Giòng họ nhà bà Phú cũng như nhà chồng đều là danh gia vọng tộc. Ông Phú là giáo sư dạy trường y khoa Huế, còn bà Phú là giáo sư dạy môn Toán ở trường đại học Huế. Hai ông bà là sự kết hợp hài hòa, xứng đôi vừa lứa của xứ sở thần kinh.
Kim Châu bưng dĩa thịt heo luộc và rau sống ra bàn, nói với mẹ:
- Món tôm chua mẹ làm ngon quá, bánh tráng cuốn tôm chua, thịt ba rọi luộc và rau thơm con chắc là mẹ anh Thái sẽ ngạc nhiên và vừa lòng.
Bà Phú khiêm nhường:
- Mẹ hy vọng thế, để làm vừa lòng người khác khó đã đành mà làm vừa miệng cũng khó khăn không kém. Nhất là mẹ nghe con kể mẹ anh Thái là một người mẹ thật đặc biệt.
Kim Châu hào hứng:
- Vâng, anh Thái đã vài lần tự hào nói với con như thế với tất cả lòng yêu quý mẹ. Con hình dung ra mẹ anh là người phụ nữ thế nào rồi...
Kim Châu giấu mẹ nụ cười hạnh phúc vừa thoáng qua trên môi và tiếp:
- Anh Thái cao ráo đẹp trai thì mẹ anh chắc đẹp người lắm và tài ba lắm nên anh mới khen mẹ anh là người mẹ đặc biệt chứ. Cũng như con đã không tiếc lời khen mẹ khi nói chuyện với anh ấy. Nghĩa là mẹ anh, mẹ em đều trình độ và đẹp đẽ như nhau, chẳng ai kém ai cả.
Bà Phú hãnh diện mắng yêu con gái:
- Con gái khen mẹ chẳng khác nào mèo khen mèo dài đuôi. Mẹ cũng đang chờ mong được diện kiến người phụ nữ ấy đây, còn hơn là chờ mong gặp anh Thái người yêu của con để xem xét anh ta là người thế nào nữa, vì mẹ tin con đã chọn đúng người. Thôi nào, con sắp xếp xong thức ăn thì mẹ con mình đi tắm rửa thay quần áo sắp tới giờ khách đến rồi.
Lúc này ông Phú từ phòng khách vọng ra:
- Hai mẹ con bà ríu rít cũng làm tôi sốt cả ruột...hôm nay nhà ta vui quá.
Bà Phú giục giã chồng:
- Ông cũng thay quần áo đi là vừa...lịch lãm ra sao thì ông biết rồi đấy, đừng để bà khách quý thất vọng về gia đình mình.
Ông Phú hóm hỉnh nói đùa với vợ:
- Vâng, tôi biết cốt cách của tôi rồi ạ. Cám ơn đã nhắc nhở.
Vợ chồng bà Phú tuy sang Mỹ sống từ 1975 đến giờ nhưng họ vẫn giữ phong cách gia đình trung lưu lịch sự của xứ Huế, bước ra khỏi nhà dù chỉ đi chợ cách nhà 10 phút lái xe ông bà vẫn thay quần áo, đi giày vớ, khăn, mũ chỉnh chu. Nề nếp Huế, nề nếp gia tộc đã ăn sâu vào xương máu của họ.
Hôm nay là ngày đầu tiên nàng được gặp mặt mẹ Thái nên cũng muốn ăn diện thật đặc biệt cho xứng với người khách mà cả nhà nàng đang mong đợi.
Kim Châu và Thái đều là bác sĩ đã ra trường vài năm và đang hành nghề, họ quen nhau trong dịp gặp gỡ của các bạn y khoa khác. Cả hai đã quý mến, quyến luyến và đang yêu nhau.
Khi nói về những người thân yêu của mình thì Thái kể cha anh qua đời từ lâu, anh chỉ còn mẹ và mẹ anh là tất cả niềm yêu mến của cuộc đời anh.
Kim Châu cũng nói về mẹ nàng với lòng kiêu hãnh như thế, nàng khoe mẹ nàng là con nhà giàu, mẹ đẹp, mẹ giỏi và nấu ăn rất khéo. Cuối cùng nàng đã thông minh và khéo léo kết hợp cả hai bà mẹ khi nói với Thái:
- Mẹ anh, mẹ em, cả hai mẹ đều tuyệt vời anh nhé.
Với nàng hai bà mẹ đều trí thức, đẹp, thành công trên đường đời và khéo léo với chồng con, với bếp núc.
Kim Châu kể cho mẹ nàng nghe về tình cảm giữa nàng và Thái. Bà Phú đã đề nghị:
- Con chuyển đến anh Thái lời cha mẹ mời họ đến nhà mình, trước là dùng một bữa cơm gia đình thân mật, sau là để hai bên gia đình biết nhau. Và để con và anh Thái có sự cho phép của hai bên cha mẹ đi lại tìm hiểu nhau thêm. Tuy các con ở xứ Mỹ chứ không phải Huế ngày xưa nhưng phép tắc gia phong nếu giữ được thì càng tốt.
Ông Phú thì cởi mở hơn:
- Chỉ nghe con kể về mẹ con anh Thái là bố cũng cảm tình với họ rồi. Bố rất hân hạnh được gặp mẹ con họ
Thế nên mới có buổi gặp gỡ ngày hôm nay.
Bà Phú diện áo dài màu tím Huế, cổ quàng khăn cũng màu tím trông thật nền nã quý phái, dù đôi mắt kính cận trông bà có nét nghiêm khắc của một bà giáo. Ông Phú diện bộ vest màu xám tro bằng hàng Ý sang trọng mà chính tay bà Phú đã chọn mua cho ông.
Kim Châu thì mặc chiếc váy màu hoa đỏ nhỏ li ti và quàng quanh cổ chiếc khăn mỏng màu mật ong mà Thái đã mua tặng nàng, màu khăn và màu áo tiệp nhau thật hài hòa. Nàng trẻ trung xinh đẹp vì áo quần và vì niềm vui tràn ngập trong lòng.
Bàn ăn đã bày ra với những món cơm cua lá sen, nem lụi, miến xào hến, bánh tráng cuốn tôm chua, bánh bột lọc. Món nào cũng được trình bày vừa đẹp mắt vừa ngon lành.
Bà Phú ngắm nhìn bàn ăn một lần nữa và mỉm cười hài lòng. Ông Phú đọc thấy tâm trạng của vợ:
- Bà thật sốt sắng với khách, chỉ một bữa ăn mà bà như muốn khoe ẩm thực của xứ Huế.
- Không sốt sắng sao được ông? người ta cũng là mẹ một bác sĩ như nhà mình, lại được chính người con ca ngợi là một bà mẹ đặc biệt mới làm tôi tò mò và nể phục, chỉ sợ mình sơ xuất mà thất lễ với khách thôi.
Bà Phú dặn dò chồng:
- Này ông, để ý lúc tôi chuyện trò với bà khách quý có vấp váp gì thì ông đỡ lời giùm nhé...
- Bà một tay ăn nói lưu loát, từng đứng trên bục giảng đại học mà còn ngại ngùng gì...
- Thì tôi cứ dặn phòng xa thế, biết đâu gặp bà khách tài ba hơn tôi thì sao !
Bà Phú lại ra soi gương ngắm nghía từng nếp khăn nếp áo, vừa hào hứng vừa nóng lòng, thì cũng là lúc tiếng chuông cửa reo lên. Bà Phú mừng vui bảo chồng:
- Khách đến đấy, tôi và ông cùng ra cửa đón khách.
Ông Phú cũng sửa lại cổ áo và bước theo vợ. Cánh cửa mở ra....
Thái quả đúng là một chàng cao ráo đẹp trai, vóc dáng thanh nhã phong lưu. Còn người mẹ đặc biệt của anh lại là một phụ nữ thấp người, gầy gò bé nhỏ, bà mặc bộ áo dài màu cánh gián rộng thùng thình; trông bà kham khổ và không thoải mái chút nào, y như là cả năm bà mới bất đắc dĩ mặc một lần. Đôi bàn tay bà vừa gầy vừa thô.
Bà Phú kín đáo liếc xuống chân bà khách, là hai bàn chân thô lỗ thò ra ngoài quai giày, đôi giày thì mới nhưng hai bàn chân kia phản lại với vẻ mới mẻ của đôi giày đến sượng sùng tội nghiệp..
Bà Phú thất vọng não nề, nhưng cố tìm lý do để bám víu, để hy vọng biết đâu bề ngoài sơ sài thế mà ngược lại bên trong là một tâm hồn trí thức sâu xa như cái giếng sâu chẳng sợi dây nào chạm tới đáy; như quả mít sù sì mà múi mít ngọt thơm.
Thái giới thiệu ngay:
- Kính chào hai bác đây là mẹ cháu, người ta vẫn gọi theo tên của chồng là bà Công...
Kim Châu thất vọng không kém gì mẹ nàng, nhưng nàng cũng lịch sự đáp lễ:
- Cháu xin kính chào bác, giới thiệu với bác đây là mẹ cháu.
Bà Phú chưa kịp phản ứng vì vẫn còn sững sờ, thì ông Phú vội đưa tay mời và rất nhã nhặn lên tiếng:
- Gia đình chúng tôi chào chị Công và cháu Thái. Hân hạnh mời chị và cháu vào nhà.
Bà Công rổn rảng đáp:
- Vâng, tôi được gặp gỡ anh chị thật quý hóa quá...
Mọi người ngồi vào bàn ăn thì bà Phú mới lấy lại tinh thần và bình tĩnh cố tạo ra một nụ cười với bà khách:
- Thưa chị, bữa cơm này do chính tay tôi và con gái Kim Châu làm. Mời chị dùng thử với chúng tôi. Đây là món nem lụi..
Kim Châu cũng nói với Thái:
- Em mời anh....
Bà Phú vừa nhẹ nhàng đặt một cây nem lụi vào đĩa cho bà Công và vào đĩa cho chồng, thì bà Công nói ngay:
- Là món thịt băm nướng của người miền Bắc chúng tôi đây mà.
Bà Phú được dịp khoe:
- Có khác chứ chị, thịt heo quết nhuyễn trộn với mỡ thái hột lựu, với bì heo và thính cùng với các gia vị và xiên khúc mía hay cọng sả đem nướng nên có mùi thơm đặc biệt. Ăn món này với bánh tráng rau sống, khế chua chuối chát, nước chấm làm từ đậu phộng trộn với gan heo băm nhuyễn vừa bùi vừa ngon...
Bà Công oang oang:
- Món này cầu kỳ quá, vừa tốn tiền lại tốn công. Nhà tôi thì món gì cũng chém to kho mặn cho nhanh và ăn lâu hết.
Bà Phú ngồi lặng người, bà bỗng cảm thấy như mình bị xúc phạm khi bà đã bỏ bao công sức và tâm hồn làm món nem lụi để bây giờ bị trả lời vô tư như thế.
Thái đỡ lời cho mẹ và làm cho không khí nhẹ nhàng đi:
- Thưa bác, mẹ cháu hơi bị nghễnh ngãng, lúc nghe được lúc không nên cứ nói to giọng vì tưởng ai cũng điếc như mình.
Bà Phú gượng cười:
- Không sao...
Bà Phú nhìn những món ngon khác la liệt trên bàn mà chán nản, công bà toi. Vậy mà món tráng miệng còn để trong tủ lạnh là chè nhãn bọc hột sen kia, hai mẹ con bà đã kỳ công bọc từng quả nhãn tươi vào từng hột sen. Mùa này chợ Việt Nam có bán nhãn tươi từ Florida ngon ngọt, mà bà Phú vẫn tiếc là không có hột sen của hồ Tịnh Tâm, không có nhãn của Đại Nội xưa để nấu chè đãi khách.
Bà Phú tiếc công mình, tiếc cả tâm tình mình.
Bà Công vừa ăn vừa thân mật tự nhiên hỏi thăm:
- Thế ngày xưa Việt Nam anh chị ở đâu?
- Trước chúng tôi ở Huế, sau vì lý do riêng chúng tôi không dạy học nữa và di chuyển vào Sài Gòn làm thương mại, mở gian hàng bán quần áo, hàng len, hàng thêu ở đường Lê Thánh Tôn.
Bà Công ngơ ngác và lại to giọng:
- Chị nói đường gì? Mà tôi chưa nghe ra...
Bà Phú vốn ăn nói nhẹ nhàng từ tốn cũng phải to giọng theo:
- Đường Lê Thánh Tôn, đường Lê Thánh Tôn...chị nghe rõ chưa ạ?
- Tôi nghe rồi, mà đường Lê Thánh Tôn ở mãi đâu nhỉ, tôi đi khắp nơi mà chưa đến con đường này? Bà Công lẩm bẩm thì Thái giải thích:
- Đường Lê Thánh Tôn ngay trung tâm Sài Gòn mẹ ạ, khu này có những con đường với những gian hàng sang trọng.
Bà Công cười xòa vì đã hiểu ra:
- Thì ra thế, chị ạ, chả là ngày xưa tôi chuyên gánh hàng rong bán món tương Bắc trong khu lao động đông đúc dân cư vùng Khánh Hội thì có bao giờ bén mảng đến Sài Gòn, mà các nhà sang cả ngay mặt tiền đường phố ấy thì chả ai thèm mua nước tương gánh rong bao giờ.
Bà Phú vẫn xã giao:
- Chúng tôi cũng thích món tương Bắc lắm, chấm với rau muống luộc rất ngon...
Bà Công reo lên và được dịp kể lê thê về món nghề gia truyền nhà bà:
- Ối giời ôi, thế thì chị đúng ý tôi quá, nhà tôi quanh năm ăn rau muống luộc, nước rau giằm quả cà chua với vài tép tỏi, rau muống thì chấm tương Bắc. Thoạt đầu tôi gánh hàng rong bán cá khô, tôm khô cơ, nhưng không được đắt hàng và ít lời. Tôi biết làm tương Bắc do học nghề của cha mẹ, thế là tôi liền quay ra làm tương Bắc và gánh đi bán, chẳng ngờ gánh tương Bắc lại nuôi được cả nhà suốt bao nhiêu năm. Tôi đi mòn chân cả mấy khu lao động vùng Khánh Hội nên không ai là không biết món tương Bắc của bà Công.
Bà Phú giấu tiếng thở dài, và chia sẻ với chồng ánh mắt thất vọng của bà. Đôi bàn chân thô kệch xấu xí kia không còn làm bà Phú ngạc nhiên nữa, đôi bàn chân đã đi bộ biết bao nhiêu cây số trong suốt cuộc đời bà ta rồi...
Bà Phú khen lấy lệ:
- Chị thật là tháo vát...
Bà Công than thở:
- Bao năm qua tôi gánh hàng rong quen rồi, sang Mỹ phải ngồi cả ngày trong nhà thấy cuồng cả chân và mụ cả người, giá mà không vì con thì tôi chẳng ở đây, thà cứ đi gánh hàng rong thế mà khỏe hơn.
Dù sao bữa cơm cũng trôi qua trong xã giao dù bà Phú vui là vui gượng, nhưng có thêm câu chuyện giữa ông Phú với Thái và Kim Châu nên có lúc cũng là niềm vui có thật....
Khách ra về khỏi nhà là gia đình bà Phú đã có ngay sự bàn luận. Bà Phú được thoải mái nói lên sự thất vọng của mình:
- Tôi thật không thể ngờ mẹ anh Thái lại bình dân đến thế. Này ông Phú, ông chào đón khách bằng từ “hân hạnh” cũng hơi...phí đấy.
Ông Phú chép miệng:
- Thì tôi cũng không ngờ, nhưng dù bà ấy quý tộc hay bình dân cũng là khách nhà mình thì chúng ta hân hạnh đón tiếp theo phép lịch sự mà.
Bà Phú quay qua con gái:
- Con nghĩ thế nào?
Kim Châu hơi lúng túng:
- Nhưng...nhưng...
Bà Phú ngắt lời con:
- Chẳng “nhưng” gì cả, mẹ không muốn làm sui gia với bà này chút nào...
- Nhưng con và anh Thái yêu nhau...
- Khổ quá, bà mẹ anh ta không ngang vai phải lứa với nhà mình, đi tới đâu bà ấy cũng kể gánh hàng rong món tương Bắc ra thì còn thể thống gì?
Ông Phú xoa dịu vợ và làm vừa lòng con:
- Chuyện ấy không ảnh hưởng gì đến nhà mình và ngay cả tình yêu của con Kim Châu và anh Thái. Bà ơi, chúng ta đang sống ở Mỹ, không phải xứ Huế quanh quẩn chỉ có cầu Tràng Tiền và Sông Hương núi Ngự.
Bà Phú vẫn cay như gừng già:
- Sao lại không? Theo tôi con Kim Châu nên dãn anh Thái ra, thiếu gì nơi, thiếu gì người tương xứng cho nó lựa chọn làm cha mẹ hãnh diện chứ.
- Anh Thái là người ăn học, tôi thấy Thái có tư cách đàng hoàng lắm, chẳng lẽ vì bà không hợp với mẹ anh Thái mà con Kim Châu phải tìm tình yêu khác à?.
- Thì con gái mình cũng đẹp, cũng là bác sĩ thua kém gì Thái. Ừ thì hai đứa nó ngang cân ngang tài nhau rồi, nhưng hai bên gia đình cha mẹ thì chênh lệch quá, bà ta không xứng với tôi và ông. Con Kim Châu không có bác sĩ Thái thì cũng có bác sĩ khác.
Kim Châu giãi bày :
- Không phải con cần chọn người yêu qua mảnh bằng cao thấp với mình, vấn đề là con đã yêu anh Thái. Cho dù hôm nay con mới biết rõ về mẹ anh ấy, một phụ nữ bình dân lao động làm con đôi chút thất vọng, nhưng không vì thế mà con bớt yêu anh ấy.
- Con Kim Châu nếu lấy chồng là lấy anh Thái, bà mẹ chồng chỉ là nhân vật phụ thôi, bà không nên quan trọng hóa vấn đề....
Ông Phú nói thêm như phán quyết:
- Chuyện sui gia giàu nghèo, quý phái hay bình dân không ảnh hưởng gì đến nhau cả. Bố ủng hộ con, con và Thái yêu nhau thì cứ tìm hiểu để đi đến hôn nhân.
Thái và Kim Châu hẹn gặp nhau như họ thỉnh thoảng vẫn hẹn nhau ra đây sau một ngày làm việc. Lần này họ có nhiều điều tâm sự với nhau hơn.
Thái đưa nàng đến khu hồ trong thành phố, cách nơi làm việc của họ không xa.
Như thói quen Kim Châu thích ra đứng chỗ lan can hồ để vừa nhìn xuống dòng nước đang xuôi chảy vừa đón gió từ hồ nước thổi lồng lộng về cho tâm hồn thoải mái.
Thái đứng bên cạnh nàng, anh cũng thích tìm sự thong dong thoải mái như nàng :
- Lần đầu gặp em, mẹ anh rất hài lòng khen em xinh đẹp và ăn nói duyên dáng..
- Mẹ em cũng khen anh vậy đó. Không hẹn mà hai bà mẹ của chúng ta cùng khen chúng ta anh nhỉ. Còn anh nhận xét thế nào về cha mẹ em?
- Cha mẹ em thật hoàn hảo, lịch sự và hiểu biết, nhất là mẹ em đúng là người mẹ tuyệt vời như em đã ca ngợi, những món ăn của mẹ em làm đều ngon. Vậy anh cũng hỏi em câu tương tự như em vừa hỏi anh.
Kim Châu thoáng ngần ngừ:
- Thật tình thì em hơi ngạc nhiên.
- Em ngạc nhiên vì thất vọng phải không?
Và Thái thẳng thắn:
- Anh biết là cha mẹ em và cả em đã có sự thất vọng nào đó về mẹ anh. Anh muốn mẹ anh thế nào bà sẽ hiện ra thế ấy trước mặt gia đình em. Đó vẫn là người phụ nữ, người mẹ đặc biệt của đời anh.
Được Thái mở đầu nên Kim Châu cảm thấy dễ dàng hơn:
- Vâng, mẹ em và em cứ tưởng...
- Tưởng mẹ anh cao sang mệnh phụ như mẹ em? Anh đã đọc thấy ngay vẻ thất vọng của mẹ em trong giây phút đầu tiên khi mẹ con anh bước vào nhà. Chiều nay anh sẽ kể thật nhiều cho em nghe về mẹ anh.
- Anh kể đi, em rất muốn nghe.
Thái nhìn xuống dòng nước như nhìn xuống một dòng quá khứ đang lững lờ trôi:
- Cha mẹ anh yêu nhau từ thời chung trường Đại học Sư phạm và ra trường thì lấy nhau như mộng ước. Cả hai lại xin được việc dạy chung trường....
Kim Châu ngạc nhiên ngắt lời Thái:
- Thì ra mẹ anh cũng đã tốt nghiệp đại học và là cô giáo?
- Em cứ để yên nghe anh kể tiếp. Chuyện đời không êm đềm xuôi chảy mãi, cuộc sống hạnh phúc của cha mẹ anh rất ngắn ngủi, trong một lần cha mẹ anh theo nhà trường đi du ngoạn Đà Lạt. Chiếc xe chở giáo viên đã gây ra tai nạn thảm khốc làm nhiều người chết và bị thương. Mẹ anh tử nạn ngay tại chỗ, cha anh bị thương nặng và bị cưa mất một chân...
Kim Châu bàng hoàng kêu lên:
- Trời ơi...thế còn anh ?
- Lúc đó anh mới được 1 tuổi. Cha mẹ anh đã gởi anh cho người thân quen trông nom giùm để hai vợ chồng có dịp đi chuyến du ngoạn ấy nên anh thoát nạn. Không ngờ chuyến du ngoạn thành thảm cảnh.
Thái ngậm ngùi vài giây rồi tiếp tục kể:
- Cha anh thành người tàn tật với đứa con thơ dại, cha không dạy học được nữa. Ban đầu họ hàng xa gần và hàng xóm hết lòng giúp đỡ, sau dần dần cha anh phải vất vả biết bao nhiêu để vừa đi làm đủ thứ nghề lao động kiếm tiền vừa nuôi con. Thì người phụ nữ này xuất hiện, là mẹ anh bây giờ.
Kim Châu tò mò:
- Em hiểu phần nào rồi, sao nữa hả anh?
- Mẹ là hàng xóm, là một cô gái con nhà nghèo ít học, tuổi lỡ thì chưa lập gia đình bao giờ, đã yêu cha anh, đã cảm thương hoàn cảnh mà tự nguyện đến với cha anh mặc cho gia đình mình ngăn cản. Thế là mẹ gánh vác hết mọi chuyện nhà kể cả chuyện kiếm tiền nuôi sống gia đình 3 người vì càng ngày cha anh càng yếu sức do những di chứng từ vụ tai nạn kia. Thậm chí sau vài năm ăn ở với nhau mẹ anh vẫn không mang thai vì lỗi từ cha anh, nhưng mẹ vẫn an vui sống bên cha và yêu thương anh chẳng khác gì con do chính mẹ mang nặng đẻ đau. Mẹ biết nghề làm tương Bắc, cha anh đã phụ mẹ nấu nếp, ủ nếp, nhặt đậu nành và ngâm đậu nành, rồi canh chừng ủ đậu làm thành món tương Bắc thơm ngon để mẹ gánh rong ruỗi khắp các nẻo đường trong các khu xóm lao động, gánh tương Bắc của mẹ rất đắt hàng đã nuôi được cả nhà.
Kim Châu thầm thì:
- Mẹ anh có một tấm lòng...
- Nhưng số mẹ cũng chẳng hưởng hạnh phúc dài lâu, nếu cho rằng đó là cuộc sống hạnh phúc của mẹ. Năm anh 12 tuổi thì cha anh qua đời vì sức khỏe đã kiệt quệ. Dạo ấy mẹ vẫn còn trẻ, nhưng mẹ ở vậy để tần tảo nuôi anh ăn học. Thương mẹ nghe lời mẹ khuyên anh luôn chăm chỉ học hành, được học bổng du học sang Mỹ, ra trường bác sĩ. Anh bảo lãnh mẹ sang đây với anh để báo hiếu mẹ đã hy sinh cả thời thanh xuân cho cha con anh.
Kim Châu thán phục:
- Mẹ anh thật cao cả hơn tất cả những bà mẹ tuyệt vời khác trên cõi đời này.
- Anh còn nhớ năm anh 9-10 tuổi học bậc tiểu học, bị tụi học cùng lớp chế nhạo là “con bà bán tương” anh xấu hổ và giận mẹ lắm, về nhà anh cứ bắt mẹ bỏ nghề bán tương. Nhưng càng lớn anh càng hiểu và tự hào với gánh tương rong của mẹ anh.
Kim Châu đầy chân thành và cảm xúc:
- Em xin lỗi anh vì ban đầu gặp gỡ em cũng có chút thất vọng về mẹ anh. Có lẽ tại em sinh ra và lớn lên trong một gia đình quý phái và trí thức nên em tưởng mẹ anh cũng thế; nên khi nghe anh ca ngợi người mẹ đặc biệt của anh như em đã ca ngợi mẹ em.
Thái tiếp:
- Anh chỉ biết người mẹ ruột của anh qua hình ảnh và xa lạ như trong truyện cổ tích, nhưng người mẹ không hề sinh ra anh lại vô cùng gần gũi và thân thiết, bà đã yêu thương và nuôi nấng anh từ lúc hơn 1 tuổi cho đến khi anh trưởng thành. Mẹ bồng bế khi anh bé, mẹ thao thức khi anh nóng sốt khóc đêm, và mẹ cũng là người dắt tay anh, dỗ dành anh trong ngày đầu tiên anh cắp sách tới trường vừa đi vừa khóc vì nhút nhát và sợ hãi.
Thái kết luận ngọt ngào:
- Mẹ anh thế đấy.
Nàng xoay người ra đối diện Thái và đặt tay lên vai Thái:
- “Mẹ anh thế đấy”, anh nói thật đơn giản mà cả một ân tình anh dành cho mẹ, em cũng yêu mẹ anh biết chừng nào, và em sung sướng khi biết người mình yêu là một đứa con hiếu thảo, có tình có nghĩa.
Thái kéo tay nàng lại gần và ôm vai nàng:
- Cám ơn em đã yêu anh và yêu cả mẹ anh.
Kim Châu tựa đầu bên vai Thái, lòng nàng cũng êm đềm như làn gió mát buổi chiều từ hồ nước kia. Kim Châu nghĩ và tin là khi nàng kể câu chuyện này cho mẹ nàng thì mẹ sẽ hiểu ra, mẹ nàng cũng sẽ nể phục và ngưỡng mộ mẹ Thái. Bà mẹ của Thái vẫn luôn là người khách quý, người khách đặc biệt với gia đình nàng..
Nghĩ đến đây nàng thốt lên vui tươi và hạnh phúc:
- Anh Thái ơi, hôm nào em sẽ đến thăm mẹ anh nhé, người mẹ đặc biệt của anh và của em...
Nguyễn Thị Thanh Dương
July, 2013.