Cái thấy đúng đắn, chân thật là cái thấy về sự hợp nhất không thể phân ly giữa tánh Không và Từ bi. Sự điên đảo khởi lên khi một điều gì đó có vẻ như vậy mà lại không như vậy, giống như việc nhận lầm sợi dây thừng là một con rắn. Đó là một sự lầm lẫn rõ ràng vì hiển nhiên sợi dây thừng không phải là con rắn.
Làm sao để có được cái thấy đúng đắn và chân thật đó? Chúng ta có vô số niệm tưởng, cái này tiếp nối cái kia, vận hành trong tính chất nhị nguyên của chủ thể và đối tượng. Khi chủ thể đeo đuổi hay nắm bắt đối tượng, thì điều đó là cái mà chúng ta gọi là tâm hay tâm thức. Khi có sự bám víu chủ-khách này nghiệp phát sinh. Khi nghiệp phát sinh thì liền có điên đảo.
Cái luôn luôn tìm bắt đối tượng đó là cái chúng ta cần khám phá. Thật sự nó là cái gì? Hãy nhận diện một cách rõ ràng và trực tiếp cái gì đang khởi lên. Điều đó cũng đơn giản và trực tiếp bật sáng một ngọn đèn. Thay vì chạy theo niệm tưởng cái này tiếp nối cái kia, hãy để một khoảnh khắc cho phép tâm nhận ra chính nó. Khi đó, không còn cái gì để nhìn thấy ngoài một sự mở toang. Bản chất của tâm là rỗng không, rộng mở và tự do.
Cái tâm bận rộn, chấp trước này,
Luôn luôn đeo bám sự việc bên ngoài,
Hãy cho nó một phút nghỉ ngơi để nhìn ra chính nó.
Trong phút giây nhận ra đó,
Tâm này sẽ trở nên rộng mở.
Tự do, và không giới hạn.
Cái đó được gọi là tánh Không.
Đồng thời, có một sự nhận biết chắc chắn rằng nó là rỗng không.
Cái đó được gọi là tánh biết.
Tánh Không và tánh biết của tâm vận hành cùng lúc.
Chúng không phải là hai thứ riêng rĩ.
Trong thực tế, chúng không thể phân ly.
Cái đó được gọi là vô ngại.
Biết ba thứ này cùng một lúc –
Tánh Không, tánh biết, và tánh vô ngại-
Đó được gọi là thấy.
Theo đó, có được cái thấy là biết rằng cùng một lúc, tâm rỗng không trong bản thể mà thức giác trong bản tánh.
Bản thể ví như mặt trời. Tánh của mặt trời là tỏa sáng, tạo sức ấm và chiếu ánh sáng. Cũng vậy, chúng ta cần phân biệt giữa tâm và bản thể của tâm. Bản thể của tâm có đủ ba tính chất. Thể của nó là rỗng không, tánh của nó là thức giác, và lượng của nó là vô biên hay vô ngại.
Phật tánh là tánh chất cơ bản của mọi sự vật. Đó là trạng thái tự nhiên, không do Đức Phật hay chúng sanh nào tạo ra. Đó là chân lý cứu cánh. Dù Đức Phật có xuất hiện hay không xuất hiện, bản tánh của sự vật vẫn là bản tánh của sự vật. Đức Phật là người nhận ra điều chân thật, điều thật sự hiện hữu. Nếu muốn giác ngộ, chúng ta cũng chỉ cần nhận ra điều chân thật đó.l
Nền tảng cơ bản đó có thể được nhận ra qua sự tu tập. Chúng ta tiếp xúc với cái đã sẵn có để khởi đầu. Khi còn bị đánh lừa và còn đang trên con đường tu tập, chúng ta không thấy cái đó như chính nó. Chúng ta lầm nó với một thứ gì khác, như dây thừng mà nhìn ra con rắn. Chúng ta cần vượt qua sự điên đảo tạm thời đó.
Để vượt qua những trạng thái điên đảo trên con đường tu tập, chúng ta cần có nhận thức, thiền quán và giới luật. Khi thấy được cái tâm tự nhiên, chúng ta bắt đầu thấy được một mảng nền. Càng làm quen với cái thấy đó, chúng ta càng thấy rõ hơn, cho đến khi chúng ta thấy được toàn thể cái nền.
Do đó, nội dung sự tu tập gồm có ba phương diện: thấy, hoàn thiện cái thấy, và ổn định trong cái thấy đó. Chúng ta cần làm cho sự điên đảo không còn nữa. Khi tiếp xúc bằng mắt, hãy làm cho sự điên đảo không còn. Khi thực hành giới luật, hãy làm cho sự điên đảo không còn. Khi mọi sự điên đảo hoàn toàn được dọn sách, chúng ta có thể gọi đó là kết quả.
Khi chưa biết hay chưa thể nghiệm được sự không phân ly giữa tánh Không và Từ bi, chúng ta khó đi hết cuộc đời một cách êm thắm.
Hình dung một cặp vợ chồng chung sống trong hạnh phúc và thương yêu. Rồi một ngày, người vợ nghe được giáo pháp, yêu mến giáo pháp và có một sự hiểu biết về tánh Không. Người vợ nhận ra rằng không có gì trên đời này có bản chất vững bền, mọi sự vật đều không có nền tảng chân thật, đều không có bản thể. Đối với cô, mọi sinh hoạt trước kia-những tiệc tùng, sắm sửa v.v..không cón ý nghĩa gì nữa. Và cô bắt đầu sống khép mình, ngưng mọi sinh hoạt đó.
Từ một điểm nhìn, điều mà người vợ suy nghĩ là sự thật. Mọi sự vật trong thực tế đều không có bản thể.
Trong khi đó, người chồng lại nghĩ: “Vợ mình đã thay đổi. Có thể mình làm điều gì sai chăng? Có thể nàng có một tình nhân mới chăng?”. Và khi người chồng đề nghị những cuộcđi chơi, người vợ đều từ chối…Người chồng bắt đầu cảm thấy không vui, hai người bắt đầu mâu thuẫn và rồi đưa đến đổ vỡ….
Vấn đề ở đây là tuy người vợ có một mức độ hiểu biết nào đó về tánh Không nhưng không có tâm Từ bi. Néu có tâm từ bi hơn, cô sẽ nhận ra rằng mặc dù có những sự việc có thể không có ý nghĩa, nhưng không cần thiết phải bị loại trừ. Chúng có thể không có ý nghĩa đối với mình, nhưng có thể quan trọng đối với người khác. Nếu biết mở lòng và có tâm từ bi, người vợ sẽ cảm thấy vui vẻ khi tạo niềm vui cho nguòi khác dù những việc đó đối với cô là không có ý nghĩa. Có thể cô sẽ còn tích cực hơn trước khi thực hiện những việc đó. Đó là phong cách của Đại thừa.
Sự không thể phân ly giữa tánh Không và Từ bi có nghĩa là hai cái đó chỉ là một. Chỉ hiểu về tánh Không và về sự không ý nghĩa của sự vật một cách tổng quát cũng chưa đủ. Điều đó có thể làm cho chúng ta trở nên ích kỷ và lãnh đạm. Nếu chỉ hiểu tánh Không một chiều, nghĩ rằng “Các sự vật đều không có ý nghĩa và không có gì liên quan đến mình”, chúng ta cũng sẽ bị dẫn đến thái độ không quan tâm đến những điều có liên quan đến người khác. Chúng ta có thể nói rằng “Tôi sẽ chỉ ngồi đây và tham thiền bởi vì như thế tôi sẽ có niềm vui. Tôi không quan tâm đến việc gì khác”.
Từ bi mà không có sự hiểu biết về tánh Không thì dễ trở thành chấp trước. Ngược lại, hiều về tánh Không mà không có từ bi thì trở nên ích kỷ, một chiều và hạn hẹp. Đế tránh những mối nguy đó, điều rất quan trọng là hiểu về sự duy nhất giữa tánh Không và Từ bi. Cái tâm trần trụi hiện diện trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta là cánh cửa cho sự hợp nhất của tánh Không và Từ bi.
Cánh cửa này bị khóa kín do sự chiếm ngự của dòng niệm tưởng chảy qua không ngừng. Nhưng nếu chúng ta bắt được chỉ một khoảng cách giữa một niệm với niệm kế tiếp, chúng ta liền có thể nhìn thấy cái tâm trần trụi hàng ngày, sự tỉnh thức tự tại. Bấy giờ cánh cửa mở ra ngay ở đó, để từ bi và tánh Không hiển lộ trong sự hợp nhất. Đó là khoảnh khắc vô tận.
Những tính chất trí tuệ của tâm giác ngộ – trí tuệ thấy được bản tánh bên trong một cách như thật và trí tuệ phân biện mọi sự vật – hầu như không ngớt bị ngăn chận do những niệm tưởng mà chúng ta tạo ra. Những niệm tưởng này trong thực tế chỉ có nền tảng tạm thời; trong bản chất chúng là thời gian. Khi chúng ta nhận ra được những khoảng cách trong dòng niệm tưởng này, những tính chất nội tại của trạng thái giác ngộ bắt đầu tỏa sáng.
Khi ngã không còn bám víu vào niệm tưởng, từ bi sẽ hiện ra trong sự thể nghiệm đó. Từ bi chân thật không bị hướng dẫn và không nương tựa trên ý niệm. Từ bi chân thật chỉ có được khi thể nghiệm tánh Không.
Dĩ nhiên, chúng ta cũng có thể cảm thấy từ bi ngay bây giờ. Tuy nhiên, từ bi đó không phải là từ bi chân thật, nó luôn luôn pha trộn với những khung niệm tưởng. Trong cái từ bi pha trộn đó, thường chúng ta cảm thấy một khoảng cách nào đó giữa chúng ta và người khác. “Tôi ở đây, và chúng sanh ở chỗ kia. Tôi cao cả hơn họ. Họ là những kẻ đáng thương. Họ cần sự giúp đỡ, vì vậy tôi phải giúp họ”. Đó không phải là từ bi chân thật.
Tánh chất của tâm là tỏ rõ, một tánh chất giác ngộ tự nhiên. Từ bi xuất hiện từ đó. Từ bi này không nhắm đến một người hay một số người đặc biệt nào. Trong từ bi đó không có ý niệm về “chúng sanh khác”, nhưng vẫn ân cần hướng đến những chúng sanh khác chưa nhận ra bản tánh của tâm. Từ bi ở đây là lòng thương xót những chúng sanh không nhận biết rằng bản tánh của mình vốn là hoàn toàn giác ngộ, và vì không nhận biết nên bị đánh lừa tự giam hãm trong luân hồi. Cách vươn ra bên ngoài này có thể được gọi là từ bi vô niệm, từ bi chân thật. Từ bi đó không nhất thiết phải giống như trạng thái giác ngộ hoàn toàn của Đức Phật. Nhưng nó là dấu hiệu của một hành giả đi trên con đường tu tập, một hành giả thực thụ.
Tuy nhiên, chưa nhận ra bản tánh của tâm, không có nghĩa là không thể có từ bi chân thật. Còn có một con đườngtừ bi hữu niệm. Đó là cái khung của tâm thức trong đó người Phật tử coi người khác quan trọng hơn mình. Thông thường chúng ta coi mình quan trọng hơn kẻ khác. Khi chúng ta bắt đầu có cái nhìn cho rằng người khác là quan trọng hơn mình, khi đó chúng ta có lòng từ bi chân thật mặc dù vẫn còn ý niệm.
Khi nhận ra bản thể của tâm, một cảm nhận về sự tỉnh thức và tự do lớn lao xuất hiện, khi đó chúng ta có kinh nghiệm về lòng từ bi chân thật. Có một sự nhạy cảm tự tại, không tùy thuộc vào điều kiện, một sự nhạy cảm sâu xa. Sự buồn phiền theo nghĩa bịđè nén không còn, nhưng có thể có một trạng thái buồn do nhạy cảm, đồng thời với chút niềm vui. Không phải buồn cho bản thân. Cũng không phải buồn cho một người đặc biệt nào đó. Cái đó giống như sự thấm đẫm của nước trái cây, như một trái táo thấm đẫm với nước tào.
Cũng vậy, sự mở ra của tánh Không không được thấm đẫm với nước ngọt Từ bi. Việc nhận biết bản tánh rỗng không này một cách rõ ràng liền mở ra niềm tin vững chắc. Niềm tin này có một mùi vị.
Khi mặt trời lặn ở phương Tây, nếu chúng ta bước ra bên ngoài và ngồi xuống, hướng về phía mặt trời đang lặn, một cảm giác từ bi sẽ khởi lên một cách dễ dàng, tự phát. Đó là thứ tự do với một chút vui, một chút nhạy cảm, một chút buồn. Tất cả đều tự đến. Nếu chúng ta không hoàn toàn mở rộng và tâm không được giải phóng khỏi những điên đảo, nỗi buồn nhẹ nhàng này sẽ không được cảm nhận một cách chân thật, ngay cả không được nhận biết.
Từ bi mà không ý thức được về tánh Không dễ trở thành bám víu chấp trước. Ngược lại, hiều về tánh Không mà không có Từ bi sẽ trở nên ích kỷ, một chiều,và hạn hẹp. Khi ngã không còn bám víu vào niệm tưởng, từ bi sẽ hiện ra trong sự thể nghiệm đó.
Tsoknyi Rinpoche
Thị Giới dịch( từ Tricycle)
Tạp Chí Văn Hoá Phật Giáo số 95
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét