Ý nghĩa đích thực của Chú Đại Bi



Hỏi: Kính Thưa Thầy.

Bài Chú Đại Bi thực chất có ý nghĩa gì trong đời sống tu tập theo giáo lý của Đức Phật? Vì sao trong tất cả các Kinh Bắc Tông đều có bài Kinh này? Con xin cảm ơn Thầy.

Thiền Sư Viên Minh: Trong Tam Tạng Kinh Điển Nguyên Thủy không hề có câu chú nào cả. Tất cả chú thuật đều được một số Tông phái Phật giáo về sau đặt ra để đáp ứng nhu cầu của các tín đồ từ các tôn giáo thần bí mới quy y theo Phật giáo, như là phương tiện tạm thời mượn tha lực để trợ duyên cho những người tu còn sơ cơ chưa có đủ tự tin và niềm tin nơi Pháp nên chưa thấy được Chánh Pháp ( Thiền Tông gọi là Chánh Pháp Nhãn Tạng Bồ-đề Diệu Tâm).
Tất nhiên sử dụng các chú thuật nầy cũng có hiệu quả cho một số căn cơ ở một mức độ nhất định nào đó, chủ yếu là giúp họ vượt qua những sợ hãi bất an, mang tính trị liệu tâm lý. 
Đức Phật dạy Chánh Pháp chỉ có một hướng duy nhất là: "Xả ly --> ly tham --> đoạn diệt --> an tịnh --> chánh trí giác ngộ Niết-bàn". Cho nên Tâm Kinh Bát-nhã mới nói chú cao nhất không có chú nào sánh bằng đó là: "Gate --> gate --> paragate --> parasamgate --> Bodhi svaha", có nghĩa là: vượt qua, vượt qua, vượt qua bên kia, vượt qua hoàn toàn, đó chính là tuệ giác.
Vượt qua thứ nhất là xả ly tham ái, 
vượt qua thứ hai là xa lìa chấp thủ, 
vượt qua bên kia là đoạn diệt hữu vi tạo tác để đến bên kia vô vi vô tác, 
và vượt qua hoàn toàn là không còn vô minh ái dục nữa, 
đó chính là tuệ giác, là chánh trí giác ngộ Niết-bàn như đức Phật đã dạy. 
Vậy nếu cần phải tụng đi tụng lại một câu thần chú thì tốt nhát nên thường tự nhắc mình câu đại thần chú, đại minh chú, vô thượng chú, vô đẳng đẳng chú - cao tột vô song là "Xả ly --> ly tham --> đoạn diệt --> an tịnh --> chánh trí giác ngộ Niết-bàn" mới thật sự chân chính "năng trừ nhất thiết khổ ách" như Kinh Bát-nhã đã nói.

Hỏi: Thưa Thầy, con xin cảm ơn Thầy đã giảng nghĩa câu hỏi về Chú Đại Bi cho con. Từ nay con sẽ không đọc chú gì nữa mà chỉ thực hành đúng hướng "Xả ly - ly tham - đoạn diệt - an tịnh - chánh tri giác ngộ Niết-bàn" như đức Phật đã dạy.
Thiền Sư Viên Minh: Sādhu lành thay! Đó chính là "Y liễu nghĩa, bất y bất liễu nghĩa Kinh" (chỉ căn cứ trên Kinh liễu nghĩa, chứ không căn cứ trên Kinh không liễu nghĩa) nên trong bài kệ Pháp Cú số 100 đức Phật dạy:
Ngàn từ nhưng vô nghĩa
Không bằng chỉ một từ
Có ý nghĩa chân thực
Nghe xong được tịnh lạc.

Tất cả chân lý đều sẵn có nơi mỗi người, chỉ vì bị che lấp bởi vô minh ái dục của cái Ta ảo tưởng mà không thấy, nên mới hướng ngoại tìm cầu mà tạo thêm nghiệp buộc ràng và đau khổ. Vì vậy không cần cầu cạnh đến thần lực nào mà chỉ cần thấy ra những gì mình đã tự trói buộc mình để xả ly, ly tham, đoạn diệt những ảo tưởng ấy thì ngay đó chân lý vốn đã hoàn hảo.

Hỏi đáp: Trung Tâm Hộ Tông