Tấm gương sáng của những mảnh đời bất hạnh

1. Cỗ xe “tam khuyển” kỳ lạ và hoàn cảnh của một bà cụ

Ở Tây Ninh có một bà cụ 75 tuổi, vì nghèo nên dùng 3 con chó của mình làm “công cụ” kéo chiếc xe nhỏ để chở đồ thuê kiếm miếng ăn. Sáng kiến kỳ lạ của bà cụ, dân chúng trong vùng thường gọi đùa là chiếc xe “tam khuyển”.


Sáng kiến độc đáo
Ở bến Trung Dân đầu nguồn sông Vàm Cỏ Đông, thuộc xã Phước Vinh, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh, có một cảnh tượng hơi lạ: ba con chó kéo một chiếc xe nhỏ làm bằng loại ống nhựa Bình Minh (thứ ống nước dùng thay cho ống kẽm ngày trước, rẻ và xài rất tiện -ĐD). Hai bên là hai chiếc bánh xe đạp cũ, phía sau là một cây chống, khi ngừng thì nó tỳ xuống đất thay “bánh thứ ba” cho xe được vững. Trên xe chở hai bao lúa hoặc gạo, sức nặng nói chung khoảng 40-50 ký. Đặc biệt, “xe” được kéo bởi ba con chó theo kiểu chó kéo xe trượt tuyết của người Eskimo ở Bắc cực. Ba con chó này rất ngoan ngoãn, vì đã quen thấy người đi lại ngoài đường nên chúng rất hiền, chẳng cắn ai bao giờ cả.
Chiếc xe “chó kéo” đó do bà Cao Thị Mỹ – dân chúng thường gọi là dì Tư Mỹ – nghĩ ra để chở những bao lúa hoặc gạo mà bà đã 75 tuổi không thể khuân vác được.
Bà cho biết: “Sức tui yếu rồi, con cháu có công việc của chúng, không đỡ đần gì được nên tui phải tự lo cho mình vậy thôi. Nuôi mấy con chó làm bạn trong lúc tuổi già, tự nhiên tui nghĩ ra cách nhờ chúng đặng kiếm chút đỉnh tiền bạc mà cũng có cơm để nuôi chúng nữa…”.
Bà kể rằng trong một lần tình cờ coi ké ti-vi bên nhà hàng xóm, bà thấy có cảnh những con chó kéo xe trượt tuyết ở trên Bắc cực rất tiện lợi, nên chợt nghĩ ra việc dùng ba con chó của bà để “kéo xe”.
Bà đến cửa hàng bán đồ nhựa mua mấy ống nước rồi xin hai chiếc bánh xe đạp cũ đã bỏ đi của một tiệm sửa xe quen ở đầu đường, đem về chiếc chòi bên bờ sông – bà sống trong chiếc chòi và một chiếc thuyền – nghĩ cách ráp nối để “chế tạo” thành một chiếc xe. Ống nhựa Bình Minh có đặc tính là cưa rất dễ, lúc ráp khúc nọ với khúc kia thì dùng loại keo Bình Minh là được chứ không cần phải khoan hay bắt ốc vít gì cả.
Chừng mười ngày sau thì cỗ xe “tự chế” hoàn thành. Trong chòi bà nuôi một con chó lớn tên Vàng, hai con chó nhỏ tên Bông và Rô, nên bèn cột cả ba con vào xe, tập cho chúng kéo. Lúc đầu, chúng không chịu kéo vì chưa quen, nhưng rồi bà kiên nhẫn tập cho chúng gần một tháng chúng cũng quen dần. Nay, chúng rất thành thạo và dân chúng thường gọi đùa là chiếc xe… tam khuyển!
Sáng chế ra cỗ xe kéo lạ lùng, bà Tư ứng dụng vào cuộc sống. Những chú chó giúp bà kéo chiếc xe khi bà đi mót lúa. Lúc về, bà để lúa vô chiếc càng xé trên xe còn mình thì đi bộ.
Ông Hai Minh, một lão nông ở trong làng, nói: “Lần đầu tiên trông thấy bà Tư và chiếc xe trên đường, tui thấy lạ quá chừng. Ba con chó kéo chiếc xe chở đầy một càng xé lúa mà chúng chạy bon bon, còn bà Tư thì rảo bước bên cạnh. Kể ra mấy con chó cũng khỏe thiệt!”.
Bà Tư nói: “Chó của tui là giống chó ta, hằng ngày tui thường chăm cho chúng tắm dưới sông nên lông trông mướt vậy thôi chớ chúng ăn dễ lắm, cho cái gì ăn cái nấy. Con lớn lông màu vàng thì kêu con Vàng. Con nhỏ nhứt lông màu trắng thì kêu con Bông. Con lông màu nâu hồi nhỏ có lần bắt được con cá rô nên tui kêu con Rô. Tuy chúng nhỏ con hơn chó tây nhưng kéo khỏe lắm. Có lần, lúa, khoai lang, khoai mì, chất lên xe tới 70-80kg mà chúng vẫn chạy băng băng. Tui đạp xe đi theo mà không kịp”, bà Mỹ kể.
Thương lũ chó, bà ít khi chất nặng mà thường chỉ giới hạn cỡ 50kg trở xuống. Cũng nhờ cỗ xe chó kéo độc đáo mà các nông sản mót được của bà Mỹ, dù chẳng quý hóa gì nhưng luôn được người ta xúm lại mua hết. Không chỉ ở Phước Vinh, bà Tư còn đưa cỗ xe chó kéo cùng mình đi làm ăn xa trong cả huyện Châu Thành, rồi lên thị xã Tây Ninh, Tân Biên, tới tận cửa khẩu Xa Mát để chở hàng đem về bán cho dân chúng.
Cuộc đời buồn

Bà tên “Mỹ” nhưng cuộc đời bà không đẹp như tên gọi. Sinh ra trên mảnh đất Tây Ninh với cái nắng, cái nóng thiêu đốt nên làm ăn quanh năm mà đến cuối đời bà vẫn chẳng có gì đáng đồng tiền.
Bà có năm người con gái và một người con trai út, nhưng nhà nghèo nên cả năm cô con gái cũng không có gì là khá giả. Họ lấy chồng, sinh con rồi cặm cụi lo cho cuộc sống gia đình, nên cũng không giúp đỡ gì cho mẹ được ngoài việc chạy qua chạy lại thăm hỏi hoặc cột giùm mấy con chó vô chiếc xe. Không bao giờ bà trách các con vì bà hiểu họ cũng nghèo, lui tới thăm hỏi như vậy cũng là quý rồi.
Trước đây, bà sống với cậu con trai út trong căn nhà lá với khoảnh đất nhỏ, trồng trọt kiếm ăn. Tánh nết người con trai rất hiền, chưa có vợ con gì cả, chỉ lo cho mẹ. Sau, chẳng may cậu qua đời do tai nạn giao thông, nên bà phải bán căn nhà và miếng đất để lo việc ma chay cho con.
Giờ đây, không nhà không cửa, mà qua ở nhờ mấy cô con gái gần đó thì cũng không nên, bà Tư dựng một chiếc chòi trên bờ sông vừa làm chỗ trú mưa nắng vừa tiện trông coi chiếc thuyền nho nhỏ đậu sát căn chòi. Công việc của bà là chở những bao gạo, bao lúa và đồ đạc từ ngoài chợ đem xuống thuyền rồi đưa về các thôn xóm ở Phước Vinh và các vùng phụ cận để bán.
Chồng mất sớm, đứa con trai để bà nương nhờ lúc tuổi già cũng không còn nữa, nên tài sản lớn nhất của bà Tư Mỹ là mấy con chó, bà cưng chúng lắm nhưng hễ không trông coi là bọn dân nhậu lại bắt trộm để làm thịt, nhậu nhẹt với nhau. Hồi trước có lần bà nuôi sáu con, trong đó có con đầu đàn tên con Pháo rất khỏe và khôn. Nó có thể bơi qua sông, bắt được con cá lóc lớn đang ngáp ngáp sắp chết do người ta liệng trái nổ ở phía bên trên trôi xuống, cắn vô miệng rồi bơi về, đem lên chòi bỏ trước mặt bà để bà kho nấu. Ban đêm nó nằm ngay sau chiếc cánh cửa chòi làm bằng tre để canh trộm. Nhưng rồi một lần, nó “đi tơ” với con chó cái ở trong làng, bị bọn dân nhậu đánh rất nặng nhưng vẫn chạy về chòi được, một chân bị gãy, mình mẩy đầy máu. Nó bỏ ăn, ban đêm thì chết. Bà khóc hết nước mắt rồi đào lỗ chôn nó ngay bên bờ sông và thắp nhang cho nó.
Bây giờ bà Tư Mỹ cũng nuôi được sáu con chó nhưng ba con kia còn nhỏ và bà cũng tập cho chúng kéo xe. Bà phải đề phòng như thế kẻo lỡ dân nhậu bắt trộm mất con nào trong số ba con chó lớn thì đã có con thay thế. Mỗi lần dẫn xe đi, bà đem ba con chó nhỏ qua gởi ở nhà mấy cô con gái.
Cuộc đời còn lại của bà Tư Mỹ là cuộc đời buồn nhưng quả cảm.


2. Vợ đẹp như tiên…


Người dân Hà Nội thường gặp những chương trình biểu diễn ca nhạc nhân đạo được tổ chức với sân khấu ngoài trời, khi thì ở bờ hồ Ha-le (Halais, cùng tên với phố Nguyễn Du thời Pháp thuộc, nay gọi là hồ Thiền Quang), khi thì trên đường Kim Liên, khi thì trên sân chơi thiếu nhi ngay chỗ vườn hoa Đống Đa…
Các nghệ sĩ của những đêm biểu diễn ấy hầu hết là những người khuyết tật, trong số đó có chú lùn Nguyễn Văn Thu, nghệ danh Minh Thu.
Nguyễn Văn Thu, năm nay 28 tuổi (sinh năm 1985), ở xã Yên Thường, huyện Gia Lâm, Hà Nội, là con lớn nhất trong một gia đình nông dân nghèo có ba người con.
Từ lúc lọt lòng, Thu và đứa em kế thiếu may mắn chân tay còng queo, đầu to hơn mình. Bố mẹ Thu nuốt nước mắt, cố gắng nuôi con…
Hiện nay, đã 28 tuổi nhưng Thu chỉ cao có 70cm, nặng 25kg và là trụ cột của một gia đình với người vợ “chân dài”, đẹp như tiên, cao hơn Thu khoảng gần 1 thước.
Vợ Thu tên Nguyễn Thị Ngọc Mai, người xã An Hạ, huyện Hoài Đức, Hà Nội, cao 1m 65, chuyên viên phụ trách đàn Organ trong Đoàn nghệ thuật Xuân Mai. Lạ lùng là Ngọc Mai bị câm và điếc bẩm sinh nhưng lại là một nhạc công đàn Organ có tài.


Duyên phận của Thu với người vợ xinh đẹp nảy nở khi Thu xin vào đoàn tạp kỹ nhân đạo đa số là người khuyết tật này. Rong ruổi khắp nơi, những đêm biểu diễn, những ngày chia sẻ đói rét, cay đắng ngọt bùi, hai số phận thiếu lành lặn đã tìm thấy nhau. Gia đình cả hai bên đều không đồng ý vì đều cho rằng đã khuyết tật mà còn lấy nhau thì lấy gì mà sống. Nhưng rồi chuyện cũng thành và kết quả là cháu bé trai Nguyễn Minh Quân ra đời. Cháu lớn lên bình thường, không lùn như bố mà cũng không câm điếc như mẹ. Hai vợ chồng sống rất hạnh phúc mặc dầu rất nghèo trong kiếp nghệ sĩ lang thang…

3. Cám ơn tình yêu

Bên chồng và con, Trang chẳng còn gì mãn nguyện hơn ngoại trừ một mơ ước duy nhất là, giá như một ngày nào đó cô có thể thấy một chút ánh sáng, dù nhỏ nhoi thôi, để có thể lờ mờ biết được gương mặt của những người thân yêu nhất trong cuộc đời mình. Nhưng hiểu điều đó là không thể, Trang viết với dòng chữ Braille: “Không sao, bây giờ có tình yêu là ánh sáng của cuộc đời mình rồi…”.
Anh đem đến cho em tình yêu
Trần Thị Thu Trang sinh năm 1979 ở Hà Nội. Mới được vài tháng tuổi, cô bé bị “sởi chạy hậu” làm mù hai mắt. Từ đó, thế giới đối với Trang chỉ là chiếc giường nhỏ, mọi sinh hoạt cá nhân đều nhờ vào bố mẹ…
Ở một nơi rất xa tận tỉnh Cao Bằng, chàng trai Long Văn Vũ không may cũng bị khiếm thị từ năm 3 tuổi. Lớn lên, chàng lặn lội xuống Hà Nội học nghề tẩm quất và làm việc cho một cơ sở massage ở quận Cầu Giấy.
Năm 2008, qua lời giới thiệu của một người bạn, Trang lần đầu tiên gặp mặt Vũ mà… chẳng ai thấy ai. Nhưng qua cách Vũ trò chuyện, Trang “chấm cho chàng điểm 10/10”.
Sau cái lần đầu tiên gặp gỡ đó, hai người tiếp tục gặp nhau. Đúng như Trang nghĩ, Vũ luôn tỏ ra quý trọng Trang. Ngay cả những lúc chỉ có hai người với nhau Vũ cũng đối xử với Trang rất chừng mực. Thương “chàng” từ Cao Bằng xuống Hà Nội chưa thông thạo đường phố, Trang quyết định thỉnh thoảng tự mình đi xe buýt tới nơi làm việc của Vũ để thăm “chàng”. Có lần, mệt quá, Trang ngủ thiếp trên xe, khi tỉnh dậy thì chiếc buýt đã đi quá vài trạm, Trang lại phải nhờ người dẫn qua bên kia đường để đón chiếc xe khác quay trở lại. “Con đường tình yêu” từ nhà Trang đến chỗ làm của Vũ chỉ khoảng 2km, người thường thì chỉ mất dăm phút phóng xe Honda, nhưng đối với Trang, phải mất hơn 1 tiếng đồng hồ vừa đi bộ vừa đi xe buýt.
Ta cho nhau một gia đình
Một hôm, Vũ ngỏ lời yêu Trang. Hồi đó Trang đang là sinh viên Khoa Tâm lý của Đại học Khoa Học-Xã Hội-Nhân Văn. Trang đồng ý, nhưng không như những cô gái đang yêu khác, thường được người yêu đưa đón, Trang thì chưa một lần được Vũ chờ đợi trước cổng trường.
Đám cưới của họ diễn ra cách đây 2 năm. Từ một cô gái sống khép kín, Trang học cách thích nghi để trở thành một người vợ đảm đang. Trang có thể nấu ăn rất ngon cho Vũ. Thậm chí, nhiều người sáng mắt nhưng nếu không quen làm bếp thì có thể thua Trang về tài nội trợ.
Trong căn nhà nhỏ ở quận Cầu Giấy, hai vợ chồng Trang-Vũ “điều khiển” cuộc sống gia đình một cách đáng ngạc nhiên. Đồ đạc đơn sơ, chiếc ti vi mua lại của ngưới ta đã cũ, chiếc giường, chiếc tủ lỗi thời nhưng được xếp đặt hết sức ngăn nắp. Đối với người khiếm thị, một nguyên tắc quan trọng là đồ đạc để đâu, dùng xong phải để lại đúng chỗ đó. Cả hai vợ chồng Trang đều rất cẩn thận nên chẳng cần nhắc nhau họ cũng làm đúng như vậy.
Công việc tẩm quất khiến Vũ thường vắng nhà vào buổi chiều và buổi tối. Khi Vũ về thì Trang lại đến giờ đi làm (Trang đi hát tại các Câu lạc bộ và các tụ điểm ca nhạc). Vì vậy, hai vợ chồng rất quý những giờ phút hiếm hoi được ở bên nhau. Không thể đỡ đần nhiều cho vợ như những người chồng bình thường khác, Vũ chỉ biết tranh thủ làm các công việc nho nhỏ trong nhà đồng thời rất mực chiều vợ.
Sinh nhật, lễ, tết, v.v… Vũ tự lần mò đi mua quà cho Trang, thường là những chiếc áo hoặc đôi giày để Trang diện lúc đi hát. Chẳng hiểu Trang có cảm nhận được hay không nhưng bao giờ cô cũng khen những món đồ Vũ tặng là đẹp và “hợp gu” cô nhất.

Con đường hạnh phúc
Tổ ấm của Trang và Vũ giờ đây càng thêm hạnh phúc với sự ra đời của bé Bảo Ngọc. Hồi Trang mang bầu chín tháng 10 ngày, cả hai vợ chồng hết sức lo lắng, vì chỉ sợ đứa con sinh ra… giống với bố mẹ!
Ngày bé chào đời, bà ngoại là người đầu tiên đón nhận. Nghe mẹ thông báo bé lành lặn, đôi mắt bình thường, Trang mừng đến chảy nước mắt. Không muốn nương tựa bố mẹ quá nhiều, Trang và Vũ tự nuôi lấy con. Hai vợ chồng thích cái cảm giác được áp mặt mình vào má con để cảm thấy gương mặt con như thế nào.
Bạn bè của Trang “mô tả” cho Trang nghe trông Vũ cũng thường thường thôi, “dáng gầy gầy, nét mặt xương xương”, còn Vũ thì nghe bạn kể về Trang “thân hơi beo béo, người hơi lùn lùn giống như cây nấm”, nhưng đối với Trang và Vũ, người yêu nay đã là chồng và vợ của họ luôn luôn là người đẹp nhất trên đời!
Khiếm thị, hai vợ chồng cảm nhận tình yêu bằng âm thanh. Họ luôn luôn nói với nhau những lời âu yếm. Khi Vũ chỉ mới về tới đầu ngõ, nghe tiếng chân bước của anh là Trang đã nhận ra đó là tiếng chân của chồng. Còn khi bé Bảo Ngọc biết bò, nhiều lúc hai vợ chồng quýnh quáng quờ quạng trên giường tìm con không thấy, hoảng hồn gọi con: “Bé ơi, bé ơi, bé đâu rồi bé ơi!…”, nghe tiếng con ư ư bấy giờ họ mới biết là con đang “chu du” ở góc bên kia…
Trước khi có Vũ, Trang tưởng cuộc đời mình sẽ vĩnh viễn chìm trong bóng tối. Nay thì Trang sống hết sức nhiệt tình, và điều quan trọng nhất là cả Trang lẫn Vũ đều nghĩ rằng người khiếm thị vẫn có thể sống hạnh phúc như mọi người khác.

Đoàn Dự ghi chép