1. Tuyệt đối không bỏ bữa sáng
Trong khi thế giới xem bữa sáng là bữa ăn chính thì Việt Nam lại coi bữa sáng là bữa phụ nên rất nhiều người nhịn ăn sáng. Theo khuyến cáo của các chuyên gia, bữa sáng vô cùng quan trọng đối với sức khỏe tim mạch.
Những người duy trì thói quen ăn sáng có mức cholesterol thấp hơn, kích thước vòng eo nhỏ hơn và mức insulin trong máu ổn định hơn. Ăn sáng cũng sẽ làm tăng hiệu suất của não bộ. Theo một số nghiên cứu, duy trì bữa ăn sáng đầy đủ cũng là một cách gián tiếp góp phần đáng kể kéo dài tuổi thọ.
Ngược lại, nếu thường xuyên nhịn ăn sáng, cơ thể chúng ta phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ như: hạ đường huyết, lão hóa sớm, dễ táo bón khi chất độc lâu ngày tích tụ trong ruột. Đặc biệt không ăn sáng còn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh mãn tính, các bệnh về tiêu hóa, sỏi mật, đột quỵ…
Vì vậy, ngay cả khi cơ thể không thấy đói vẫn cần ăn sáng đầy đủ. Bạn nên ăn một bữa sáng giàu protein để giúp các tế bào não hoạt động hiệu quả và chống lại cảm giác mệt mỏi của cơ thể.
2. Áp dụng nguyên tắc “3 không”: Không quá mặn, không quá ngọt, không nhiều dầu mỡ
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến nghị lượng natri hấp thu trung bình của mỗi người nên chỉ ở mức 2 gram/ngày, bao gồm lượng muối được sử dụng trong nấu ăn, tẩm ướp thực phẩm hay các sản phẩm chế biến… Tuy nhiên, lượng muối mà chúng ta nạp vào cơ thể lớn hơn rất nhiều và tác hại của nó không hề nhỏ. Ước tính có khoảng 1,65 triệu trường hợp tử vong mỗi năm do ăn mặn hơn ngưỡng khuyến cáo của WHO.
Tương tự, ăn quá nhiều đường cũng khiến bạn đối mặt với nhiều nguy cơ. Ăn nhiều hơn 24g (đối với phụ nữ), 36g (đối với nam giới) mỗi ngày sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh trầm cảm (tăng 58%), đột quỵ, nhồi máu cơ tim, viêm khớp và suy thận do tiểu đường… Với trẻ nhỏ, ngoài việc gây ra sâu răng, béo phì... ăn nhiều đồ ngọt còn gây ra tình trạng dị ứng, giảm sức đề kháng.
Ăn nhiều thực phẩm chiên rán làm gia tăng nguy cơ phát triển ung thư, đặc biệt là khi chúng chứa các loại dầu hydro hóa - chất béo transfat. Quá trình chiên kĩ hoặc chiên đi chiên lại nhiều lần sẽ tạo ra sản phẩm phụ gọi là acrylamide - gây hại cho não và khả năng sinh sản.
Do đó cần duy trì một chế độ ăn nhạt, không quá mặn, không quá nhạt và hạn chế các món ăn chiên rán, nướng để bảo vệ sức khỏe và sống lâu hơn.
3. Lựa chọn thực phẩm càng tự nhiên càng tốt
Thực phẩm ở trạng thái tự nhiên chứa nhiều dưỡng chất nhất. Vitamin và các dưỡng chất trong thực phẩm sẽ mất đi đáng kể qua quá trình chế biến, đặc biệt là đối với rau xanh. Chưa kể, trong quá trình chế biến thức ăn còn có thể sinh ra các chất rất nguy hiểm.
Các nhà nghiên cứu Tây Ban Nha đã thí nghiệm và rút ra kết luận, hấp và luộc chính là cách chế biến tốt nhất để thực phẩm vẫn giữ lại các dưỡng chất, vitamin... Đơn cử, bông cải xanh khi nấu trong lò vi sóng sẽ mất đến 97% chất dinh dưỡng so với hấp. Nhưng điều đáng tiếc nhất là có đến 87% các chất chống ôxy hóa trong loại rau này cũng bị mất đi khi làm chín trong lò vi sóng.
Ngoài ra, thực phẩm tươi sống mua về nên ăn càng sớm càng tốt bởi dù bảo quản cẩn thận đến đâu, lượng vitamin trong thực phẩm cũng sẽ bị rơi rụng đi đáng kể.
4. Ưu tiên thực phẩm có nguồn gốc thực vật
Chế độ ăn với nhiều thức ăn có nguồn gốc từ thực vật, ít dầu mỡ, chất béo, các chất gây lão hoá... sẽ giúp phòng ngừa các bệnh liên quan đến tim mạch như cao huyết áp, mạch vành…
Có khá nhiều nghiên cứu cho thấy những người ăn chay có chỉ số xơ vữa mạch máu thấp. Vì vậy, việc ăn chay được nhiều quốc gia khuyến khích để phòng chống các bệnh mạn tính, từ đó tăng tuổi thọ cho con người. Bạn có thể áp dụng chế độ ăn chay 1-2 bữa/tuần.
Nguồn: http://www.suckhoegiadinh.com.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét