Bí kíp ngủ ngon suốt đêm không đi tiểu

Chứng tiểu đêm rất khó chịu vì nhiều khi đi tiểu xong vào khó ngủ lại. Thực ra thì nếu nửa đêm dậy đi tiểu 1 lần cũng không có gì bất thường. Tuy nhiên nếu đi liên tục là cơ thể có vấn đề rồi đó. Chúng ta hãy tìm hiểu nguyên nhân gây tiểu đêm và cách khắc phục luôn nha.




Những người thường xuyên “ghé thăm” nhà vệ sinh vào ban đêm có thể ngạc nhiên khi biết rằng, đây là một dấu hiệu của bệnh tiểu đường hay có vấn đề về tuyến tiền liệt. Nhưng nếu sức khỏe của bạn không có gì nghiêm trọng, bạn vẫn có thể thay đổi đáng kể tình trạng này, giúp giấc ngủ được trọn vẹn hơn.

1. Nguyên nhân gây chứng tiểu đêm


Hầu như tất cả mọi người đều đã một vài lần thức dậy giữa đêm để đi tiểu. Nhưng với một số người, điều này có thể liên quan đến các vấn đề nghiêm trọng hơn về sức khỏe. Dưới đây là một số nguyên nhân dẫn tới chứng tiểu đêm:
- Uống quá nhiều nước:
Một trong những nguyên nhân chính và dễ nhận thấy nhất của chứng tiểu đêm là việc tiêu thụ quá nhiều chất lỏng trong ngày, đặc biệt là vào thời gian muộn trước khi đi ngủ.
- Bệnh tiểu đường:
Ngoài việc uống nước quá nhiều, thường xuyên thức dậy vào ban đêm để đi tiểu còn là dấu hiệu của bệnh tiểu đường. Lượng đường dư thừa không được thận hấp thụ hết, sẽ chuyển xuống nước tiểu của bạn và được bài tiết ra ngoài. Đó là lý do tại sao bạn thấy liên tục có nhu cầu đi tiểu tiện.
- Bệnh suy tim
Những người gặp các rắc rối về tim như suy tim sung huyết có thể có biểu hiện đi tiểu liên tục vào ban đêm thay vì ban ngày, chất lỏng tích tụ ở chân người bệnh do ảnh hưởng của trọng lực và tình trạng tim bơm không bình thường. Nhưng khi đêm xuống, lúc cơ thể nằm thẳng ra để nghỉ ngơi, chất lỏng này không chịu ảnh hưởng của trọng lực nữa, nó phân tán vào máu làm tăng lượng nước tiểu trong cơ thể.
- Bàng quang hoạt động quá mức
Mặc dù nghe qua có vẻ như hai việc này tương tự nhau, nhưng bàng quang hoạt động quá mức có thể ẩn chứa nhiều nguyên nhân nghiêm trọng dẫn tới chứng tiểu đêm, trong đó có tổn thương thần kinh, nhiễm trùng, thừa cân và cả thiếu hụt estrogen.
- Chứng ngưng thở lúc ngủ
Ngưng thở khi ngủ (OSA) có thể là nguyên nhân gây ra nhu cầu tiểu tiện quá nhiều vào buổi tối. Mặc dù ngáy cũng là một biểu hiện của người mắc chứng OSA, nhưng các chuyên gia cảnh báo rằng, nó không phải là dấu hiệu duy nhất. Kiểm soát được chứng bệnh này có thể giúp giảm số lượng các chuyến viếng thăm nhà vệ sinh vào ban đêm.
- Mang thai
Phụ nữ mang thai có xu hướng thức dậy vào ban đêm để đi vệ sinh. Lúc này, cơ thể có biểu hiện sa bàng quang và sa tạng vùng chậu, đặt thêm áp lực lên đường tiết niệu khiến bạn tăng nhu cầu cần phải đi tiểu hơn bình thường.
- Vấn đề tiền liệt tuyến
Trong khi có nhiều nguyên nhân vô hại dẫn tới chứng tiểu đêm thì rắc rối với tuyến tiền liệt có thể là nguyên nhân nghiêm trọng hơn cả vì theo các chuyên gia về y tế, nam giới bị ung thư tuyến tiền liệt hoặc có tuyến tiền liệt phình rộng có thể gặp khó khăn trong việc nhịn tiểu.

2. Làm gì để hạn chế chứng tiểu đêm?

- Tập bài tập Kegel
Một trong những cách đơn giản nhất để chữa trị chứng bệnh khó chịu này là bài tập Kegel. Bạn chỉ cần siết chặt các cơ sàn chậu giống như cách bạn làm khi muốn nhịn tiểu. Giữ tư thế này trong 10 giây, sau đó thả lỏng cơ trong 10 giây tiếp theo. Mỗi ngày tập 10 lần có thể giúp tăng cường nhóm cơ bắp chịu trách nhiệm trong việc tiểu tiện.
- Giảm cà phê và đồ uống có cồn
Chứng tiểu đêm không chỉ phụ thuộc vào số lượng chất lỏng bạn uống trước lúc ngủ mà còn phụ thuộc vào loại chất lỏng đó là gì. Trong rượu và cà phê có chứa chất lợi tiểu, chính vì vậy, việc tiêu thụ quá nhiều hai loại này sẽ khiến cơ thể sản xuất nước tiểu nhiều hơn.
- Ghi nhật ký đồ uống
Để tìm ra nguyên nhân khiến bạn đi tiểu nhiều cần chú ý tới những đồ uống mà bạn tiêu thụ với phản ứng của bàng quang. Do đó, hãy ghi chép những gì bạn uống trong một tuần để tìm ra loại nào có thể gây ra phản ứng tiểu đêm cho bạn.
- Không dùng khăn lau vùng kín có hương thơm
Đối với những phụ nữ sử dụng khăn ướt lau vùng kín thì bạn nên chuyển sang loại không có mùi thơm nếu bạn đang bị tiểu đêm, vì mùi thơm ở khăn có thể gây kích thích niệu đạo.
- Đi khám bác sĩ
Nếu như bạn đã áp dụng các biện pháp trên mà vẫn không kiểm soát được tần suất tiểu ban đêm thì đây là lúc bạn nên đến gặp bác sĩ để họ giúp phát hiện ra nguyên nhân thực sự của vấn đề và cách chữa nếu như có triệu chứng bệnh trong cơ thể.

Theo: Therealtz © VietBF

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét