Xuất gia báo hiếu là một nét đẹp truyền thống lâu đời của người Khmer Nam Bộ. Lễ nhập tu báo hiếu này thường được tổ chức vào khoảng thời gian trước hoặc sau Tết Chôl Chnăm Thmây.
Theo phong tục của người Khmer Nam Bộ, nam thanh niên 16 tuổi trở lên thường vào chùa xuất gia tu học từ một đến vài năm. Tuy nhiên, chuyện vào chùa tu là điều không bắt buộc, họ có thể tu vào lúc nào đó thích hợp và muốn tu một hay nhiều năm đều được.
Theo HT.Danh Lung, việc đi tu báo hiếu cho ông bà, cha mẹ là một nét đẹp trong cộng đồng Phật tử trẻ Khmer; bên cạnh đó, một điều không kém phần quan trọng, là chỉ những thanh niên từng tu tập ở chùa mới dễ có cơ hội… lấy vợ. Các cô gái và gia đình họ chỉ ưng những chàng trai đã từng trải nghiệm đời sống xuất gia.
Trong văn hóa của người Khmer Nam Bộ, xuất gia có nhiều hình thức, trong đó nếu vì đức tin và hoan hỷ đối với Tam bảo, Phật pháp thì người xuất gia sẽ phát nguyện thực hành đời sống phạm hạnh suốt đời. Bên cạnh đó, nhiều người xuất gia vì mục đích báo hiếu cha mẹ, thời gian tu tập lâu hay mau tùy vào sự phát tâm của mỗi người.
Cộng đồng người Khmer chịu ảnh hưởng mạnh về tín ngưỡng dân gian cùng với tín ngưỡng Bà-la-môn giáo và Phật giáo. Trong đó, đáng kể nhất là Phật giáo, văn hóa Phật giáo đã chi phối hầu hết hoạt động sống của người Khmer. Họ tin rằng, theo lời Phật dạy, không có việc báo hiếu nào bằng việc đi tu để đền đáp công ơn sanh thành dưỡng dục. Việc tu tập như thế sẽ có một năng lực không nhỏ tác động đến người tập tu, giúp họ giữ gìn giới luật một cách trang nghiêm thanh tịnh, chí ít là giữ được thập giới. Bên cạnh đó, nhờ các vị thầy tế độ hướng dẫn, họ được rèn luyện, trau dồi về đạo đức nên sẽ được chuyển hóa những tập khí từ dữ sang lành. Tất cả công đức của thiện nghiệp đó họ đều hồi hướng đến ông bà, cha mẹ.
Khi người con trai nào muốn vào chùa tập tu, vài tháng trước ngày lễ, họ đã phải xin phép cha mẹ đến chùa để học thuộc những bài kinh cơ bản. Trước lễ chính thức một ngày, họ được các sư làm lễ thế phát (cạo đầu), thay quần bằng chiếc xà-rông, thay áo bằng một tấm khăn vải trắng khoác lên vai từ trái sang phải. Tấm vải trắng mới này được gọi là Pênexo, một khi khoác tấm vải trắng này tức là anh ta đã từ bỏ thế tục. Trong thời gian này, gia đình người có con đi tu cũng mời chư Tăng về nhà họ để tụng kinh, cúng dường, làm lễ quy y. Bà con lối xóm của họ đều đến tham dự, họ gửi lời chúc tốt đẹp đến người con xuất gia, và người này cũng nói lời chia tay với bà con, bạn bè…
Việc đi tu báo hiếu sẽ tạo niềm vui cho các bậc cha mẹ, làm cho cha mẹ tự hào với hàng xóm của mình. Trong mắt xóm giềng, gia đình họ là gia đình có văn hóa, nề nếp, có thuần phong mỹ tục, biết rèn luyện giáo dục con cháu thành người tốt. Do đó, hầu hết các gia đình Khmer đều mong ước có một người con đi tu. Cộng đồng Khmer cũng tin rằng qua thời gian ở chùa, người con trai sẽ được rèn luyện về mặt đạo đức và trở thành người tốt trong xã hội.
Ngày nay, việc đi tu báo hiếu trong cộng đồng Khmer tuy có giảm sút, song việc tu gieo duyên một lần trong đời người con trai vẫn được xã hội coi trọng. Một người nam giới, cho dù có địa vị hay học thức cao, nhưng nếu chưa một lần vào chùa thì vẫn không thực sự được xem là người trưởng thành.
Chia sẻ sau lễ xuất gia báo hiếu tại chùa Candaransì (Q.3, TP.HCM), sư Thọ - sinh viên năm nhất của trường Đại học Công nghệ TP.HCM, cho biết: “Nhờ việc xuất gia báo hiếu, dù chỉ mới hơn một tháng, mà giờ đây tôi đã hiểu được khá rõ về Phật giáo, xen lẫn đó là những giáo lý của Đức Phật, làm cho thân tâm tôi trở nên thanh tịnh, vui vẻ hơn. Hiện tại, việc đi học của tôi cũng rất thuận lợi, được sự giúp đỡ của thầy cô, bạn bè trong trường nên tất cả đều rất tốt”.
Ý nghĩa đặc biệt của việc xuất gia báo hiếu là đi tu không phải để trở thành Phật mà để thành người. Theo quan niệm của người Khmer trước kia và bây giờ, việc tu là chuẩn bị cho người thanh niên có đủ đạo đức, kiến thức, lòng nhân ái để sau khi rời chùa sẽ biết cách xây dựng một cuộc sống tốt đẹp, ý nghĩa.
Bài: Vũ Giang - Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu
Nguồn: http://giacngo.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét