói gì cả.
C: Đúng. Có nói gì đâu.
V: Thế tại sao ông lại biết là "thằng cha"?
C: Tôi có biết gì đâu.
V: Ông vừa mới nói, "Thằng cha đó đâu có phải là bạn tôi".
C: Thì… nói vậy cho nó tiện thôi chứ đâu có phải là… đáng lẽ tôi phải nói là…"người ta…" … "Người ta không nói gì hết".
V: Thế tại sao ông không nói như vậy?
C: Tôi đâu có biết… Nếu nói thế thì đã không có chuyện với bà.
V: Có phải đây nằm trong âm mưu của ông không?
C: Âm mưu gì?
V: Âm mưu làm cho tôi rối trí.
C: Làm sao tôi làm bà rối trí được chứ?
V: Dễ quá mà… Ông dùng chữ "thằng cha" trong khi thật ra đó là "con mẹ"… Rồi ông lại đổi sang dùng chữ "người ta" để làm cho tôi rối trí…
C: Tôi bây giờ mới là người bị rối trí. Bà nói "con mẹ" nào?
V: Làm sao tôi biết được. "Con mẹ" đó là bồ của ông mà.
C: Không có "con mẹ" nào hết. Chỉ có người ta gọi lộn số mà thôi.
V: Thế con mẹ đó có đẹp đẽ gì không?
C: Con mẹ nào?
V: Con mẹ bồ của ông chứ còn ai.
C: Bà ăn nói hàm hồ... làm gì có con mẹ nào... Người ta gọi điện thoại... lộn số... chỉ có thế thôi mà bà làm gì dữ vậy?
Chồng đứng lên ra đóng cửa sổ một cái rầm.
V: Lại ám hiệu gì nữa đó?
C: Bà nói gì? Ám hiệu gì?
V: Ám hiệu bằng cách đóng cửa sổ...
C: Tôi đóng cửa sổ lại vì thấy lạnh.
V: Thế tại sao ông không thấy lạnh và đóng cửa sổ lại trước khi ông nhận được ám hiệu bằng cú điện thoại?
C: Tôi không thấy lạnh trước khi nhận được ám hiệu.
V: Thấy chưa. Tôi nói có sai đâu!
C: Để tôi nói cho bà nghe: Không có ám hiệu... mà cũng chẳng có con mẹ nào hết... chỉ có người nào đó gọi lộn số... và tôi đóng của sổ lại vì tôi thấy lạnh... Chỉ có thế thôi. Bà làm ơn đi ngủ đi cho tôi nhờ.
Anh chồng với tay tắt đèn, miệng lẩm bẩm: "Trời đất quỷ thần!!!"
V: Ông có chắc là con mẹ ấy thấy cái ám hiệu của ông không?
C: Thấy cái gì?
V: Cái đèn, bật lên bật xuống đó.
C: Ai thấy?
V: Tại sao ông lại hỏi tôi? Con mẹ bồ của ông chứ ai.
C: (Thở dài) Thôi bà ơi, đi ngủ đi. Hai rưỡi sáng rồi.
V: Sao ông biết là hai rưỡi sáng rồi?
C: Coi đồng hồ thì biết chứ sao nữa?
V: Chứ không phải là con mẹ ấy nói trước với ông là nó sẽ gọi ông lúc hai rưỡi sáng hay sao?
C: Con mẹ nào?
V: Con mẹ đứng ngoài kia chờ ám hiệu đóng cửa sổ và tắt đèn, mở đèn của ông chứ còn ai vào đây.
C: Thôi bà ơi... không có con mẹ nào hết... không có ai chờ ai hết... chỉ có người nào đó gọi lộn số thôi... bà nghe rõ chưa? Mà tại sao bà lại có cái ý tưởng là tôi léng phéng với con nào cơ chứ? Bà biết là tôi yêu bà đến thế nào mà... Có ai hiểu cho tôi không, khổ quá... Thôi đi ngủ đi, bà ơi!
V: Thôi... tôi xin lỗi ông... có lẽ là tại tôi ghen quá...
C: Có chuyện gì đâu mà bà phải ghen với tuông! Thôi đi ngủ đi... mai tôi phải dậy sớm đi làm...
V: Tôi... tôi xin lỗi ông...
C: Thôi được rồi... đừng nghĩ đến những chuyện ấy nữa.
Chồng giả vờ ngủ. Vợ bắt đầu ngáy. Chồng nhẹ nhàng lật chăn sang một bên, đứng dậy, cởi bộ pijama trên người, để lộ bộ quần áo đã mặc sẵn, lấy mũ đội rồi rón rén ra cửa.
Có tiếng súng lên cò. Chồng hết hồn quay lại.
V: Ông mà mở cửa đi thì tôi bắn một phát nát thây ông cho mà coi!
(Truyện kể trích từ hộp thư trên mạng, mới vừa nhận!)

Kể truyện trên, người kể không có ý chứng minh rằng: sống đời người, vẫn luôn thấy “tiếng thở dài” không chỉ vào ban đêm mới thấy có, mà cả đến ban ngày cũng có luôn! Tuy nhiên, kể thế là để minh hoạ một cảnh tình hoặc tình thế trong đó người kể muốn nói rằng: sống đời thường ở huyện, người người vẫn muốn tìm ra ”ám hiệu” hay “dấu hiệu” nào đó nói lên căn tính của mình và của người, để vui thôi.


Trích: Chuyện Phiếm  Đêm có tiếng thở dài, đêm có tiếng ngậm ngùi
Tác giả: Trần Ngọc Mười Hai