Trường học, trường đời, trường đạo


Trong những lần đi du lịch, tôi đã từng xách va-li đi khắp nước Mỹ thăm bà con bạn bè. Gặp những người chỉ hơn tôi vài tuổi nhưng đã nghỉ hưu, tôi hỏi:
- Nghỉ hưu rồi anh làm gì cho hết ngày?
- Thì anh lái xe đi vòng vòng, nước Mỹ thiếu gì chỗ đi chơi. Chủ Nhật ra gặp bạn bè uống cà phê nói chuyện.
- Nếu em được như anh thì em sẽ vô college học thêm.
- Học để làm gì?
- Thì để mình đọc sách báo nhiều hơn và hiểu biết nhiều hơn.
- Báo thì ngày nào anh cũng đọc. Báo họ cho không gởi về nhà thiếu gì, một tờ anh đọc hoài còn chưa hết thì đọc nhiều thêm làm gì?
Tôi đưa thẳng hai tay lên trời, đầu hàng không điều kiện.


Vui vẻ trường học


Thư viện Evergreen ở trên đường Aborn, tôi ở trên đường Burlingame way, tôi thường thả bộ ra thư viện mượn sách báo, hoặc dự mấy lớp học tiếng Anh. Lớp học đặc biệt, không cần ghi danh, nghỉ không cần xin phép, tự do thoải mái, nên tôi thường đi một buổi thì nghỉ năm ba buổi. Nhưng có một người mà khi mới gặp lần đầu chúng tôi đã kết bạn ngay. Đó là anh Lực.
Tên là Lực nhưng thực sự anh chẳng lực sĩ chút nào, anh cao gầy trông giống cây sậy của Pascal hơn, một cây sậy biết suy nghĩ và ham học hỏi. Anh đi học rất đều, không nghỉ buổi nào. Anh nói lớp học nhiều hôm chỉ có một mình anh, vậy là anh tha hồ học.
Nhà anh ở cạnh thư viện, cách một con đường, nhà tôi ở phía trước thư viện, cách hai con đường. Cứ gần đến giờ đi học thì anh gọi tôi, đến nơi chúng tôi tìm gặp nhau tâm sự. Anh Lực cũng là một giáo sư dạy ở trường Phú Nhuận ở Sài Gòn, nhiều bạn bè trong nghề dạy học chúng tôi cùng quen biết, vì vậy chúng tôi càng thân nhau hơn. Một hôm anh nói:
- Tôi đã làm đơn ghi danh học ở Evergreen College rồi, chị về làm đơn đi.
Anh chỉ cho tôi cách lấy mẫu đơn rồi làm mọi thủ tục. Tôi làm theo anh tất cả, nhưng cuối cùng anh thành công mà tôi thất bại.
Anh nhỏ hơn tôi mười tuổi, anh ít bịnh hơn tôi, anh thi lái xe năm lần mới đậu nhưng bây giờ anh lái xe chạy khắp mọi nẻo đường rồi, trong khi tôi vẫn còn dậm chân tại chỗ. Tôi đổi nhà rồi tôi đau ốm liên miên, vậy là tôi bỏ ngang việc đi học của tôi. Thế là tàn giấc mơ hoa. Ôi! Tuổi trẻ của tôi đâu rồi? Cái thời mà tôi có thể làm tất cả mọi việc, không sợ trời không sợ đất, đâu rồi?
Anh Lực đi học, anh rất hào hứng, thỉnh thoảng anh gọi tôi giục giã:
- Chi đi học đi, đi học vui lắm... Nói chị biết, mấy lần làm bài kiểm tra tôi đều nhất lớp, bây giờ vui lắm, bạn bè xin số điện thoại để gọi hỏi bài, Thứ Bảy Chủ Nhật họ gọi hỏi bài rối rít, rất vui...
Thỉnh thoảng anh lại gọi tôi và hối thúc:
- Chị ghi danh lại đi học đi. Chị và tôi học cùng một lớp không chừng đánh lộn nhau để dành chỗ hạng nhất đó...
Anh thua tôi mười tuổi nhưng anh đã hơn tôi hai năm học, hơn tôi cái bằng lái xe, anh vẫn hăng hái tiến về phía trước, chinh phục tương lai. Anh giỏi tiếng Pháp và toán, anh hy vọng sau khi học xong, anh có thể kiếm một việc làm trong trường, thì đó không những là giấc mơ vàng mà đúng hơn là giấc mơ kim cương của anh.
Trước khi đặt chân đến nước Mỹ, ước ao duy nhất của tôi là được đi học ở trường đại học nơi bắt đầu con đường chinh phục trí thức của nhân loại, nơi tiếp nhận ánh sáng của trí tuệ loài người. Tôi không hy vọng học được gì nhiều ở tuổi của tôi, nhưng tôi cũng muốn thử cảm nhận chút ít ánh sáng nào đó toả ra từ kho tàng kiến thức của một trường đại học Mỹ. Ánh sáng trí tuệ của nhân loại tôi nghĩ cũng giống như một bầu trời đầy sao. Tôi thích vẻ đẹp của bầu trời sao trí tuệ.

Lao đao trường đời

Hôm đó nhà tôi có khách. Một người cháu chồng đến thăm dẫn theo một cô cháu gái còn trẻ. Trông cô dày dạn phong trần. Cô gái tên Lan nói:
- Cháu qua đây mười hai năm rồi mà vẫn chưa có thẻ xanh. Hồi đó cháu đi làm việc cho công ty rồi cháu ở lại luôn.
- Vậy thì cháu học hành và làm việc như thế nào?
- Cháu ở chỗ nào cháu thích, cháu học những gì cháu thích học và làm việc gì cháu thích làm.
Tôi nói đùa:
- Tự do muôn năm!
Cả hai chúng tôi cùng cười. Tiếng cười âm vang như một cơn gió xào xạc thổi qua. Lan nói tiếp:
- Thời gian đầu cháu có làm ăn chung với bạn. Lúc đầu quán ăn đông khách bọn cháu kiếm được rất nhiều tiền, sau đó, kinh tế Mỹ đi xuống thì bọn cháu cũng xuống. Khi lên bọn cháu đi xe Lexus, khi xuống cháu trở về đi chiếc xe vài ngàn mua lúc mới qua. Chuyện được mất ở đời không có gì bận tâm. Cháu thấy có nhiều tiền cũng vậy mà có ít tiền cũng vậy. Khi chết mình đâu có mang theo được?
Chuyện triết lý về tiền bạc Lan nói như một người từng trải. Tôi hỏi:
- Vậy thì khi đau ốm cháu làm thế nào?
- Cháu cố gắng giữ khỏe mạnh đừng để đau ốm. Cháu tập thể dục và đi bộ mỗi ngày. Cháu cũng học thiền và tập hằng ngày.
Lan vừa nói vừa ngồi ngay xuống sàn nhà thực hành ngay cho tôi xem. Lan chỉ cách ngồi, cách để tay, cách hít thở. Lan rất nhiệt tình và thành thật. Tôi rất thích tính cách của Lan.
- Cháu nhờ tập thiền và ăn uống điều độ nên cháu đã tự chữa bớt nhiều bịnh, lúc trước cháu bị viêm xoang, bị đau đầu, bây giờ cháu bớt nhiều rồi.
Tập thiền và hít thở, coi thường được mất, vậy là Lan bắt đầu đi vào con đường tánh không rồi. Những người không có cuộc sống ổn định, không gia đình không sự nghiệp, tìm một chỗ dựa để đứng vững thì tôn giáo là chỗ tốt nhất, khôn ngoan nhất, an toàn nhất. Tôi thấy Lan đã học được nhiều điều từ các chùa, tư tưởng Phật Giáo đã ảnh hưởng đến cách suy nghĩ, cách sống, cách giải quyết việc đời của cô.

Trường đạo yên vui

Lan biết nhiều chùa và hay đi chùa. Lúc trước Lan rất thích ngôi chùa có ngàn tượng Phật của Nhà Sư Tuyên Hoá, bây giờ mỗi chủ nhật Lan hay đến Vô Ưu Thiền Viện để nghe giảng kinh và tập thiền. Lan thích ngôi chùa của Sư Cô Đồng Kính, học trò của Hoà Thượng Thích Thanh Từ. Tôi hỏi:
- Lan còn gia đình ở Việt Nam không? Lan có ý định trở về Việt Nam không?
- Mẹ cháu năm nay 76 tuổi ở Việt Nam nhưng cháu không lo. Cháu có người anh đang trụ trì một ngôi chùa ở Long Khánh. Một em gái của cháu cũng đang trụ trì một chùa, và phải lo thêm một chùa gần đó nữa. Mẹ cháu thoải mái, muốn ở nhà thì ở, muốn vô chùa nào thì vô.
- Thật không ngờ. Người ta chỉ mong có một con đường để lên Niết Bàn, mẹ của Lan có tới ba con đường. Bà thật là một người có phước.
- Cô em của cháu luôn luôn kêu gọi cháu về gánh bớt việc cho cô, nhưng cháu chưa có ý định về.
- Mười hai năm chưa đủ đi khắp nước Mỹ sao? Lan còn muốn tìm kiếm gì ở đây? Nếu bác có một ngôi chùa để đi về thì bác sướng như lên Niết Bàn rồi.
- Có chùa dễ lắm, thì bác biến cái nhà của bác thành cái chùa. Đức Phật còn ngồi tu dưới gốc cây mà bác.
Câu nói của Lan làm tôi giật mình. Lan nói phải, mỗi người tự có một cái chùa ở trong lòng mình nhưng không nhận ra, lúc nào cũng đi tìm một cái chùa ở nơi vọng tưởng xa xôi. Nhưng hình như chùa gần khó tu, cũng như người ta hay nói “Bụt nhà không thiêng”, thôi thì cứ đi tìm cái chùa xa xa, ở nơi vắng vẻ để nghiền ngẫm chuyện đời chuyện đạo.
Học ở trường đời và học nhiều ở trường đạo, Lan tỏ ra khá chín chắn nhưng vẫn còn cần nhiều kiến thức căn bản nếu muốn vươn lên làm một người thành công trong xã hội.
Trường học cho ta những kiến thức vô cùng quý giá, trường đời cho ta kinh nghiệm, rèn luyện ý chí và nghị lực, trường đạo cho ta cuộc sống yên vui. Có lẽ người nào theo học được cả ba trường mới thực sự là người thành công và hạnh phúc, phải không thưa các bạn?

Cao Thu Cúc